Nhìn tàu lá chuối nhớ quê nhà
Quê hương trong mỗi người chúng ta thường gắn với hình ảnh thân thương nào đó, một ngọn núi, cánh rừng, lũy tre, dòng sông, tiếng bìm bịp kêu nước lớn… Với tôi, đó là hình ảnh những tàu lá chuối.
Nhà nội tôi nằm giữa một khu vườn chuối. Chuối chạy dọc theo hàng rào, mỗi khi có gió thổi qua là những tàu chuối chao nghiêng qua lại như vẫy chào khách qua đường.
Nội tôi ngày nào cũng lui cui dọn mấy tàu lá chuối khô chất vào một góc. Lâu lâu, bà gom lá lại, đốt đống un. Mùi lá chuối khô quyện với khói cay nồng tạo thành một mùi đặc trưng của quê hương, không sao quên được.
Nhà nội tôi nằm giữa một khu vườn chuối
Mỗi lần chúng tôi từ Sài Gòn về, đòi nội đổ bánh xèo. Nội hay biểu tôi ra chặt cho nội mấy tàu chuối còn tươi nguyên lá. Nội róc lá, lấy cọng cắt thành một khúc vừa tay cầm rồi đập dập một đầu dùng để chấm dầu phụng thoa vào chảo khi đổ bánh. Còn lá chuối nội dùng trải lên mâm để sắp bánh xèo. Bánh xèo gửi lên Sài Gòn nội cũng gói bằng lá chuối chứ không dùng túi ni lông.
Thân chuối sau khi được đốn quày, nội tận dụng xắt làm thức ăn cho heo.
Nội kê một đầu chuối lên khúc gỗ, đầu kia để nằm dài xuống đất, dùng con dao lớn xắt từng lát mỏng. Cây chuối vừa dài vừa to. Mấy đứa con nít, trong đó có tôi, phụ nội bằng cách ngồi đè lên thân chuối để giữ thăng bằng. Ngồi trên thân chuối chúng tôi vừa làm động tác cưỡi ngựa vừa hát: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa”, cho đến khi “con ngựa chuối” ngắn dần…
Xắt xong, nội đổ chuối vào cối quết bằng cái chày bằng gỗ thật to. Chuối giã xong, bà hốt ra thau, trộn với cám, cho heo ăn. Nhìn tay nội vung lên rồi bổ xuống cho những khoanh chuối nhuyển ra, tôi thấy thương bà quá!
Video đang HOT
Những tàu lá chuối được dựng lên thành một ngôi nhà xanh xinh xắn ở giữa vườn.
Đám con nít chúng tôi thì cắt tàu lá chuối để làm nhà chòi. Những tàu lá chuối được dựng lên thành một ngôi nhà xanh xinh xắn ở giữa vườn. Chúng tôi thích thú chui vào, chui ra “ngôi nhà giả bộ” ấy. Rồi giả bộ đi chợ, nấu cơm, bày đồ ăn trên lá chuối, cùng giả bộ ăn và cười khúc khích. Nhìn chúng tôi chơi, nội móm mém cười thích thú.
Vừa xài vừa cho vẫn không hết, nội lại rọc lá, xếp thành từng xấp, gửi bà Sáu nhà bên đem ra chợ đổi trầu cau hoặc quà bánh cho cháu.
Còn nhớ hồi ấy, bao ny lông chưa thông dụng như bây giờ, người ta gói thực phẩm toàn bằng lá chuối tươi hoặc khô, rồi buộc chéo qua gói hàng cũng bằng cọng dây chuối. Lá chuối tươi ngậm nhiều nên thực phẩm được giữ tươi lâu hơn và cũng không độc hại.
Nhớ nội và vườn chuối nhà nội, tôi không thể không nhớ tới một kỷ niệm đã trở thành kí ức tuổi thơ tôi. Đó là những buổi chiều cuối năm, được về quê xem nội gói bánh ăn tết.
Bánh gói nếp hương bằng lá chuối, khi nấu chín, vớt ra sẽ bốc mùi thơm đặc trưng, chỉ thấy đã thèm.
