Nhìn vào những bộ phim bom tấn ra mắt 10 năm trước đây: Hollywood đã thay đổi?
Những bom tấn đầu năm 2010 rất khác biệt so với thời điểm hiện tại. Vậy, hollywood đã thay đổi như thế nào trong suốt 10 năm qua
Trailer Rango.
Nếu bạn nhìn lại năm 2010, bạn sẽ thấy thời điểm đó khác xa so với ngày nay. Lúc bấy giờ, MCU đang bước đầu tìm chỗ đứng của mình, DCEU thậm chí còn chưa được hình thành, Disney không sở hữu Fox. Ngoài ra, nhiều người còn bắt đầu tự hỏi liệu những bộ phim Fast & Furious sẽ kéo dài đến bao giờ. Từ khoảng năm 2010 đến 2013, những bộ bom tấn ra mắt lúc này khác xa so với ngày nay, theo nhiều cách khác nhau. Cùng tìm hiểu nhé.
Các bom tấn 2010 đều có chủ đề khá lạ
Không thể phủ nhận những bộ phim ra mắt từ đầu những năm 2010 rất “lạ”. Các hãng phim đã mang tới những bộ phim vô cùng mới lạ, từ sự kết hợp giữa Cowboys và Aliens đến phiên bản đen tối của các câu truyện cổ tích ( Snow White and the Huntsman, Hansel & Gretel: Witch Hunters) trong nỗ lực tìm kiếm thứ gì đó khán giả quan tâm đủ để khởi động một nhượng quyền thương mại mới. Lúc bấy giờ, Disney đã đầu tư hàng trăm triệu đô la để sản xuất các bộ phim bom tấn live-action như TRON: Legacy, John Carter, Oz the Great and Powerful và The Lone Ranger,…
Về hoạt hình, chắc chắn khán giả sẽ không quên bộ phim sử thi giả tưởng của Zack Snyder – Legend of the Guardians: The Owls of Ga’Hoole và bộ phim hài hước của Gore Verbinski – Rango. Cuối cùng, sau khi ra mắt, chỉ có một số ít phim trong số trên trở thành những bộ phim bom tấn khét tiếng, còn những cái tên còn lại, dù kiếm đủ tiền để hòa vốn hoặc thu lợi nhuận, nó vẫn không thể sản xuất phần tiếp theo.
Những bộ phim độc lập có cơ hội tỏa sáng
Ngày nay, hiếm những dự án bom tấn độc lập có cơ hội tỏa sáng, nhưng năm 2010 lại khác. Christopher Nolan và Guillermo del Toro đã mang về thành công lớn khi tạo ra hai bộ phim khoa học viễn tưởng đi vào lịch sử là Inception và Pacific Rim. Alfonso Cuarón đã thực hiện thành công bộ phim kinh dị với kinh phí chín chữ số – Gravity. Và đó không phải là các tác phẩm bom tấn duy nhất làm mưa làm gió thời điểm này, The Great Gatsby, Life Of Pi là hai cái tên không thể không kể đến.
Bối cảnh Hollywood ngày nay
Sau thành công của The Avengers năm 2012, ý tưởng về một vũ trụ với số lượng phim khổng lồ đột nhiên trở thành điều mà các hãng phim thực sự quan tâm. Khá nhiều người muốn “bắt chước” phong cách MCU và điều đó đã dẫn đến những thất bại “đi vào lịch sử” khi họ cố gắng tái tạo thành công của Marvel. Thời nay, các bộ phim hoạt hình của Disney được thực hiện lại với phiên bản người đóng và thu về hàng tỷ USD, MCU tiếp tục phát triển ngày càng lớn hơn và Blumhouse đã chứng minh rằng bạn không cần kinh phí chín chữ số để tạo ra vũ trụ thành công và thu về lợi nhuận cao.
Tất nhiên, với bối cảnh phát triển của Hollywood ngày nay, rất khó để các đạo diễn trẻ có cơ hội được thực hiện các bộ phim lớn. Điều này thực sự dễ hiểu, vì các hãng phim đều lo sợ đi phải bước xe đổ của Tomorrowland, Gemini Man và gần đây nhất là Dolittle.
Có phải các bom tấn Hollywood ngày nay quá an toàn?
Ngày nay, những bộ phim có rủi ro lớn đều được thực hiện bởi các dịch vụ xem phim trực tuyến như Amazon và đặc biệt là Netflix. Đó là lý do tại sao các đạo diễn như Cuarón, Snyder và Scorsese đều bắt đầu hợp tác với họ trong các bộ phim không được rót nhiều kinh phí. Netflix là nơi để các tên tuổi đã bị Hollywood gạt ra ngoài từ lâu phát triển, cụ thể là phụ nữ và người da màu.
