Nhiều web chính phủ Philippines bị tấn công sau phán quyết ‘đường lưỡi bò’
Ba trang web của chính quyền Philippines tháng này bị tấn công mạng, nghi do tin tặc Trung Quốc thực hiện, vài ngày sau khi một toà trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò”.
Thông điệp được để lại trên các trang web bị tấn công. Ảnh: Inquirer
Hai trang web chính quyền đô thị tự trị Loon và Panglao, tỉnh Bohol, bị xâm nhập ngày 16/7, còn trang web của Uỷ ban Kiểm toán bị tấn công ngày 18/7, Inquirer và IBT đưa tin. Tính đến hôm nay, hai trang web của Uỷ ban Kiểm toán và chính quyền Panglao vẫn chưa thể truy cập được.
Một cách trùng hợp, các trang web bị tấn công đều có hình ảnh mặt nạ Guy Fawkes, liên quan đến nhóm tin tặc Anonymous, với thông điệp: “Không ai có thể cho bạn tự do. Không ai có thể cho bạn sự công bằng hay công lý. Nếu bạn là đàn ông, bạn tin điều đó. – chính phủ Trung Quốc”.
Theo thông tin trên Softpedia, thông điệp để lại trên các trang web bị tấn công liên kết với một tài khoản mạng xã hội Twitter, dường như thuộc về một thành viên của Anonymous từ Brazil. Hiện chưa rõ liệu tin tặc Anonymous có tham gia cuộc tấn công hay đường link dẫn đến tài khoản Twitter của người này bị chèn vào trang web mà không được phép.
Toà Trọng tài tại The Hague, Hà Lan hôm 12/7 thông báo phán quyết, được người dân Philippines hoan nghênh. Toà trọng tài cho rằng chính phủ Trung Quốc không có “cơ sở pháp lý” để đòi “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Phán quyết bị Trung Quốc bác bỏ, cho rằng The Hague không có thẩm quyền với tranh chấp.
Video đang HOT
Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên tuyên bố của nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Philippines. Trung Quốc nhiều năm nay giữ quan điểm giải quyết song phương tranh chấp và kiên quyết không tham gia vụ kiện của Philippines.
Trọng Giáp
Theo VNE
Mỹ giảm nhiệt thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết 'đường lưỡi bò'
Mỹ từng cảnh báo sẽ tập hợp một liên minh để khiến Trung Quốc phải trả giá nếu không tuân thủ phán quyết "đường lưỡi bò", tuy nhiên, chiến lược này tiến triển chậm.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Lào hôm 25/7. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, hồi đầu năm, các quan chức Mỹ nhiều lần nhấn mạnh các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và những nơi khác, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU) cần làm rõ rằng phán quyết của Tòa Trọng tài phải được tuân thủ.
"Chúng ta phải sẵn sàng đồng thanh lên tiếng để khẳng định rằng đây là luật pháp quốc tế, phán quyết có tính ràng buộc với tất cả các bên", Amy Searight, thời điểm đó là quan chức quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á, nói hồi tháng hai.
Hồi tháng 4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ bị tổn hại danh tiếng nặng nề nếu họ phớt lờ phán quyết của tòa. Trưởng đoàn luật sư của Philippines trong vụ kiện còn nói rằng Bắc Kinh có nguy cơ tự biến mình thành nước "ngoài vòng pháp luật".
Tuy nhiên, hai tuần sau khi tòa ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra, lời kêu gọi bày ra một mặt trận thống nhất của Mỹ dường như đạt được ít tiến triển. Chỉ có 6 nước tham gia cùng Washington nhấn mạnh rằng phán quyết phải được tuân thủ.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cuối tuần vừa rồi cũng không nhắc đến phán quyết trong tuyên bố chung sau cuộc họp tại Lào. Campuchia, đồng minh thân thiết của Bắc Kinh, được cho là đã ngăn khối đưa nội dung này vào tuyên bố.
Ngày 15/7, EU, khối đang bị phân tâm bởi việc người Anh chọn rời liên minh, đã ra tuyên bố ghi nhận việc tòa ra phán quyết, nhưng tránh đề cập trực tiếp đến Bắc Kinh và cũng không khẳng định phán quyết phải được tuân thủ.
Nguy cơ giảm sức nặng
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua bày tỏ sự hài lòng rằng ASEAN đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp trị. Ông nhấn mạnh việc tuyên bố chung của ASEAN không đề cập đến phán quyết không làm giảm đi tầm quan trọng của quyết định từ Tòa Trọng tài.
Ông cũng khẳng định phán quyết không thể bị giảm sức nặng vì nó có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá rằng đó đang là rủi ro cận kề, vì Washington đã không thôi thúc hiệu quả vấn đề này với các bạn bè và đồng minh.
"Tất cả chúng ta nên lo lắng rằng vụ kiện rồi sẽ lắng xuống và phán quyết sẽ chỉ còn như một tờ giấy, vì phán quyết chỉ có thể có sức nặng nếu được cộng đồng quốc tế thúc đẩy", Greg poling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận xét.
"Và cộng đồng quốc tế chọn cách không nói bất cứ điều gì. Họ có vẻ như thể hiện 'Chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi không muốn kiềm chế Trung Quốc bằng các tiêu chuẩn này'", ông nói thêm.
Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại trung tâm Quỹ Di sản có trụ sở tại Mỹ, nhận xét rằng Washington dường như miễn cưỡng thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh - một đối tác kinh tế quan trọng cũng như một đối thủ chiến lược, chỉ vài tháng trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ và cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ sẽ bắt đầu vào tháng 11.
"Những gì chúng ta có là Trung Quốc đang tiến hành những hành động rất quyết liệt tại Biển Đông, cả về trên thực địa, chính trị, lẫn về mặt pháp lý và ngoại giao, còn Mỹ lại không làm gì nhiều", ông Cheng nói.
Một lý do giải thích sự tương đối thụ động của chính quyền Mỹ có thể là họ mong muốn ngăn chặn bất kỳ sự leo thang tranh chấp lớn nào sau phán quyết. Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh bồi đắp cải tạo đất và lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Trung Quốc hiện chủ yếu chỉ phản ứng bằng các lời lẽ công kích ác liệt, nhưng các nhà phân tích và các quan chức lo ngại rằng Bắc Kinh có thể có hành động táo bạo hơn, sau khi nước này chủ trì cuộc họp của các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 vào tháng 9.
Phương Vũ
Theo VNE
Campuchia lý giải việc ngăn ASEAN ra tuyên bố về phán quyết 'đường lưỡi bò' Campuchia nói rằng họ đã khuyên ASEAN tránh sử dụng những từ ngữ làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trong tuyên bố chung cuối tuần trước. Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon tham gia hội nghị tại Lào hôm 26/7. Ảnh:Reuters Tại Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Lào cuối tuần trước,...