Nhìn lại LG V10: Màn hình phụ độc đáo, thiết kế cứng cáp, nhưng lại sở hữu “gót chân Asin” quá lớn
LG V10 là một trong những chiếc smartphone ấn tượng nhất của LG.
LG giới thiệu dòng smartphone flagship G-series vào năm 2012 và đã mang đến một số sản phẩm thật sự ấn tượng như LG G3 và LG G Flex. Tuy nhiên, công ty cảm thấy rằng vẫn có chỗ cho một dòng cao cấp hơn, thứ để cạnh tranh sòng phẳng với dòng S và Note của đối thủ lâu năm Samsung.
Và thế là dòng LG V ra đời, nét đặc trưng của nó sẽ là những chiếc điện thoại bền bỉ, mạnh mẽ với màn hình, camera và công nghệ âm thanh tiên tiến. Tất cả điều này bắt đầu vào cuối năm 2015 với sự xuất hiện của LG V10.
LG V10 có một thiết kế rất độc đáo. Thay vì sử dụng thiết kế kim loại và kính bóng bẩy, LG đã chọn mặt sau làm từ vật liệu giống như silicon mà hãng gọi là “Dure Skin”. Nó có các vân để tạo thêm độ bám và độ đàn hồi của vật liệu giúp chống sốc cho điện thoại nếu chẳng may xảy ra rơi rớt.
Không những thế, bên trong các góc cạnh của máy cũng được bố trí những miếng silicon để hấp thụ chấn động khi rơi, trong khi khung máy (được gọi là Dura Guard) làm bằng thép cứng 316L để ngăn điện thoại bị uốn cong, có thể làm nứt kính. Mặt kính cũng cực kỳ cứng cáp với hai lớp Gorilla Glass 4.
Vớt tất cả sự bảo vệ đó, người dùng vẫn có thể tháo mặt sau ra để thay pin, lắp thẻ nhớ microSD.
LG V10 không chỉ đơn thuần là một chiếc điện thoại “nồi đồng cối đá”. Thay vào đó, độ bền chỉ là một phần đặc trưng của nó – dòng V không phải là những món đồ chơi dễ vỡ, phô trương, chúng là những công cụ cứng cáp dành cho những người cần một thiết bị mạnh mẽ nhưng không mong manh dễ vỡ.
Và V10 không thiếu những thiết kế sáng tạo. Nó có màn hình phụ 160 x 1.040 px nằm ngay trên màn hình chính, màn hình này có thể hiển thị các icon ứng dụng để người dùng truy cập nhanh, có thể điều chỉnh độ sáng riêng biệt và chế độ luôn bật.
Nó trở thành một thanh trang thái khi điện thoại đang khóa và thao tác vuốt sẽ giúp bạn dễ dàng truy cập vào những cài đặt cơ bản như tắt tiếng, bật đèn pin. Ngoài ra còn có tùy chọn “chữ ký”, cho phép bạn đặt một đoạn văn bản ngắn thể hiện cá tính ở màn hình này.
Video đang HOT
Ở góc bên trái là camera selfie kép 5MP, một camera góc 80 và camera còn lại có thể chụp góc siêu rộng 120 nhằm mang đến khả năng chụp ảnh selfie nhóm mà không cần gắn điện thoại vào gậy.
Camera sau có độ phân giải 16MP, khẩu độ f/1.8, chống rung quang học và lấy nét tự động bằng laser. Ứng dụng camera cung cấp các chế độ RAW và RAW JPG, cùng với một số điều chỉnh thủ công cho ảnh và video.
Đáng chú ý là tính năng Directivity cho phép kiểm soát cách micro ghi lại âm thanh – chúng có thể ưu tiên những gì ở phía trước máy ảnh (đối tượng của bạn), phía sau máy ảnh (bạn đang bình luận) hoặc cả hai. Bạn thậm chí có thể sử dụng micro Bluetooth không dây để ghi lại âm thanh và có đồng hồ đo mức âm để kiểm tra xem âm thanh có được điều chỉnh đúng cách hay không.
LG đã nổi tiếng về âm thanh xuất sắc trên điện thoại của mình và V10 cũng không phải là ngoại lệ. Nó có bộ DAC Hi-Fi 32-bit từ ESS Technology và hỗ trợ codec FLAC và ALAC, và tất nhiên là có jack cắm tai nghe 3,5 mm. LG V10 đi kèm với tai nghe LG Quad Beat 3 đã được AKG điều chỉnh. Ứng dụng nghe nhạc có một số preset, bao gồm một preset riêng cho tai nghe này.
