Nhìn lại một năm nắm quyền của tân Chính phủ Malaysia
Kết quả điều tra dân ý của Trung tâm Merdeka công bố mới đây cho biết tỷ lệ ủng hộ ông Mahathir đã giảm từ 71% xuống còn 46%, tỷ lệ hài lòng đối với chính phủ PH cũng giảm từ 60% xuống còn 40%
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 9/5/2019 đánh dấu tròn một năm Chính phủ mới tại Malaysia cầm quyền. Tạm gác lại 60 cam kết trong nhiệm kỳ, tới nay việc thực hiện 10 chính sách mới trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền của Liên minh Hy vọng (PH) vẫn tồn tại nhiều vấn đề và là một trong những nguyên nhân giải thích việc tỷ lệ ủng hộ PH và cá nhân Thủ tướng Mahathir Mohamad giảm mạnh.
Kết quả điều tra dân ý của Trung tâm Merdeka công bố mới đây cho biết so với cuộc điều tra tương tự hồi chính phủ PH lên nắm quyền được 100 ngày, tiến hành vào tháng 8/2019, tỷ lệ ủng hộ ông Mahathir đã giảm từ 71% xuống còn 46%, tỷ lệ hài lòng đối với chính phủ PH cũng giảm từ 60% xuống còn 40%.
Một số chuyên gia và quan chức PH cho rằng nguyên nhân là do cử tri kỳ vọng quá cao vào PH và thời gian cầm quyền của PH còn quá ít. Nhưng theo tờ Quang Hoa nhật báo ngày 7/5, nếu nhìn vào việc PH thực hiện 10 cam kết trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên có thể thấy được phần nào lý do đằng sau.
Cam kết đầu tiên là hủy thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và đưa ra các chính sách phúc lợi làm lợi cho người nhân, giảm gánh nặng cuộc sống của người dân. Trên thực tế, PH đã hủy bỏ GST, nhưng sau đó, vật giá không hạ xuống. Ngược lại sau khi PH thay thế bằng thuế bán hàng và dịch vụ (SST), vật giá lại tăng lên. Vì vậy, người dân đã không cảm nhận được vế thứ 2 trong cam kết đầu tiên của PH.
Thứ hai, ổn định giá dầu, thực hiện chế độ trợ cấp xăng dầu cho các nhóm đối tượng mục tiêu. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Malaysia cho biết trợ cấp xăng dầu chỉ hướng tới các ô tô dung tích dưới 1.500cc thuộc quyền sở hữu của nhóm B40 (40% hộ gia đình ở “đáy” tháp thu nhập. “Đáy” tháp thu nhập gồm 20% hộ gia đình thu nhập cao – T20; 40% hộ gia đình thu nhập trung bình – M40 và 40% thu nhập thấp – B40).
Nhưng tới nay, người ta không biết khi nào chính sách này mới được thực hiện. Trong khi đó, chính phủ PH nói sẽ ổn định giá xăng dầu, nhưng xem ra Bộ Tài chính đã quay lại với phương thức “ổn định” giá xăng dầu theo tuần được thực hiện dưới thời Mặt trận Quốc gia (BN) cầm quyền và trong 11 tuần qua, giá xăng RON97 đã tăng 10 lần.
Thứ ba, hủy tất cả các khoản nợ không hợp lý mà những cư dân khai hoang thuộc Cục Phát triển đất đai quốc gia (Felda) phải gánh chịu. Cam kết này đã được thực hiện theo cách hiểu khác, nghĩa là chính phủ mới không hủy bỏ những khoản nợ bất hợp lý này, ngược lại đã cấp 77 triệu ringgit để hỗ trợ cư dân khai hoang trả các khoản nợ khất lần. Vấn đề là cư dân khai hoang dường như không đồng tình với quyết định này của chính phủ và hệ quả có thể thấy được từ thất bại liên tiếp của PH trong 3 cuộc bầu cử bổ sung từ đầu năm 2019 tới nay.
Video đang HOT
Thứ tư, đóng Quỹ tiết kiệm người lao động (EPF, quỹ lương hưu) giúp vợ người lao động làm nội trợ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Phụ nữ, gia đình và phát triển xã hội Wan Ismail tuyên bố chỉ cần vợ người lao động làm nội trợ mỗi tháng đóng 5 ringgit vào EPF, chính phủ sẽ giúp họ đóng thêm 40 ringgit. Giai đoạn đầu đã được thực hiện vào ngày 15/8/2019 và được chia thành 3 giai đoạn.
Ở giai đoạn thứ 2, chính phủ sẽ nâng mức trợ cấp lên 50 ringgit trong đó tiền hỗ trợ EPF vẫn là 40 ringgit vì vợ người lao động làm nội trợ sẽ được chính phủ hỗ trợ thêm 10 ringgit đóng bảo hiểm xã hội. Giai đoạn 3 sẽ khấu trừ 2% tiền lương của chồng chuyển sang cho vợ thông qua EPF, nhưng để làm được việc này thì phải sửa đổi Pháp lệnh về EPF năm 1991, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2020.