Chúng tôi cùng ngồi quây quần bên nội trên bộ ván gõ. Nội rọc lá chuối, lấy cọng làm dây, còn lá lớn phơi qua một nắng để gói bánh ít, bánh tét. Tôi còn nhỏ được giao nhiệm vụ rửa lá, lau sạch. Nội dặn lau nhè nhẹ để lá không rách. Chị Ba, chị Tư được giao cho nặn bột nếp và nhân đậu xanh thành những viên tròn. Phần gói bánh quan trọng nhất do chính nội đảm nhiệm. Lá chuối rửa sạch, để ráo, nội cắt thành miếng hình chữ nhật như chiếc khăn tay, rồi xếp lên bên trên thêm một lá chuối nữa. Để gói bánh ít, bà dùng ngón tay trỏ đặt giữa tâm và gấp mép góc từ trái qua phải, cuộn lại thành hình cái phễu. Bà cho bột nếp và nhân bánh vào lá chuối, ấn đầu, bẻ gập đuôi lại rồi đặt lần lượt trên mâm.
Còn bánh tét thì bà đổ gạo nếp trên lá chuối, san đều ra, rồi cho nhân dọc theo chiều dài bánh, túm hai mép lá chuối và dựng bánh lên thiệt khéo, rồi bẻ lá ở đầu và đuôi bánh, gói lại, cột dây… Má tôi đặt bánh vào trong xửng hấp, canh lửa, hấp khoảng 30 phút là bánh chín. Bánh gói gạo hoặc nếp hương bằng lá chuối, khi nấu chín, vớt ra sẽ bốc mùi thơm đặc trưng, chỉ thấy đã thèm.
Giờ đây mỗi lần có dịp về quê, tôi lại da diết nhớ bà
Giờ đây mỗi lần có dịp về quê, tôi lại da diết nhớ bà. Nhớ những cái bánh lá chuối nội gói, nhớ ngôi nhà lá chuối nội dựng cho chơi. Nhớ nhất lúc ngồi trên thân chuối giữ yên cho bà xắt, miệng hát nhong nhong mà đâu biết rằng bà rất mệt.
Theo thegioitiepthi.vn
Nghe mùi bánh tét
Gió hiu hiu thổi, nghe ngoài sau hè mấy tàu lá chuối xào xạc. Tiết trời sắp tết nên gió thổi về lành lạnh, sáng nào má cũng pha bình trà nóng, để sẵn cho nội với tía, rồi nấu thêm một bình thủy nước nóng để dành châm trà.
"Bây coi ít bữa ra sau hè rọc lá chuối, chuẩn bị gói bánh để tết cúng ông bà". "Hôm qua, con ra thăm chừng rồi, ít bữa rọc là vừa luôn đó má".
Nghe nội với tía nói chuyện, má với chị hai cũng lật đật ra sau bếp lo mớ đậu, mớ nếp để gói bánh tét. Má nói: "Nhanh ghê bây! Mới ăn tết đó mà quay qua, quay lại... tới tết nữa rồi!"
Bánh tét thì ngày nào cũng có thể ăn, ăn chơi cho vui miệng hay ăn no đều được, nhưng có lẽ chỉ ăn bánh tét vào ngày tết thì mới cảm nhận được hết những hương vị hòa quyện trong đòn bánh nhỏ. Mà hơn hết có lẽ là cái tình, cái nghĩa mà con cháu dâng lên cúng ông bà tổ tiên, tình cảm chắt chiu mà người bà, người mẹ gói ghém dành cho con, cho cháu trong nhà. Rồi hàng xóm láng giềng biếu nhau đòn bánh nhỏ cũng là chút tình chòm xóm với nhau.
Minh họa: P.S
Trước tết gần cả tháng, má chẻ lạt phơi để dành cột bánh tét, cọng lạt tước từ thân chuối tươi hoặc chẻ từ cọng lát. Chị hai là con gái lớn trong nhà nên phải phụ má đặng học việc luôn thể, chứ con gái lớn mà không biết chẻ lạt gói bánh là má rầy liền. Chị hai ngồi chẻ rồi phơi từng cọng, bữa nào không đặng nắng là phải canh phơi thêm mấy ngày sau nữa, cọng lạt phơi không đủ nắng sẽ không đủ độ dẻo để cột bánh tét.