Quay trở lại màn hình của V10, đó là màn hình IPS LCD 5,7 inch với độ phân giải 1.440 x 2.560 px, độ sáng cao, với tỷ lệ tương phản cao và khả năng hiển thị màu sắc khá tốt.
Cung cấp sức mạnh cho LG V10 là chip Snapdragon 808, đây không phải là con chip hàng đầu của Qualcomm vào năm đó. Nhưng với sự cố quá nhiệt của Snapdragon 810, 808 là một lựa chọn tốt hơn.
Máy được phát hành với Android 5.1 Lollipop cùng một loạt tùy chỉnh của LG. Ngoài những thứ cho màn hình phụ và camera, còn có đa nhiệm chia màn hình và Knock Code.
Ngày đó, thiết kế đặc trưng của LG là đặt nút nguồn ở mặt sau, xung quanh là các nút tăng và giảm âm lượng. Không lâu sau nút nguồn kiêm luôn cảm biến vân tay, Knock Code là mã dựa trên vị trí chạm để mở khóa điện thoại.
LG V10 là một chiếc điện thoại độc đáo, nó không đẹp theo cách thông thường, nhưng ít nhất cũng mang tính thực tế cao. Màn hình phụ và camera selfie kép đã thêm thắt những điểm thú vị mà G-series không có.
Nhưng V10 có một lỗi nghiêm trọng, đó chính là cơn ác mộng bootloop. LG cho biết vấn đề xuất phát từ “sự tiếp xúc lỏng lẻo giữa các linh kiện” và hứa sẽ khắc phục. Mặc dù vậy, hãng đã bị dính một vụ kiện tập thể đối với G4, V10 và một số mẫu khác. Vụ kiện đã được giải quyết vào năm 2018 với các chủ sở hữu nhận được 425 USD tiền mặt hoặc khoản giảm giá 700 USD cho một chiếc điện thoại LG mới.
Không nản lòng, LG đã ra mắt V20 vào năm sau và V30 vào năm sau đó. Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian mà LG bắt đầu hết ý tưởng với dòng V. V30S? V35? Những sản phẩm đó dường như không để lại ấn tượng nào.
Điều đó không có nghĩa là LG đã hoàn toàn ngừng sáng tạo. Có một vài thiết bị điên rồ từng được phát triển như LG Wing, hay chiếc Rollable với màn hình cuộn, nhưng không một mẫu máy nào của LG có lợi nhuận đủ lớn, vì vậy công ty đã quyết định rút lui khỏi mảng kinh doanh smartphone và những thiết bị đầy sáng tạo của công ty sẽ không bao giờ được ra mắt.
Những smartphone có thiết kế độc đáo nhất từ trước đến nay
Samsung Galaxy Beam, LG Wing hay Yotaphone là những smartphone có thiết kế độc đáo. Tuy vậy, những sản phẩm này lại không thành công về mặt doanh số.
Ra mắt năm 2010, Samsung Galaxy Beam i8520 được tích hợp máy chiếu để phát nội dung lên tường với kích thước 50 inch. Theo GSMArena , máy chiếu có độ sáng 15 lumen nên người dùng phải đặt điện thoại gần tường, hoặc trong phòng tối mới có thể nhìn rõ ảnh. Năm 2012, công ty Hàn Quốc ra mắt bản nâng cấp Galaxy Beam i8530 với màn hình, dung lượng pin lớn hơn. 2 năm sau, Samsung trình làng Galaxy Beam2 nhưng doanh số không như mong đợi.
LG G Flex là mẫu smartphone ra mắt năm 2013. Điểm nổi bật trên thiết bị nằm ở màn hình uốn cong, khả năng tự chữa lành các vết xước dăm trong vài tiếng. LG cho biết màn hình cong theo chiều dọc, kích thước 6 inch của G Flex mang đến trải nghiệm xem phim tốt hơn. Tuy nhiên, màn hình này nhận nhiều đánh giá trái chiều bởi độ phân giải thấp (HD), tấm nền OLED dễ bị lưu ảnh, công nghệ tự chữa vết xước chưa hoạt động tốt, không có tính năng đặc trưng để tận dụng thiết kế cong.
Samsung Galaxy Round là thiết bị cạnh tranh trực tiếp với LG G Flex. Thay vì cong theo chiều dọc, màn hình của Galaxy Round lại cong theo chiều ngang giúp cầm nắm dễ dàng hơn. Máy trang bị cấu hình cao cấp vào năm 2013 nhưng thất bại do giá bán đắt, màn hình cong không mang đến trải nghiệm sử dụng quá khác biệt. Xu hướng ra mắt smartphone cong theo màn hình cũng nhanh chóng chấm dứt.
