Nhìn lại chuỗi đời bất hạnh của đại mỹ nhân Sài Gòn suốt 36 tập “Mộng Phù Hoa”
Sau 36 tập, nhìn lại cuộc đời đại mỹ nhân Sài Gòn Ba Trang ( Kim Tuyến) trong “ Mộng Phù Hoa”, khán giả không khỏi xót xa bởi suốt một chặng đường dài, không một tập phim nào mà Ba Trang không phải chịu khổ.
Vậy là cuối cùng thì Mộng Phù Hoa – bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời đại mỹ nhân Sài Gòn xưa Trần Ngọc Trà đã kết thúc sau 36 bộ phim dài đằng đẵng với những bi ai đau khổ của người đẹp Ba Trang.
Chịu cảnh côi cút, cơ cực từ năm 10 tuổi
Có lẽ, tất thảy những nỗi thống khổ của cuộc đời phiêu bạt sau này cũng không lớn bằng những mất mát năm 10 tuổi của Ba Trang. Ngay cái độ tuổi còn hồn nhiên như một giọt nước chưa bao giờ vẩn đục, Trang phải tận mắt chứng kiến bố và bà nội lần lượt qua đời trong những cơn uất nghẹn. Bố cô vì ghen tuông vô cớ, lên cơn đau tim ngay trong lúc giằng co với mẹ rồi chết mà chưa kịp dặn dò một lời với cô. Bà nội không chịu nổi cú sốc mất con mà ra đi ngay trong một cơn mưa tầm tã. Cô bé hồn nhiên năm nào một lúc chứng kiến sự ra đi của hai người thân cũng là người duy nhất biết rõ mọi nguồn cơn.
Ba Trang một lúc chứng kiến sự ra đi của hai người thân
Đây cũng là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời Ba Trang
Sau đại tang, Trang cùng mẹ phải chịu sự sỉ vả của gia đình nhà nội rồi khăn gói rời khỏi chính nơi nuôi khôn lớn mình. Cuộc đời phiêu bạt của cô cũng bắt đầu từ đây. 10 tuổi, Trang phải tập quen dần khói thuốc của dượng, những trận đòn roi của mẹ và cả cuộc sống cơ cực nơi đường ray tàu hỏa.
Năm lần bảy lượt bị cưỡng bức bởi những người thân thuộc
Ba Trang hơn người ở chỗ có một nhan sắc diễm lệ nhưng cũng chính thứ nhan sắc ấy đã giết chết cuộc đời cô. 16 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của một thiếu nữ, Trang lọt vào tấm ngắm của chính cha dượng mình. Hai lần liên tiếp ông tìm cách chiếm đoạt Ba Trang, đau đớn hơn khi mẹ cô chỉ đành ngậm ngùi nhìn con gái mình bị cưỡng bức mà chẳng thể thốt lên một lời ai oán.
Ba Trang bị chính cha dượng cưỡng bức
Sau này, khi về ở chung với dì Huê (Kiều Linh), Trang lại lọt vào tầm ngắm của dượng, gã đàn ông nhu nhược, đểu giả nhiều lần tìm cách qua mặt vợ mình để chiếm đoạt được Trang. Đã vậy, đến khi Trang không chịu nghe lời, chính dì Huê lại hiến kế để chồng mình có được người đẹp.
Nhiều lần bị giết hại không thành
Ba Trang vốn rất lương thiện, cả đời cô chẳng bao giờ có ý định hãm hại bất kì một ai, ngay cả khi thân tàn ma dại, chẳng còn nơi nương tựa, Trang vẫn mải lo lắng cho số phận của những chị em kỹ nữ. Vậy mà, kẻ thù của cô nhiều vô kể, phần lớn cũng vì ghen ăn tức ở với những thứ người đẹp có được.
