Nhìn lại vụ học sinh gãy chân, hiệu trưởng bị “tố” vô cảm
Nam sinh lớp 2 kể với bố mẹ nguyên nhân gãy chân là do va chạm với ô tô chở hiệu trưởng nhưng cô hiệu trưởng khẳng định, không nhìn thấy tai nạn.
Cháu Trần Chí Kiên phải nghỉ học, nằm nhà do tai nạn gãy chân trong trường học
Học sinh nói bị ô tô đâm, trường khảo sát bác bỏ
Sáng 1.12.2016, gia đình anh Trần Chí Dũng – phụ huynh của cháu Trần Chí Kiên (học sinh lớp 2A4, Trường tiểu học Nam Trung Yên) nhận được điện thoại của giáo viên trường cháu Kiên thông báo, trong lúc chơi ở sân trường cháu Kiên bị ngã gãy chân, đang được các cô đưa đi cấp cứu.
Tuy nhiên, theo anh Dũng, cháu Kiên nói với bố mẹ, cháu bị gãy chân sau va chạm với chiếc ô tô di chuyển trong sân trường, trên xe có cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và cô giáo khác.
Quá bất ngờ vì sự việc, anh Dũng đã liên hệ với nhà trường để tìm hiểu nguyên nhân thì sau hơn một tuần nhà trường vẫn từ chối trách nhiệm và tiến hành khảo sát học sinh toàn trường về vụ việc.
Về phía nhà trường, trong báo cáo gửi Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy về sự việc cháu Kiên, Trường tiểu học Nam Trung Yên cho biết, ngay sau khi xảy ra tai nạn, nhà trường đã tiến hành phát phiếu khảo sát. Kết quả cho biết, 100% cán bộ, giáo viên và bảo vệ khẳng định, không có xe ô tô ra vào trường trong giờ học và giờ ra chơi. Nếu có hiện tượng học sinh ngã là do nô đùa, đuổi nhau chạy quá nhanh, quá mạnh.
Ngày 6.2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy xem xét đình chỉ chức vụ của hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên trong lúc chờ điều tra làm rõ vụ việc. Công an Hà Nội sau đó đã vào cuộc điều tra.
Đầu tháng 2, anh Trần Chí Dũng cho biết, gia đình ông Trần Quốc Tuấn (sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, người được cho là lái xe taxi đâm cháu Kiên gãy chân) đã liên hệ với gia đình anh để thăm hỏi và xin lỗi về sự việc xảy ra với cháu Kiên.
Hiệu trưởng và giáo viên bất nhất
Sau khi dư luận phản ứng cho rằng, bà Ngọc và giáo viên Trường tiểu học Nam Trung Yên thiếu trung thực trong vụ việc cháu Kiên bị gãy chân, ngày 13.2, Trường tiểu học Nam Trung Yên đã gửi đến nhiều cơ quan báo chí “Bản báo cáo sự việc đề nghị xem xét” trong đó có chữ ký của bà Tạ Thị Bích Ngọc.
Theo báo cáo này, sáng 1.12.2016 (hôm xảy ra tai nạn với cháu Trần Chí Kiên), bà Ngọc đã nhờ bà Nguyễn Thị Hương (Phó hiệu trưởng nhà trường) gọi taxi đi bệnh viện khám bệnh.
Khi về tới trường, vì người mệt nên bà Ngọc và bà Hương đi xe taxi vào trường từ cổng sau. Trong quá trình ngồi trên xe, bà Ngọc khẳng định không có hiện tượng va chạm vào bất kỳ học sinh nào trong trường nên trở về phòng làm việc bình thường.
Video đang HOT
Sau đó, bà Ngọc đang ở phòng làm việc thì được giáo viên báo cháu Kiên bị ngã. Do đang mệt nên bà Ngọc phân công bà Hương giải quyết.
Bà Ngọc cũng khẳng định với báo chí, bà không lái xe ô tô vào trong trường, không ngồi trong chiếc xe va chạm với cháu Kiên và cũng không nhìn thấy chiếc xe va chạm với cháu Kiên.
Theo bà Ngọc, việc trường phát phiếu điều tra lấy ý kiến 100% học sinh, giáo viên là do cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm của học sinh Kiên tiếp thu mong muốn của phụ huynh và phản ánh lại với ban giám hiệu chứ không phải là ý tưởng của trường.
