Nhớ cá đìa ngày giáp Tết
Tôi ở với quê ngoại tận U Minh, một làng quê nghèo khó.
Khi mai vàng lác đác nở ngoài sân, gió chướng bắt đầu thổi mạnh, bà con đã gặt lúa vô bồ, nhà cửa sơn quét sạch sẽ, thời gian này vào khoảng 28 – 29 âm lịch, cũng là lúc bà con ta chụp cá đìa và chia thịt heo ăn tết, đón xuân.
Cá là món ăn rất gần gũi với bà con, có nhiều người ăn cá từ khi mở mắt chào đời cho đến ngày răng long tóc bạc. Cứ đầu mùa mưa, cá từ những lung, bàu lũ lượt kéo nhau lên đồng tìm kiếm thức ăn và sinh đẻ bảo tồn nòi giống. Dù rong ruổi xa xôi, nhưng đến mùa gió chướng từng đàn cá lũ lượt kéo nhau về lung, bàu. Vì mãi mê tìm kiếm thức ăn, có nhiều loại cá phải vượt cạn. Biết được tập tính, đời sống của loài cá đồng, bà con ta thường đào đìa, lên vuông để cá xuống ở trong mùa nước rút, xem như đó là cá dự trữ.
Trong công đoạn chụp đìa, đa số gia đình mướn lưới về tự chụp bắt cá. “Khẩu đìa” sắp chụp, trước tiên dọn sạch cỏ dại, lục bình chờ nước lắng trong là bắt đầu ken lưới. Ken lưới phải ken hai lần. Lưới ken lần nhất độ sâu cách đáy đìa chừng 1 mét và dùng cây ghim hở bằng sóng bẹ dừa xuống viền lưới khoảng cách từ 1,5 mét – 2 mét, để cá lên thở, ngớp được dễ dàng…
Cùng nhau bắt cá vang động một góc ruộng. Ảnh: IT.
Sau khi ghim xong đợt một, phải ngồi chờ khoảng từ 2 rưỡi đến 3 giờ để cá ở dưới đáy lưới trồi lên thở và ở luôn trên lưới. Thời gian rảnh rỗi, họ tổ chức nhậu, mồi là những con rắn, con cá… chiến lợi phẩm thu hoạch lúc dọn cỏ, phát đìa.
Khi cá ở gọn trên lưới, bắt đầu ken lần thứ hai khoảng cách chừng 3 tấc để con cá không trở xuống đáy ao được. Bà con chờ chừng 30 phút thì kéo lưới. Lưới kéo từ cuối đìa dồn đến miệng đìa, nếu nhiều cá, cá rộ lên phóng đủ hướng, phải có nhiều người đỡ tùng hai bên. Ai không biết, bợ tùng ở dưới cá xắn vào gây tức ngực và sẽ là trận cười cho bà con.
Thường lệ chụp đìa bà con xúm xít đông vui, mỗi người mỗi việc, biểu lộ tình thương nhau. Người thì vợt cá cho vào thùng, vào giỏ, lựa cá, phân loại cá, số cá nào lọt búng, còn mạnh được thả xuống đìa nuôi tiếp. Số nào bán thì cân tại đìa, số còn lại được khuân vác vào nhà. Nơi đây, chủ nhà sẽ gởi tặng bà con mỗi người một ít cá gọi là ăn “lấy thảo”. Riêng các cô, các bà đem dao, thớt đến tiếp làm mắm, làm khô cùng gia chủ.
Qua ngày sau bà con làm heo chia thịt để cùng nhau ăn Tết. Theo ông bà xưa đi khai hoang kể lại. Gia đình nào nuôi được con heo mập ú, thường rủ bà con chia thịt. Số lượng thịt chia được tính rạch ròi theo giao ước thỏa thuận bất thành văn; ví dụ: 1 ký thịt = 1 giạ lúa; 1,5 ký thịt sườn = 1 giạ lúa; 2 ký thịt đầu hoặc 2 ký xương, giò = 1 giạ lúa, cân nhiều hay ít tùy theo số lượng từng gia đình.
Video đang HOT
Chia thịt theo ý thích từng gia đình, không cần có tiền sẵn, không phải trả ngay bằng lúa, bằng gạo trong những ngày cận Tết. Mà chỉ trả lúa khi mùa màng năm tới thu hoạch.
