Nhờ đâu tình trạng trộm chó ở xứ Nghệ giảm?
Từ khi có barie, tình trạng câu trộm chó giảm hẳn, thậm chí có nơi không còn. Tuy nhiên, sáng kiến này cũng đem lại nhiều phiền toái cho người dân.
Huyện Nghi Lộc (Nghệ An) là một trong những nơi xảy ra nhiều vụ trộm chó nhất của tỉnh. Vài năm trước, “cẩu tặc” hoạt động nơi đây rất manh động và liều lĩnh.
Theo thượng tá Hồ Đình Phúc, phó trưởng công an huyện Nghi Lộc, những tên trộm chó trên địa bàn chủ yếu là nghiện ma túy, chúng liều lĩnh, sẵn sàng chống trả người dân truy đuổi. Lực lượng công an địa phương mỏng, địa bàn phức tạp nên việc truy quét tội phạm trộm chó cũng gặp không ít khó khăn.
Đặng Thế Hưng – đối tượng trộm chó bị bắt giữ năm 2011.
Từ sáng kiến của người dân, những chiếc barie được lập nên ở các trục đường nhằm chống lại những tên trộm chó. Barie được thiết kế có khóa, 22h30, tất cả các con ngõ vào thôn xóm đều bị khóa lại. Sau thời gian này, ai muốn ra ngoài hay về muộn phải liên hệ với người giữ chìa khóa.
Video đang HOT
Mô hình này bắt đầu từ xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc. Đây là địa bàn nằm gần quốc lộ 1A, thuận tiện cho việc đi lại nên xảy ra nhiều vụ trộm chó.
Năm 2010, những chiếc barie bắt đầu được dựng lên. Tình trạng trộm chó trên địa bàn xã này cũng giảm hẳn.
Bà Hoàng Thị Thanh (76 tuổi), ở xóm 7, xã Nghi Long cho biết, khi chưa có barie, tình trạng câu trộm chó ở xóm này diễn ra thường xuyên. Nhóm “cẩu tặc” rất manh động, sẵn sáng dùng đao, kiếm, bình xịt tấn công lại người dân khi đuổi bắt. Từ khi có barie, “cẩu tặc” giảm hẳn, thậm chí không còn.
Là người giữ chìa khóa một barie của xóm 2, ông Nguyễn Văn Châu chia sẻ rằng, kể từ khi có barie không những giảm tình trạng câu trộm chó mà tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng được đảm bảo. Ông cho biết, cứ 22h30 barie trong xóm đóng và 5h hôm sau mở ra để người dân đi làm.
Trưởng công an xã Nghi Long thừa nhận, kể từ khi có barie, lực lượng công an đỡ vất vả hơn nhiều.
Thấy việc lập gần 100 barie chống trộm chó của xã Nghi Long có hiệu quả, các xã trong huyện này như Nghi Thịnh, Nghi Xá, Nghi Thuận, Nghi Hợp… cũng tự bỏ tiền xây dựng mô hình tương tự.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết, sau khi thấy người dân lập barie rầm rộ, xã đã đưa việc này ra họp bàn, đa số người dân đều ủng hộ. Chính vì thế chính quyền xã thống nhất để barie hoạt động.
Bên cạnh những ý kiến tán đồng, có một số người dân cho rằng lập barie cũng gây không ít phiền toái họ. Đó là việc đi lại sau “giờ giới nghiêm”. Ngoài ra, từ khi có barie tình cảm giữa các xóm đã bị chia rẽ.
Tháng 4/2014, UBND tỉnh Nghệ An ra công văn số gửi các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn về việc tháo dỡ các barie tự phát để đảm bảo an toàn giao thông. Theo đó, những barie dựng ra là trái quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, kể từ khi công văn của tỉnh có hiệu lực, tình trạng câu trộm chó có chiều hướng quay trở lại. Ông Đinh Văn Quang, xóm trưởng xóm 7 xã Nghi Long cho biết, hai tháng trở lại đây, xóm của ông đã bị trộm câu 5 con chó.
Dù “cẩu tặc” xuất hiện trở lại, nhưng ông Quang vẫn bày tỏ quan điểm không nên để barie vì nó ảnh hưởng đến nhiều vấn đề. Ông xóm trưởng kiến nghị các ban ngành liên quan cần tăng cường trấn áp tội phạm, phối hợp thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục cho công dân, đồng thời yêu cầu người dân cần nêu cao cảnh giác.
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An, từ cuối tháng 4 đến nay, những chiếc barie này không còn hoạt động nữa mà sẽ bị dỡ bỏ.
Đánh giá về tình trạng cẩu tặc trong mấy năm trở lại đây, thượng tá Hồ Đình Phúc cho biết, trước đây tình hình trộm chó ở huyện Nghi Lộc khá phức tạp. Tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây, bằng nhiều biện pháp khác nhau nên tình trạng này đã giảm đáng kể.
6 tháng đầu năm 2014, công an huyện mới phát hiện, bắt giữ và xử lý 2 nhóm “cẩu tặc”. Số thanh niên này đa phần còn trẻ tuổi.
Để đạt được hiệu quả này, thượng tá Phúc nói công an, toà án và VKSND quyết xử lý những “cẩu tặc” thật nghiêm minh. Với những trường hợp có nghi vấn trộm chó, nghiện ma tuý sẽ lập hồ sơ đưa vào trung tâm cai nghiện. Năm 2013, huyện này đã lập được 19 hồ sơ đưa vào trung tâm cái nghiện, 7 thanh niên đưa vào trung tâm giáo dưỡng.
“Chúng tôi tổ chức kiểm điểm “cẩu tặc” trước quần chúng và mời truyền hình về quay phát lên các phương tiện truyền thông để toàn dân xem và nghe. Cạnh đó, công an huyện cũng giao cho các cá nhân bám sát địa bàn, nếu có tình trạng trộm chó xảy ra chậm xử lý sẽ bị kiểm điểm nghiêm khắc”, ông phó trưởng công an huyện Nghi Lộc tự tin nói về việc giảm các vụ trộm chó khi không cần đến barie.
(Còn nữa)
Theo Phạm Hòa (Zing.vn)