Nhìn lại trận mưa lụt lịch sử ở Phú Quốc
Trận ngập lụt kinh hoàng xảy ra ở huyện Phú Quốc (Kiên Giang) làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, tổng thiệt hại do lũ lụt gây ra lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đây là điều chưa từng xảy ra trong suốt hàng chục năm qua.
Trận ngập lụt lịch sử vừa qua ở Phú Quốc
Cuộc sống bị đảo lộn
Vợ chồng anh Lê Quang Lam (tài xế taxi Phú Quốc) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại việc phải bỏ nhà ẵm con hai lần chạy lũ. “Vợ chồng tôi từ miền Trung vào đây làm ăn, nhờ bạn bè giới thiệu tôi thuê căn nhà tại khu phố 4, thị trấn Dương Đông. Tuy nhiên mới dọn vào ở được 3 ngày thì trời mưa liên tục, nước lên làm ngập căn nhà ngập sâu tới ngực, vợ chồng và đứa con mới 4 tháng tuổi vào khách sạn lánh nạn, đồ đạc không mang theo được thứ gì” – anh Lam nói, đồng thời cho biết sau mấy ngày nước rút, vợ chồng khăn gói trở về nhà để dọn dẹp, vừa mới dọn xong chưa kịp mừng thì trời tiếp tục mưa và nước lên còn kinh
khủng hơn.
PV Tiền Phong trở lại một số nơi bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt ngập vừa qua, con đường vào dãy trọ ở khu phố 10 thị trấn Dương Đông, mặt đường vẫn chưa ráo nước, rác thải, túi nhựa vương vãi khắp mặt đường. Chị Nguyễn Cẩm Đông cho biết cũng may mắn là căn nhà trọ có gác nên nhờ đó gia đình lên lánh nạn, những ngày qua, nước ngập cao, đi lại rất khó khăn, chị phải nghỉ làm, tháng này coi như không có tiền đóng tiền nhà, tiền sữa cho con. Cách đó không xa, nhà của bà Hoàng Thị Sự nước vẫn chưa rút hết, trước đó nước ngập cao, không kịp trở tay, gia đình phải chạy đi mượn giàn giáo kê đồ đạc đồng thời cũng làm chỗ ngủ cho cả nhà. Cuộc sống gia đình gần như bị đảo lộn mọi thứ, do nhà nằm sâu trong hẻm, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn…
Ông Nguyễn Ngọc Chương – ngụ khu phố 10, thị trấn Dương Đông bức xúc nói: “Cách đây 10 năm, nhà cửa còn hoang vắng, xe cộ thưa thớt, nhưng 2 năm trở lại đây do sự phát triển ồ ạt, nhiều nhà cao tầng, khu nghỉ dưỡng, resort mọc lên như nấm, tình trạng xây dựng lấn chiếm không kiểm soát. Trận ngập lụt vừa qua một phần do thiên tai nhưng cái chính là do con người xây dựng công trình lấn chiếm kênh, rạch, sông suối. Ngày xưa, rạch Ông Trì xuồng, ghe ra vào được, còn bây giờ con cá bơi vào còn khó thì làm sao không ngập cho được”.
Xây dựng bịt cả đường thoát nước
Theo khảo sát của phóng viên, một số tuyến kênh, rạch ở thị trấn Dương Đông, xã Dương Tơ và Cửa Dương…, tình trạng nhà dân xây dựng ngang nhiên lấn chiếm dòng, thậm chí có người cất nhà chắn luôn trên rạch làm bít đường thoát nước. Tại các bãi biển lớn và đẹp nhất của Phú Quốc như bãi Dài, bãi Trường, Gành Dầu… cách đây vài năm còn hoang sơ, vắng vẻ nay đều được phân thành các lô hàng chục, hàng trăm héc ta chia cho các nhà đầu tư. Dọc 15km thuộc Bãi Trường đang có cả trăm dự án bất động sản nằm san sát nhau tạo thành từng khối bê tông dày đặc đang rầm rộ xây dựng. Đa số là dự án bất động sản, khu nghỉ dưỡng với resort, biệt thự biển, shophouse…
Video đang HOT
Việc vi phạm trật tự xây dựng từng được huyện Phú Quốc kiểm tra xử lý. Từ tháng 8/2018 – 6/2019, tổ này đã phát hiện và xử lý 294 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, còn hơn 170 trường hợp vẫn đang xử lí, 112 trường hợp xây dựng nhưng vẫn có nhiều hộ cất nhà lấn chiếm sông suối.