Từ mờ sáng tinh sương, bà con bơi xuồng trên kinh rạch gọi nhau ơ ới, thức dậy đi chia thịt heo. Gia đình làm heo không cần phải là những người giết mổ heo chuyên nghiệp, mà trong xóm có vài ba người biết làm thịt tình nguyện xung phong “giết mổ” và “ra thịt” chia cho bà con. Đặc biệt, những gia chủ có heo chia thịt, thường để lại những phần thịt như thịt lòng, gan, tim, cật, nấu nồi cháo mời bà con chung vui cùng chén rượu với nụ cười hào sảng đậm đà tình quê.
Gói bánh chưng, bánh tét, râm ran chuyện trò. Ảnh: IT.
Trong những ngày Tết ở vùng quê xa chợ, bà con có thịt, có cá, có bánh chưng, rượu gạo để đón xuân là niềm mong ước, nơi đây không có điều kiện như ở thành phố, muốn ăn là mua được ngay. Hơn nữa, bà con chia thịt có thịt tươi làm được nhiều món ăn dâng lên bàn thờ ông bà, cha mẹ đã qua đời. Cầu mong cho con cháu chăn nuôi, trồng trọt bội thu, phát tài, phát lộc… Về phía gia chủ, chia thịt heo có thêm được số lúa dự trữ ăn trong năm.
Chia thịt xong, nhà nào cũng có thịt mang về chế biến, mùi rơm rạ quyện vào không gian, không khí Tết rộn rã, thanh bình của một làng quê vốn bình dị, êm ả. Những đứa con miền quê nghèo như chúng tôi nhớ đói lòng khi nhìn miếng thịt heo kho rệu với cá, những chiếc bánh chưng, bánh tét đậu xanh kèm theo nhung mỡ thịt béo ngậy, mà chỉ được ăn khi chia thịt heo trong dịp xuân về.
Tục chia thịt heo cùng chụp cá đìa dần dần đi vào dĩ vãng. Còn chăng là trong nỗi hoài niệm “nhớ thương mùi Tết”.
HƯNG PHÚ
Theo thegioitiepthi.vn
Khi mùa Tết thiếu đi một vị để thành xuân
Những giấc mơ cứ đến bên tôi dày đặc hơn trong những ngày cuối năm.
Trong tiết trời se lạnh hiếm hoi của một miền quê Nam Bộ, dường như ký ức là một một điều gì đó không thể thiếu để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh mỗi độ xuân về. Tôi nhớ bà, người đã tạo nên trong tôi những mùa xuân kỳ diệu.
Tôi sống cùng bà trong căn nhà lá ba gian đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, xung quanh được bao bọc bởi những hàng dừa xanh ngát thẳng đứng, độ chừng hai chục mét. Đôi tay bà thay mẹ tập tôi cầm đũa trong những bữa cơm, nắm tay tôi đến trường trong ngày đầu tiên đi học. Tấm lưng gầy của bà thay cha cõng tôi trong những ngày con đường làng vì cơn mưa đêm tầm tả mà tạo nên những vũng đầm lầy.
Bà dắt tôi đi qua bao nắng mưa của trời, dạy tôi biết yêu thương qua từng câu hát, câu hò trong những ngọn sóng của con sông quê những trưa cùng bà chèo thuyền đi đổi gạo. Bà dạy tôi biết cội, biết nguồn, biết tin yêu vào truyền thống của ông cha trong những buổi chiều 23 cùng bà đưa ông Táo kèm theo những lời khấn cầu "cho gia đình bình an, mạnh khỏe", hay những đêm giao thừa mắt nhắm mắt mở cùng bà canh nồi bánh tét để cúng ngày đầu năm...
Ảnh: Nguyễn Minh.
Rồi sau những tháng xa nhà, xa bà đi học, tôi lại được ôm lấy bà và luyên thuyên kể bà nghe về thành phố nơi tôi sống, một thành phố "không bao giờ ngủ vì tiền không bao giờ đủ".
Tôi sẽ kể bà nghe về căn phòng trọ tôi sống, nơi được bao bọc bởi bốn bức tường vẻn vẹn mười hai mét vuông gồm cả chỗ ngủ, nhà tắm và bếp. Nơi mà tôi đã loay hoay suốt bốn năm đại học rồi tiếp theo đó là những năm chập chững bước vào guồng quay của cơm, áo, gạo, tiền. Nơi mà đôi lần đã khiến tôi ngột ngạt đến mức chỉ muốn bỏ hết mọi thứ mà về với bà, về với căn nhà lá ba gian, với mảnh vườn hoa màu mênh mông để lòng mình được thênh thang đôi chút.
