Nhờ công an can thiệp vụ nợ nần của đại gia thủy sản
Sau khi nghiên cứu đơn tố cáo Công ty TNHH KM Phương Nam, cơ quan tiếp dân Sóc Trăng trả lại hồ sơ, hướng dẫn các chủ nợ đến cơ quan điều tra hoặc tòa án.
Chiều ngày 12/10, tám nhà thầu xây dựng nhà máy chế biến thủy sản cho Công ty TNHH KM Phương Nam (Sóc Trăng) đã gửi đơn đến Công an huyện Kế Sách (Sóc Trăng) để yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ việc bội tín của chủ đầu tư. Đây là động thái mới của các chủ nợ sau khi bị cơ quan tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng trả lại đơn được gửi ngày 26/9.
Làm việc với các nhà thầu, cán bộ tiếp dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, thẩm quyền giải quyết là cơ quan điều tra và TAND huyện Kế Sách. Khi các nguyên đơn trình bày rằng TAND huyện Kế Sách lúng túng, không biết có nên thụ lý tiếp đơn kiện hay không thì cán bộ tiếp dân hướng dẫn gửi cho cơ quan điều tra nhờ can thiệp.
KM Phương Nam ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng. Ảnh: Thiên Phước
Liên quan đến nợ nần của KM Phương Nam, ông Nguyễn Thế Thắng, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng cho biết, theo hợp đồng tín dụng, ngân hàng cho doanh nghiệp vay 195 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi (6,9% một năm). Hiện, VDB đã giải ngân được khoảng 175 tỷ đồng, số còn lại chưa phát vay vì phía ngân hàng chưa nhận được hồ sơ từ phía doanh nghiệp.
“Ngày 13/10 tôi có cuộc họp với lãnh đạo VDB tại Hà Nội. Nợ nần của KM Phương Nam vượt thẩm quyền quyết định của chi nhánh nên tôi sẽ cùng lãnh đạo cấp cao hơn bàn thảo rồi mới đi đến quyết định xử lý”, ông Thắng cho biết thêm.
Video đang HOT
Theo một nhà thầu, số tiền VDB chưa cho KM Phương Nam vay theo hợp đồng tín dụng ưu đãi rất khớp với số nợ mà doanh nghiệp nợ các chủ nợ. Khi làm việc với lãnh đạo Công ty Phương Nam (công ty mẹ), nhà thầu được giải thích rằng nguyên nhân chưa được vay thêm là do trước đây nhà máy thủy sản KM Phương Nam chỉ có dây chuyền sản xuất cá. Khi triển khai, Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân cho làm thêm dây chuyền sản xuất tôm đông lạnh xuất khẩu nên phía ngân hàng yêu cầu bổ sung hồ sơ.
Đầu năm nay, khi Công ty Phương Nam có dấu hiệu lún vào nợ nần, việc bổ sung hồ sơ để được vay tiền tiếp đã bị “lãng quên”. Đây là nguyên nhân nhiều nhà thầu làm hồ sơ nghiệm thu dự án với KM Phương Nam nhưng vẫn chưa được trả tiền.
KM Phương Nam là công ty con của Công ty Phương Nam, thành lập cuối năm 2007 với vốn điều lệ 110 tỷ đồng. Từ một doanh nghiệp thủy sản ăn nên làm ra, đứng thứ 9 trong top 10 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu tiêu biểu năm 2011, nhưng năm nay, Công ty Phương Nam lún vào nợ nần và công ty con bội tín với nhiều nhà thầu.
Công an huyện Kế Sách đang xem xét đơn tố cáo của các chủ nợ đòi tiền KM Phương Nam để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Theo VNE
Tòa 'lúng túng' với đơn kiện đại gia thủy sản
Tiếp nhận nhiều đơn kiện đòi nợ Công ty TNHH KM Phương Nam, song TAND huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) tỏ ra "lúng túng" vì chưa xác định được thẩm quyền xét xử.
