Nhìn lại 8 scandal tạo nên năm 2017 đầy bê bối của làng phim Hàn
Không chỉ có những điểm sáng, làng phim Hàn Quốc năm 2017 cũng phải trải qua nhiều sóng gió ở cả hai địa hạt truyền hình và điện ảnh.
Ngoài việc cho ra mắt rất nhiều tác phẩm chất lượng, hấp dẫn, màn ảnh Hàn năm 2017 cũng để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lòng khán giả vì những bê bối nơi hậu trường, trong đó có những phi vụ còn gây tranh cãi tại cả nước ngoài. Dưới đây chính là 8 sự kiện tai tiếng nhất của làng phim xứ kimchi trong năm nay.
1. “ The Merciless” bị khán giả tẩy chay
Từng nhận được tràng pháo tay 7 phút tại LHP Cannes, vậy mà The Merciless lại phải chịu cảnh “ế” tại phòng vé tại quê nhà khi chỉ có chưa đầy 1 triệu khán giả. Nguyên nhân là vì phim bị công chúng tẩy chay sau những phát ngôn “thiếu suy nghĩ” của đạo diễn Byun Sung Hyun trên tài khoản Twitter cá nhân trong thời gian The Merciless mới công chiếu.
Những bình luận khiếm nhã, tục tĩu và gợi dục của vị đạo diễn trẻ tuổi về phụ nữ, về hai nhân vật nam chính trong phim và về cuộc bầu cử Tổng thống đã khiến anh phải đứng ra xin lỗi, đồng thời cầu xin khán giả đừng quay lưng với tác phẩm nhưng không thể cứu vãn tình hình. Đến cuối năm 2017, khi The Merciless được xướng tên tại nhiều lễ trao giải, nó lại trở thành bộ phim được công chúng mong muốn tái phát hành tại phòng vé nhất.
2. “ Okja” bị la ó tại Cannes, tẩy chay tại Hàn Quốc
Cũng là một đại diện của Hàn Quốc tại Cannes năm nay, buổi công chiếu của Okja tại quốc tế từng bị các khách mời la ó, huýt sáo vì một lỗi kĩ thuật đã xảy ra làm gián đoạn sự kiện và vì chính Netflix, đơn vị sản xuất của Okja. Dịch vụ xem phim trực tuyến bị các ông lớn trong ngành phản đối vì chính sách không cho phép phát hành phim của mình tại rạp, ngoại trừ ở một số thị trường lớn như Mỹ hay Anh.
Cận kề ngày Okja ra rạp tại quê nhà, vấn đề này tiếp tục trở thành nguyên nhân khiến đứa con tinh thần của đạo diễn Bong Joon Ho bị ba cụm rạp lớn nhất Hàn Quốc tẩy chay. CGV và Lotte cho rằng việc phát hành song song tại rạp và online sẽ “làm phá hủy hệ sinh thái trong nền công nghiệp phim ảnh tại Hàn Quốc” và yêu cầu Netflix chiếu Okja sau các rạp ít nhất 3 tuần. Tuy nhiên, cuộc thương thảo này đã không thành công, dẫn đến Okja chỉ được phát hành ở khoảng 100 rạp trên toàn quốc.
3. “Real” trở thành “phim Hàn dở nhất lịch sử”
Được quảng bá rầm rộ, Kim Soo Hyun khen ngợi hết lời, vậy mà khi ra rạp, Real lại bị gọi là phim rác. Người ta gọi đây là “bộ phim dở nhất trong lịch sử Hàn Quốc”, rằng “các phim rác sắp ra mắt nên cảm ơn Real vì có tưởng tượng tới cỡ nào, Real cũng dở hơn thế” và “ai hiểu được Real thì người đó xứng đáng nhận giải Nobel”.
Cảnh nóng của Kim Soo Hyun và Sulli cũng bị cho là rẻ tiền, câu view, thậm chí có nhiều người còn cho rằng, cảnh nóng này “bị lộ” chẳng qua là chiêu trò của nhà sản xuất nhằm cứu vãn tình hình phòng vé của phim. Real nhận được vốn đầu tư lên tới 11 triệu đô, trong đó 7 triệu đô là do Kim Soo Hyun bỏ tiền túi để cùng làm phim với người anh họ tên Lee Sa Rang, đạo diễn của phim. Sự hợp tác của hai anh em Kim Soo Hyun được đánh giá là một ví dụ thảm họa điển hình cho cách làm ăn theo kiểu gia đình, thân thích.
