Nhìn mâm cơm đặt trên bàn, bạn của chồng vội vàng xin lỗi rồi bỏ về
Tôi dọn mâm cơm đang ăn dở của mình lên đãi bạn của chồng trong sự kinh ngạc của họ.
Ảnh minh họa
Chồng tôi là người thích tụ tập bạn bè. Anh ấy sẵn sàng chi nửa tiền lương chỉ để đãi bạn một bữa cơm ra trò, trong khi vợ con ở nhà lại thiếu thốn. Dù giận chồng lắm nhưng thấy anh cũng phụ vợ việc nhà và chăm con nên tôi bấm bụng cho qua.
Hình như chồng thấy tôi dễ tính quá nên lấn lướt tới. Anh bắt đầu mời bạn về nhà nhậu. Lý do chồng đưa ra là nhậu ở nhà thì sẽ tiết kiệm và thoải mái hơn nhậu ở quán. Nhưng anh không hề biết, mỗi lần bạn bè anh đến, tôi phải rất vất vả vì nấu nướng, dọn dẹp. Chưa kể, lâu lâu nhậu một lần còn tạm chấp nhận, đằng này một tuần nhậu vài lần thì chẳng ai chịu nổi nữa. Tôi khuyên mãi, chồng vẫn không chịu nghe, còn cho rằng tôi khó tính.
Hôm qua, chồng tôi lại dẫn bạn về nhậu. Lần này, tôi không nấu nướng gì nữa mà dọn luôn mâm cơm mình đang ăn dở lên bàn nhậu. Tôi nói luôn đây là bữa cơm thường ngày của tôi vì tiền lương của chồng chi hết vào việc nhậu nhẹt, đãi bạn rồi. Tôi buồn bã, cố chẹp miệng thật to, bảo tháng sau có lẽ con tôi còn phải uống nước đường thay sữa vì tiền tiết kiệm trong nhà cũng đã sạch veo.
Video đang HOT
Bạn bè của chồng nhìn mâm cơm đặt trên bàn mà rối rít xin lỗi. Mâm cơm chỉ có bát cơm trắng, đĩa dưa leo và bát nước mắm. Có người quay sang trách chồng tôi vậy mà cứ bảo tiền bạc dư dả, nhất quyết không nhận tiền góp của họ. Có người còn khẳng định sẽ không đến nhà tôi nhậu nữa vì không muốn vợ chồng tôi cãi vã nhau. Nói qua nói lại một lúc, họ kéo nhau về.
Bạn của chồng về hết rồi, chồng tôi bắt đầu nổi trận lôi đình với vợ. Anh cho rằng tôi quá đáng, không tôn trọng chồng. Tôi cũng chịu đựng không nổi bản tính cố chấp, ngang bướng của chồng nữa nên bế con về thẳng bên ngoại. Giờ vợ chồng tôi vẫn giận nhau và chồng không đến đón tôi về. Bố mẹ bảo tôi tự bế con về vì tôi cũng có lỗi nhưng tôi không muốn như thế. Theo mọi người, tôi sai hay đúng? Tôi nên tiếp tục ở nhà bố mẹ đẻ hay bế con về?
Bố cố chấp và ngang bướng sao mẹ cả đời phải nhường nhịn
Cô không sao hiểu được cách sống của mẹ, bà luôn dành hết tình yêu thương và luôn làm tất cả những gì bố cô muốn.
Cô không thích cách sống của bố, đã quá nửa đời người rồi nhưng bố vẫn luôn ngang bướng và cố chấp như vậy.
Chưa nói đến chuyện tính khí ông nóng nảy, tất cả mọi chuyện mẹ làm để hài lòng ông, ông đều tìm cách chê bai vài câu. Mỗi lần như vậy mẹ cô đều ôn hòa đứng bên cạnh chăm chú lắng nghe, trong ánh mắt bà lấp lánh niềm vui.
Đương nhiên là cô thấy rất bất bình với bố, cô thường dũng cảm đứng chen vào giữa bố mẹ giống như một đứa con trai vậy, tức giận nhìn thẳng vào bố. Tuy là bố nhưng ông cũng có phần nào e ngại thái độ của cô, thế nhưng ông không bao giờ chịu xuống nước, mà ông thường tỏ ra không hài lòng rồi bỏ ra ngoài.
Tiếp sau đó sẽ là cảnh tượng khiến cô càng tức giận hơn. Mẹ cô bỏ mặc tất cả để chạy đuổi theo ông, kéo tay ông lại, mẹ nói như hạ giọng cầu xin bố: "Anh lại định đi đâu vậy? Trưa nay em đã hứa sẽ nấu món bò sốt vang anh và Trâm thích ăn mà, anh quên à?".
Cuối cùng bố không đi nữa nhưng cũng không thèm quay ra nhìn mẹ lấy một cái mà chắp tay sau lưng đi thẳng vào phòng, rất lâu sau đó cũng không đi ra ngoài, mãi cho đến khi mẹ làm xong hết mọi việc lại phải vào phòng năn nỉ ông mới chịu ra.
Ảnh minh họa
Cô thật sự không sao hiểu được tại sao mẹ cô lại bao dung nuông chiều bố cô đến vậy. Cô cảm thấy mọi tật xấu của bố đều do mẹ cô chiều chuộng ông mà có. Thậm chí thi thoảng mẹ cô đi xa vài ngày, bà đều chuẩn bị chu đáo mọi việc. Đã rất nhiều lần cô nói với mẹ rằng bà không nên quá nuông chiều bố cô, nếu không một ngày nào đó cô đi lấy chồng rồi, sẽ không còn ai ở nhà để bênh vực bảo vệ bà.
