Nhìn Nhã Phương tình cảm bên Cường Seven, Trường Giang có ghen?
Nhã Phương và Cường Seven đã có sự kết hợp tình cảm không hề ngại ngùng trong bộ ảnh mới.
Mới đây, Nhã Phương và Cường Seven đã gửi tới khán giả một bộ ảnh chụp chung của cả hai với chủ đề gia đình. Theo đó cả hai có những bức ảnh khá tình cảm và ấm áp cùng nhau. Được biết những hình ảnh này là dự án của hai người sau khi bộ phim Lôi Báo được công chiếu. Trong phim, Cường Seven và Nhã Phương đóng vai vợ chồng có những trắc trở lúc ban đầu nhưng tới cuối phim cả hai đã trở về bên nhau một cách hạnh phúc.
Cường Seven cùng Nhã Phương kết hợp trong Lôi Báo.
Mặc dù đã có bạn trai là Trường Giang, nhưng là một diễn viên chuyên nghiệp, Nhã Phương vẫn thể hiện được cái “hồn” của một người vợ hết lòng vì chồng con trong bộ ảnh mới. Cả cô và Cường Seven không ngại ngùng ôm nhau, thể hiện những cử chỉ tình cảm để mang đến cảm giác ngọt ngào như khi đóng phim. Đối với Phương hay Cường, một trong những điều tiếc nuối của cả hai sau khi thực hiện xong Lôi Báo chính là phải chia tay bạn diễn, người đã là “bạn đời” của mình trên phim.
Nhã Phương không ngại ngùng thể hiện những cảnh tình cảm với Cường Seven.
Lôi Báo là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Victor Vũ gây tò mò nhờ đề tài mới lạ, khác biệt với mô thức phim siêu anh hùng nói chung. Tuy bộ phim chưa thể đạt được những thành công như mong muốn, thế nhưng nó vẫn có sức hút nhất định khiến khán giả tới rạp xem phim.
Cả hai tái tạo lại khung cảnh hạnh phúc trong phim cùng cậu con trai A Pù.
Trong phim, nhân vật chính là Tâm (Cường Seven) – một họa sĩ vẽ truyện tranh siêu anh hùng đang bế tắc ý tưởng. Anh có cuộc sống yên bình bên cạnh cô vợ Linh (Nhã Phương) và con trai (bé Pù). Một ngày nọ, Tâm bàng hoàng hay tin mình chỉ còn sống được hai tuần. Giữa lúc tuyệt vọng, anh liều lĩnh tham gia ca phẫu thuật đổi đầu do giáo sư Mã (Hoàng Sơn) thực hiện.
Một cảnh tình cảm của Nhã Phương và Cường Seven trong Lôi Báo.
Bằng cách gắn đầu vào thân xác một kẻ bí ẩn chết trong rừng, Tâm không chỉ khỏi bệnh mà còn mang sức khỏe phi thường, trở thành người hùng Lôi Báo. Tuy nhiên, anh bắt đầu có cảm xúc kỳ lạ với Tuệ (Vũ Ngọc Anh) – một nữ bác sĩ xinh đẹp. Chàng trai cũng vướng vào những rắc rối với một băng nhóm do ông trùm (Nguyễn Chánh Tín) cầm đầu.
Theo Danviet
Ngày cuối năm, nghe "Lôi Báo" kể chuyện đời mình, chợt muốn bình tĩnh sống để yêu thương hơn những người xung quanh
Với nhân vật Tâm trong Lôi Báo, khán giả không chỉ được thấy hình ảnh một anh hùng đơn thuần mà còn nhận ra một định lý sâu sắc cho gia đình mình. Từ đó, bất giác cảm thấy mình nên sống chậm lại, thật bình tĩnh để nhận ra đâu là yêu thương cần bảo vệ.
Theo đạo diễn Victor Vũ chia sẻ, Lôi báo là một tác phẩm mang đề tài người hùng. Nhưng cá nhân tôi sẽ không khai thác hình tượng siêu anh hùng giống như trong các bộ phim bom tấn Hollywood. Người hùng trong Lôi báo là nhân vật thuần Việt giữa đời thường, đại diện cho những con người thầm lặng và gần gũi, dám can đảm đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ người khác.
