Nhiều vi phạm trong vụ cụ bà bị lừa lấy nhà
Cơ quan công an đã triệu tập làm việc đối với một số người liên quan việc cho vay tiền trước khi ngôi nhà bị chuyển nhượng.
Ngày 17-8, cụ Lê Thị Háo đã mời luật sư để trợ giúp pháp lý cho cụ trong quá trình tố cáo vụ việc. Ảnh: TẤN LỘC
Ngày 17-8, Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết cơ quan này đang tiếp tục làm rõ vụ cụ Lê Thị Háo (81 tuổi, ngụ số nhà 18 Bạch Đằng, phường Phước Tiến, TP Nha Trang) tố cáo bị người khác lừa lấy mất ngôi nhà tại địa chỉ trên.
Theo một nguồn tin khác, cơ quan công an đã triệu tập một số người liên quan việc cho vay tiền trước khi ngôi nhà bị chuyển nhượng từ cụ Háo sang ông Nguyễn Hoàng Trung (37 tuổi, cán bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Khánh Hòa). Ngoài ra, cơ quan công an cũng đã sao lục hồ sơ tại Văn phòng Công chứng (VPCC) Hoàng Huệ – Phạm Tuấn (26 Hai Bà Trưng, TP Nha Trang).
Không biết ai đi làm thủ tục
Theo hồ sơ PV thu thập được, khởi đầu cho việc chuyển nhượng ngôi nhà của cụ Háo là văn bản “niêm yết thông báo việc khai nhận di sản thừa kế” do bà Hoàng Thị Huệ, công chứng viên VPCC Hoàng Huệ – Phạm Tuấn ký ngày 9-7, gửi UBND phường Phước Tiến. Nội dung niêm yết là cụ Háo là người thừa kế duy nhất của người em ruột Lê Thị Chính với tài sản là diện tích đất ở cùng ngôi nhà 18 Bạch Đằng. Ngay trong văn bản này, VPCC Hoàng Huệ – Phạm Tuấn đã ghi sai tên của người để lại tài sản bởi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCN) ghi rõ là cụ Lê Thị Chỉnh.
Còn trao đổi với PV sáng 17-8, ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết ông được VPCC Hoàng Huệ – Phạm Tuấn công chứng việc cụ Háo ủy quyền cho ông đến UBND phường làm thủ tục niêm yết cũng như đi làm lại GCN ngôi nhà của cụ Háo. Công chứng viên (CCV) Hoàng Thị Huệ cũng xác nhận có công chứng văn bản cụ Háo ủy quyền cho ông Trung đi làm lại giấy tờ ngôi nhà 18 Bạch Đằng. Tuy nhiên, bà Huệ không nhớ ai đến UBND phường làm thủ tục niêm yết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kiều Hoa, cán bộ tư pháp phường Phước Tiến, khẳng định người đem giấy tờ đến làm thủ tục niêm yết là một phụ nữ trên 40 tuổi.
Video đang HOT
Khi được hỏi “vì sao không biết người phụ nữ ấy là ai nhưng vẫn tiếp nhận đăng ký, thực hiện thủ tục niêm yết tại trụ sở UBND phường”, bà Hoa giải thích: “Lâu nay, hầu hết VPCC không đến phường làm thủ tục niêm yết mà toàn để cho người dân tự mang đến. Họ nhờ phường thông báo thì mình dán lên bản tin của phường”.
Phường nói VPCC chịu trách nhiệm
Cũng theo hồ sơ, ngày 25-7, ông Trịnh Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Tiến, cùng CCV Hoàng Thị Huệ cùng ký vào “biên bản xác minh kết quả niêm yết thông báo văn bản phân chia, khai nhận di sản thừa kế”. Cùng ngày, VPCC Hoàng Huệ – Phạm Tuấn đã công chứng “văn bản khai nhận tài sản thừa kế”, trong đó khẳng định cụ Háo là người thừa kế duy nhất của cụ Chỉnh. Trong khi đó, từ năm 2006, hai chị em cụ Háo đã cùng lập di chúc để lại diện tích đất cùng ngôi nhà 18 Bạch Đằng cho hai người cháu ruột ở nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Kiều Hoa nói: “VPCC phải chịu trách nhiệm xác minh nội dung người dân khai báo chứ địa bàn rộng, phường đâu có nắm được”. Khi PV tiếp tục truy vấn trách nhiệm của phường trong việc xác nhận văn bản trên thì bà Hoa cho biết: “Về nguyên tắc, trong 15 ngày niêm yết, do không có người khiếu nại, tố cáo nên phường xác nhận. Qua vụ việc có dấu hiệu lừa đảo này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra, xác nhận”.
