Nhờ cha mẹ thay đổi suy nghĩ, gia đình tôi đón tết vui hơn
Mấy năm trước, cứ gần đến tết là anh em tôi lo lắng vì không biết có về quê đón tết cùng cha mẹ được không. Nhưng năm nay, nỗi lo đó không còn khi cha mẹ tôi quyết định vào đón tết cùng con cháu.
Nhà tôi có ba anh em, hai trai, một gái, đều có gia đình riêng và lập nghiệp ở miền Nam, ở quê chỉ có cha mẹ. Hơn 10 năm qua, gia đình tôi chưa một lần được đón tết đông đủ. Anh em ở trong này khá gần nhau, nhưng cuộc sống còn khó khăn nên chỉ có thể luân phiên về ăn tết cùng ông bà.
Dịp tết, mỗi gia đình về quê, chi phí cũng mất hơn chục triệu đồng. Trong khi đó, lương bổng chỉ ở mức đủ sống, vợ chồng em gái còn đang ở trọ. Có năm, mấy anh em đều không về được vì con ốm hay bận việc đột xuất, cha mẹ phải đón tết trong lặng lẽ.
Mọi năm, anh em tôi luân phiên về quê ăn tết nên không đầy đủ các thành viên. (Ảnh minh họa).
Thương cha mẹ rất nhiều, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chúng tôi không thể làm khác được. Vậy nên, năm nay, anh em tôi rất ngạc nhiên khi vào nửa tháng Chạp, cha tôi gọi điện vào bảo: “Tết này, mấy đứa đừng về, ba mẹ sẽ vào ăn tết cùng”.
Nghe thế, nhà nào cũng chộn rộn, nửa mừng nửa lo. Mừng vì không phải vất vả mua vé tàu xe, gửi gắm nhà cửa để về quê. Lo vì không hiểu sao cha mẹ lại có sự thay đổi suy nghĩ đột ngột như thế, bởi cha tôi luôn quan niệm, mấy ngày tết phải ở nhà để thờ cúng tổ tiên chu đáo. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng khấp khởi chờ đợi một cái tết sum vầy.
Cha mẹ tôi đón xe vào thành phố ngày 25 tháng Chạp với bao nhiêu là hành lý. Hương vị tết quê hương được gói trọn trong những thùng xốp đầy ắp quà, từ trứng gà nhà được mẹ ủ trấu cẩn thận đến cả rau dưa, nếp, thịt heo, thịt gà được cha đóng thùng đá mang vào. Ông bà từ chối đi máy bay cũng vì hành lý khá đặc biệt này.
Video đang HOT
Tôi đón cha mẹ về nhà nghỉ ngơi, chia quà cho anh chị. Đến ngày 28 tháng Chạp, cả nhà tập trung ở nhà anh trai cả để gói bánh chưng và làm tiệc tất niên. Dù ở một nơi không phải quê nhưng anh em chúng tôi đều được sống lại không khí tết đoàn viên khi gia đình có mặt đông đủ.
Lúc đó, cha mới nói, từ nay sẽ phải thay đổi cách đón tết để các con đỡ vất vả mà gia đình được sum họp. Tính ra, giá vé từ ngoài quê vào thành phố rẻ hơn nhiều so với chiều ngược lại vào những ngày tết, cha mẹ vào cũng đỡ chi phí cho các con. Dù đi xe có vất vả nhưng được ăn tết đầy đủ cùng con cháu cũng cảm thấy vui. Vào dịp hè, các cháu được nghỉ, thời tiết miền Bắc đỡ khắc nghiệt thì về quê cũng thoải mái hơn.
Cả nhà cùng gói bánh chưng không khác gì ở quê. (Ảnh minh họa)
Khi chúng tôi hỏi chuyện hương khói tổ tiên mấy ngày tết ở quê, cha bảo: “Nhà cửa và việc thờ cúng ông bà, ba đã nhờ chú làm giúp chứ không phải bỏ đâu”. Cha tôi còn dặn: nơi nào có đông đủ anh em, cha mẹ thì ở đó tết vui chứ không cần câu nệ.
Mấy ngày tết, chúng tôi cùng đưa cha mẹ đi chơi, tận hưởng không khí đón xuân ở miền Nam rất vui vẻ. Gia đình tôi đã có một cái tết sum vầy, ấm áp và thoải mái. Đến mồng Sáu tết, ông bà lại về quê để làm lễ cúng đầu năm.
Nhờ cha mẹ thay đổi suy nghĩ mà tết trở nên vui hơn, giảm áp lực và lo lắng cho các con. Chúng tôi thật sự cảm ơn cha mẹ mình rất nhiều.
Duy Cường
Theo phunuonline.com.vn
Tết của những bạn trẻ xa nhà
Cánh cửa năm mới đã dần hé mở, bên cạnh niềm vui đoàn viên của nhiều gia đình thì đâu đó trong thành phố này, vì nhiều lí do mà vẫn còn những sinh viên phải chịu cảnh ăn tết xa nhà.
Nhiều bạn trẻ bắt đầu đổ xô về quê đón tết.