Người hùng ấy hiện diện trong Tâm (Cường Seven) - một họa sĩ vẽ truyện tranh. Đó là một người chồng, một người cha chưa làm tròn trách nhiệm. Nhưng anh lại là một con người hoàn thiện của xã hội. Với những giải thưởng có được từ đam mê vẽ truyện tranh, hay là việc cứu người gây chấn động thị xã nhỏ nơi anh sống, Tâm nhanh chóng được mọi người chú ý.
Người hùng xuất phát từ gia đình
Tâm nói đúng, có nhiều khi "tình cảm sẽ làm cho người hùng thất bại". Nhưng tình cảm trên một góc độ nào đấy, sẽ khiến những người bình thường nhìn thấy được chất anh hùng trong mình, và khiến cả những người hùng thêm mạnh mẽ.
Nếu không vì níu kéo thời gian ở lại với gia đình, thì liệu Tâm có chấp nhận thực hiện ca phẫu thuật đổi đầu đầy rủi ro hay không? Nếu không phải vì những rắc rối mà anh gây ra sau ca phẫu thuật đó, thì liệu anh có bị đẩy vào hoàn cảnh sống còn để cứu vợ con mình hay không?
Và nếu như người hùng trong Tâm được khơi lên bởi hoàn cảnh vợ con anh bị bắt cóc và hành hạ, thì người hùng của tôi lại có một xuất phát điểm vô cùng đơn giản. Trong mắt tôi, người hùng cuộc đời này luôn là mẹ. Mẹ đã bất đắc dĩ trở thành người hùng khi một tay phải lo cho cả gia đình.
Bạn đã bao giờ tưởng tượng ra cảnh một người phụ nữ, cầm cờ-lê để vặn lại đường ống nước. Trèo vào gác xép để chỉnh bình nóng lạnh. Hay là hì hụi sửa xe đạp cho con của mình chưa? Tôi biết rằng, việc đó chẳng có gì quá khó khăn cả, nhưng tôi đã thần tượng anh hùng của tôi từ những điều nhỏ nhặt như thế.
Người hùng hoàn thiện nhờ gia đình
Người ta xem phim về, hẳn trong đầu sẽ loanh quanh với ý nghĩ về một anh hùng đời thực. Còn tôi lại cứ bị ám ảnh với câu nói mà Tâm nói với con trai mình "Anh hùng cũng cần có gia đình con ạ". Và phảng phất trong Tâm, tôi nhìn thấy chính mình, và nhìn thấy cả những người trẻ đang ở quanh tôi.
Chúng tôi đều thuộc một thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, đầy năng lượng, luôn muốn thay đổi để cả mình và cả xã hội được tốt lên từng ngày. Chúng tôi, giống như Tâm, có thể nhốt mình hàng tiếng, thậm chí cả ngày trong phòng, chỉ với giấy tờ hoặc laptop để có thể làm cho xong việc. Chúng tôi bỏ qua những lời gọi của mọi người rằng hãy xuống nhà ăn cùng nhau một bữa cơm. Chúng tôi cáu gắt khi đang làm việc dở mà cứ bị gia đình cằn nhằn rằng hai mươi tuổi đầu rồi chẳng bao giờ tự đề nghị sẽ nấu hộ mẹ bữa cơm hay sửa hộ ba cái bóng đèn. Chúng tôi sống chết vì công việc, bởi vì "bán tuổi trẻ đổi lấy tiền", rồi lấy tiền đổi lấy mọi thứ sau, như tên trùm trong phim từng nói.
Nhưng rồi chúng ta đã quên đi một chân lý trong cuộc đời rằng, dù có đi xa đến đâu, thì rốt cuộc, đi thật xa cũng chỉ để trở về. Trong lúc cuộc đời bế tắc vì căn bệnh ung thư phổi, giải thưởng truyện tranh kia đâu phải là chén thuốc, đâu có chăm sóc cho Tâm khỏi bệnh. Còn lại bên cạnh anh là vợ, là con, là chú Mã. Tâm cố gắng làm mọi thứ để bù đắp cho gia đình, bởi lúc này anh nhận ra mình chưa làm được gì cho vợ con cả. Anh cộc cằn gạt bát thuốc vợ sắc rơi xuống đất vỡ tan, nhưng rồi cũng chính bàn tay ấy lại ôm ghì lấy vợ, khóc nấc lên như một đứa trẻ trong lúc bất lực. Vợ anh không động viên anh bằng những lời hô hào sáo rỗng, sự động viên lớn nhất có lẽ là việc cô luôn bên cạnh, luôn là điểm tựa vững chắc của Tâm.