Ông Nguyễn Văn Nghị (ngụ TP Nha Trang, người thân với cụ Háo) cho biết hiện nay hai người cháu ruột của cụ Háo ở nước ngoài đang chuẩn bị về Việt Nam để yêu cầu các cơ quan pháp luật bảo vệ quyền thừa kế theo di chúc. Trong đó, họ yêu cầu hủy bỏ các văn bản công chứng liên quan đến ngôi nhà 18 Bạch Đằng.
Chiều 17-8, cụ Háo đã chính thức nhờ luật sư trợ giúp pháp lý.
3 dấu hiệu phạm luật của CCV cần làm rõ 1. Cụ Háo đã thực sự đến VPCC mấy lần để công chứng hợp đồng, di chúc? Theo trình bày của người mua nhà, đất thì cụ Háo có ít nhất là hai lần đến VPCC để công chứng hợp đồng ủy quyền cho ông làm lại giấy tờ nhà, đất (mang tên một mình cụ) và để công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất sang cho ông. Còn theo trả lời của CCV thì cụ Háo phải có ba lần đến VPCC, trong đó có hai lần làm hai hợp đồng như phản ánh của người mua nhà, đất và có một lần làm di chúc để lại nhà, đất cho người giúp việc. Trong khi đó, theo lời cụ Háo và xác nhận của người giúp việc thì cụ Háo chỉ đến VPCC một lần duy nhất. Ai đúng, ai sai? Và nếu đúng là cụ Háo chỉ đến VPCC một lần thì có nghĩa là có nhiều văn bản mang tên cụ đã được công chứng trái luật? 2. CCV có thực hiện đúng việc kiểm tra năng lực hành vi và ý chí của cụ Háo? Muốn bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự thì bắt buộc CCV phải thực hiện việc kiểm tra năng lực hành vi dân sự và ý chí của người yêu cầu công chứng, nhất là khi người đó đã hơn 80 tuổi. Vậy CCV đã thực hiện điều này như thế nào mà dễ dàng công chứng di chúc cho bà để lại nhà, đất cho người giúp việc (mà theo CCV là cụ Háo nói là cháu nhưng địa chỉ của cháu ở đâu thì cụ bảo không nhớ)? Trong việc công chứng hợp đồng bán nhà, đất cho người mua, CCV có giải thích cho cụ Háo hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cụ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc cụ bán nhà, đất hay không? Bởi lẽ như trả lời của CCV thì việc công chứng quá đơn giản khiến cụ bà có khả năng là nạn nhân của một vụ lừa đảo (CCV chỉ”hỏi cụ Háo đồng ý bán chưa, bà nói tôi đồng ý. Tôi hỏi cụ thoải mái chưa, cụ nói thoải mái” rồi thế là chứng!). 3. VPCC có thực hiện đúng luật việc niêm yết văn bản khai nhận di sản? Theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 29/2015 (hướng dẫn Luật Công chứng 2014), việc niêm yết văn bản khai nhận di sản do cơ quan công chứng thực hiện tại trụ sở UBND cấp xã, nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Ấy thế, theo người mua thì ông trực tiếp mang văn bản khai nhận di sản của cụ Háo đến phường để làm thủ tục niêm yết. Cán bộ tư pháp phường không rõ ai đến niêm yết, đồng thời cho biết lâu nay không có VPCC nào đi niêm yết mà toàn cho người dân tự mang đến. CCV thì “không nhớ ai là người đến UBND phường làm thủ tục niêm yết này”. Nếu người mua, cán bộ tư pháp phường nói đúng (vì nếu có người của VPCC mình làm thì không có lý do gì để CCV không nhớ ai đã làm) thì VPCC đó đã không thực hiện đúng việc niêm yết văn bản khai nhận di sản. TT
Theo Tấn Lộc (Pháp luật TPHCM)
Vụ cụ bà bị lừa lấy nhà: Hé lộ nhiều chi tiết bất nhất
Vị công an mua nhà cho rằng đã giao tiền cho cụ bà và người giúp việc. Trong khi người giúp việc cho rằng mình bị lừa, không biết việc bán nhà, cũng không biết người mua nhà là ai.