Thế nhưng lần nào mẹ cô cũng mỉm cười nhìn cô, không nói lời nào, vẻ mặt tươi tỉnh rất hài lòng và hạnh phúc. Tâm trạng của mẹ như vậy khiến cô hiểu rằng cho dù cô có nói như thế nào đi nữa thì cũng vô ích, lần sau mẹ vẫn sẽ nhún nhường, chiều chuộng bố.
Chính vì vậy mà khi tìm người yêu, cô đặc biệt chú ý đến điều này, chỉ cần ở chàng trai đó có điểm nào thấp thoáng mang bóng dáng của bố cô, là cô sẽ loại ra khỏi danh sách lựa chọn. Cứ mải kén chọn như vậy, chẳng mấy chốc mà cô đã bước sang tuổi 28, lãng phí mất quãng tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình. Cuối cùng bố cô đã nổi cáu, ông mời một viên sĩ quan quân đội ưu tú đến nhà ăn cơm gặp mặt và để ông đích thân kén chồng cho cô.
Lời nói hành động của viên sĩ quan đó đều rất đàng hoàng chững chạc, công việc của anh cũng rất tốt, đang trên đà thăng tiến, hiếm người theo kịp. Thế nhưng cuối cùng khi chơi cờ tướng với bố cô, anh đã phạm một điều đại kỵ mà cô không thích có ở người chồng tương lai của mình, trước mặt bố vợ tương lai anh tỏ ra hiếu thắng, ngay cả một quân tốt nhỏ anh cũng không chịu nhường ông. Nhìn thấy hai quân nhân có tính cách rất giống nhau này, cô mỉm cười, nhưng trong lòng cô cũng giống như mọi khi đã âm thầm loại bỏ anh ra khỏi đối tượng cô muốn kết hôn.
Lần này, bố cô thật sự rất tức giận, ông nói: "Ngay bản thân con còn không hoàn hảo, con có tư cách gì mà đòi hỏi người khác phải hoàn hảo chứ?". Huống hồ anh chàng đó là một người rất hoàn hảo, thế nhưng qua thước đo sai lệch của con, anh ta bỗng nhiên trở nên không hoàn hảo".
Cô giận dỗi chuyển đến ở nhà dì ruột. Tối hôm đó, cô nằm "kể tội" bố cô với dì, không ngờ dì cô lại cười và thở dài nói: "Cháu không biết là ngày xưa có bao nhiêu cô gái đều ghen tỵ với mẹ cháu vì mẹ cháu đã tìm được một người chồng tốt đâu". Bố cháu và cấp trên của ông ấy đều yêu mẹ cháu, hơn nữa khi đó cũng là lúc bố cháu phải thi để lên cấp hàm thượng úy. Nhưng cuối cùng ông ấy thà không lên cấp hàm thượng úy chứ nhất quyết không chịu để mất mẹ cháu vào tay người khác. Sự kiên quyết đó của ông không chỉ làm mẹ cháu cảm động mà còn được sếp của ông ấy ngưỡng mộ và ủng hộ.
Có một năm khi chấp hành nhiệm vụ, trượt chân ngã từ trên sườn núi xuống, thương tích đầy người, trên đường đến bệnh viện, sợ mẹ cháu lo lắng, ông ấy nghiến răng chịu đau và nhất định yêu cầu mọi người không được báo tin này với mẹ cháu, có thế ông mới chịu vào phòng phẫu thuật.
Thật ra, trong rất nhiều chuyện đại sự, vì mẹ cháu, ông ấy luôn kiên quyết không chịu nhường người khác một bước. Và mẹ cháu cũng vậy, rất kiên quyết, nếu không, năm đó người lấy bố cháu sẽ là dì chứ không phải là mẹ cháu đâu".
Lúc đó cô cảm thấy rất ngạc nhiên, dường như cô đang nghe câu chuyện của một ai khác, trong câu chuyện đó nhân vật nam nữ chính yêu nhau say đắm si tình, vì người mình yêu mà họ quyết không từ bỏ, quyết không nhường nhịn người khác dù chỉ một con tốt trong ván cờ. Nhường và không nhường, thật ra đều là vì muốn được ở bên nhau chọn đời.
Vào giây phút bố cô chưa nguôi cơn giận nhưng vẫn gọi điện thoại bảo cô về nhà, cô mới hiểu ra rằng hóa ra hạnh phúc của đời người không phụ thuộc vào việc có được một người yêu hoàn hảo hay không. Hạnh phúc chính là khi hai trái tim luôn ở bên nhau tạo thành một vòng tròn ranh giới giữa việc nhường và không nhường và dùng tình yêu, sự ân cần quan tâm của mình để giữ người kia lại trong vòng tròn đó, mãi mãi không bao giờ rời xa.
Mẹ không cho tiền, em trai nói một câu mà tim tôi đau nhói Tôi không ngờ đứa em ngoan hiền ngày nào của tôi bây giờ trở thành bất trị. Ảnh minh họa Mẹ tôi có tuổi rồi nên sức khỏe yếu lắm, chẳng thể làm được việc nặng, thế nên tháng nào tôi cũng gửi tiền về cho mẹ và em chi tiêu sinh hoạt. Em trai tôi lười học lắm, sau khi tốt nghiệp...