Ngoài kia, có những người luôn mở miệng vui vẻ ủng hộ Tâm, nhưng thực chất họ chỉ nói vì thuận miệng thôi. Mấy ông chú trong quán cà phê của vợ Tâm, luôn hò reo, ủng hộ Tâm dù họ vẫn cho rằng phải đến 40 năm nữa dự án của cậu mới thành công. Nhưng những câu nói chắc nịch, những ánh mắt tin tưởng ấy vụt biến mất ngay khi Tâm đi qua. Họ ghé tai nhau và nói khẽ rằng "Thằng này thì làm được gì. May nhờ có vợ nó khéo làm mà hậu thuẫn mấy năm vừa rồi". Đấy! Thế mới thấy xã hội này "lật mặt" nhanh thế nào. Thế mới thấy, ngoài gia đình ra thì những lời động viên kia cũng nghe rồi biết vậy thôi, chứ không nên tin.
Lôi báo ra rạp vào những ngày mùa đông cuối năm lạnh buốt. Trên đường về nơi đang thuê, tôi bỗng thấy nhớ nhà da diết. Tôi nhớ những đêm ngồi hì hụi gõ bài trong phòng, mẹ sẽ mang cho tôi một cốc trà quất mật ong thật thơm, thật nóng để tôi có thể ủ tay vào đó cho đỡ lạnh. Tôi nhớ câu trách móc của mẹ rằng con gái ngủ sớm đi, làm muộn thế làm gì, vừa xấu da, sức khỏe cũng ảnh hưởng.
Lúc ấy trong đầu tôi chỉ có đúng một ý nghĩ rằng mẹ không hiểu được tôi làm gì, nên kệ đi, ậm ừ cho qua chuyện còn làm thì cứ làm. Mẹ già rồi, chẳng qua không ngủ được thì lượn qua phòng thôi, chứ đâu biết rằng mẹ không ngủ được là vì tôi, chứ không phải vì đã già.
Tôi luôn cố gắng thế nào, để trở thành người hùng của mẹ. Tôi làm tất cả mọi việc, cũng duy một hy vọng rằng sau này khi mẹ chỉ còn đủ sức ở nhà làm việc nội trợ linh tinh, tôi có thể khiến cuộc sống của gia đình đủ đầy. Tôi sẽ đem đến cho mẹ một cuộc sống thảnh thơi. Nhưng nếu bây giờ mẹ không chuẩn bị cho tôi những bữa cơm, không là cho tôi những bộ quần áo để trông thật "ngầu" đi gặp mọi người, thì liệu tôi có đủ thời gian để vừa chăm sóc bản thân, vừa "cứu thế giới" như trong tâm tưởng của mình không ?
Từ ngày rời đến nơi khác sống, tôi gần như qua ngày bằng những hộp đồ ăn gọi về nhà, quần áo cũng không phẳng phiu như hồi ở với mẹ. Mọi việc cá nhân cứ tất bật và qua loa để kịp đuổi theo công việc xã hội. Cũng nhiều lúc, tôi nghĩ rằng hay là bỏ hết, về với mẹ thôi. Nhưng những sự cố gắng của tôi, của chúng tôi hôm nay cũng chỉ là cho gia đình. Vậy giờ mà bỏ ngang, thì những kế hoạch sau này sẽ thế nào? Tôi, hay chúng ta, lại tiếp tục cố gắng, tiếp tục chiến đấu với những khó khăn ngoài kia.
