Nhiều ứng dụng di động bí mật kiểm soát người dùng
Cả người dùng cuối và nhà phát triển ứng dụng đều có thể gặp rủi ro nếu có ai đó khai thác những bí mật hiếm người biết trên ứng dụng di động.
Ứng dụng điện thoại di động có thể tồn tại nhiều điều mà không phải người dùng cuối nào cũng nắm rõ
Một nhóm nhà nghiên cứu an ninh mạng gần đây phát hiện ra rằng có một số lượng không nhỏ các ứng dụng điện thoại di động chứa bí mật mã hóa cho phép người khác truy cập dữ liệu riêng tư hoặc chặn nội dung do người dùng cung cấp.
“Phát hiện của nghiên cứu cho thấy các ứng dụng điện thoại di động có thể tồn tại những hành vi tiềm ẩn hoặc có hại mà người dùng cuối không hề biết”, Zhiqiang Lin, Giáo sư khoa học máy tính và kỹ thuật tại Đại học Bang Ohio (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, nói. Theo Techxplore, nghiên cứu này đã được chấp nhận công bố bởi Hội nghị chuyên đề về Bảo mật và Riêng tư (IEEE Symposium on Security and Privacy 2020) dự kiến diễn ra vào tháng 5.2020. Nhưng trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, hội nghị sẽ chuyển sang hình thức phát trực tuyến. Kể từ năm 1980, IEEE Symposium on Security and Privacy đã là diễn đàn hàng đầu để trình bày những phát triển về bảo mật máy tính và quyền riêng tư trên thiết bị điện tử, và cũng là nơi tập hợp các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Hơn 12.700 ứng dụng chứa “cửa hậu”
Thông thường các ứng dụng di động tương tác với người dùng bằng cách xử lý và phản hồi dữ liệu đầu vào do người dùng cung cấp. Chẳng hạn, người dùng chỉ cần gõ một số từ hoặc câu nhất định, hoặc nhấp vào một nút hoặc làm động tác trượt trên màn hình, thì ứng dụng sẽ thực hiện nhiều hành động khác nhau. Đối với nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã đánh giá 150.000 ứng dụng. Cụ thể, họ chọn ra 100.000 ứng dụng phổ biến dựa trên số lượt tải xuống từ cửa hàng Google Play, 20.000 ứng dụng hàng đầu từ một thị trường thay thế và 30.000 ứng dụng được cài đặt sẵn trên điện thoại thông minh Android.
Sau khi xem xét, họ phát hiện ra rằng 12.706 ứng dụng trong tổng số nêu trên, khoảng 8,5%, chứa một thứ mà nhóm nghiên cứu đã dán nhãn “bí mật cửa hậu”, cụm từ để chỉ hành vi ẩn giấu trong các ứng dụng chấp nhận một số loại nội dung nhất định để kích hoạt hành vi mà người dùng cuối không biết. Họ còn thấy rằng một số ứng dụng có “mật khẩu chủ” (Master Password) tích hợp, cho phép bất kỳ ai có loại mật khẩu này đều có thể truy cập vào ứng dụng và mọi dữ liệu riêng tư có trong đó. Master Password là một thuật toán được thiết kế để tạo mật khẩu duy nhất theo cách có thể lặp lại. Ngoài ra, có một số ứng dụng tồn tại khóa truy cập bí mật có thể kích hoạt các tùy chọn ẩn.
Video đang HOT
“Cả người dùng và nhà phát triển ứng dụng đều có khả năng gặp rủi ro nếu một kẻ xấu nào đó có được “bí mật cửa hậu”. Trên thực tế, những kẻ tấn công có thể đảo ngược thiết kế kỹ thuật của ứng dụng để khám phá bí mật”, Giáo sư Zhiqiang Lin nói. Qingchuan Zhao, trợ lý nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio, đồng tác giả chính của nghiên cứu, cho biết các nhà phát triển ứng dụng thường cho rằng kỹ thuật đảo ngược của ứng dụng không phải là mối đe dọa chính đáng. “Một trong những nguyên nhân chính về việc các ứng dụng di động tồn tại “bí mật cửa hậu” là do các nhà phát triển ứng dụng đã đặt nhầm niềm tin. Để thực sự bảo mật ứng dụng, họ cần thực hiện xác nhận dữ liệu đầu vào liên quan đến bảo mật của người dùng và đẩy thông tin riêng tư lên các máy chủ phụ trợ”, ông Zhao nói.