Nói về đợt mưa lụt, ông Huỳnh Quang Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết đây là lượng mưa kỷ lục, lớn hơn so với trung bình nhiều năm, lại diễn ra trong thời gian ngắn, đồng thời trùng với nước biển dâng cao, làm cản trở việc thoát nước từ sông, suối ra biển. Cùng lúc đó gió mùa Tây Nam thổi mạnh làm cho sóng biển lên cao gây cản trở đáng kể lưu lượng nước thoát của các cửa sông ra biển.
Cũng theo ông Hưng, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư xây dựng từ năm 2003. Khi đó, quy mô đầu tư phù hợp với mật độ dân cư sinh sống còn thưa thớt. Đến nay, tình hình Phú Quốc phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch và cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các khu vực này làm thay đổi hiện trạng ao hồ tự nhiên để điều hòa khi nước thoát không kịp.
Trong khi đó, một số điểm bị san lấp tôn nền xây dựng kè, làm hẹp dòng chảy, một số đoạn suối là những nguyên nhân cùng góp phần làm giảm lưu lượng thoát nước về các nhánh sông. Thêm vào đó là tại khu vực Bãi Trường, do các dự án chưa hoàn thiện nên việc đấu nối với hệ thống thoát nước chưa đồng bộ gây ra ngập cục bộ một số khu vực.
“UBND huyện Phú Quốc đề xuất cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang cho khảo sát, quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối, thoát nước cho toàn đảo. Ngoài ra, cần nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông cho phù hợp với tốc độ phát triển, ông Hưng cho hay.
Hiện tại nước lũ trên đảo Phú Quốc đã rút hết. Trận mưa lũ vừa qua làm 63 km đường bị ngập; 23 căn nhà bị tốc mái, sập, sụp nứt; 8.424 nhà bị ngập trong nước; hàng ngàn hộ dân bị cô lập hoàn toàn giữa vùng lũ. Tổng thiệt hại do ngập cục bộ gây ra trên địa bàn huyện Phú Quốc ước tính 107 tỷ đồng.
NHẬT HUY
Theo TPO
Mưa lũ lịch sử ở Phú Quốc gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Mưa lớn trong những ngày qua đã làm ngập cục bộ 63km đường ở huyện Phú Quốc (Kiên Giang), hơn 8.400 căn nhà bị ngập lụt ...
Tuyến đường Trần Phú (thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) bị hư hỏng nặng do mưa lớn. Ảnh: Quốc Tuấn
Ngày 13/8, tin từ Ban chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo về tình hình ngập cục bộ do mưa lớn trong mấy ngày qua ở Phú Quốc.
Theo đó, mưa dông đã làm 23 căn nhà bị sập, tốc mái, sụp lún. Hơn 8.400 căn nhà bị ngập lụt trong nước, ước thiệt hại khoảng 82 tỷ đồng. Các vật dụng tài sản khác trong nhà bị hư hỏng nặng ước thiệt hại 22 tỷ đồng. Ngoài ra, còn thiệt hại về hoa màu, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, UBND huyện Phú Quốc đã huy động hàng ngàn lượt người (công an, dân quân, bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Lữ đoàn 950...) tham gia cứu hộ, hỗ trợ nhân dân, cùng với hơn 750 phương tiện tham gia (trong đó, ô tô 50 chiếc, xe cẩu 35 tấn, 80 xe cuốc, 200 xe máy, thuyền thúng 14 chiếc, xuồng cao tốc 2 chiếc, phao bè cứu sinh 91 chiếc, áo phao 250 áo, 50 chiếc phao tròn).