Trang vốn coi Rosette (Thái Tú Anh) như chị em thân thiết nhưng ả lại chẳng một lần trọng tình chị em. Hết lần này đến lần khác Rosette tìm cách hãm hại cô, chơi bùa ngải, đưa vợ công tử Long (Việt Dũng) đến đánh ghen, chỉ đường cho Khoa vào Lữ quán để hãm hại Trang và thậm chí là cấu kết với dì Huê để bỏ độc vào trà của người đẹp. May thay, Ba Trang phúc lớn mạng lớn, lần nào cũng thoát khỏi mưu hèn kế bẩn của Rosette.
Ba Trang chết hụt vì mưu hèn kế bẩn của Rosette
Chẳng phải mỗi chị em thân thích mà đến cả chồng cũ cũng năm lần bảy lượt tìm cách giết hại Trang. Lên Sài Gòn, lẻn vào Lữ quán xiết cổ Trang nhưng không thành, hắn về nhà, cầu cạnh bố dùng quyền lực để hãm hại người đẹp. Hắn tìm cách bắt cóc Trang, đe dọa, đánh đập, nhốt cô vào phòng tối rồi đe dọa sẽ biến Trang thành một con điếm mạt hạng.
Công tử Khoa bắt cóc, hành hạ Ba Trang
Bị phụ tình, mải miết chạy đuổi theo ảo mộng hạnh phúc
Video đang HOT
Nhan sắc có thừa nhưng Trang vẫn chẳng thể giữ được những người cô yêu, không ít lần người đẹp Trang bị chính những người đàn ông mà cô nhất mực tin tưởng lừa dối, phụ bạc. Người đàn ông đầu tiên của Trang, ông chủ người Tây lắm tiền nhiều của từng thề thốt sẽ cho cô một hạnh phúc đủ đầy, kết quả ông bỏ đi mất dạng để lại cho Trang những lời ước hẹn.
Công tử Khoa – người chồng đầu tiên khinh miệt Trang vì cô không còn trinh trắng. Hắn bỏ theo người phụ nữ khác thậm chí hạch sách Trang ngay trước mặt nhân tình. Suốt thời gian sống cùng Khoa, chưa một lần Trang được hưởng hạnh phúc, cuối cùng cô đành bỏ trốn rồi sống kiếp đời lênh đênh, phiêu bạt.
Ba Trang bị chính chồng mình coi thường, khinh rẻ
Mãi sau này, khi đã là một kĩ nữ hạng sang, khó khăn lắm Trang mới quyết định bỏ qua mặc cảm bản thân để đi bước nữa, về làm vợ công tử Long. Ai ngờ Long lại là một gã sở khanh đểu giả. Hắn cưới Trang dù chưa hề li dị vợ ở quê, cùng lúc làm khổ hai người phụ nữ, đã vậy còn qua mặt Trang, tới Lữ quán tìm của lạ.
Tư Phúc ( Hoàng Anh) – người yêu thương, chiều chuộng Ba Trang hết mực, rốt cuộc cũng chẳng thể cho cô một danh phận. Ông chủ Triệu không tiếc bất cứ thứ gì cho Trang, hóa ra cũng chỉ vì muốn mượn danh tiếng của người đẹp để hốt bạc. Rốt cuộc, cả đời Ba Trang chạy theo ảo mộng của tình yêu và hạnh phúc để rồi phải khốn khổ trong cô độc. Mãi sau này, cũng chẳng ai biết liệu Trang có trở về với tình đầu Mân ( Nhan Phúc Vinh) hay sẽ héo mòn trong nỗi đau mãi chẳng thể nguôi ngoai như chính nguyên mẫu Trần Ngọc Trà.
Ánh mắt cô độc của Trang ám ảnh người xem về nhan sắc đã qua, như đóa hoa đã hết thời gian nở rộ
“Chết chìm” trong hư danh và giấc mộng sang giàu
Đến khi thân tàn ma dại, cô độc và héo tàn Trang mới nhận ra tiền bạc chỉ là phù du, chỉ có nghĩa tình mới cứu cô khỏi những nỗi bất hạnh. Đáng tiếc, cô nhận ra điều ấy quá muộn khi bản thân đã “chết chìm” trong nỗi thống khổ vì túng thiếu và cô độc.
