Nhịp sống ở làng đá cổ Nà Vị
Làng đá cổ với gần 100 ngôi nhà đá nhuộm màu thời gian cùng nhịp sống yên bình của người Tày hứa hẹn là điểm đến mới.
Hiện tại Cao Bằng là địa phương duy nhất cả nước chưa có ca mắc Covid-19. Khi dịch trên cả nước tạm lắng, du khách gần xa có dịp đến tham quan, trải nghiệm non nước Cao Bằng. Một trong những điểm đến yên bình là làng cổ Nà Vị, xã Minh Long, huyện Hạ Lang cách TP Cao Bằng khoảng 100 km. Nà Vị nép mình dưới chân núi Phja Cao, xung quanh là màu xanh mướt của những rặng tre và đồng ruộng mênh mông. Khu vực này gần sông Quây Sơn, tạo thành biên giới tự nhiên với Trung Quốc ở phía bắc.
Nà Vị có khoảng 100 hộ gia đình, chủ yếu là dân tộc Tày, sống trong những ngôi nhà làm bằng đá tồn tại hàng trăm năm, một trong những nơi lưu giữ dấu tích của thành nhà Mạc ở Hạ Lang, Cao Bằng. Anh Hà Kim Cương, chủ fanpage Cao Bằng Hóng, vừa đến làng ngày 10/8, cho biết nơi đây đang được tỉnh quy hoạch trở thành một làng du lịch cộng đồng, với quy mô bảo tồn nhiều nhà đá nhất ở Cao Bằng.
Đáng chú ý ở đây là những ngôi nhà sàn đá nhuộm màu thời gian, kiến trúc nhà lợp ngói âm dương, cửa gỗ và ngăn bên trong bằng các khung gỗ để thuận tiện cho sinh hoạt.
Một số nhà có dựng các bậc đá làm lối đi lên tầng 2, lắp ăng-ten chảo để thu sóng truyền hình vệ tinh.
Buổi chiều, người dân thường quây quần, thư giãn trên khoảng sân nhỏ sàn tầng 2, xung quanh có lan can che chắn, phía trên có thiết kế máng xối để thu nước mưa.
Video đang HOT
Bên trong làng là các lối đi nhỏ, các sàn trên nhà người dân tận dụng làm nơi sinh hoạt như rửa rau, rửa bát đĩa hay giặt đồ. Nhiếp ảnh gia Vũ Khắc Chung, sống tại Cao Bằng, cho biết lần đầu đến Nà Vị, anh ấn tượng với kiến trúc đá cổ được gìn giữ qua nhiều thế hệ, sự hiếu khách, nụ cười của người già và ánh mắt trong veo của trẻ nhỏ.
Từng con ngõ xôn xao vào mỗi chiều khi người dân dẫn vật nuôi từ đồng về, phác hoạ rõ nét bức tranh sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa. Hiện Nà Vị đã có điện, nguồn nước sinh hoạt lấy từ suối tự nhiên gần làng. Người Tày tại đây canh tác một vụ lúa, một vụ rau màu (chủ yếu là ngô) và xen canh các loại rau như bạc hà, rau lang.
Cụ Nông Thị Phượng, 81 tuổi giới thiệu cho du khách về khung cửi dệt vải thủ công duy nhất còn được duy trì ở Nà Vị.
Bạn Hoàng Bích Nga (trái) và Nông Hồng Thắm, người Tày chính gốc, mặc trang phục truyền thống cho đàn dê ăn trên lối đi xóm Nà Vị.
Trang phục cổ truyền của người Tày được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí. Riêng phụ nữ Tày còn thắt lưng bằng những tấm vải chàm hay đũi dài khoảng hai sải tay để tăng thêm vẻ duyên dáng.
Ngoài dê, người dân địa phương còn nuôi trâu, gà. Hiện Nà Vị chưa có nhà nào làm homestay cho người cư trú qua đêm, tuy nhiên bà con nơi đây luôn niềm nở với du khách bốn phương và mong chính quyền địa phương có những định hướng, chính sách mới để phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai.
Làng đá cổ ở Cao Bằng
Đá giống như vị thần linh che chắn, bảo vệ cho dân làng người Tày ở Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.
Nằm cách trung tâm TP Cao Bằng gần 100 km, làng Khuổi Ky có 14 hộ dân tộc Tày sinh sống tại những ngôi nhà sàn làm bằng đá tồn tại hàng trăm năm. Đây là làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người được công nhận vào năm 2008, trải rộng khoảng 1 ha, dựa lưng vào núi đá vôi, phía trước là khoảng đất rộng chừng 0,2 ha. Trong làng có dòng Khuổi Ky nước trong veo, mát rượi, là nơi người dân và du khách có thể tắm mát giải nhiệt mùa nóng.