Tuy nhiên, ngày 16.2, cô Trần Thị Thu Nhung lên tiếng khẳng định, ban giám hiệu nói cô là người đã tư vấn thực hiện khảo sát lấy ý kiến nguyên nhân cháu Kiên gặp tai nạn là sai sự thật.
Công Nhung cũng thừa nhận sai lầm khi ký vào bản tường trình về vụ việc học sinh Kiên bị ngã gãy chân tại sân sau của trường bởi thời điểm học sinh bị ngã, cô Nhung không được chứng kiến tận mắt.
Phiếu khảo sát của Trường Tiểu học Nam Trung Yên về trường hợp của cháu Kiên để lấy kết quả báo cáo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy
Phụ huynh và giáo viên đồng loạt phản đối
Ngày 17.2, gia đình anh Trần Chí Dũng đã có đơn kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và các cơ quan truyền thông báo chí cho rằng, bà Tạ Thị Bích Ngọc đã báo cáo thiếu trung thực.
Anh Dũng khẳng định, không hề đề nghị nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Kiên thực hiện khảo sát tìm nguyên nhân cháu gặp tai nạn.
Anh Dũng cũng cho rằng, bà Ngọc và nhà trường cố tình trốn tránh trách nhiệm khi bà Ngọc và bà Hương người ngồi trên xe taxi đi vào trường, là người biết chắc chắn có xe ô tô đi vào trường ngày hôm đó nhưng vẫn nằm trong số 100% giáo viên nhà trường khi được khảo sát, khẳng định không có ô tô nào đi vào trường sáng ngày 1.12.2016.
Ngày 18.2, 18 giáo viên Trường Tiểu học Nam Trung Yên gửi “Thư bày tỏ” phản đối những điểm chưa đúng sự thật trong vụ học sinh bị gãy chân.
Theo “Thư bày tỏ” của 18 giáo viên, trước khi lấy khảo sát học sinh, bà Hương đã phổ biến với học sinh mục đích của việc khảo sát nhằm phục vụ báo cáo về an toàn trường học và thanh tra của sở. Trước khi khảo sát, các giáo viên này không biết gì về vụ tai nạn của cháu Kiên.
Việc phản ảnh 100% giáo viên trong trường nhất trí với hiện tượng không có xe taxi chở cô Hiệu trưởng và Hiệu phó gây tai nạn cho học sinh là không đúng sự thật.
Về bản “Báo cáo sự việc cần xem xét” gửi cơ quan báo chí nhân danh tập thể cán bộ giáo viên nhà trường là không đúng, bởi sự thực là chỉ có 3 người ký vào tài liệu đó, gồm hiệu trưởng, hiệu phó và chủ tịch công đoàn trường. Các giáo viên đều khẳng định, họ không hề biết đến nội dung trong bản báo cáo.
Liên quan đến sự việc trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã có yêu cầu các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội sớm kết luận.
Theo Xuân Lực (Dân Việt)
Bà Hiệu trưởng và câu chuyện đạo đức "thất thủ"!
Câu chuyện của bà Tạ Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) hôm nay, chính là hệ quả của cách xử lý bà Ngọc hôm xưa mà thành.
Cháu Trần Chí Kiên bị gãy rời xương chân. Ảnh: VNN/I.T
Tôi theo nghề báo đã hơn mười một năm, chưa bao giờ tôi lại phải bối rối để kiềm chế sự phẫn nộ khi viết một bài báo như thế này.
Khi gia đình phụ huynh của cháu bé bị xe taxi đâm gẫy chân trong sân trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) tuyệt vọng gửi đơn đến các toà soạn báo kêu cứu, tôi đã lờ mờ nghĩ về những khuất tất từ phía nhà trường. Tôi tin, trẻ con không biết nói dối và nếu có nói dối cũng không qua mặt được người lớn. Quan trọng hơn, tôi tin vào linh cảm làm cha mẹ khi nghe lời kể của đứa con ấu dại. Tuy nhiên, đó mới là câu chuyện một phía.
Thế nên, lúc bà Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên, Tạ Thị Bích Ngọc khẳng định nội quy của trường không cho xe ô tô lưu thông vào trường, vì vậy việc cháu bé bị taxi đâm gẫy chân là "không thể xảy ra". Để khẳng định sự trong sạch, bà Ngọc còn cũng cấp phiếu khảo sát với 100% kết quả khẳng định "không có xe taxi chạy vào trường, cháu bé tự té ngã". Thời điểm ấy, tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra ở trường Tiểu học này, nhưng khẩu thuyết vô bằng.