Suốt thời gian làm kỹ nữ, không ít lần Ba Trang có đủ tiền để làm lại cuộc đời nhưng cô lại nướng hết vào á phiện và cờ bạc. Không phải Chín Phương hay dì Huê, chính Ba Trang mới là người tự đẩy cô vào khoảng u tối nhất trong cuộc đời. Chẳng phải một lần mà rất nhiều lần, người đẹp trắng tay vì thói ham mê cờ bạc nhưng Trang chẳng mấy xót xa bởi cô có Lữ quán bảo kê, có đàn ông chăm sóc và cung phụng. Chỉ đến khi tự mình làm chủ, cô mới biết rằng tiền bạc nướng hết vào cờ bạc sẽ chẳng còn cơ hội lấy lại được. Cuối cùng Ngọc Thố Cung cũng phải mang đi cầm cố, Trang trở thành kẻ không tứ cố vô thân, phải nương nhờ tại nhà một người mới quen, phải cầu cạnh chính kẻ đã đẩy cô vào cảnh khốn cùng.
Ba Trang tự tử bởi túng thiếu, nợ nần
Ba Trang khổ nhưng người ta có muốn thương cũng khó bởi cái khổ ấy cũng chính do cô tự chuốc lấy. Trang mê tiền, mê đến mờ cả đôi mắt, trải qua mười mấy năm khốn cùng cô vẫn ngây ngô như ngày mới vào Lữ quán, vẫn một mực tin vào ảo mộng sang giàu, vào cuộc sống trong mơ của giới thượng lưu vương giả. Ba Trang đã trải qua rất nhiều cảnh ngộ, tấm thân lấm lem trong con đường trụy lạc, hết thảy cũng chỉ vì mê tiền.
Rốt cuộc, chẳng biết phải trách ai, bởi Trang trở nên thân tàn ma dại cũng chỉ vì ảo mộng phù hoa.
Theo Trí Thức Trẻ
"Mộng Phù Hoa" và những góc khuất xã hội đã dìm chết thanh xuân của cô Ba Sài Gòn
Ngoài những câu chuyện lôi cuốn xoay quanh tấn bi kịch cuộc đời Ba Trang (Kim Tuyến), "Mộng Phù Hoa" còn hấp dẫn khán giả bởi đã không ngần ngại khai thác triệt để mọi góc khuất của xã hội cũ nơi giá trị của con người bất chốc trở nên rẻ rúng.
Mộng Phù Hoa là bộ phim lấy cảm hứng từ những giai thoại có thật trong cuộc đời cô Ba Trần Ngọc Trà - đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa (Kim Tuyến thủ vai). Phim xoay quanh bối cảnh Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây giai đoạn những năm 30 - 40 của thế kỉ XX khi mà văn hóa Tây Âu ảnh hưởng sâu rộng tới một bộ phận dân cư thị thành. Phim cũng đưa tới một cách nhìn khá toàn diện về những góc khuất của xã hội cũ mà so với thời điểm hiện tại thì nó vẫn còn nguyên giá trị.
Nơi phụ nữ không có tiếng nói
Kể cả đó là một người vợ chung thủy, một đại mỹ nhân hay một bà chủ giàu có thì rốt cuộc tiếng nói của họ vẫn không thực sự có trọng lượng. Bị hàm oan là có tình nhân bên ngoài nhưng bà Mừng (Yến Nhi) chẳng thể giải thích nửa lời. Vốn dĩ bà không thể nói, cũng chẳng có quyền nói, có phân bua đến đâu thì kết quả vẫn là cả đời mang nhục rồi bị đuổi thẳng khỏi chính căn nhà của mình.