Thật thú vị khi ngồi xuống và đoán xem các bộ phim bom tấn sẽ phát triển như thế nào trong mười năm tới. Nhìn vào việc đại dịch COVID-19 đã tác động đến ngành công nghiệp giải trí như thế nào trong vài tháng qua, rất có thể Hollywood sẽ sớm thay đổi. Cụ thể hơn, bởi vì điều này, các hãng phim có lẽ sẽ đưa các bộ phim có rủi ro thất bại cao lên các dịch vụ streaming – thay vì bất chấp ra rạp như những năm 2010.
Vin Diesel giành ghế sản xuất chính loạt phim 'Fast & Furious'
Vin Diesel là cái tên gắn liền với thành công của "Fast & Furious" với tư cách diễn viên kiêm nhà sản xuất. Tuy nhiên, vai trò giám chế của anh đối với thương hiệu đang lung lay.
Theo Variety, cuộc đấu tranh đòi quyền đứng tên sản xuất ở credit cuối các phim thuộc thương hiệu tỷ USD Fast and Furious của Vin Diesel với Hiệp hội Các nhà sản xuất Mỹ (PGA) đã kéo dài nhiều năm và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Trong bài đăng khó hiểu vào đêm Chủ nhật trên Instagram, Vin Diesel đã đề cập tới việc "hạ nhiệt cuộc chiến" với PGA - hiệp hội thương mại đại diện cho các nhà sản xuất phim và chương trình truyền hình Mỹ, chỉ là động thái nhằm lấy lòng vị chủ tịch Ron Meyer của NBCUniversal. Sự việc này cũng bổ sung thêm vào lịch sử dài lâu những tranh cãi nổ ra bên trong "gia đình tốc độ" khuynh đảo màn ảnh rộng gần hai thập kỷ qua.
Vị trí sản xuất chính: Vin Diesel muốn có, PGA nói không
Mục đích của Vin Diesel trong cuộc đấu tranh với PGA là có được cụm từ viết tắt "p.g.a." bên cạnh tên mình trong credit phim. Định danh này xác nhận nam diễn viên là người có đóng góp đáng kể trong quá trình làm phim theo đánh giá của Hiệp hội và khán giả.
Theo nguồn tin của Variety, nam diễn viên cố gắng để định danh này được gắn sau tên mình trong các bộ phim đã tham gia thuộc thương hiệu Fast & Furious. Tuy nhiên, nỗ lực của Diesel liên tục bị từ chối khiến anh chuyển hướng công khai gây sức ép với Hiệp hội - hành động khiến tình hình trở nên xấu đi. Trong bài đăng vào mới đây, nam diễn viên mỉa mai PGA là "Hiệp hội thành kiến Mỹ".
Diesel cũng nói "cuộc chiến" mà khán giả đang băn khoăn xảy ra giữa Universal Pictures và PGA. Nhưng những người thạo tin từ hãng phim đã phản bác thông tin này, nói rằng đây hoàn toàn là bức xúc cá nhân của Vin Diesel. Nam diễn viên sau đó đã xóa bỏ những lời công kích Hiệp hội khỏi nội dung bài đăng trên tài khoản Insragram của mình.
Vin Diesel tỏ ra bất bình với PGA khi hiệp hội này từ chối cung cấp cho anh định danh "p.g.a." khi tham gia sản xuất Fast & Furious.
Đại diện của Vin Diesel cũng như Universal Pictures đều không đưa ra bình luận hay phản hồi với Variety về vấn đề này. Còn theo lời phát ngôn viên của PGA với Variety, chính sách của Hiệp hội các nhà sản xuất không cho phép họ đưa ra bình luận về vấn đề cá nhân.
Người này nói thêm: "Định danh nhà sản xuất (Producers Mark) được tạo ra nhằm mục đích bảo vệ tính toàn vẹn của thông tin 'Bộ phim được sản xuất bởi' (Produced by). Việc cung cấp định danh được thực hiện bởi nhóm các nhà sản xuất có kinh nghiệm dựa trên đánh giá những tường thuật từ đạo diễn và thành viên chính của đoàn nhằm xác định ai thực hiện phần lớn công việc trong quá tình sản xuất".
Những người rành rọt vụ việc cũng cho biết, Vin Diesel được rất nhiều người bạn quyền lực, bao gồm cả Ron Meyer, trực tiếp đứng ra kêu gọi PGA và giám đốc điều hành Hiệp hội, Vance Van Petten.