Trước khi bị bán cho Google và Lenovo, Motorola từng ra mắt nhiều smartphone Android độc đáo, trong đó có Motorola Backflip . Thiết bị có bàn phím QWERTY gập ngược ra phía sau, khi mở ra để lộ touchpad ở nửa trên (gọi là Backtrack). Cổng sạc Micro USB trên máy có đèn LED báo hiệu trạng thái, nhấp nháy khi pin còn dưới 15%. Đây được xem là thiết kế kỳ quái vào năm 2010, khi nền tảng Android còn nhiều điểm yếu
Tuy không bao giờ bán ra thị trường, Nokia 7700 khiến nhiều người nhớ đến bởi thiết kế độc đáo, trang bị màn hình màu 3,5 inch, độ phân giải 640 x 320 pixel. Khi ra mắt năm 2003, Nokia cho biết 7700 có thể duyệt web, soạn email, chỉnh sửa file Word, PowerPoint và chạy ứng dụng Java. Đến năm 2004, Nokia tuyên bố hủy kế hoạch bán 7700. Tin đồn cho biết lý do đến từ việc hãng muốn tập trung vào các mẫu điện thoại truyền thống do thị phần sụt giảm..
Ra mắt năm 2011, Sony Ericsson Xperia Play là smartphone Android chơi game tích hợp nền tảng PlayStation. Máy có màn hình 4 inch, trượt lên sẽ để lộ cụm phím chơi game tương tự PSP Go. Tuy ý tưởng smartphone chơi game của Sony được xem là đi trước thời đại, Xperia Play không được đón nhận do lượng game Android tương thích hạn chế, chỉ khoảng 10 game PS1 được chuyển lên máy bên cạnh FIFA và một số tựa độc quyền. Thiết bị đã không bao giờ có bản kế nhiệm.
Bàn phím trượt ngang là thiết kế được nhiều hãng sử dụng vào đầu thập niên 2010, một trong số đó là LG Doubleplay . Điểm độc đáo của thiết bị nằm ở màn hình phụ 2 inch giữa bàn phím để hỗ trợ màn hình chính phía trên, có thể liên tưởng đến dòng máy chơi game Nintendo DS. Tuy nhiên, LG Doubleplay không được đánh giá cao do ngoại hình cồng kềnh, thời lượng pin thấp và camera chất lượng kém.
Yotaphone 2 là mẫu smartphone đến từ Nga. Trong khi mặt trước khá bình thường, mặt sau máy là màn hình phụ e-ink kích thước 4,7 inch để hiện hình ảnh, thậm chí hoạt động như màn hình chính. Do dùng công nghệ mực in giống máy đọc sách, màn hình này có thể hiển thị ảnh tĩnh mà không gây tốn pin, nhìn rõ ngoài trời nắng. Giá đắt là yếu tố khiến Yotaphone 2 không được người dùng đón nhận.
Là một trong những smartphone cuối cùng của LG trước khi rút khỏi thị trường di động, LG Wing có 2 màn hình xếp chồng lên nhau, màn hình phía trên có thể xoay 90 độ để lộ ra màn hình nhỏ bên dưới. Giao diện của LG Wing được tùy biến cho phù hợp với 2 màn hình. Người dùng có thể chọn các app riêng biệt để chạy trên mỗi màn hình, hoặc một màn sẽ biến thành bàn phím nhập liệu cho ứng dụng đang chạy trên màn hình kia.
Royole FlexPai được xem là smartphone màn hình gập đầu tiên trên thế giới khi ra mắt đầu năm 2019. Máy có màn hình gập ra bên ngoài. Sau một số trải nghiệm nhanh, Royole Flexpai được hoàn thiện khá tốt, phần khung chắc chắn. 2 mép màn hình tích hợp nam châm, giúp giữ bản lề ổn định hơn khi gập máy. Tuy nhiên, màn hình cho màu sắc xỉn, ám vàng. Samsung và Huawei là những hãng tích cực phát triển và ra mắt smartphone gập, trong khi một số đối thủ cũng đang có kế hoạch gia nhập thị trường này.
LG Velvet 2 Pro lộ phần cứng mạnh mẽ trước khi bị khai tử LG Velvet là chiếc smartphone được đánh giá khá cao sau khi ra mắt vào năm ngoái, nhưng LG đã không thể phát hành bản kế nhiệm của nó sau khi rút lui khỏi thị trường smartphone mặc dù sản phẩm này đã được phát triển. Bản kế nhiệm của LG Velvet đã không thể được phát hành ra thị trường Theo GSMArena...