Cả đời bà Mừng phải sống trong nỗi ô nhục chỉ vì bị chồng hiểu lầm
Chín Phương (Thân Thúy Hà) thân là bà chủ Lữ quán nhưng vẫn phải lép vế trước cả nhân tình lẫn chồng. Mọi chuyện lớn nhỏ trong Lữ quán đều có sự nhúng tay của nhân tình Sáu Thẹo (Lê Vinh) để rồi tiền kiếm được hàng tháng lại phải gửi cho gã chồng Tây chẳng bao giờ thèm ló mặt.
Chín Phương quyền lực là vậy nhưng vẫn chẳng hề có tiếng nói trước chồng
Đáng thương hơn cả vẫn là Ba Trang, với nhan sắc hơn người cùng một tấm lòng nhân hậu lẽ ra người đẹp phải được sống một cuộc đời hạnh phúc nếu không bị chính thứ xã hội u tối kia kìm kẹp. Để rồi, cả đời Trang không dám sống cho xứng với những gì mà lẽ ra cô phải nhận được.
Chính những định kiến xã hội đã bóp nát những ước mơ của Ba Trang
Có không ít người nguyện cả một đời chăm sóc cho Ba Trang, chẳng màng đến quá khứ lẫy lừng của người đẹp. Nhưng Ba Trang không chấp nhận, chẳng phải Trang lạnh lùng vô cảm mà cô luôn mặc định rằng bản thân mình không xứng đáng với một ai. Kết quả, hạnh phúc cứ vậy mà hững hờ lướt qua cuộc đời một đại mỹ nhân.
Nhà chứa, kĩ viện lộng hành
Nhà chứa, kĩ viện lộng hành lại còn được chính nhà đương cục bảo kê. Và đó cũng chính là nơi "giết chết" cuộc đời của bao cô gái trẻ bỡ ngỡ, mới vào đời, bị hư danh làm mờ đôi mắt. Không phải mình Ba Trang mà rất nhiều cô gái xinh đẹp khác bị những kẻ như dì Huê (Kiều Linh), Chín Phương biến thành công cụ kiếm tiền để rồi nhục nhã ê chê đến nỗi không còn dám nhìn mặt gia đình.
Những kẻ như dì Huê, Chín Phương xuất hiện khắp mọi nơi, chỉ đợi thời cơ để hại đời những cô gái đẹp
Suốt gần 8 năm, Ba Trang chẳng dám về quê nhìn mặt mẹ
Cờ bạc và á phiện
Tuổi thơ Ba Trang là những chuỗi ngày dài sống cùng khói thuốc. Cô bé 10 tuổi, ngây ngô, chẳng hiểu sự đời trở thành công cụ che mắt thiên hạ cho việc làm phi pháp của dượng và mẹ. Trang buộc phải hiểu rõ những mánh khóe để quan lại không "đánh hơi" được mùi thuốc phiện. Cô cũng dần quen mặt những "bạn nghiện" hàng ngày vẫn tự tay dâng tiền cho dượng để thỏa mãn cơn thèm khát.
Khói thuốc của dượng theo Trang suốt những năm tháng tuổi thơ
Sau này, chính thứ bột màu trắng ấy đã một lần nữa "giết chết" thứ hạnh phúc gia đình mà khó khăn lắm bà Mừng mới có được. Một lần nữa bà lại bị đuổi khỏi chính căn nhà của mình, bất lực nhìn chồng bị bắt giam mà chẳng thể làm được gì.
Á phiện đã "giết chết" hạnh phúc của bà Mừng
Lớn lên, rời xa khói thuốc của dượng cũng là lúc Ba Trang trở thành con nghiện cờ bạc. Những sòng bạc lớn cứ thể mở ra, thi nhau hoành hành giữa Sài Gòn hoa lệ. Ba Trang kiếm được bao nhiêu tiền cũng dốc cả vào thú tiêu khiển đỏ đen đến nỗi gần như tán gia bại sản.
Ba Trang trở thành con nghiện cờ bạc
Bán thánh buôn thần, mê tín dị đoan
Có vẻ trong xã hội của Mộng Phù Hoa thì dù có là một công tử giàu có, một đại mỹ nhân hay một tay giang hồ khét tiếng đi chăng nữa thì tất cả đều phải khuất phục trước vài ba lời phán vô căn cứ của mấy ông thầy bói dạo. Cũng chỉ vì những lời phán như vậy mà không ít lần Ba Trang lâm vào cảnh khốn đốn, tự biến bản thân mình trở thành con rối trong tay dì Huê.