Bởi với chi tiết phát phiếu khảo sát nhằm đổ lỗi cho cháu bé, đó chính là lá đơn tố cáo sự dối trá của bà Ngọc. Quan trọng hơn, đó là tình tiết minh định bà Ngọc sử dụng vị trí Hiệu trưởng của mình một cách tuỳ tiện, vô lối thế nào.
Và bức "tâm thư" gọi là để minh oan cho bà Tạ Thị Bích Ngọc.
Nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở mức trực giác.
Rồi may mà Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo vụ việc. Cũng may mà, vợ của người lái taxi đã lên tiếng. Và may hơn nữa, vẫn còn những cá nhân trong hệ thống chính quyền Thủ đô không bảo vệ cho cái xấu, sự giả dối.
Tôi thông cảm (mặc dù không đồng thuận) với cái cách của những giáo viên ở trường Tiểu học Nam Trung Yên khi họ vì một nỗi lo sợ áo cơm nào đó phải im lặng. Tuy nhiên, như Martin Luther King - nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi, đã đạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964 kết luận: "Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà vì còn sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt".
Bây giờ thì bà Ngọc đã thừa nhận hôm ấy có xe taxi vào trường, chiếc taxi chở bà đi khám bệnh về lại trường. Bây giờ thì bà cũng đã thừa nhận cháu bé không tự té ngã mà là do bị taxi đâm. Bây giờ thì bà Ngọc đã thừa nhận nhiều thứ, thế nhưng, có lẽ là do đặc tính con người, bà Ngọc vẫn đang đổ vấy cho người khác, từ chuyện lúc taxi đâm cháu bé bà không biết gì, do bà mệt nên đã ủy quyền cho giáo viên chủ nhiệm theo dõi tình trạng sức khỏe của cháu bé.
Thú thật, tôi chưa thấy một nhà giáo nào nói dối và trơ trẽn đến vậy sau mọi chuyện như bà Tạ Thị Bích Ngọc.
Bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc. I.T
Tôi không ngạc nhiên vì sao vẫn còn có ai đó nhân danh là giáo viên gửi tâm thư mong giữ lại bà Ngọc làm hiệu trưởng, bởi xưa nay, chuyện ngưu mã tầm nhau, bè đảng kết băng nhóm, là chuyện vẫn thường xảy ra.
Trước khi làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên, bà Ngọc từng làm Hiệu trưởng một trường tiểu học khác. Và bà mắc vi phạm khi "lập quỹ đen từ tiền cắt bớt khẩu phần ăn của 400 học sinh bán trú". Đó là một hành vi có thể truy tố, vậy mà không hiểu sao bà Ngọc lại được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên thay vì bị xử lý.
Rõ ràng, cái sẩy nảy cái ung, một khi cái xấu được bảo vệ thì nó sẽ ngày càng hoành hành để tạo ta những cái xấu khác lớn hơn cái xấu ban đầu. Bà Ngọc là một điển hình.
Cho đến giờ, bà Ngọc vẫn chưa một lần tỏ ra hối hận vì hành động, lời nói của mình. Và cho đến giờ, Phòng Giáo dục Quận Cầu Giấy, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội vẫn chưa nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc trong lĩnh vực của họ do bà Ngọc gây ra. Đó là niềm tin bị đánh cắp, là đạo đức bị đánh cướp, là giáo dục bị đánh gục.
Câu chuyện của bà Ngọc hôm nay, chính là hệ quả của cách xử lý bà Ngọc hôm xưa mà thành.
Đạo đức thất thủ hoàn toàn, có căn nguyên từ những cá nhân bất chấp đúng sai, bất chấp pháp luật, bất chấp các quy chuẩn xã hội để bảo vệ cho bà ấy.
Ngoài bà Ngọc, có lẽ cũng phải tính đến chuyện ai đã ký công văn điều chuyển một cá nhân như bà Ngọc về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên.
Đơn giản, dung dưỡng cho cái xấu chắc chắn cũng là người xấu.
Theo Danviet
Vụ học sinh gãy chân: Hé lộ nhiều sự thật khác Cho rằng trả lời của cô hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên về vụ học sinh bị đâm xe trong sân trường là không đúng sự thật, ngày 17.2, phụ huynh Trần Chí Dũng và nhiều giáo viên trong trường đã bức xúc lên tiếng. Trả lời PV Dân Việt về sự việc này, cô Trần Thị Thu Nhung - giáo...