Qua đó, đã sơ tán được 1.985 người dân (phụ nữ 1.039, trẻ em 946) đến nơi tránh trú an toàn. Các ban ngành huyện đã phát cơm miễn phí trên 3.200 suất, nhận gạo từ mạnh thường quân 39 tấn gạo, 3.877 thùng mì, cơm, bánh mì, bánh bao 2010 suất, tiền mặt 244 triệu đồng.
Đáng chú ý, mưa lớn liên tục trên diện rộng, cũng khiến cho nhiều tuyến đường (dài 63km) trên địa bàn huyện Phú Quốc bị ngập cục bộ, có nơi ngập sâu trung bình từ 0,7 - 2m, gây thiệt hại lớn công trình giao thông và tài sản của người dân. Ước tình tổng mức thiệt hại trên tất cả các mặt khoảng 107 tỷ đồng.
Đồng thời, tại thời điểm xảy ra thiên tai các chuyến tàu cao tốc xuất nhập đảo vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, có 30 chuyến bay khởi hành từ Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đi nơi khác và ngược lại bị huỷ do lượng mưa quá lớn không đảm bảo an toàn hàng không.
Theo ngành chức năng huyện Phú Quốc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do biến đổi khí hậu (từ ngày 1 - 9/8) tổng lượng mưa trên địa bàn đạt 1,170mm. Trong khi đó, lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc là 2.800mm, chỉ tính riêng ngày 9/8 lượng mưa lên đến 335mm), cao hơn lượng mưa lịch sử Phú Quốc năm 1997 là 327mm.
Một chiếc xe ô tô bị nước cuốn trôi xuống kênh. Ảnh: Hoàng Nghiệp
Ông Mai Văn Huỳnh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc cho biết: "Đây là lượng mưa kỷ lục, lớn hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng lại diễn ra trong thời gian ngắn. Đồng thời, trùng với nước biển dâng cao, hệ thống thoát nước từ sông, suối đổ ra biển gây cản trở rất nhiều".
Cũng theo ông Huỳnh, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư xây dựng từ năm 2003 quy mô từ thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư thưa thớt. Một số nơi hiện nay bị san lắp, tôn nền xây dựng kè, làm hẹp dòng chảy, một số đoạn suối là những nguyên nhân góp phần làm giảm lưu lượng thoát nước về các nhánh sông.
"Giải pháp trước mắt, huyện sẽ tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ nguời dân bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống; tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng và phòng, chống dịch bệnh. Tiến hành nạo vét, khai thông cống rãnh, cửa sông, cửa biển", ông Huỳnh nói và cho biết thêm, về lâu dài, phải đẩy nhanh triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực đô thị Dương Đông, An Thới, phê duyệt chương trình phát triển đô thị, làm cơ sở để đề xuất giải pháp tổng thể, cho hạ tầng đô thị của Phú Quốc.
Để đảm bảo giao thông thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại được dễ dàng, ông Lê Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang cho biết, sắp tới, các cơ quan chuyên ngành giao thông tỉnh sẽ lập đoàn phối hợp cùng với huyện Phú Quốc tiến hành khảo sát riêng biệt để đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại trên các tuyền đường hư hỏng. Từ đó, trình UBND tỉnh để có hướng xử lý khắc phục.
Hoàng Nghiệp
Theo Baogiaothong
Ngập kỷ lục, Chủ tịch Phú Quốc buồn vì bị bảo quy hoạch thiếu tầm Trận mưa ngập lịch sử gây thiệt hại hơn 107 tỷ đồng cho Phú Quốc. Chủ tịch huyện đảo chia sẻ ông rất buồn khi nhiều ý kiến nói quy hoạch thiếu tầm nhìn. Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) Mai Văn Huỳnh vừa ký công văn báo cáo về tình hình ngập do mưa lớn. Ngày 8-9/8, Phú Quốc có...