Những ngày cuối năm, lòng thành phố như lắng xuống, hầu hết mọi người đều ngược xuôi để về quê đón tết. Các quán hàng, trường học cũng không còn nhộn nhịp, thi thoảng mới nghe thấy tiếng rao của mấy cô hàng rong đầu ngõ. Thế nhưng, trong một góc của khu ký túc xá vẫn còn đâu đó nỗi buồn cô quạnh của những bạn trẻ bởi tết này họ không được đoàn tụ bên gia đình.
Đôi mắt của Đỗ Thị Huyền, cô sinh viên năm 4 trường đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh có vẻ đượm buồn khi nhớ về những cái tết ở quê. Năm nay đã là năm thứ 2 Huyền không được tự tay dâng nén hương lên bàn thờ của bố, không được cùng mẹ gói bánh chưng và quây quần bên mâm cơm của gia đình chiều 30 tết.
Khác với những bạn trẻ cùng trang lứa, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ làm lụng vất vả nuôi 3 con ăn học nên từ những ngày đầu vào Sài Gòn, cô gái Phú Thọ đã cố gắng tự lập để đỡ đần một phần gánh nặng cho mẹ ở quê. Ngoài giờ học, Huyền tranh thủ xin làm các công việc partime ở nhà hàng để có thêm tiền trang trải cuộc sống.
Tết, ai mà không muốn về nhà, ai mà không muốn sum họp bên bạn bè, người thân. Huyền cũng vậy nhưng cuộc sống khó khăn, ăn còn bữa được bữa mất thì thử hỏi lấy đâu ra tiền mà mua vé về quê. Có lẽ, nỗi ám ảnh lớn nhất của những sinh viên là phải đối mặt với cái tết buồn ở thành phố. Huyền nói trong nước mắt: Sài Gòn lạ lắm, bình thường đông đúc bao nhiêu thì tết lại tĩnh lặng bấy nhiêu, đường vắng tanh, mọi người đều về hết, nhiều khi tủi thân chỉ biết ôm mặt khóc rồi gọi về nhà để được nghe tiếng mẹ.
Khi được hỏi về cảm giác đón tết xa quê, đa số các bạn trẻ đều tỏ ra buồn, hụt hẫng, một số không giấu khỏi sự xúc động. 3 năm học ở Sài Gòn nhưng đây là lần đầu tiên chàng trai Nguyễn Duy Thanh, trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn phải ngậm ngùi chịu cảnh ăn tết xa nhà.
Vì không muốn bố mẹ vất vả nên tết này, sau khi tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện, Thanh quyết định ở lại thành phố kiếm việc làm thêm để có tiền lo cho kỳ thực tập và trang trải học phí. "Năm nay em không được ngồi cùng bố mẹ và em gái để đón giao thừa, em không biết mình có đủ dũng cảm để vượt qua những ngày tháng lạnh lẽo, cô đơn này không", Thanh trải lòng.
Nhiều bạn trẻ xa quê tham gia các hoạt động xã hội vào dịp Tết Nguyên đán.
Đến từ quê hương miền Trung đầy nắng và gió, cô gái Lê Thị Trang, Học viện Hàng không Việt Nam mang theo nhiều hoài bão và cô luôn trăn trở về một tương lai ổn định ở thành phố. Có lẽ, Trang đã dự đoán được về những cái tết xa quê vì tính chất công việc mà cô chọn đều khác với những ngành nghề khác.
Năm thứ 2 ở lại Sài Gòn ăn tết, cô gái người Hà Tĩnh vẫn còn cảm giác buồn, bỡ ngỡ. Trang tâm sự, những ngày cuối năm nhìn bạn bè dọn đồ, xách vali về quê, thật sự mình cũng muốn bỏ tất cả đề về bên gia đình. Nhiều khi ngồi một mình, nhớ nhà, chỉ biết lục lại mấy bức hình để coi.
Bên cạnh công việc trong kỳ nghỉ tết, Trang còn dành thời gian tham gia nhiều hoạt động như: gói bánh chưng, vui tết cùng trẻ em... trong chiến dịch Xuân tình nguyện, những việc làm tuy nhỏ nhưng góp phần lan tỏa tình yêu thương và giúp Trang với bớt nỗi nhớ nhà.
Nhằm hỗ trợ các sinh viên đón tết xa nhà, vừa qua, Hội Sinh viên Thành phố cũng tổ chức buổi họp mặt và trao 2.000 phần quà tết, hy vọng đây sẽ là nguồn động viên, khích lệ tinh thần cho các bạn trẻ, giúp các bạn nguây ngoai bớt phần nào khi không có gia đình ở bên.
Theo thegioitiepthi.vn
Con muốn Cha mẹ, con ghét Tết! Tết đến xuân về, luôn luôn là một ngày đặc biệt duy nhất trong năm và cũng là ngày để mọi thành viên trong gia đình tụ họp sum vầy, quây quần bên nhau, những đứa trẻ thì rất háo hức chuẩn bị và mong ngóng mặc quần áo mới, gói bánh chưng và... nhận lì xì. Tết vui là thế! Hạnh phúc...