Thật ra, gói bánh tét không nhất thiết phải cột bằng cọng lát hay cọng lạt từ cây chuối. Bánh tét cột bằng dây ni lông vừa nhanh, vừa tiện, dây nhiều màu, cột bánh rồi sẵn làm dấu luôn, để lúc đem đi luộc không bị lộn giữa nhân đậu với nhân chuối, rồi đậu mặn với đậu ngọt. Nhưng má không ưa dây ni lông. Má nói, gói bánh tét phải cột bằng cọng lạt thì mới khéo tay.
Cột đòn bánh xong, phần dây dư còn lại được tết tròn, để bánh tét luộc xong là treo lên cho ráo nước. Và cách cột dây lạt cũng tùy theo nhân của đòn bánh mà cột để làm dấu luôn. Bởi vậy, nên má dạy khéo tay là ở chỗ đó, chứ cột bằng dây ni lông thì dễ òm, nói làm chi nữa. Còn ý tía thì bánh tét luộc lâu, dây ni lông trong nước nóng ra mùi khó chịu, đòn bánh vớt ra không thơm mùi đậu, mùi nếp chín.
Bánh tét thường được gói trong ngày 29 tết để kịp có bánh cúng rước ông bà ngày 30 tết, rồi đem biếu bà con, chòm xóm ăn lấy thảo. Tờ mờ sáng, má với chị hai đã lục đục dưới bếp, lo xong phần xào nếp, tới công đoạn làm nhân bánh, tía phụ lau lá chuối, tước lạt rồi chuẩn bị lò củi, nồi nước để luộc bánh. Mỗi người phụ một tay, vừa làm vừa nói chuyện rôm rả từ đằng trước ra tới sau hè. Không khí tết vui nhất có lẽ là những ngày này, những ngày chộn rộn chuẩn bị bánh trái; rồi dọn dẹp nhà cửa trong ngoài. Mỗi thành viên trong nhà đều góp công vào, người dọn trên trước, người lo dưới bếp, người quét ngoài hè... thiếu món đồ nào lại gọi nhau í ới, rộn ràng. Cực mà vui!
Chiều tới tối, tía trực bên nồi nấu bánh tét, chốc lát má lại ra thăm chừng, nhắc tía châm thêm nước vô nồi bánh, rồi trở bánh để bánh chín đều. Mấy đứa nhỏ trong nhà cũng xúm xít theo nồi bánh tét của tía, lấy củi, xách nước để sẵn cho tía châm chừng nồi bánh. Bánh tét chín, vớt ra nóng hổi mùi nếp, mùi đậu hòa quyện cùng lá chuối thơm lừng, nghe mà đói bụng. Theo kinh nghiệm mà nội truyền lại cho má, bánh tét sau khi vớt từ nồi ra là cho liền vào nước lạnh để bánh nguội mà lá vẫn tươi, rồi ép cho bớt nước và treo lên chỗ nào thoáng mát trong nhà.
Những đòn bánh tròn đều, đẹp nhất, má lựa để riêng, ngày 30 tết, nội để lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên bên cạnh mâm cơm. Số bánh còn lại để trong nhà chút ít ăn mấy bữa tết và đem biếu bên nhà cô Năm, chú Sáu, bác Hai, bác Tư... Tía dạy "người ta ăn còn, mình ăn hết" nên bánh đem biếu cũng phải lựa đòn bánh ngon, đẹp, biếu có cặp có đôi cũng như một lời chúc may mắn đầu năm cho người nhận.
Bánh tét, củ kiệu, dưa hành, thịt kho... ăn kèm với nhau, cái vị đậm đà, thơm, béo ăn đến nỗi no căng bụng hồi nào không hay.
Cuộc sống thay đổi, ngày càng có nhiều loại bánh kẹo sang trọng, tây ta đủ loại để phục vụ nhu cầu ẩm thực ngày tết, hương vị của đòn bánh tét dung dị cũng có phần lép vế. Nhưng hễ nghe mùi bánh tét thì ắt hẳn đâu đó trong lòng người cũng gợi một nỗi nhớ tết quê nhà.
KIM LOAN
Theo sggp
Châu Âu và ý thức hạn chế túi ni lông Ở một số nước Châu Âu, người dân đi mua hàng đã không còn lấy túi ni lông nữa rồi đấy. Còn bạn thì sao? Theo Youtube