Nhìn thẳng vào mảng màu xám của bức tranh nông nghiệp
Chất thải nông nghiệp là một vấn đề không thể xem nhẹ khi Việt Nam là một trong những quốc gia nông nghiệp lớn nhất thế giới
Người dân đốt rơm ở Tiền Giang. Ảnh: Thiên Ân
Khi nông nghiệp không “hoàn hảo”
Tác nhân gốc rễ gây nên ô nhiễm môi trường sống của hàng triệu người Việt Nam là chuỗi khu công nghiệp – chế xuất đang ngày đêm hoạt động (toàn quốc có hơn 300 khu công nghiệp, khu chế xuất) và hơn 45 triệu phương tiện cơ giới đang lưu thông trên đường (43 triệu xe máy và 2 triệu ô tô). Nếu tiết giảm được lượng khí thải nhà kính từ nhà máy và khói thải từ phương tiện cơ giới, môi trường sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.
Ngoài các tác nhân chính như khí thải từ phương tiện giao thông, sản xuất công nghiệp, còn một tác nhân giấu mặt là chất thải nông nghiệp. Chất thải nông nghiệp là một vấn đề không thể xem nhẹ khi Việt Nam là một trong những quốc gia nông nghiệp lớn nhất thế giới. Vì thế, chúng ta cần một giải pháp đồng bộ và đa chiều.
Một thực tế là khi nông nghiệp chưa “hoàn hảo” mà sản lượng tạo ra lại khổng lồ, thì nguy hại đổ ra môi trường cũng khiến nhiều người kinh hãi. Năm 2017, tổng giá trị sản lượng nông nghiệp được xuất khẩu là 36,37 tỉ USD, vượt mục tiêu Chính phủ đặt ra là 32-33 tỉ USD (tương đương mức tăng trưởng 3%).
Cùng năm, World Bank đã công bố báo cáo “Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam”, nêu rõ rằng các mặt hàng chủ lực nông sản như lợn, gia cầm, thủy sản và cây lương thực một mặt phản ánh tầm quan trọng về sự đóng góp kinh tế, nhưng mặt khác, lại gia tăng áp lực gây ô nhiễm lên môi trường.
Thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam được ước tính vào khoảng 5% GDP, hoặc tương đương gần 10 tỉ USD/năm. Từ chỗ là một công cụ xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp bỗng trở nên không “hoàn hảo” khi người ta lạm dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, thuốc trừ sâu, làm ngơ việc xử lý chất thải chăn nuôi và đốt cháy tàn dư nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thực tế đáng báo động
Video đang HOT
Năm 2017, cả nước có đàn lợn gần 27,4 triệu con, cho sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng là 3,7 triệu tấn. Số lượng gia cầm đạt tới 385,5 triệu con và trâu bò đạt 8.09 triệu con. Số lượng gia súc, gia cầm khổng lồ đang là tác nhân làm bẩn môi trường sống hằng ngày, với lượng chất thải chăn nuôi đưa ra môi trường vượt ngoài sức tưởng tượng.
Theo báo cáo của World Bank, lượng chất thải gia súc phát sinh mỗi năm lên tới gần 80 triệu tấn. Đây là hỗn hợp các chất dinh dưỡng, chất gây bệnh và các hợp chất dễ bay hơi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí và nước. Ví dụ, trong chăn nuôi lợn, khoảng 70-90% lượng nitơ, khoáng chất (phốt pho, kali, magie và các loại khác) và các kim loại nặng khác chứa trong thức ăn chăn nuôi được thải ra môi trường.
Nồng độ ammonia trong khí thải từ các trang trại lợn ở khu vực phía Bắc đã cao hơn mức độ cho phép từ 7-18 lần và hydro sulfide cao gấp 5-50 lần cho phép. Các chuyên gia thế giới kết luận rằng chăn nuôi gia súc là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm khí hậu ở Việt Nam và là nguồn khí thải nhà kính phát triển nhanh nhất, song hành với sự gia tăng sản lượng xuất khẩu của nền nông nghiệp nước nhà.