Thứ năm, thống nhất mức lương tối thiểu trên phạm vi cả nước và nâng dần mức lương tối thiểu. Ngày 5/9/2018, Văn phòng Thủ tướng ra thông cáo về chế độ lương tối thiểu thống nhất cả nước, nâng mức lương tối thiểu ở khu vực Tây Malaysia (1.000 ringgit) và mức lương tối thiểu ở khu vực Đông Malaysia (920 ringgit) lên 1.050 ringgit/tháng. Tuy PH đã thực hiện được cam kết, nhưng không thể nào khiến đa số cử tri hài lòng vì mục tiêu về mức lương tối thiểu của họ là 1.500 ringgit.
Thứ sáu, những người vay tiền từ Quỹ Giáo dục cao đẳng (PTPTN) thu nhập hàng tháng dưới 4.000 ringgit sẽ được tạm hoãn trả nợ, bỏ biện pháp đưa những người không trả nợ vào danh sách “đen”. Cam kết này xem ra nhằm tranh thủ lá phiếu của những người trẻ tuổi.
Vấn đề là sau khi lên nắm quyền, tuy PH đã bỏ biện pháp đưa những người không trả nợ vào danh sách “đen”, nhưng lại đưa ra chế độ khấu trừ lương hàng tháng. Hơn nữa với mức khấu trừ không nhỏ nên đã vấp phải sự phản đối của những cử tri trẻ tuổi, cuối cùng đành phải rút lại chính sách này và cân nhắc hồi phục biện pháp đưa những người không trả nợ vào danh sách “đen” dưới thời BN.
Thứ bảy, thành lập Ủy ban Điều tra hoàng gia (RCI) để điều tra triệt để các vụ bê bối ở Quỹ Phát triển 1Malaysia (1MDB), Felda, Cục tín thác nhân dân (Mara), Quỹ Hành hương (Tabung Haji) và thay đổi cơ cấu lãnh đạo tại các cơ quan này. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, PH vẫn chưa thành lập RCI để điều tra bất cứ vụ bê bối nào liên quan tới các đơn vị, cơ quan thuộc chính phủ cũng như những công ty liên quan tới chính phủ.
Thay vào đó, chính phủ mới sử dụng các cơ quan chức năng trực thuộc như cảnh sát, Ủy ban Chống tham nhũng (MACC) để điều tra các vụ bê bối. Vấn đề là sau khi PH lên nắm quyền, nhân sự của MACC đã có những thay đổi rõ rệt, bao gồm sự ra đi của các quan chức dính líu tới chính quyền tiền nhiệm.
Thứ tám, thành lập Ủy ban Đặc biệt nội các lập tức xem xét và thực thiện thỏa thuận Malaysia 1963 (MA63). Trên thực tế, PH đã thành lập một ủy ban như vậy, nhưng từ ngữ sử dụng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình lên hồi tháng 4/2019 để thực hiện MA63 lại bị Thủ hiến bang Sawarak chỉ rõ là không phù hợp với MA63.
Theo Thủ hiến bang Sarawah, việc sửa đổi Hiến pháp phải mang tính thực chất, không phải là hình thức. Nói cách khác một phần nội dung sửa đổi Hiến pháp vẫn chưa nhận được sự đồng tình của các nghị sỹ khu vực Đông Malaysia (Sabah và Sarawak), nên tạm thời bị gác lại.
Thứ chín, đưa ra chương trình quan tâm chăm sóc sức khỏe, trợ cấp 500 ringgit tiền chăm sóc y tế cơ bản cho nhóm B40, thực hiện qua các phòng khám tư nhân đã đăng ký. Tuy nhiên, vào tháng 7/2018, Bộ trưởng Y tế Dzulkefly Ahmad tuyên bố trì hoãn chương trình này vì không có tiền. Nhưng chính phủ PH lại đưa ra chương trình bảo hiểm y tế miễn phí trị giá 2 tỷ ringgit cho nhóm B40.
Theo đó, người mắc bệnh nặng có thể nhận được khoản trợ cấp cao nhất lên tới 8.000 ringgit và mỗi ngày có thể nhận được khoản trợ cấp trị giá 50 ringgit với thời gian tối đa là 14 ngày hoặc không quá 700 ringgit/năm.
Thứ 10, đánh giá toàn diện các dự án lớn ký kết với nước ngoài. Khi PH đưa ra cam kết này, dư luận cơ bản cho rằng là nhằm vào Trung Quốc, nhưng kỳ thực còn bao gồm cả Saudi Arabia. Sau khi lên nắm quyền, PH đã mạnh tay tạm dừng/hủy nhiều dự án lớn, đứng đầu là các dự án của Trung Quốc và Saudi Arabia.
Vì thế, chính phủ PH đã phải đối mặt với cục diện căng thẳng về ngoại giao. Lập trường về BRI của ông Mahathir trước và sau tổng tuyển cử rất khác nhau, đặc biệt là sau khi đối mặt với ảnh hưởng nghiêm trọng về ngoại giao và kinh tế, nhất là đối với ngành dầu cọ và ngành du lịch.
