Nhiều xưởng gỗ bị điều tra sau khi Bộ Công an bắt lâm tặc
Xác định đường dây phá rừng do Hà Đen cầm đầu, Bộ Công an cũng kiểm tra hàng loạt công ty, xưởng gỗ lớn ở Lâm Đồng, Bình Phước có dấu hiệu liên quan.
Cảnh sát vào rừng sâu khám nghiệm hiện trường. Ảnh: Hoài Thanh
Sáng 10/7, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã phối hợp cùng lực lượng của Bộ Công an, hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường khai thác rừng và tập kết gỗ trái phép đặc tại tiểu khu 390. Nhiều cơ sở sản xuất gỗ cũng bị phát hiện chứa gỗ lậu của nhóm lâm tặc này.
Nhà chức trách xác định cầm đầu nhóm lâm tặc là Lê Hồng Hà (tức Hà Đen, 48 tuổi, quê Nghệ An). Nhóm này đều có tay nghề, kinh nghiệm trong việc phá rừng ở Nghệ An và Quảng Bình. Họ được Hà kêu về làm việc với thù lao từ 6 đến 15 triệu mỗi tháng.
Cây gỗ lớn vừa bị triệt hạ trong tiểu khu 390. Ảnh: Hoài Thanh
Một cán bộ điều tra cho biết, hôm qua có hàng chục chiến sĩ phối hợp cùng các lực lượng viện kiểm sát, kiểm lâm, chủ rừng đi xuồng qua hồ thủy điện Đồng Nai 5, sau đó vượt rừng nhiều giờ mới đến được sào huyệt khai thác gỗ trái phép. “Trời mưa suốt ngày nên đường trơn trượt, khu vực rừng bị phá rất rộng khiến việc khám nghiệm hiện trường gặp nhiều khó khăn, chúng tôi phải chia ra nhiều tổ làm việc”, anh này nói.
Theo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an), đường dây phá rừng và tiêu thụ gỗ lậu của Hà Đen mở rộng ra các tỉnh lận cận. Bộ Công an cùng Công an tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước phát hiện nhiều cơ sở tiêu thụ gỗ cho Hà ở TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) và nhiều tỉnh khác như Đăk Nông, Bình Phước.
Đến sáng nay, gần 20 người trong nhóm lâm tặc bị tạm giữ để điều tra, riêng Hà Đen bỏ trốn.
Video đang HOT
Nhiều gỗ lớn chưa được lâm tặc đem ra bìa rừng. Ảnh: Hoài Thanh
Rạng sáng hai hôm trước, hàng chục chiến sĩ Cục cảnh sát môi trường và Cảnh sát cơ động hóa trang trong ôtô tải từ TP HCM lên Lâm Đồng, đột kích xào huyệt của nhóm Hà Đen.
Khi đến Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5, trinh sát lao xuống lòng hồ, khống chế hơn chục người đang tập kết gỗ lậu, đồng thời các mũi đặc nhiệm khác ập vào lán trại bắt giữ nhiều người liên quan.
Hoài Than h
Theo VNE
Mật phục bắt quả tang lâm tặc tàn phá rừng
Khi thấy người lạ xuất hiện, các đối tượng lập tức chặt dây thả gỗ xuống lòng hồ bỏ chạy hoặc gọi điện thông tin cho các "thợ rừng" đang đốn hạ gỗ di tản...
Lâm tặc tập kết số gỗ lậu dưới lòng hồ Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 - Ảnh: SƠN BÌNH
Chiều 8-7, tổ công tác của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an và Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) đã bàn giao nhóm lâm tặc bị bắt quả tang cho Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra làm rõ theo thẩm quyền.
Rạng sáng 8-7, tổ công tác đã mật phục, bắt quả tang hơn 15 đối tượng đang vận chuyển một số lượng lớn gỗ lậu dưới lòng hồ Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 (thuộc thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).
Đây là khu vực giáp ranh tỉnh Đắk Nông và cánh rừng Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai).
Bí mật bắt lâm tặc
Theo C49B, sau nhiều tháng làm công tác trinh sát nắm tình hình, cục quyết định lập kế hoạch đấu tranh triệt phá nhóm tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng.
Do địa hình xung quanh Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 hiểm trở, sương mù dày đặc, che khuất tầm nhìn nên cán bộ chiến sĩ phải giả dạng nhiều vai để tiếp cận các mục tiêu.
Nhóm lâm tặc ở khu vực này hoạt động rất chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm đối phó cơ quan chức năng. Các đối tượng lâm tặc luôn cử nhiều người canh gác các ngả đường hướng từ tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Đắk Nông đi vào "khu hoạt động".