Nét hoài cổ của làng đá Khuổi Ky.
Dân trong làng có hai họ chính là họ Nông và họ Triệu. Theo lời cụ bà Triệu Thị Pén, trong tâm thức người Tày, đá giống như vị thần linh che chắn, bảo vệ cho người dân làng. Họ lập miếu thờ xung quanh các tường đá, tế lễ cảm tạ thần đá hàng năm, là một nét văn hóa tâm linh đặc sắc.
Những ngôi nhà sàn đá này có từ khoảng năm 1594 - 1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước. Kiến trúc nhà lợp ngói âm dương, có ba gian chính, mỗi gian được ngăn bằng khung ván gỗ để thuận tiện cho việc sinh hoạt, móng nhà được làm bằng đá hộc và chân tảng kê cột cũng được làm bằng đá gia công lại.
Qua khỏi cây cầu có mái ngói là tới làng Khuổi Ky, du khách thỏa thích tìm hiểu một "không gian văn hóa đá" với ối vào là đường lát đá, kè đá hai bên và sử dụng các cối đá hình tròn trang trí trải dài theo lối đi. Ngoài ra, các dụng cụ, phương tiện phục vụ cho nếp sống sinh hoạt cũng làm từ đá như cối giã, cối xay hay bếp đá thật mộc mạc.
Phạm Hữu Tuyền sống tại Cao Bằng từ nhỏ, là người xây dựng cà phê Tộc với mong muốn làm "một bảo tàng dân tộc thu nhỏ của Cao Bằng" tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng. Anh Tuyền là người đam mê chụp ảnh, du lịch và tìm hiểu đời sống dân tộc. Lần gần nhất anh đến Khuổi Ky vào tháng 4/2021.
"Không giống các nơi khác trồng cây gai và chặt cây làm hàng rào, làng Khuổi Ky xây các bức tường, rào đá như thành lũy che chắn. Chúng được xếp từ hàng vạn viên đá lớn, nhỏ khác nhau bằng vữa kết dính trộn từ vôi và cát", anh Tuyền chia sẻ.
Hà Kim Cương là một người tích cực quảng bá du lịch Cao Bằng, từng quay video làng đá Khuổi Ky, đăng trên fanpage Cao Bằng Hóng. Anh Cương cho biết vào năm 2010 Cao Bằng đầu tư sửa chữa, cải tạo nhằm bảo tồn, khôi phục làng Khuổi Ky để khai thác, phát triển du lịch. Đến năm 2017, làng phát triển hình thức du lịch cộng đồng, tiếp đón hàng nghìn du khách mỗi năm, góp phần giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Hiện nay, người dân Khuổi Ky đã có một số hộ làm homestay như Khuổi Ky, Yến Nhi, Quang Thuận và Mảy Linh homestay, có hệ thống điện, nước và internet đầy đủ. Giá phòng ở đây khoảng 100.000 đồng/đêm thích hợp làm điểm nghỉ một đêm để chuẩn bị cho hành trình khám phá thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, cách Khuổi Ky khoảng 3 km. Ngoài các điểm chính homestay, nhiều người dân huy động cùng nhau làm du lịch, có phân công phục vụ, từ ngủ nghỉ, ăn uống cho đến hướng dẫn và các sinh hoạt múa hát.
Ngoài tận hưởng không gian hoài cổ của làng đá, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản, dân dã. Những món ngon của Khuổi Ky được nấu từ rau cải, ngô, cốm, hạt dẻ, xôi trám đen cho đến gà thả đồi hay vịt, đặc biệt có măng rán, củ măng khứa từng đường nhỏ và ốp nhân thịt rán. Trong khi thói quen sống gắn liền với đá ở những làng lân cận đang dần phai nhạt, làng Khuổi Ky vẫn duy trì nguyên vẹn.
Tính đến sáng ngày 4/8, tỉnh Cao Bằng là địa phương duy nhất cả nước chưa có ca mắc Covid-19, tính từ đợt dịch 27/4. Khi dịch cả nước tạm ổn, du khách gần xa có dịp đến tham quan, trải nghiệm Khuổi Ky với sự hiếu khách của người dân, hứa hẹn đem lại cho mọi người cảm giác yên bình, thư thái.
Chùa Sùng Phúc - Nơi thờ nữ tiến sĩ đầu bảng Trường Quốc học Bản Thảnh Cao Bằng Chùa Sùng Phúc nằm trên địa bàn thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng có thờ vi đồ Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, đỗ đạt tại Trường Quốc học Bản Thảnh Cao Bằng (triều nhà Mạc). Chùa Sùng Phúc nguyên là Sùng Khánh được xây dựng vào...