Nói tóm lại, sau khi lên cầm quyền, các quan chức PH nói rằng họ không nghĩ vấn đề nợ công lại trầm trọng đến vậy, cho nên, tạm thời không thể nào thực hiện được cam kết với cử tri. Thậm chí, theo tờ Strait Times ngày 16/8/2018, ông Mahathir thừa nhận PH đưa ra quá nhiều lời hứa khi tranh cử vì không nghĩ sẽ giành chiến thắng.
Điều đó có nghĩa PH chưa từng nghĩ họ sẽ thực hiện cam kết tranh cử như thế nào và đây chỉ là chiêu chức chính trị để giành lá phiếu cử tri. Một năm trôi qua, người dân bắt đầu nghi ngờ về năng lực cầm quyền của các quan chức PH./.
Theo Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)
Đông Nam Á hứa hẹn những chuyển động chính trị lớn
Giới phân tích khu vực dự báo năm 2019 sẽ đánh dấu những chuyển động lớn trong đời sống chính trị Đông Nam Á.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (phải) và ông Anwar Ibrahim (trái) sau cuộc họp báo ở Kuala Lumpur ngày 1/6/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Straitstimes, nước đầu tiên cần phải nhắc tới là Malaysia. Trong năm 2018, Chính quyền Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tận dụng phần lớn lợi thế để tái khởi động "làm mới" các thể chế chính phủ quan trọng và triển khai kế hoạch đưa nền tài chính công quay trở về quỹ đạo hoạt động thông thường.
Năm tới sẽ là năm kiểm nghiệm liệu Liên minh Hy vọng (PH) của Thủ tướng Mahathir có thể đưa ra chương trình cải cách mới hay không. Một số cải cách đã sẵn sàng được triển khai trong các lĩnh vực như chính trị và kinh tế. Trong bối cảnh đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) đối lập trên bờ vực sụp đổ, chính phủ có thể thúc đẩy các cải cách thông qua các chính sách và luật mới mà không vấp phải rào cản nào.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là khi PH chuyển giao quyền lực từ Thủ tướng đương nhiệm Mahathir sang cựu Phó Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Điều này có thể dẫn tới tranh cãi chính trị và ảnh hưởng tới công tác điều hành chính phủ.
Trong khi đó, tại Indonesia, hơn 192 triệu cử tri sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 17/4/2019. Đây sẽ là lần đầu tiên người dân của quốc gia dân chủ lớn thứ ba thế giới lựa chọn tổng thống và các nghị sĩ quốc hội trong cùng một ngày. Tuy nhiên, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào cuộc đua khốc liệt giữa Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và đối thủ cũ Prabowo Subianto.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) và ứng cử viên Tổng thống Prabowo Subianto trong cuộc họp báo tại thủ đô Jakarta ngày 21/9/2018. Ảnh: THX/TTXVN
Mặc dù cuộc đua tổng thống 2019 này được coi là "trận đấu lượt về" giữa hai chính khách, song lần này thì ông Joko không còn là một ứng cử viên không tên tuổi, mà là một tổng thống đương nhiệm và cử tri sẽ đánh giá kỹ lưỡng những thành tích của ông. Câu hỏi là liệu ông Joko đã hoàn thành trọng trách của mình, nhất là trong việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế và tăng lương, đủ để thuyết phục người dân Indonesia trao cho ông một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai hay không.
Thái Lan cũng sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong vòng 8 năm qua vào ngày 24/2/2019. Cuộc bầu cử tới đây sẽ là cuộc ganh đua quyết liệt với hệ thống bầu cử mới cho phép thu hẹp khoảng cách giữa các đảng phái mạnh nhất và các đảng phái mạnh thứ hai. Chính quyền quân sự cũng đã gỡ bỏ lệnh cấm về hoạt động chính trị chỉ trong ngày 11/12 vừa qua, cho phép các đảng phái "khoảng chạy đà" ngắn ngủi cho cuộc bỏ phiếu.
Bên cạnh đó, Hiến pháp mới được thông qua sau đảo chính lại tạo ra những rào cản khó khăn để các đảng chính trị lớn như đảng Pheu Thai có thể chiếm lĩnh chính trường. Thay vào đó, các đảng nhỏ và tầm trung sẽ giành được "sân chơi", nhiều khả năng hình thành nên một chính phủ liên minh. Luật bầu cử mới cũng cho phép một chính khách không tham gia cuộc tổng tuyển cử có thể trở thành thủ tướng với điều kiện người này có được sự chấp thuận của cả Hạ viện và Thượng viện được bầu.
Ngọc Hà - Đặng Ánh (TTXVN)
Theo Tintuc
Malaysia nối lại dự án đường sắt với Trung Quốc, giảm chi phí 5 tỷ USD Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm 15/4 ca ngợi thỏa thuận cơ sở hạ tầng với Trung Quốc là cùng có lợi cho cả hai nước. Thỏa thuận đạt được vào ngày 12/4, báo hiệu định hướng chính sách đối ngoại của Malaysia với việc tìm kiếm đầu tư trực tiếp, ngăn tăng trưởng kinh tế bị chậm lại. Cùng ngày, người phát...