Suốt tuần qua, nhiều doanh nghiệp là nhà thầu xây dựng và đối tác của Công ty TNHH KM Phương Nam ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đứng ngồi không yên vì chưa nhận được thông báo thụ lý vụ kiện.
KM Phương Nam có trụ sở, tài sản tại huyện Kế Sách nên luật sư hướng dẫn các nguyên đơn nộp đơn kiện đến TAND huyện Kế Sách. Ảnh: Thiên Phước
Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ kỹ thuật P.S.L (Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, KM Phương Nam còn nợ trên 800 triệu đồng theo hợp đồng bốc dỡ hàng hóa nhưng không thấy trả. "Tôi nộp đơn kiện cùng ngày với các nhà thầu khác nhưng chưa nhận được thông báo của TAND huyện Kế Sách về việc thụ lý trong khi các công ty kia đều đã có", ông Sơn cho biết.
Tương tự, 3 nguyên đơn khác kiện đòi nợ KM Phương Nam ở toà này nhưng chưa nhận được thông báo thụ lý.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Thanh Tùng, Chánh án TAND huyện Kế Sách cho biết, 2 tháng trước toà từng xử KM Phương Nam thua kiện, buộc trả cho Công ty cổ phần Cơ khí công nghệ cao Đại Dũng 2 (TP HCM) cả vốn lẫn lãi trên 900 triệu đồng. Tuy nhiên, theo trình bày của các nguyên đơn thì bà Trịnh Thị Hồng Phượng không còn làm Giám đốc KM Phương Nam và tài sản đã bị một ngân hàng ở thành phố Sóc Trăng tiếp quản.
"Chúng tôi phải hướng dẫn nguyên đơn nộp đơn khởi kiện ra TAND thành phố Sóc Trăng và chuyển hồ sơ đã thụ lý để tòa án nơi đây giải quyết theo thẩm quyền", ông Tùng nói.
Nhiều nhà thầu đồng loạt ký đơn gửi đến UBND tỉnh Sóc Trăng và cơ quan chức năng nhờ can thiệp chuyện nợ nần của đại gia thủy sản. Ảnh: Thiên Phước
Tuy nhiên, sau khi xem quyết định của Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân về việc bổ nhiệm ông Huỳnh Phúc Quế làm Giám đốc KM Phương Nam thay bà Phượng, Chánh án TAND huyện Kế Sách cho biết sẽ phân công thẩm phán làm việc với ông Quế và phía ngân hàng. Theo ông, nếu nhân sự của KM Phương Nam còn và tài sản chưa được chuyển giao cho chủ sở hữu mới thì TAND huyện Kế Sách tiếp tục giải quyết các vụ án.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ) cho biết, trong thời điểm này các nguyên đơn đòi nợ KM Phương Nam tại TAND huyện Kế Sách là đúng vì trụ sở và tài sản của bị đơn tại địa bàn huyện Kế Sách.
"Nếu không có yếu tố nước ngoài thì nguyên đơn nộp đơn tại TAND huyện Kế Sách. Như vậy vừa đúng luật, vừa đảm bảo cho quá trình thi hành án sau này", ông Đức phân tích.
KM Phương Nam là công ty con của Công ty Phương Nam, thành lập cuối năm 2007 với vốn điều lệ 110 tỷ đồng. Từ một doanh nghiệp thủy sản ăn nên làm ra, đứng thứ 9 trong top 10 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu tiêu biểu năm 2011, sang năm 2012, Công ty Phương Nam có dấu hiệu lún vào nợ nần.
Theo VNE
Nhiều nhà thầu kiện đòi nợ đại gia thủy sản Trực tiếp đòi tiền không được, 3 doanh nghiệp xây dựng đã nộp đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án buộc công ty của đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân trả nợ. Ngày 27/9, TAND huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) đã thụ lý vụ án Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Tiến Thịnh, Công ty TNHH Hoàng Vĩnh An...