Ngoài chăn nuôi, việc thâm dụng phân bón có chứa các chất hóa học độc hại và việc đốt các tàn dư từ hoạt động nông nghiệp cũng làm chất lượng không khí ngày một “ngột ngạt” hơn. Một nghiên cứu cho thấy 50-60% nông dân trồng lúa đã sử dụng thuốc trừ sâu với tỉ lệ vượt mức đề nghị bởi vì họ tin rằng liều mạnh hơn sẽ cho hiệu quả cao hơn. Ngành nông nghiệp còn sử dụng một số thuốc trừ sâu với dư chất hóa học nguy hiểm, dẫn đến nguy cơ thấm sâu vào rễ, đất canh tác và nguồn nước ngầm. Khi nông dân đốt các tàn dư từ hoạt động nông nghiệp, nhiều khả năng các hợp chất hóa học sẽ được thải vào không khí.
Giải pháp nào?
Có một bước ngoặt lớn trong hành động của Chính phủ về kiểm soát ô nhiễm ngành nông nghiệp trong những năm gần đây. Pháp luật ngày càng minh bạch, rõ ràng và chủ động hơn trong công tác bảo vệ môi trường. Điển hình như luật về bảo vệ môi trường, thực vật và vệ sinh động thực vật đã có hiệu lực từ năm 2015. Chính phủ cũng chủ động tiến hành điều phối nguồn lực, tăng cường năng lực theo dõi và thực thi của cơ quan hữu quan – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Cụ thể, Bộ NNPTNT đã sáp nhập và tổ chức lại một số phòng hành chính ở các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tại địa phương, để chỉ còn một bộ phận chịu trách nhiệm giám sát ô nhiễm cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản. Việc tinh giản như thế sẽ khắc phục mức độ phân tán cao về việc chịu trách nhiệm quản lý môi trường của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Ngoài ra, người nông dân còn được khuyến khích thực hành chuẩn nông nghiệp tốt của quốc gia (VietGAP). Đây là bộ quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam bảo trợ. Khi người nông dân áp dụng các quy chuẩn trên, họ sẽ được nhận giấy chứng nhận VietGAP. Việc chứng minh được sản phẩm là sạch và chất lượng sẽ cải thiện đáng kể lòng tin trên thị trường và người nông dân sẽ bán với giá cao hơn khi bên thu mua nông sản có thể tiết giảm đáng kể chi phí thời gian để kiểm mẫu.
Tại hội nghị Lagos ở Thụy Sĩ năm 2016, Việt Nam đứng thứ 10 về ô nhiễm không khí. Dựa trên các số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và NASA, Đại học Yale (Mỹ) đã lập báo cáo chất lượng môi trường – EPI 2016 cho 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.Trong đó, Việt Nam xếp thứ 170/180 về chất lượng môi trường. Nồng độ bụi mịn tại Hà Nội là 50,5 mg/m3 và TP.HCM là 28,3 mg/m3, đồng nghĩa với việc khi áp dụng tiêu chuẩn thế giới thì thủ đô Việt Nam có hơn 282 ngày ô nhiễm và TP.HCM là 175 ngày ô nhiễm. Năm 2017, tình hình có chiều hướng tệ hơn khi chỉ số bụi mịn của cả hai thành phố đều tăng so với năm ngoái.
Theo Chính Khí (Nhịp cầu đầu tư)
Tranh cãi Dự án Luật Chăn nuôi: Vì sao chỉ đưa chim cút vào luật?
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Chăn nuôi chiều 14.6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quan tâm hơn đến vấn đề môi trường và lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi.
Vật nuôi lạ thuộc nhóm nào?
Đề cập tới vấn đề giải thích từ ngữ trong dự thảo luật, đại biểu (ĐB) Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng quy định chưa hợp lý. Ông cho rằng có nhiều loại chim nhưng tại sao chim cút lại được vào dự thảo luật, còn các loại chim khác thì không.
Ông nêu ví dụ như chim yến, ở Khánh Hòa người dân xây cả nhà cho chim yến. "Rồi nuôi ong, sâm cầm, chó mèo, chuột bạch... những loài vật này được gọi là gì, nên có giải thích từ ngữ theo hướng mở"- ĐB Thân nói.
Vấn đề môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý. Ảnh: T.L
"Phải coi chất thải của chăn nuôi là nguyên liệu đầu vào phân bón, vừa qua ta chưa làm được điều đó. Sắp tới, Bộ NNPTNT có thể sẽ được giao nghiên cứu, ban hành quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng phế thải làm phân hữu cơ. Việc này có hai mục đích, một là bảo vệ môi trường, hai là sớm đưa ra được dòng sản phẩm phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt". Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Xuân Cường
ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) tranh luận rằng dự thảo luật chia các loài vật nuôi thành 4 nhóm gồm: Gia súc, gia cầm, động vật làm cảnh và động vật hoang dã. Nhưng hiện nay trong xã hội có rất nhiều vật nuôi lạ như tằm, dế, giun... thì không biết xếp vào loại động vật nào.