Dù vị chính khách cao tuổi đến từ NBCUniversal là một trong những nhà sáng lập danh dự của định danh này, thỉnh cầu của ông vẫn không khiến quá trình xác minh của Hiệp hội với Diesel bớt ngặt nghèo. Tuy nhiên, hành động của Meyer buộc Diesel không được đưa ra thêm bất cứ phát ngôn gây hấn nào nhằm vào PGA.
Định danh của PGA là gì? Và tại sao Vin Diesel cần nó?
Định danh của PGA luôn xuất hiện đằng sau tên của nhà sản xuất trong credit cuối của hầu hết phim, được nhận diện bằng ba chữ viết tắt "p.g.a.". Vai trò quan trọng nhất của định danh này là xác nhận một cá nhân đủ điều kiện để nhận giải Oscar cho phim xuất sắc được trao cho nhà sản xuất của bộ phim.
Ở mức độ hãng phim, những nhà sản xuất được gắn định danh này thường hưởng tiền lãi, thưởng sớm (và nhiều hơn) khi phim đạt doanh thu cao tại phòng vé hay nhận đề cử tại các giải thưởng.
Đóng góp của Vin Diesel cho loạt Fast & Furious, từ khi còn là một phim đua xe đường phố giật gân tới khi bành trướng thành chuỗi phim điên khùng bỏ qua hàng loạt định luật vật lý, là không bàn cãi. Phong cách thoại lầm bầm trong miệng của nam diễn viên cũng khiến người hâm mộ trên toàn thế giới say mê, và vai diễn Dominic Toretto chắc chắn là dấu ấn sự nghiệp của Diesel.
Nhưng việc công nhận nam diễn viên cũng tham gia vào cả những công việc hàng ngày chuẩn bị cho phim bấm máy - những công việc phức tạp kiểu tìm cách thả một chiếc Mustangs xuống từ máy bay chở hàng và đậu nó gọn ghẽ trên đỉnh núi - lại gây băn khoăn cho thành viên đoàn làm phim.
Dù được liệt kê trong danh sách đoàn ở cả vị trí sản xuất, nhưng Diesel thường xuyên có những hành xử kiểu "siêu sao" đi ngược lại trách nhiệm của công việc này. Nam diễn viên tới trường quay muộn nhiều tiếng đồng hồ trong những ngày quay cần sử dụng diễn viên đóng thế đắt đỏ.
Nếu được PGA công nhận, Vin Diesel sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quyền lợi hơn trong vai trò sản xuất phim.
Hành động của nam diễn viên gây lãng phí thời gian và gia tăng chi phí sản xuất - hai vấn đề lớn nhất khiến mọi nhà sản xuất lo ngại. Quá trình xác minh năng lực các nhà sản xuất sinh ra vì mục đích này, PGA tuyên bố rõ ràng trên website của mình.
Để xác định một nhà sản xuất đủ điều kiện, Hiệp hội "có thể liên lạc với những người tham gia sáng tạo chính và trưởng bộ phận (ví dụ như biên kịch, đạo diễn, giám đốc tuyển trạch, giám đốc sản xuất đơn vị, thiết kế sản xuất, quay phim, giám sát hậu kỳ) để nắm được những thông tin chính xác nhất về mức độ đóng góp của một nhà sản xuất trên tổng thể bộ phim", các quy định của PGA viết. Quá trình này diễn ra hoàn toàn ẩn danh.
Một nhà sản xuất cho biết tham gia vào quá trình sản xuất của chuỗi phim Fast & Furious hiện tại là nhà sản xuất lão làng kiêm cựu giám đốc điều hành Universal Jeff Kirschenbaum, Samantha Vincent từ hãng phim One Race do Vin Diesel sáng lập và đạo diễn kiêm sản xuất Justin Lin.
Phần phim mới nhất của Fast & Furious với tên gọi F9: The Fast Saga đã lỡ hẹn khán giả mùa phim hè năm nay và được đặt lịch phát hành mới vào tháng 4/2021. Vin Diesel vẫn còn khá nhiều thời gian để thuyết phục PGA. "Rõ ràng Vin muốn có định danh ấy, và kịch hay còn ở phía trước", một nguồn tin khác kết luận
Bí mật ít ai biết của 'Fast & Furious' Diện mạo của loạt phim "Fast & Furious" có thể đã khác nếu những quyết định đưa ra xung quanh loạt phim không bị thay đổi vào phút cuối. Fast & Furious đang là một trong những thương hiệu ăn khách toàn cầu. Sau 20 năm, đã có 9 phần phim Fast & Furious được ra mắt bao gồm 8 phim chính truyện...