Nhìn lại những cột mốc phát triển tham vọng hạt nhân của Triều Tiên
Tuyên bố của Triều Tiên rằng nước này đã thử một quả bom nhiệt hạch cỡ nhỏ, nếu được xác nhận, sẽ là một bước tiến đáng kể trong nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân gắn trên tên lửa có thể đe dọa nước Mỹ.
Người dân Bình Nhưỡng theo dõi tuyên bố về vụ thử bom nhiệt hạch trên truyền hình ngày 6.1 – Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, cơ quan tình báo Hàn Quốc nghĩ rằng sức công phá từ vụ nổ còn kém hơn nhiều so với hiệu quả do một vụ nổ bom nhiệt hạch không thành công tạo ra. Sau đây là một số cột mốc thời gian chính trong quá trình phát triển các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, theo hãng tin AP.
31.8.1998: Triều Tiên bắn một tên lửa qua không phận Nhật Bản và vào Thái Bình Dương, nhưng tính chính xác của nó bị đánh giá thấp do không có khả năng tấn công đáng kể.
5.7.2006: Triều Tiên bắn một tên lửa 3 tầng với tầm bắn 6.700 km nhưng đã phát nổ không lâu sau khi được phóng đi, theo giới chức Mỹ và Hàn Quốc. Triều Tiên chưa bao giờ thừa nhận vụ phóng này.
9.10.2006: Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất đầu tiên, sau khi viện dẫn “mối đe dọa tột bực về một cuộc chiến tranh hạt nhân” từ Mỹ.
5.4.2009: Một tên lửa tầm xa được cho là mang theo vệ tinh đã vươn đến Thái Bình Dương nhưng thất bại ở tầng 3. Bất chấp tuyên bố thành công của Triều Tiên, không có vệ tinh nào đến được quỹ đạo, theo Bộ tư lệnh Phòng thủ không gian Bắc Mỹ.
14.4.2009: Triều Tiên rút khỏi các cuộc đàm phán 6 bên và thề khởi động lại các cơ sở hạt nhân nhằm phản đối việc cộng đồng quốc tế lên án vụ phóng tên lửa của nước này.
Video đang HOT
25.5.2009: Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai.
13.6.2009: Triều Tiên tuyên bố sẽ bắt đầu làm giàu uranium, con đường khả dĩ thứ hai tiến tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân bên cạnh một chương trình dựa trên plutonium tại lò phản ứng của nước này.
11.5.2010: Triều Tiên tuyên bố đạt được thành công về phản ứng nhiệt hạch hạt nhân, dẫn đến những suy đoán rằng Bình Nhưỡng đang cố gắng chế tạo một quả bom mạnh hơn. Giới phân tích bên ngoài nghi ngờ tuyên bố này.
29.2.2012: Triều Tiên tuyên bố tạm hoãn các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân trong một thỏa thuận về viện trợ lương thực với Mỹ.
13.4.2012: Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa từ bờ biển phía tây nhưng nó phát nổ không lâu sau khi được phóng đi. Bình Nhưỡng thừa nhận thất bại. Mỹ tuyên bố sẽ không thực thi thỏa thuận viện trợ lương thực.
12.12.2012: Một tên lửa tầm xa đã đặt một vệ tinh vào quỹ đạo trong vòng 10 phút. Bộ tư lệnh Phòng thủ không gian Bắc Mỹ nói Triều Tiên có thể đã đặt vật thể vào không gian.
13.2.2013: Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba.
9.5.2015: Triều Tiên tuyên bố bắn thử thành công một loại tên lửa đạn đạo mới từ tàu ngầm. Các tên lửa được phóng từ phương tiện dưới nước thường khó phát hiện hơn từ trên mặt đất, nhưng các nhà phân tích nói rằng Triều Tiên có thể phải cần nhiều năm nữa mới có một hệ thống vận hành được.
10.12.2015: Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đạt khả năng cho nổ một quả bom nhiệt hạch (bom khinh khí, hay bom H).
6.1.2016: Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, “đưa nước này vào hàng ngũ các cường quốc hạt nhân”.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Tổng thống Putin ra lệnh điều tra vụ Triều Tiên thử bom nhiệt hạch
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các cơ quan hữu trách thu thập dữ liệu, nghiên cứu và phân tích tình hình để xác nhận Triều Tiên có thật sự thử bom nhiệt hạch hay không.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh các cơ quan hữu trách thu thập dữ liệu để xác nhận vụ Triều Tiên thử bom nhiệt hạch - Ảnh minh hoạ: Reuters
Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết Moscow "cực kỳ quan ngại" về việc Triều Tiên, có biên giới giáp với Nga, đã tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom khinh khí, bom H) vào sáng ngày 6.1.
"Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho các cơ quan hữu trách thu thập tất cả dữ liệu, nghiên cứu kỹ lưỡng và phân tích tình hình để xác nhận Triều Tiên có thật sự thử bom nhiệt hạch hay không", ông Peskov nói.
"Nếu cuộc thử nghiệm này được xác nhận thì rõ ràng Bình Nhưỡng đang trên lộ trình phát triển vũ khí hạt nhân, vi phạm luật quốc tế và các nghị quyết hiện hành của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ)", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một thông cáo ngày 6.1, theo AFP.
"Những hành động như thế này có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vốn có nguy cơ cao xảy ra đối đầu về mặt chính trị và quân sự", theo Bộ Ngoại giao Nga.
Ông Yohei Hasegawa, đại diện của cơ quan địa chất Nhật Bản công bố biểu đồ dư chấn sau vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên ngày 6.1.2016 - Ảnh: AFP
Moscow kêu gọi các bên "kiềm chế cao độ và tránh những hành động có thể khiến căng thẳng leo thang đến mức mất kiểm soát".
Bộ Ngoại giao Nga tái khẳng định cam kết của Moscow về việc đối thoại ngoại giao nhằm giải quyết căng thẳng liên quan đến tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, và đề nghị "sớm bắt đầu đối thoại" nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Bình Nhưỡng trưa 6.1 chính thức tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch lần đầu tiên, sau khi đợt dư chấn 5,1 độ Richter được phát hiện tại khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, phía đông bắc Triều Tiên.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Hàn Quốc nghi thiết bị của Triều Tiên là bom A Các chuyên gia quân sự và tình báo Hàn Quốc cho biết khó có thể tin rằng Triều Tiên đã thử nghiệm bom H mà có thể Bình Nhưỡng chỉ thử bom A. Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có thể đã thử bom A, chứ không phải bom H. Bom A là loại vũ khí hạt nhân lấy...