Ngày 16-8, Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với ông Nguyễn Hoàng Trung, 37 tuổi, cán bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Công an tỉnh Khánh Hòa, để tiếp tục làm rõ những điều đáng ngờ trong vụ cụ Lê Thị Háo (81 tuổi, ngụ 18 Bạch Đằng, phường Phước Tiến, TP Nha Trang, Khánh Hòa) tố cáo bị người khác lừa lấy mất ngôi nhà ba tầng của mình tại địa chỉ trên.
"Tôi trực tiếp đi làm giấy tờ"
Ông Trung xác nhận vừa mua ngôi nhà của cụ Háo và đã trực tiếp đi làm nhiều thủ tục giấy tờ liên quan tới giao dịch này.
Theo ông Trung, ban đầu thấy trong giấy chứng nhận nhà, đất (GCN) ghi cụ Lê Thị Háo và người em ruột là Lê Thị Chỉnh đồng đứng tên sở hữu, ông đưa ra yêu cầu chỉ mua nhà chính chủ. Tới khi có "văn bản khai nhận tài sản thừa kế", ghi nội dung cụ Háo là người thừa kế duy nhất của cụ Chỉnh với tài sản là ngôi nhà trên, ông Trung trực tiếp mang văn bản này đến UBND phường Phước Tiến để làm thủ tục niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường từ ngày 9 đến 24-7.
Sau khi đủ thời gian niêm yết, ông Trung đến UBND phường lấy giấy tờ, đem đến Văn phòng công chứng (VPCC) Hoàng Huệ - Phạm Tuấn (26 Hai Bà Trưng, TP Nha Trang) chứng thực vào ngày 25-7. Tiếp đó, ông Trung cũng trực tiếp mang hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP Nha Trang để làm lại GCN chỉ còn mình tên cụ Háo. Ba ngày sau, chính ông Trung đến nhận GCN mới, đem đến VPCC trên đưa cho cụ Háo rồi làm hợp đồng chuyển nhượng ngay trong ngày này.
Sáng 16-8, người thân đưa cụ Lê Thị Háo đến chi nhánh VPĐKĐĐ để yêu cầu sao lục hồ sơ làm lại GCN mới ngôi nhà của cụ. Ảnh: TẤN LỘC
"Tôi phải hỗ trợ cho cụ Háo mới làm giấy tờ được nhanh như vậy!" - ông Trung nói đồng thời khẳng định tất cả lần làm thủ tục, mua bán ngôi nhà đều có mặt bà Trương Thị Tín, người giúp việc của cụ Háo. "Không có bà Tín thì không làm được gì hết vì không ai dìu cụ Háo đi được, không ai làm chứng" - ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, ông mua ngôi nhà của cụ Háo với giá 3,5 tỉ đồng. Trước khi làm hợp đồng chuyển nhượng, ông đã đưa cho cụ Háo và bà Tín 150 triệu đồng. "Làm hợp đồng xong, ngay trong ngày 28-7, tôi đến nhà giao 3,35 tỉ đồng còn lại cho cụ Háo và bà Tín. Họ đòi tiền mặt nên tôi giao tiền mặt tại nhà cho họ luôn. Giấy giao nhận tiền do hai người cùng ký đã được VPCC chứng thực" - ông Trung nói.
Tuy nhiên, trao đổi với PV vào chiều 16-8, bà Hoàng Thị Huệ, công chứng viên VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn, tiếp tục cho rằng không biết gì việc giao nhận tiền của hai bên mua bán nhà vì hai bên tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm, công chứng viên không liên quan. Khi PV đề nghị cho xem văn bản niêm yết khai nhận thừa kế của cụ Háo trước khi công chứng, bà Huệ từ chối cung cấp với lý do chỉ cung cấp cho cơ quan điều tra. Bà Huệ cũng nói không nhớ ai là người đến UBND phường làm thủ tục niêm yết này.
