Nhớ chả nhái miền quê
Mỗi khi những cơn mưa rào đổ xuống, những người trong xóm tôi lại kháo nhau “Hôm nay mưa mưa rào, chắc ếch nhái nhảy lên nhiều lắm. Tối nay đi soi nhái làm chả đi”.Tôi lại được đi soi nhái cùng chú.
Ngày xưa nhái nhiều chứ bây giờ thì không có mấy. Cứ vào những buổi tối ấy, các chú nhái lại thi nhau nhảy lên bờ để kiếm ăn và tận hưởng không khí mát mẻ sau một ngày mưa rào. Chỉ cần một chiếc đèn pin, một cái bao tải nho nhỏ đựng tro bếp để khi cho nhái vào chúng khỏi nhảy lung tung là có thể có được một bữa tiệc nhái.
Mỗi buổi tối bỏ ra khoảng 2 tiếng là được một bữa chả nhái thoải mái, khoảng hơn 1kg nhái lột. Nếu soi được nhiều mà không căn hết có thể lột sạch và đem bán, có khi còn kỳ công làm rồi gửi lên Hà Nội cho anh em thưởng thức. Vì chả nhái ăn ở quán sẽ không ngon và chất lượng bằng của mình tự làm.
Mỗi lần các bác về quê, gặp trận mưa rào chú tôi lại rủ đi soi nhái làm chả thết các bác. Ai nghe nói tới chả nhái cũng thấy háo hức và ứa nước miếng trong cổ họng, những cảm nhận về hương vị của món chả nhái lại ùa về như vừa mới ăn hôm qua.
Đây là món đặc sản, dễ ăn, phù hợp với mọ lứa tuổi, có nhiều chất dinh dưỡng, hương vị thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng, nhiều khi muốn ăn cũng khó mua được. Vì món nhái làm công phu, cầu kỳ và mất thời gian nên không phải ai cũng đầu tư thời gian để được thưởng thức.
Từ nhái có thể làm rất nhiều món khác nhau như lẩu nhái, nhái om, chả nhái, nhái xào xả ớt… Nhưng có hai món mà người dân quê tôi ưa chuộng là món chả nhái và nhái nấu măng.
Nhái sau khi soi về sẽ được lột và làm sạch, bỏ đầu nhái. Từ nhái lột, sẽ phải giã nhuyễn, càng nhuyễn càng tốt (có thể dùng ngón cái và ngón trỏ để kiểm tra độ nhuyễn của nhái, khi nào tay có cảm giác mịn là được), xương nhái sẽ bùi, sau đó nêm gia vị, sả, ớt, lá chanh… Trước khi giã, cho củ nghệ vào cối dập nhỏ rồi mới cho nhái vào giã. Như vậy, các món nhái sau được chế biến sẽ có màu vàng và mùi thơm hấp dẫn của nghệ. Nhái được giã xong sẽ có màu đốm đỏ của ớt, màu đốm xanh của lá xanh, mùi thơm của sả và màu vàng của nghệ…
Khi rán chả nhái, cần dát mỏng thịt nhái thành hình tròn (hay vuông tùy ý) trên lá chuối xanh được thoa mỡ chống dính, dày từ 5 – 7mm, đợi mỡ nóng già lên rồi mới cho chả vào. Cần khéo léo úp miếng chả đã dát trên lá chuối vào chảo rán, tránh chả nát và mỡ bắn vào tay. Như vậy khi rán lên chả sẽ dai, mùi thơm hấp dẫn. Nếu muốn nấu măng thì viên thịt nhái lại như hình quả chứng cút, thả nước sôi cho tái rồi cho lẫn vào măng nấu chín.
Ăn chả nhái cũng phải có những thứ đi kèm mới đúng kiểu và ngon. Thông thường người dân quê tôi ăn chả nhái với bún. Chả nhái khi ăn nên dùng tay xé ra đĩa (nếu cắt nhìn sẽ không ngon), ăn với nước chấm và ăn với bún, nếu không thích ăn khan có thể dùng với canh nhái nấu măng. Vừa ăn vừa cảm nhận hương vị tuyệt vời của món ăn đặc sản này.
Chả nhái có vị cay của ớt, vị béo của mỡ, vị thơm ngon của thịt nhái và các loại gia vị, màu vàng tươi và bóng loáng của nghệ. Nhìn thì ngậy nhưng ăn vào không hề có cảm giác ngán. Ăn một miếng rồi lại muốn ăn nữa. Nếu ai đã từng thưởng thức món này thì khó có thể quên hương vị tuyệt vời của nó.
Theo Lao Động