Khi thấy người lạ xuất hiện, các đối tượng chặt dây thả gỗ xuống lòng hồ bỏ chạy hoặc gọi điện thông tin cho các "thợ rừng" đang đốn hạ gỗ di tản. Thậm chí khi cần còn hành hung, cản trở những người đi đến khu vực chúng đang hoạt động.
Một trinh sát trong tổ công tác cho biết 30 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động, cảnh sát môi trường phải hóa trang, ém quân trong một chiếc xe tải loại 8 tấn giống như xe chở hàng, đi từ TP.HCM lên nơi hoạt động của băng nhóm tội phạm để không bị lộ.
Biết các đối tượng canh cửa "máu" bóng đá Euro, tổ công tác lên phương án "ra tay" khi trận bán kết giữa đội tuyển Pháp - Đức đang diễn ra.
Tới nơi, tổ công tác bất ngờ đạp cửa xe tải, chạy xuống lòng hồ vô hiệu hóa lâm tặc, đồng thời một mũi khác bắt quả tang các đối tượng đang đưa gỗ lậu từ thuyền lên xe tải.
Lúc áp sát các đối tượng dưới lòng hồ thủy điện, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nổ súng bắn chỉ thiên. Tuy nhiên các đối tượng lâm tặc không chấp hành hiệu lệnh, lại còn có những lời lẽ thách thức "có ngon thì bắn tao đi".
Khi bị bao vây, nhiều lâm tặc bơi ra giữa lòng hồ tìm đường thoát thân. Để an toàn, tránh nguy hiểm đến tính mạng những người đang bị truy bắt, tổ công tác không quyết liệt truy đuổi mà tổ chức đón lõng bắt giữ khi lâm tặc lên bờ...
Rừng xanh bị tàn phá
Khai thác ban đầu, các đối tượng thừa nhận gần như thực hiện trót lọt hằng ngày với hàng ngàn mét khối gỗ lậu trong khoảng hai năm.
Nhóm lâm tặc cũng cho biết các "thợ rừng" đốn hạ các loại gỗ của rừng phòng hộ ven sông Đồng Nai. Sau đó một nhóm chia nhau cắt xẻ gỗ, thả trôi sông.
Một nhóm khác tập trung tại lòng hồ thủy điện, tập kết gỗ lậu đang trôi rồi đưa lên bờ hồ. Tại bờ hồ luôn có sẵn xe tải loại 3-5 tấn chở gỗ đi tẩu tán hoặc tiêu thụ.
Các đối tượng "lâm tặc" cũng khai nhận hằng ngày di chuyển 20-30m3 gỗ lậu các loại. Nếu còn đủ thời gian thì dùng cưa máy cắt tỉa cho gỗ vuông vức như gỗ được kiểm lâm duyệt, hòng qua mắt các lực lượng chức năng.
Theo quan sát, cách điểm tập kết dưới lòng hồ không xa rừng bị đốn hạ nhiều. Tại các lán trại, tổ công tác kiểm tra, phát hiện hàng loạt loại gỗ quý hiếm được cất giấu nhiều nơi. Ngoài ra còn có cưa máy, mã tấu, kiếm, dao, rựa... để lâm tặc phòng thân khi "đụng" chuyện.
Sau khi bắt quả tang, tổ công tác yêu cầu các đối tượng đưa đến hiện trường khai thác gỗ lậu.
Theo chân lâm tặc, nhiều mảng rừng hoang tàn dần hiện ra, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi được băm xé, nằm lăn lóc khắp nơi. Có những cây còn ứa nhựa do bị đốn hạ chỉ cách đó vài ngày.
Tổ công tác cho biết khu vực rừng phòng hộ quanh đây bị khai thác khoảng hai năm dù có nhiều trạm kiểm lâm gần đó.
Địa bàn của các đối tượng hoạt động cũng tiếp giáp nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Nông và cánh rừng Nam Cát Tiên (Đồng Nai) nhưng cơ quan chức năng liên quan "không biết".
Ai cầm đầu đường dây?
Trong số các đối tượng lâm tặc có nhân vật tên Hà "đen" được mọi người xem là "ông trùm".
Hiện tổ công tác đang phối hợp với công an địa phương mở rộng điều tra, làm rõ ai là người cầm đầu đường dây, nguồn gỗ lậu được tiêu thụ ở đâu và có ai "tiếp tay" cho những người tàn phá rừng?
Theo Tuổi Trẻ
Cảnh sát từ TP.HCM lên Lâm Đồng cải trang phá nhóm lâm tặc Bộ Công an bí mật cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ từ TP.HCM lên tỉnh Lâm Đồng, cải trang phá nhóm lâm tặc đốn hạ hàng ngàn mét khối gỗ rừng phòng hộ. Gỗ lậu được cất giấu quanh lán trại - Ảnh: SƠN BÌNH Đây là băng nhóm khai thác gỗ lậu chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức hai năm...