4. “Đảo Địa Ngục” gây tranh cãi lớn vì “bóp méo lịch sử” và độc quyền phòng vé
Video đang HOT
Ồn ào hơn cả 3 phim kể trên là Đảo Địa Ngục, một dự án kinh phí cao của đạo diễn nổi tiếng Ryu Seung Wan. Xoay quanh những sự kiện xảy ra trên đảo Hashima trong thời kì Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng, tác phẩm bị giới phê bình và báo chí Hàn Quốc lẫn Nhật Bản cáo buộc là xuyên tạc sự thật lịch sử, đề cao lòng yêu nước mù quáng và truyền tải tư tưởng chống Nhật.
Bên cạnh đó, việc được phát hành tại hơn 80% số màn hình chiếu trên toàn quốc trong ngày khởi chiếu đã khiến Đảo Địa Ngục và đơn vị phát hành bị chỉ trích vì độc quyền phòng vé. Đây vốn là một vấn đề gây nhức nhối của điện ảnh Hàn những năm qua khi nó được cho là nguyên nhân làm giảm sự đa dạng ở phòng vé Hàn, thị trường bị thống trị bởi những bom tấn đến từ các nhà phát hành lớn.
Sau tranh cãi này, đạo diễn Ryu Seung Wan và vợ là nhà sản xuất Kang Hye Jung đã rút lui khỏi tất cả hiệp hội các nhà làm phim Hàn Quốc vì “lo rằng Đảo Địa Ngục sẽ làm cản trở các hiệp hội đưa ra những thông cáo báo chí về vấn đề độc quyền”.
5. V.I.P. bị đánh giá 1 sao vì “ghét phụ nữ”
Ngay sau khi ra rạp, tác phẩm 18 của đạo diễn Park Hoon Jung đã bị hàng loạt cư dân mạng đánh giá 1 sao trên các cổng thông tin điện ảnh chính thức của Hàn Quốc. Ngoài việc bị giới chuyên môn đánh giá thấp vì quá lạm dụng các cảnh bạo lực, máu me, V.I.P. còn bị chỉ trích vì các nhân vật nữ trong phim bị coi như những công cụ tình dục mà theo nhiều khán giả nữ là “khó chịu đến mức không thể chịu đựng nổi”.
Không có một nhân vật nữ nào trong V.I.P. là có tên và có đến 9 diễn viên tân binh vào vai “thi thể phụ nữ”. Ban đầu, tất cả những nơi đăng tải thông tin chính thức về V.I.P. đều ghi vai của 9 diễn viên này là “thi thể phụ nữ”, tuy nhiên sau đó, nhà sản xuất đã phải điều chỉnh phần credit thành “phụ nữ” vì áp lực từ dư luận.
6. Hai nghệ sĩ bị cáo buộc/bị kết án vì tấn công (tình dục) đồng nghiệp giữa phim trường
Đó là trường hợp của đạo diễn Kim Ki Duk và nam diễn viên gạo cội Jo Deok Jae.
Đạo diễn Kim Ki Duk
Đầu tháng 8 năm nay, đạo diễn nổi tiếng Kim Ki Duk bị tố có hành vi bạo lực, chửi bới và bắt ép đóng cảnh nóng không có trong kịch bản với nữ diễn viên A, người đến thủ vai chính trong phim điện ảnh năm 2013 Moebius của ông. Theo nhân viên đoàn phim thì thậm chí, vị đạo diễn còn tát vào mặt cô hai hoặc ba lần để cô “nắm bắt kịch bản tốt hơn”. Kim Ki Duk sau đó đã lên tiếng thừa nhận việc tát cô A nhưng phủ nhận việc ông bắt ép cô đóng cảnh nóng.
Nam diễn viên Jo Deok Jae
Trong khi đó, nam diễn viên Jo Deok Jae bị kết án vì tội tấn công tình dục bạn diễn nữ giữa phim trường vào tháng 4/2015. Theo lời khai của nạn nhân, cơ thể cô đã bị xâm hại và phải chịu đau đớn suốt 2 tuần sau khi vụ việc xảy ra. Bản án mà Jo Deok Jae nhận được là 1 năm tù, 2 năm quản chế và 40 giờ điều trị cho người phạm tội tình dục.
Vụ việc của Kim Ki Duk và Jo Deok Jae khiến dư luận lần nữa lo ngại về vấn nạn bạo lực, tấn công tình dục giữa các nghệ sĩ ở hậu trường, đặc biệt là với các nghệ sĩ nữ.
7. Nhân viên nhà đài chửi rủa diễn viên đoạt giải Chuông Vàng trên sóng trực tiếp
Sau scandal bị loạt sao hạng A tẩy chay cách đây 2 năm, giải Chuông Vàng lại tiếp tục vướng phải một sự cố khác trong lần tổ chức thứ 54. Trong lúc nữ diễn viên Choi Hee Seo của Anarchist from Colony phát biểu nhận giải, một nhân viên của đài TV Chosun, đơn vị nhận phát sóng Chuông Vàng, đã để lọt những lời lẽ thô lỗ của mình trên sóng trực tiếp.