Hơn 4.000 ứng dụng kiểm duyệt người dùng
Ngoài “bí mật cửa hậu”, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy 4.028 ứng dụng, khoảng 2,7% trong tổng số ứng dụng khảo sát, đã chặn nội dung có chứa các từ khóa cụ thể chịu sự kiểm duyệt. Không ngạc nhiên khi các ứng dụng đó có thể hạn chế một số nội dung nhất định, nhưng điều đáng nói ở đây là cách thức chúng hoạt động, đó là xác định cục bộ, cụ thể đối tượng thay vì xem xét trên diện rộng, hoặc trong phạm vi xa.
“Trên nhiều nền tảng ứng dụng, nội dung do người dùng tạo ra có thể được kiểm duyệt hoặc sàng lọc trước khi xuất bản. Một số mạng xã hội như Facebook, Instagram và Tumblr đã giới hạn nội dung người dùng được phép đăng. Nhưng thật không may, điều này có thể tồn tại vấn đề. Ví dụ, mặc dù người dùng biết rằng có một số từ nhất định bị cấm theo chính sách của môt nền tảng nào đó, nhưng họ mơ hồ, không biết rõ từ nào thực sự bị cấm, và kết quả là nội dung bị chặn mà người dùng cuối không hề hiểu tại sao”, Giáo sư Zhiqiang Lin cho hay.
Sau khi xem xét các ứng dụng, nhóm nghiên cứu đã phát triển một công cụ nguồn mở gọi là InputScope, với mục đích giúp các nhà phát triển hiểu thêm về điểm yếu trong ứng dụng của họ và để chứng minh rằng quy trình kỹ thuật đảo ngược có thể hoàn toàn tự động.
Phương Anh
5G sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ứng dụng di động như thế nào?
Sự ồn ào của ngành công nghiệp xung quanh công nghệ 5G và tác động của nó đối với kết nối và dịch vụ thế hệ tiếp theo là rất lớn, không chỉ với khách hàng mà với cả các nhà phát triển, doanh nghiệp công nghệ.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi GSMA vào đầu năm nay, 5G sẽ chiếm 15% ngành công nghiệp di động toàn cầu vào năm 2025, với dự đoán 1,4 tỷ thiết bị hoạt động trên mạng 5G. Đối với ngành công nghiệp phát triển ứng dụng di động, việc ra mắt mạng 5G sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cách mọi người sử dụng ứng dụng di động mà còn mang đến những cơ hội mới cho các nhà phát triển.
Trong tương lai, 5G sẽ cho phép các nhà phát triển khám phá, xây dựng các nền tảng mới và tạo ra các ứng dụng cho phép khách hàng trải nghiệm các dịch vụ nhanh hơn, cá nhân hóa hơn.
5G sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ứng dụng di động như thế nào?
Trong nội dung bài viết này sẽ xem xét cụ thể các lợi ích của công nghệ 5G, giúp tăng cường tính năng của các ứng dụng di động hiện tại và những lợi ích này sẽ tác động và ảnh hưởng đến sự phát triển của các ứng dụng di động trong tương lai như thế nào.
5G là gì?
5G không phải là phiên bản sửa đổi của 4G; thay vào đó, nó là một cơ sở hạ tầng mạng hoàn toàn mới. 5G có tiềm năng cách mạng hóa cách thức hoạt động của các mạng di động.
Mạng 5G hứa hẹn sẽ tăng cường kết nối di động và cải thiện trải nghiệm điện thoại thông minh cho người dùng bằng cách cung cấp chia sẻ dữ liệu nhanh hơn với tốc độ kết nối đạt khoảng 10 Gigabit/giây nhanh hơn 10 lần so với công nghệ vô tuyến hiện có. Truyền dữ liệu tốc độ cao sẽ thay đổi hoàn toàn cách mọi người giao tiếp. Nhưng đối với các nhà phát triển ứng dụng di động, tốc độ không phải là điều duy nhất sẽ đưa ra những khả năng mới trong cách phát triển ứng dụng. Một số lợi ích đáng chú ý khác bao gồm:
Độ trễ thấp hơn
Độ trễ là một nguyên nhân gây lo ngại cho người dùng thiết bị di động, đặc biệt là khi các thiết bị này và mạng của chúng đang được sử dụng để đưa ra quyết định quan trọng trong thời gian thực. Các mạng 4G hiện tại có độ trễ trung bình là 50 mili giây, trong khi đó mạng 5G sẽ giảm độ trễ xuống chỉ còn một mili giây, điều này dẫn đến độ trễ và can nhiễu mạng sẽ ít hơn.