Vì sao trong hợp đồng chuyển nhượng ghi đến ngày 20-8-2017 bên bán mới giao nhà cho bên mua? Ông Trung trả lời: "Cụ Háo nói xin cho ở qua tết, năm sau hẵng lấy nhà. Tôi đồng ý vì chưa có nhu cầu lấy nhà để ở". Ông Trung hứa ngay sau khi về lại Nha Trang vào ngày 18-8, ông sẽ cung cấp cho PV đầy đủ các giấy tờ liên quan đến việc mua nhà. "Tôi không hiểu vì sao bây giờ họ lại lật ngược như vậy!" - ông Trung nói và cho biết hiện ngôi nhà 18 Bạch Đằng đã đứng tên sở hữu của ông.
Cụ Háo không có nhu cầu bán nhà
Liên lạc với PV, hai cháu ruột của cụ Háo ở nước ngoài (cũng là hai người được chị em cụ Háo cùng lập di chúc để lại ngôi nhà 18 Bạch Đằng từ năm 2006) khẳng định cụ và gia đình hoàn toàn không có nhu cầu hay ý định bán ngôi nhà trên. Theo nhiều người thân với cụ Háo, hai cháu của cụ ở nước ngoài có kinh tế khá giả, thường xuyên gửi tiền về cho cụ. Hiện trong tài khoản của cụ đang có số tiền khá lớn nên cụ hoàn toàn không có nhu cầu bức thiết về tiền bạc.
Trong ngày 16-8, PV cũng liên lạc được với bà Trương Thị Tín. Qua điện thoại, bà Tín thừa nhận có vay 150 triệu đồng của một phụ nữ tên Liên để chữa bệnh. Do bà Liên yêu cầu phải có tài sản thế chấp nên bà Tín mượn GCN của cụ Háo để thế chấp vay tiền, khi có tiền trả sẽ chuộc lại GCN.
"Tôi chỉ đưa giấy tờ cho bà Liên, đồng thời có đưa cụ Háo đến VPCC một lần để nhờ xác nhận cho tôi mượn tiền. Tôi không biết gì về bản di chúc cụ Háo để lại ngôi nhà cho tôi. Tôi cũng không biết gì việc bán nhà, cũng không biết ông Trung là ai. Tôi cũng bị lừa" - bà Tín nói.
Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này trong số báo tiếp theo.
Hẹn một tuần mới sao lục được hồ sơ Sáng cùng ngày, người thân đã đưa cụ Háo đến Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Nha Trang yêu cầu sao lục hồ sơ làm lại GCN mới ngôi nhà của cụ. Họ cũng yêu cầu cơ quan trên cung cấp danh tính người đến làm hồ sơ và nhận GCN mới của cụ Háo. Tuy nhiên, Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Nha Trang hẹn một tuần sau mới có thể sao lục được hồ sơ. Khi PV hỏi vì sao GCN mới của ngôi nhà của cụ Háo được làm quá nhanh, chỉ trong ba ngày thì lãnh đạo Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Nha Trang không trả lời mà yêu cầu PV... tự tìm hiểu quy định. Trong khi một nhân viên của chi nhánh cho biết đối với trường hợp làm lại GCN như cụ Háo, nhanh nhất phải một tuần mới có thể giao giấy tờ cho người dân.
Theo TẤN LỘC (Pháp luật TP.HCM)
Người giúp việc lén thế chấp nhà 5 tỷ của cụ bà 81 tuổi rồi bán luôn Cơ quan công an xác định vụ việc có dấu hiệu lừa đảo. Người giúp việc cùng những người liên quan đang bị điều tra. Trước mặt cụ Lê Thị Háo cùng nhiều người dân địa phương, bà Trương Thị T. (53 tuổi, quê Quảng Nam, người giúp việc cho cụ Háo) thừa nhận đã lừa cụ Háo đem giấy tờ nhà, đất...