Người này chửi bới Choi Hee Seo: “Dừng lại đi được rồi đấy”, “Cô ta khiến tôi phát điên”, “Cô ta là *** nào thế?”… Khi chiếu tới đạo diễn Anarchist from Colony Lee Joon Ik, anh ta tiếp tục: “Lee Joon Ik ngồi ở phía khán giả. Gã đầu trọc đằng sau. Có đúng là gã này không vậy?”.
Mặc dù bị khán giả chỉ trích thậm tệ, đài TV Chosun lại phản ứng chậm trễ trước vụ việc lần này. Clip ghi lại bài phát biểu của Choi Hee Seo đã bị xóa trên kênh Youtube chính thức của nhà đài, trong khi các thông cáo báo chí mà TV Chosun phát đi lại khá trái chiều. Quan trọng nhất, nhà đài đã không đưa ra một lời xin lỗi chính thức dành cho các nghệ sĩ bị chửi bới trong sự cố trên.
8. Onew (SHINee) bị mất vai vì bê bối quấy rối tình dục
2017 là một năm buồn đối với Onew. Giữa tháng 8 vừa qua, nam ca sĩ – diễn viên bất ngờ bị cáo buộc có hành vi quấy rối tình dục một phụ nữ trong hộp đêm ở Gangnam, Hàn Quốc. Sự việc đã khiến anh bị dư luận chỉ trích nặng nề, không thể xuất hiện công khai trong bất kì sự kiện nào.
Bê bối nổ ra chỉ vài ngày trước khi Age of Youth 2 của đài jTBC, một tác phẩm có sự góp mặt của Onew, lên sóng. Sau thời gian cân nhắc, thảo luận, cuối cùng đài jTBC và SM Entertainment đã quyết định để thành viên nhóm SHINee rút khỏi dự án này. Vai của Onew sau đó đã được giao lại cho một diễn viên khác, đó là Lee Yoo Jin. Các cảnh mà anh từng tham gia cũng được quay lại từ đầu.
Cũng trong năm 2017, Choi Si Won cũng từng bị khán giả kêu gọi rút lui khỏi Revolutionary Love vì vụ việc chó của anh cắn chết người. Tuy nhiên sau đó, nam diễn viên vẫn ở lại cùng đoàn làm phim và hoàn thành vai chính của mình.
Theo Trí Thức Trẻ
Những phim Hàn nổi tiếng bị chỉ trích dữ dội dù từng lấy cạn nước mắt của triệu người
Đến cả những tác phẩm điện ảnh từng khiến hàng triệu người xem khóc lên khóc xuống cũng có thể phải đón nhận gạch đá từ rất nhiều người khác.
Điện ảnh Hàn là nơi nổi tiếng với những tác phẩm lấy nước mắt người xem. Các nhà làm phim Hàn Quốc, những người rất giỏi trong việc hiểu tâm lí khán giả châu Á, có thể tạo ra hàng chục câu chuyện màn ảnh gây xúc động như vậy mỗi năm. Tuy nhiên, đến cả những tác phẩm nổi tiếng nhất, gây "lụt" phòng vé nhiều nhất, cũng có thể tạo nên những cuộc tranh cãi không hồi kết giữa các bộ phận khán giả. Dưới đây là 3 phim Hàn rơi vào trường hợp như vậy.
Hope
Hope được xây dựng dựa trên vụ án ấu dâm có thật từng gây chấn động Hàn Quốc vào năm 2008. Cô bé Na Young 8 tuổi bị cưỡng hiếp và bạo hành bởi một gã đàn ông say rượu 57 tuổi trong nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, tên ác thú này lại chỉ phải chịu bản án 12 năm tù giam, điều đã khiến dư luận Hàn Quốc phẫn nộ vào thời điểm đó. Trong tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Lee Joon Ik, nhân vật chính được đặt tên là So Won, có nghĩa là "hi vọng" (Hope).
Câu chuyện xúc động trong Hope từng lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả vào năm 2013. Tác phẩm này sau đó đã đoạt giải Phim hay nhất tại Rồng Xanh lần thứ 34, một kết quả được xem là bất ngờ khi các đối thủ của nó là Điều Kì Diệu Ở Phòng Giam Số 7, Snowpiercer và The Face Reader. Bên cạnh đó, những tranh cãi xảy ra xung quanh bộ phim cũng là điều khiến nhiều người không kì vọng vào một chiến thắng dành cho Hope.