Mê tín dị đoan chắc hẳn không phải chuyện của riêng thời Ba Trang
Cũng chỉ vì cái thói mê tín dị đoan này những kẻ xảo trá như Huê mới có cơ hội chuộc lợi. Ả chớp lấy thời cơ, buôn thánh bán thần, nhờ mấy ông thầy bói dạo buông đôi ba lời dọa nát. Các công tử lắm tiền, nhiều của nhưng... sợ chết cứ vậy mà dâng tiền lên cho Huê nhờ ả giải hạn mà vốn dĩ cái hạn lớn nhất của họ chính là gặp phải Huê.
Chuyện người thứ ba
Đây cũng là góc khuất được nhắc đến nhiều nhất trong cả bộ phim. Ba Trang hai lần lấy chồng thì cả hai lần đều không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn vì những kẻ thứ ba luôn rình rập để phá nát gia căn của người đẹp.
Anh chồng danh chính ngôn thuận của Ba Trang bị một ả đàn bà kém sắc cướp trắng
Vừa mới tái hôn chưa được bao lâu, chồng mới của Ba Trang đã vội ngả vào lòng một kỹ nữ
Mà thực chất, Ba Trang cũng chỉ là một kẻ thứ ba có nhan sắc hơn người. Những ngày đầu mới "vào nghề", Trang thề sống thề chết rằng sẽ không qua lại với những công tử đã có vợ. Rốt cuộc thì lời thề cũng nhanh chóng tan theo mây khói. Trang tự tay giết chết lòng sĩ diện nghề nghiệp của mình khi lén lút "đi trốn" với Long - một gã công tử giàu có đã có vợ.
Ba Trang bị vợ công tử Long tạt axit hụt
Rồi đến khi đã về chung một nhà với Long, Ba Trang lại lén lút qua lại với Mân (Nhan Phúc Vinh), người bạn thanh mai trúc mã. Cô giấu Mân chuyện mình đã có chồng, nối lại tình xưa, buông lời hứa hẹn về một tương lai hạnh phúc rồi trao thân cho Mân. Đến khi mọi chuyện vỡ lỡ, Mân chỉ biết ôm nỗi đau của kẻ thứ ba rồi bỏ đi biệt xứ.
Ba Trang qua lại với Mân khi đã có chồng
Chẳng phải mình Ba Trang mà đến cả Chín Phương - bà chủ quyền lực của Lữ quán cũng chơi trò "ăn nem" trong thời gian chồng đi vắng. Để bảo vệ nhân tình, ả còn lên kế hoạch chặn đánh chồng mình khiến gã chồng Tây rơi vào tình thế sống giở chết giở.
Chín Phương qua lại với Sáu Thẹo
Trong một xã hội đầy những góc khuất, cạm bẫy như vậy, rồi không biết cuộc đời "cánh bèo trôi" Ba Trang sẽ đi về đâu?!
Đón xem những những diễn biến tiếp theo của Mộng Phù Hoa vào 21h40' thứ Hai, thứ Ba hàng tuần trên kênh VTV3.
Theo Trí Thức Trẻ
"Mộng Phù Hoa" tập cuối: Ba Trang đoàn tụ bên Mân, kết cục dễ chịu hơn câu chuyện ngoài đời thật Tập cuối "Mộng Phù Hoa" kể tiếp câu chuyện sau khi Ba Trang (Kim Tuyến) tự tử không thành. Trải qua bao biến cố, Trang mới nhận ra tiền bạc, danh vọng chỉ như phấn thổ, chỉ có tình nghĩa mới có thể cứu cô khỏi bể khổ do chính mình tạo ra. Vừa tỉnh lại sau cơn nguy kịch sau vụ tự...