Mật độ kết nối tăng lên
Mật độ kết nối có liên quan đến khả năng hỗ trợ gửi thành công một số tin nhắn, ngay cả ở khu vực đông dân cư của mạng lưới. Hiện nay, mạng 4G chỉ có thể hỗ trợ khoảng 2.000 thiết bị kết nối mỗi km2 và khi số thiết bị kết nối trung bình cho mỗi người dùng dự kiến sẽ tăng lên tức là mỗi người sẽ dùng nhiều thiết bị hơn như đồng hồ thông minh, điện thoại thông minh..., lúc này mạng 4G sẽ không đáp ứng được. Mạng 5G sẽ giải quyết được sự bất cập này của mạng 4G với khả năng hỗ trợ tới 1 triệu thiết bị được kết nối trên mỗi km2.
5G sẽ tác động đến sự phát triển ứng dụng di động như thế nào?
Với việc ra đời mạng 5G, các ứng dụng di động không chỉ mang lại sự hoạt động hiệu quả hơn mà còn phù hợp hơn để tích hợp và sử dụng các công nghệ như thực tế tăng cường và thực tế ảo với khả năng tối đa của chúng. 5G sẽ cho phép các nhà phát triển tạo ra trải nghiệm người dùng phong phú hơn, đây cũng là yếu tố quyết định để khách hàng có sử dụng ứng dụng đó hay xóa nó đi.
Với tốc độ cao và độ trễ thấp mà mạng 5G cung cấp, các nhà phát triển có thể cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm đặc biệt như các ứng dụng video và chơi trò chơi sẽ cần ít thời gian đệm hơn, điều này cho phép trải nghiệm trở nên hấp dẫn và nhanh hơn. Tốc độ mạng tăng lên và khả năng xử lý nhiều dữ liệu hơn sẽ cho phép các game thủ ứng dụng di động tải xuống các gói trò chơi qua mạng di động thay vì được yêu cầu tải xuống qua mạng Wi-Fi.
5G sẽ cho phép các nhà phát triển tích hợp các công nghệ khác vào các ứng dụng hiệu quả hơn. Cụ thể, thị trường ứng dụng có thể sẽ thấy sự gia tăng trong các ứng dụng dựa trên đám mây. Khi các tác vụ chúng ta yêu cầu điện thoại thông minh thực hiện ngày càng phức tạp, việc có khả năng tạo các ứng dụng có thể sử dụng hiệu quả trên đám mây như một phương tiện để lưu trữ dữ liệu sẽ xác định lại cách thức và thời điểm sử dụng ứng dụng.
Về cơ bản, bằng cách đưa dữ liệu của ứng dụng lên đám mây, khách hàng có thể truy cập và chạy ứng dụng mà không cần phải cài đặt chúng trên thiết bị của mình. Điều này có nghĩa là sức mạnh xử lý và phần cứng thiết bị sẽ không bị ảnh hưởng bởi ứng dụng.
Mặc dù sẽ mất một thời gian trước khi khách hàng, nhà phát triển và doanh nghiệp có thể tận hưởng những lợi thế của 5G một cách đầy đủ, công nghệ sẽ đóng một vai trò không thể thiếu trong việc giúp các nhà phát triển đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi các ứng dụng di động tiếp tục phát triển, công nghệ 4G không thể hỗ trợ lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra. Trên thực tế, 4G đã có dấu hiệu bị quá tải, vì nhiều nghiên cứu cho thấy tốc độ mạng thay đổi mạnh dựa trên số lượng khách hàng kết nối. Nếu hiện tại bạn đang sử dụng công nghệ mạng 4G thì mạng 5G là một tùy chọn đáng để bạn quan tâm và khám phá.
Để hỗ trợ cho các ứng dụng di động thế hệ tiếp theo thì công nghệ 5G với cam kết cho tốc độ truyền dữ liệu cao hơn, độ trễ thấp hơn và mật độ kết nối tăng sẽ là cách duy nhất để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm phong phú hơn. Đối với các doanh nghiệp, điều đó giúp duy trì khách hàng và tăng doanh thu từ các ứng dụng di động trong những năm tới. Khi việc triển khai mạng 5G được đẩy mạnh ở các thị trường sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi cho việc phát triển các ứng dụng cần nhiều dữ liệu hơn dựa trên mạng 5G.
Theo viet nam net
Microsoft thiết kế lại các ứng dụng di động Word, Exel, PowerPoint: Trực quan, nâng cao hiệu suất sử dụng cho người dùng Microsoft vừa công bố phiên bản thiết kế lại của các ứng dụng di động Outlook, OneDrive, Word, Exel và PowerPoint. Những ứng dụng này được thiết kế với hệ thống Fluent Design, nhằm "nâng cao hiệu suất di động lên một tầm cao mới". Cụ thể, các ứng dụng Office dành cho di động được Microsoft thiết kế trực quan hơn, bao...