Tôi sẽ kể bà nghe hàng sáng tôi phải đấu tranh tư tưởng như thế nào đế ra khỏi chiếc giường thân yêu và sự ấm áp đến lạ kỳ của cái chăn đã theo tôi ròng rã suốt 15 năm trời chỉ để ném mình vào dòng người đông đúc với inh ỏi những còi xe và khói bụi ngoài ra chẳng có điều gì thú vị.
Tôi sẽ kể bà nghe vào một ngày nắng đẹp, tôi đứng trên sân thượng của một tòa cao ốc cao hơn rất nhiều lần so với những căn nhà lầu tôi và bà từng thấy trong những tờ lịch treo tường mà chủ tiệm tạp hóa nơi bà là khách hàng thân thiết đã biếu vào dịp cuối năm.
Tôi sẽ kể bà nghe về các cửa hàng thức ăn nhanh mà tôi chỉ mất khoảng 5 phút chờ đợi là sẽ có được một phần đùi gà chiên giòn thơm ngon, một cái hamburger đầy ụ hay một dĩa beefsteak thật hấp dẫn.
Tôi sẽ kể bà nghe về việc tôi đã nhớ những món ăn của bà nhiều như thế nào, nhớ khu vườn hoa màu của bà bao nhiêu và nhớ nụ cười ấm áp của bà biết mấy khi nghe đứa cháu bé bỏng của bà dõng dạc đưa tay chỉ vào tờ lịch treo tường mà nói "Sau này con sẽ xây cho nội căn nhà to như này nè".
Và tôi cũng không quên kể với bà về bao giấc mơ cứ chập chờn theo tôi trong suốt 8 năm qua. Khi là mùi khói thân thương nơi góc bếp, khi thì là luống rau cà vừa mới ra hoa, lúc là mùi bánh phảng phất bà chừa cho trong chiếc gạc - măng - rê đã cũ. Là giọng hát ngọt ngảo của Minh Vương, Lệ Thủy trong khúc hát cải lương còn xem dang dở. Là buổi chiều 23 Tết ngồi đốt than nướng bánh tráng đưa ông Táo về trời, là hôm bà dạy cho gói bánh tét nhưng vẫn hoài không học được. Và là hình ảnh của một đứa nhóc những ngày đầu chập chững biết đi cứ lẽo đẽo theo sau bà ra vườn rồi lại vào bếp, hết cho gà rồi lại cho lợn ăn.
Ảnh: Nguyễn Minh.
Tôi thèm được hít hà cái mùi khói cay cay nơi góc bếp, thèm được ăn món dưa cải chấm với thịt kho tàu, thèm lắm bát canh khổ qua nóng hổi của bà và thèm lắm được nghe câu nói của bà "Tổ cha bây, lớn rồi mà cứ như con nít" khi tôi cứ loanh quanh chơi với mấy đứa nhóc trong xóm rồi chốc chốc lại chạy vào gọi í ới "Nội ơi!".
Cũng lâu rồi tôi không được cất lên hai tiếng gọi yêu thương ấy hoặc có thể nó chỉ xuất hiện trong tiềm thức hay trong những giấc mơ với những mảng ký ức dày đặc mỗi độ xuân về.
Tôi bừng tỉnh với hai giọt nước mắt lăn dài khi cơn mơ vụt biến mất.
Giữa tiết trời se lạnh hiếm hoi của đất trời, giữa mùi khói bếp xộc lên nơi cánh mũi, nhìn những đốm lửa bay lên giữa không trung trong một chiều 23 đầy gió, có gạo nếp, có những tàu lá chuối phơi khô nơi bộ ván ngựa, có mớ cải nằm lặng thinh trong khạp da bò nơi góc bếp, có món thịt kho tàu cùng hương thơm phảng phất của món khổ qua hầm, thế nhưng tất cả vẫn chưa đủ vị để tạo nên một mùa xuân.
TRƯƠNG HÀ
Theo thegioitiepthi.vn
Tháng Chạp và những thảo thơm ngày cũ Tháng Chạp mở cửa ra, mù sương bên đồng người đẫm rợp. Gió hiu hắt như mỏng tang thành sợi, cái gió này, màu trời này đâu có giống ở quê. Tháng Chạp quê, khuya tối hù mù mịt, gió dữ thông thống lùa vào cửa hông, má thắp một ngọn đèn, biểu ba cột lại tấm liếp dừng ngang cửa. Mấy con...