Ngoài những lời khen ngợi từ giới phê bình và khán giả dành cho "câu chuyện xúc động về gia đình, cảm xúc chân thành và thông điệp tốt đẹp", Hope bị chỉ trích là "cố gắng biến một trong những tin tức bê bối nhất những năm gần đây trở thành một tác phẩm giải trí ủy mị, lấy nước mắt" và "miêu tả một cách quá lí tưởng cách mà gia đình So Won vượt qua bi kịch".
Không ít người còn đặt câu hỏi rằng liệu có đúng đắn khi kiếm lời từ một sự kiện khủng khiếp như vậy, cho dù mục đích của các nhà làm phim có là gì. Tuy nhiên, đạo diễn Lee Joon Ik cho biết ông thực hiện Hope là để "động viên Na Young và những nạn nhân khác của tội ác tình dục". Theo ông, các phim được xây dựng dựa trên những vấn đề tương tự thường tập trung vào những khía cạnh gây xúc động, phẫn nộ, thay vì những gì xảy ra sau đó; còn Hope lại nhấn mạnh vào việc cộng đồng đã ở bên nạn nhân như thế nào.
Ode to My Father
Bộ phim năm 2014 của đạo diễn Yoon Je Kyoon Ode to My Father là tác phẩm ăn khách thứ hai lịch sử phòng vé Hàn với 14,2 triệu khán giả, chỉ đứng sau Roaring Currents với 17,6 triệu. Phim xoay quanh cuộc đời của Deok Soo (Hwang Jung Min), một người từng để lạc mất em gái mình, Mak Soon, trong cuộc sơ tán Hungnam năm 1950. Bố của Deok Soo đã ở lại để tìm kiếm Mak Soon và dặn dò con trai mình hãy đưa mẹ và hai em tới cảng Busan trước. Trước khi chia tay, Deok Soo và bố đã có một lời hứa, rằng anh sẽ là người thay ông trở thành trụ cột gia đình.
Vào thời điểm ra mắt, Ode to My Father gây nhiều tranh cãi giữa các phe phái chính trị tại Hàn Quốc. Tác phẩm bị nhiều người cáo buộc là cố tình lí tưởng hóa những sự kiện xảy ra trong quá khứ dưới chế độ độc tài và bị nhà phê bình Chin Jung Kwon gọi là "một bộ phim bi lụy hạng thấp". Trong khi đó, luật sư nhân quyền Moon Jae In, hiện là Tổng thống Hàn Quốc, lại phản đối những ý kiến này và cho rằng "đấy chính là thực tế của thời đại đó".
Trái ngược với những tranh luận của các bên, đạo diễn Yoon Je Kyoon lại cho biết ông đã cố tình loại bỏ mọi góc nhìn chính trị khỏi phim và chỉ muốn nói về câu chuyện của những người bố người mẹ đã hi sinh chính mình vì con cái trong thời kì loạn lạc. Yoon coi Ode to My Father là bộ phim để tưởng nhớ tới bố của mình, người đã đột ngột qua đời khi ông mới học đại học (tên của hai nhân vật Deok Soo và Young Ja cũng là tên của bố mẹ ông).
Đảo Địa Ngục
Đảo Địa Ngục là một trong những phim điện ảnh Hàn Quốc ồn ào nhất năm 2017. Với các khán giả nước ngoài, câu chuyện về hàng trăm người Triều Tiên bị bóc lột trên hòn đảo Hashima những năm 1940 đã gây nhiều xúc động cho họ. Tuy nhiên, các nhà phê bình Hàn Quốc và một số tờ báo Nhật Bản lại dành nhiều lời chỉ trích cho đứa con tinh thần của đạo diễn Ryu Seung Wan, biến nó trở thành cái tên gây tranh cãi nhất nhì năm nay của làng phim Hàn.
Đảo Địa Ngục bị cho là bóp méo sự thật về những sự kiện đã xảy ra trên hòn đảo Hashima, nơi đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Trước các cáo buộc từ giới phê bình và báo chí, vị đạo diễn họ Ryu lên tiếng khẳng định Đảo Địa Ngục có những yếu tố "không hư cấu" nhằm thể hiện việc "chiến tranh có thể biến con người trở thành quái vật như thế nào", cũng như tác phẩm của ông không có mục đích truyền tải thông điệp chống Nhật. Song, những lời bảo vệ của ông vẫn không đủ để Đảo Địa Ngục giữ được sức nóng tại phòng vé.
Theo Trí Thức Trẻ
Điện ảnh Hàn 2018: Lại một năm ngập lụt bom tấn nói về đàn ông Giống như 2017, năm 2018 tiếp tục là năm của những bom tấn Hàn Quốc với nhân vật trung tâm là nam. Số lượng phim "nữ quyền" đến từ 4 nhà phát hành chính có lẽ vẫn sẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 2017, phòng vé Hàn lần nữa ngập trong những tác phẩm thriller (phim giật gân) với nhân vật...