Dẫn chứng ở tỉnh Hà Tĩnh, ĐB này cho biết chỉ riêng huyện Hương Sơn đang nuôi tới 42.000 con hươu (trên địa bàn cả tỉnh là 47.000 con), ở Hương Sơn hươu phổ biến hơn cả con trâu. Do hiện nay chúng ta không xếp hươu là vật nuôi nên nhung hươu của bà con làm ra không thể xuất khẩu được, vì luật vẫn đang coi hươu là động vật hoang dã nên nước ngoài không cho phép nhập khẩu.
Theo ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh), dự thảo luật quy định cấm chăn nuôi trong nội thành, nội thị, chăn nuôi trang trại trong khu dân cư, nhưng lại không giải thích khái niệm "nội thành", "khu dân cư". Hiện nay cũng chưa có văn bản nào giải thích các cụm từ này, điều đó sẽ gây khó khăn khi thực hiện.
Về quy định đăng ký, kê khai chăn nuôi, theo ĐB So là cần thiết, giúp công tác quản lý và hoạch định chính sách phát triển ngành. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung quy định hình thức đăng ký, kê khai phù hợp với từng loại hình, khu vực, đối tượng vật nuôi để đảm bảo tính khả thi.
"Ví dụ các hộ nông dân ở miền Tây nuôi vịt chạy đồng, không cố định thì đăng ký, kê khai ở đâu? Việc nuôi ong, nuôi tằm thì đăng ký số lượng thế nào? Ngoài ra, cần có cơ chế trách nhiệm ràng buộc người chăn nuôi thực hiện đúng nghĩa vụ khai báo của mình trước pháp luật" - ĐB So góp ý.
Quan tâm vấn đề môi trường, kháng sinh
Cơ bản đồng tình với quy định về các hành bị nghiêm vi cấm trong dự thảo luật, song ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung thêm quy định nghiêm cấm lạm dụng kháng sinh, sử dụng chất cấm trong hoạt động chăn nuôi. Cho rằng dự thảo luật chưa đề cập đến quản lý đối với hình thức chăn nuôi gia công cho các tổ chức trong và ngoài nước, theo ĐB Quân, đây là hình thức hợp tác làm ăn giữa doanh nghiệp và người dân để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa có trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi. Do đó, cần bổ sung vào dự thảo luật nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong hoạt động chăn nuôi một khoản quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp trong chăn nuôi gia công.
ĐB Nguyễn Như So đề nghị cần điều chỉnh việc quy định về xả thải cho phù hợp với điều kiện thực tế các trang trại Việt Nam. Theo ĐB So, việc quy định quản lý nước thải trong chăn nuôi tại khoản 5 Điều 45 dự thảo luật đặt ra thách thức lớn ngay tại các trang trại. Hiện nay chúng ta đang áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi theo quy chuẩn 62, quy chuẩn chất lượng nước mặt theo quy chuẩn 08.
"Những quy chuẩn này quá cao so với khả năng thực tế ứng dụng công nghệ và xử lý môi trường, dẫn đến các trang trại rơi vào tình trạng phạm luật, lãng phí nguồn tài nguyên dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng. Đề nghị cần nghiên cứu, điều chỉnh việc quy định về xả thải cho phù hợp với điều kiện thực tế, có chính sách thúc đẩy tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi như một nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ"- ĐB So nói.
ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị cùng với việc quy định những nguyên tắc quản lý chất thải, quản lý phế phẩm, xử lý chất thải chăn nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung những chế định cụ thể về đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học công nghệ cao vào chăn nuôi, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải chăn nuôi có giá thành phù hợp với từng loại hình, quy mô chăn nuôi và đặc thù vùng miền đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông phẩm an toàn bền vững vì sức khỏe cộng đồng.
Theo Danviet
TPHCM: Khẩn trương kiểm tra tình hình môi trường tại bãi rác Đa Phước Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp cùng chính quyền huyện Bình Chánh khẩn trương kiểm tra, xử lý tình hình môi trường và an ninh trật tự tại bãi rác Đa Phước. Văn phòng UBND TPHCM vừa phát đi chỉ đạo khẩn của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến...