Nhiều ý kiến băn khoăn có nên tách Luật Giao thông đường bộ
Ngày 27/1, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố về lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Ngọc Hà (Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Tại hôi nghị, nội dung nổi bật được nhiều ý kiến quan tâm là việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 Luật Đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đều đồng quan điểm về việc sửa Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Cụ thể, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, việc sửa Luật này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, phù hợp với thực tiễn và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, đối với đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ông Liêm đã đặt ra hàng loạt câu hỏi như cần làm rõ tách Luật để làm gì, mang lại hiệu quả ra sao và có cần thiết hay không?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho rằng lĩnh vực giao thông dù ở loại hình nào cũng phải có 3 yếu tố ràng buộc chặt chẽ giữa hạ tầng, phương tiện kỹ thuật, con người và các yếu tố này không thể tách rời. Việc tổ chức giao thông cũng phải dựa trên các cơ sở này.
Dẫn chứng việc này ông Liêm ví dụ: “Trước đây chúng ta chưa có quy định hạn chế tốc độ đối với xe khách 2 tầng chạy đường miền núi. Căn cứ vào địa hình phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn, đó là tổ chức giao thông.
Ông Liêm cũng cho rằng cần có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tách Luật. Áp đặt ý chí sẽ không có hiệu quả và không đi vào cuộc sống. Các yếu tố phương tiện, con người, hạ tầng phải gắn liền với nhau, khi tách sẽ vô hình chung chia nhỏ từng công đoạn.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến, cần lựa chọn phương án tốt nhất, có cùng mối liên hệ về con người, hạ tầng và phương tiện để người dân, doanh nghiệp hiểu và thực thi pháp luật.
Cũng không ủng hộ phương án tách Luật Giao thông đường bộ, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh, hoạt động đảm bảo an toàn giao thông có tất cả các khâu trong quản lý giao thông vận tải đường bộ, có quan hệ hữu cơ, không thể tách rời.
Quản lý kết cấu hạ tầng thể hiện trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn ở khâu thiết kế, thẩm định an toàn giao thông, tổ chức giao thông trên đường. Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh trong quản lý vận tải cũng chủ yếu nhằm mục đích đảm bảo an toàn giao thông. Quản lý phương tiện cũng nhằm mục tiêu này.
Video đang HOT
Về việc chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, những thành tựu quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong nhiều năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, được người dân và quốc tế đánh giá cao.
ADVERTISING
“Khi chuyển đổi thẩm quyền, ngành công an sẽ lại phải đầu tư mới hệ thống, sẽ tốn kém nguồn vốn ngân sách và nhân lực. Bên cạnh đó, các chi phí cho dân sự cũng sẽ thấp hơn chi phí cho lực lượng vũ trang”, ông Nguyễn Văn Quyền phân tích.
Liên quan đến đào tạo, sát hạch lái xe, tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng cần phải thay đổi giáo trình, nâng cao thiết bị phục vụ quá trình đào tạo, nhất là khi đang đẩy mạnh xây dựng các tuyến cao tốc nhằm trang bị cho người tham gia giao thông các kỹ năng cần thiết để tham gia giao thông an toàn.
Tại hội nghị, các nội dung trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận như: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ và vận tải đường bộ. Quy tắc giao thông đường bộ và quản lý người điều khiển phương tiện được quy định tại dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Cùng với đó là các cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư vào kết cấu giao thông đường bộ cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến.
Phát biểu kết luận hội nghị Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh đây là hội nghị lấy ý kiến công khai, minh bạch và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Vì vậy, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị tổ soạn thảo Luật tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, sửa chữa, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo hướng dễ hiểu, dễ làm nhất.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ trên cơ sở tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Bộ Công an nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên cơ sở tách từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Khi xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc là luật chung, phải đi vào cuộc sống. Khi thực hiện luật phải nghiêm và hiệu quả.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng Luật phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận. Trách nhiệm của 2 Bộ cần phải làm rõ sự cần thiết và những yếu tố tác động của việc tách luật. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an sẽ phối hợp làm tốt vấn đề này, đưa ra các luận cứ thuyết phục, các kịch bản để so sánh về sự cần thiết hay không cần thiết tách Luật”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay…
Lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của chính sách trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ
Ngày 25/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Lực lượng Cảnh sát Giao thông nhắc nhở chủ phương tiện về các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ảnh minh họa: Thanh Thương/TTXVN
Hai nội dung nổi bật tại Hội nghị này là tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Tại cuộc họp, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 106/2020/NQ-QH của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đồng thời, Bộ Công an xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 3 chính sách: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ và vận tải đường bộ. Quy tắc giao thông đường bộ và quản lý người điều khiển phương tiện được quy định tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Ngày 2/12/2020, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 4152/VB-VPQH gửi Chính phủ về việc báo cáo giải pháp xử lý đối với 3 Luật. Trong đó thông tin ý kiến của đại biểu Quốc hội về 3 nội dung liên quan đến 2 dự thảo Luật.
Kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội cho thấy, có 63,79% đại biểu không đồng ý tách thành 2 Luật và 66,74% đại biểu không đồng ý thay đổi thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an hoàn thiện các Luật này. Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến các Ban của Đảng, Quốc hội về tiếp thu giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Đáng chú ý, Ban Kinh tế Trung ương không đưa ra quan điểm có nên tách luật không nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo thận trọng, vì hai dự án luật này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do vậy, khi xây dựng luật cần phải được xem xét, đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa các nội dung; tránh chồng chéo, xung đột và trái ngược nhau.
"Ban Tuyên giáo Trung ương lại đưa ra ý kiến thẳng thắn hơn là không nên tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vì không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bao trùm mục tiêu và phạm vi của luật. Đề nghị bổ sung nội dung quy tắc giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện giao thông vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)", bà Hoàng Hồng Hạnh cho hay.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định quan điểm không nên tách thành 2 luật vì nếu tách thành 2 luật thì Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ không bao quát hết các vấn đề của đường bộ. Tương tự, Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng không đảm bảo nội hàm của luật này.
Chủ trương của Đảng đã nêu rõ, việc đảm bảo an toàn giao thông là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ cũng có nhiều công việc liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông. Trong quản lý nhà nước có nhiều nội dung về an toàn giao thông, đan xen, không thể tách rời.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, các điều kiện trong quản lý hạ tầng, vận tải, xử lý vi phạm chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là pháp luật về an toàn giao thông phải được thực thi một cách nghiêm minh, kịp thời. Thực hiện cho bằng được một nguyên tắc trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
"Lấy ví dụ cũng là người Việt Nam nhưng ra nước ngoài thì chấp hành tốt nhưng về nước thì lại vi phạm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lấn làn, uống rượu bia lái xe. Nguyên nhân là do chúng ta xử lý không nghiêm. Muốn xử lý nghiêm vi phạm cần phải đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm để xử "phạt nguội", ông Quyền cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng phải làm triệt để theo hướng này, việc tách thành 2 luật chỉ làm rối thêm chứ không giải quyết được vấn đề trong đảm bảo an toàn giao thông.
Đề cập đến có chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, sau 25 năm ngành giao thông vận tải quản lý, công tác này có bước tiến dài, đã hoàn thiện nội dung chương trình theo hướng tiếp cận các nước tiên tiến. Các quy chuẩn, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được ứng dụng công nghệ hiện đại. Thực hiện nhất quản chủ trương xã hội hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, tương đương với các nước phát triển.
Bên cạnh đó, giấy phép lái xe của Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới công nhận và Việt Nam cũng đã cấp giấy phép lái xe quốc tế. Việc đổi giấy phép lái xe cũng đã tiên phong thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 (hoàn toàn trực tuyến) được người dân đánh giá cao.
"Hầu hết việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ở các nước trên thế giới đều do dân sự quản lý. Khi tách giữa bên thực hiện công tác này với lực lượng kiểm tra, kiểm soát, giám sát, hiệu quả kiểm tra giám sát sẽ cao hơn. Nếu gộp chung vào một chỗ, vừa làm vừa kiểm tra, giám sát sẽ làm yếu đi việc kiểm tra giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Quan điểm của Hiệp hội này không nên chuyển chức năng này từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an", ông Nguyễn Văn Quyền nêu quan điểm.
Tại hội nghị, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nêu nhiều lý do cần tách các nội dung về an toàn giao thông khỏi Luật Giao thông đường bộ hiện nay.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ xoay quanh mục tiêu đảm bảo cho người tham gia giao thông được an toàn, chuyên sâu hóa các yếu tố xoay quanh an toàn giao thông như người, phương tiện và quy tắc giao thông, giải quyết các bất cập thực tế về an toàn giao thông, an ninh trật tự trên đường.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có mục tiêu cơ bản là phát triển được hệ thống đường bộ hoàn thiện, có các thiết chế đáp ứng được yêu cầu quy hoạch, đầu tư, phát triển đường bộ trong thời kỳ mới.
Về đào tạo, sát hạch lái xe mục tiêu là người điều khiển xe có đầy đủ kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã kế thừa các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tại dự thảo của Bộ Công an trình lên Chính phủ không xây dựng hệ thống đào tạo, sát hạch lái xe riêng mà còn nói rõ xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này.
Tách luật riêng để giao cụ thể cơ quan nào chịu trách nhiệm khi xảy ra mất an toàn giao thông. Tai nạn xảy ra do người thì cơ quan cấp bằng lái chịu trách nhiệm. Nếu tai nạn xảy ra do đường, do biển báo thì bên quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm. Làm như thế thì lợi cho xã hội, cho dân. Đại tá Đỗ Thanh Bình chia sẻ.
Cũng theo Đại tá Bình, sau khi Quốc hội ban hành luật thì việc giao bộ nào quản lý đào tạo, sát hạch lái xe thuộc về thẩm quyền của Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành phố và 370 trung tâm đào tạo, 152 trung tâm sát hạch lái xe về các nội dung dự thảo Luật.
Cuối hội nghị, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông vận tải lấy ý kiến thăm dò các Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe bằng phiếu kín về các điều khoản mới của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch lái xe thuộc Bộ Giao thông vận tải hay Bộ Công an. Thành phần ban kiểm phiếu có văn phòng UBND, văn phòng đại biểu Quốc hội, đại diện Sở Giao thông Vận tải, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Kết quả gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 27/1/2022.
Bộ GTVT thống nhất chuyển việc cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an Trong dự thảo luật Giao thông đường bộ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 tới đây không còn nội dung quy định về quản lý đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an và một số bộ, ngành đã họp thống...