Rốt cuộc, người hùng cũng luôn vì gia đình, cần gia đình
Từ những "người hùng thị xã" như Tâm, hay đến siêu anh hùng trong điện ảnh các nước, họ đều chiến đấu vì một giá trị cốt lõi, ấy là gia đình. Captain America đánh Red Skull vì ở hậu phương còn một điệu nhảy đợi anh về. Hawkeyes dù thế nào vẫn luôn hướng ánh nhìn về ngôi nhà nhỏ với 2 con ở thung lũng xa xôi. Những câu chuyện gần gũi hơn, ấy là chẳng phải những người anh hùng trong truyện cổ Việt Nam, lên đường chiến đấu cũng vì muốn bảo vệ người thương và gia đình hay sao? Mà nếu chúng ta không bình tĩnh để sống hơn, làm sao chúng ta giải quyết hết tất thảy những khó khăn kia để trở về?
Chúng ta dù ở thời nào, mọi người cùng đều sống vì một lý tưởng chung. Đó là trước khi trở thành anh hùng của xã hội, thì sẽ là anh hùng của gia đình trước đã. Nếu không vì gia đình, Tâm đã chẳng bỏ ra những 4 năm để hoàn thiện bộ truyện. Nếu không vì gia đình, chúng tôi chưa chắc đã gồng gánh nổi những khó khăn nơi xa lạ để thu được kiến thức mới. Nếu không vì gia đình, Tâm sẽ chẳng nhốt mình trong phòng để làm cho xong bộ truyện trước khi rời xa cõi đời này. Nếu không vì gia đình, chúng ta cũng chẳng vác sách vở tới thư viện học đến khuya, chẳng gượng dậy đi làm mỗi ngày dù ốm vật ra đấy.
Nhưng, vì gia đình, ấy là khi chúng ta cứ nhìn một hướng trước mặt mà quên khuấy mất còn phải nhìn bên cạnh, và cả đằng sau nữa! Ai cũng vậy. Mọi người đều cần có gia đình để được an ủi mỗi lần vấp ngã. Cần có gia đình để tiếp thêm sức mạnh mỗi lần nản chí. Và cần có gia đình, để trở về sau những thành công.
Giá trị của gia đình không chỉ được phản ánh qua nhân vật
Đúng vậy! Và nếu như không có thói quen nán lại rạp để đọc thông tin của phim, thì có lẽ tôi đã bỏ qua điều thú vị này. Đạo diễn Victor Vũ đã khá tinh tế khi sử dụng phần OST cho phim. Mới hơi rưng rưng với câu nói của nhân vật Tâm với bé Bù, thì cho đến khi ca khúc "Chỉ có tình yêu ở lại" vang lên, tôi đã thực sự xúc động. Những ca từ đầy tình cảm dường như càng khiến cho khán giả ý thức hơn về giá trị của gia đình đối với mỗi người. Và hãy thử nghe thật kĩ lại ca khúc này, để xem bạn có cảm nhận khác về "Lôi báo" hay không!
Nhạc phim "Lôi Báo"
Nói tóm lại, dù Lôi Báo là một bộ phim hành động nhưng xem đến hết phim, chúng ta lại không khỏi thổn thức khi nhớ đến câu chuyện của bản thân, của những người trẻ đã quá vội vã chạy theo cuộc sống hỗn mang mà bỏ quên, thậm chí là phủi bỏ những người hùng bên cạnh chúng ta. Bình tĩnh sống, bình tĩnh trải qua những gian nan để không ai xung quanh ta phải đau khổ. Đừng như Tâm vì chút hư danh của cuộc sống mà anh vội vàng bỏ quên gia đình. Nhưng cũng hãy như Tâm, sau tất cả những biến cố anh đã biết nơi nào mình cần phải là một người hùng thực thụ trước khi bước ra thế giới rộng lớn.
Theo Trí Thức Trẻ
Vì sao Lôi Báo lại mang cảm giác lưng lửng, chưa thể hoàn toàn thoả mãn khán giả? Gây tò mò cho khán giả bắt nguồn từ đề tài mới lạ, tựa phim gây tò mò cùng cái tên Victor Vũ, so với mặt bằng chung của phim Việt, Lôi Báo đang thực sự có những điểm vượt trội. Tuy nhiên bộ phim vẫn có kha khá những điểm khiến khán giả chưa thực sự hài lòng so với một sản...