Nhiều uẩn khúc trong vụ án ‘tử tù’ Hồ Duy Hải
Những tình tiết bất thường trong vụ án ‘tử tù’ Hồ Duy Hải sẽ được TAND tối cao xem xét trong phiên Giám đốc thẩm mở ngày 6/5 tới đây.
Nhân chứng quan trọng
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm Chủ tọa phiên Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình về tội giết người và cướp tài sản, dự kiến diễn ra từ 6/5 tới 8/5.
Trước đó, cuối năm 2019, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và phúc thẩm năm 2009 của TAND tối cao tại TP.HCM.
Theo nội dung vụ án, năm 2007 Hồ Duy Hải thường đến Bưu cục Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) đặt mua báo nên quen hai nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi. Sáng 14/1/2008, hai nữ nhân viên này bị sát hại dã man tại nơi làm việc.
Đến ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải bị bắt. Hồ sơ thể hiện Hải là hung thủ duy nhất giết người tại Bưu điện Cầu Voi.
Cuối năm 2008, Hải bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt mức án tử hình, Hải kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 28/4/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Bị cáo Hồ Duy Hải tại toà.
Trong vụ án, Đinh Vũ Thường là nhân chứng duy nhất vào Bưu điện Cầu Voi tối xảy ra vụ án. Anh Thường đến bưu điện thì nhìn thấy một thanh niên và một chiếc xe Dream nhưng không thấy biển số xe.
Trong cáo trạng viết: “Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện tại thời điểm gây án”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trong biên bản ghi lời khai, nhân chứng Thường chỉ khai: “Nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận diện được”.
Thời điểm xét xử, nhân chứng Thường không được toà triệu tập để lấy lời khai. Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm cũng thể hiện anh Thường không tham dự phiên toà nào. HĐXX đã xét xử mà không thẩm vấn, làm rõ tình tiết anh Thường có nhìn thấy Hồ Duy Hải tại bưu điện hay không.
Liên quan đến tình tiết này, ngày 7/12/2011, luật sư Trần Hồng Phong (bào chữa cho Hồ Duy Hải) đã gặp anh Thường tại TP.HCM.
Tại đây, anh Thường đồng ý viết một giấy xác nhận, không được mời đến tham dự phiên toà và không khẳng định nhận dạng được người thanh niên mà anh thấy tối 13/1/2008 tại Bưu điện Cầu Voi.
Luật sư và gia đình Hồ Duy Hải đã gửi tài liệu này cho Hội đồng giám đốc thẩm để xem xét.
Sai phạm trong quá trình điều tra xét xử
Ngày 22/11/2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM.
Theo kháng nghị của Viện KSND tối cao, toà hai cấp có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án. Việc thu nhập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ. Nhiều nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.
Trong đó, cấp sơ thẩm và phúc thẩm không làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do Hải cướp được, kết luận giám định cho thấy dấu vân tay thu được ở hiện trường không phải là của Hải, nhưng là của ai cũng không được làm rõ…
Cụ thể, kết luận giám định cho thấy tại hiện trường vụ án thu được nhiều dấu vân tay trên cửa kính và trên vòi nước ở lavabô. Các dấu vân tay này không trùng với 10 ngón tay của Hồ Duy Hải.
Sau đó, kết quả giám định dấu vân tay bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Tại phiên toà sơ thẩm, Viện KSND tỉnh Long An cho rằng “dấu vân tay không giám định được”.
Ngoài ra, sau khi bắt giam Hồ Duy Hải, cơ quan điều tra mới cử người ra chợ mua dao, thớt dùng để làm chứng cứ buộc tội. Quá trình điều tra, bị cáo cũng không tự vẽ con dao, mà con dao do điều tra viên vẽ trước rồi đưa cho Hải nhận dạng.
Cơ quan tiến hành tố tụng không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu, là nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án. Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai, thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.
Tại thời điểm xảy ra vụ án, Nghị là người yêu của một trong hai nạn nhân. Trong đêm xảy ra vụ án, Nghị có ghé vào Bưu điện Cầu Voi. Cơ quan điều tra từng tạm giữ và lấy lời khai của Nghị, nhưng sau đó toàn bộ thông tin về Nghị bị rút khỏi hồ sơ vụ án.
Viện KSND tối cao cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như không trưng cầu giám định vết máu, bỏ sót chứng cứ vụ án, không đưa lời khai của Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Ngoài ra, Viện KSND tối cao xác định, lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, dù những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra.
Số phận của tử tù Hồ Duy Hải sẽ ra sao sau một tuần nữa
Đúng một tuần nữa, số phận của tử tù Hồ Duy Hải sẽ được định đoạt khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét Kháng nghị của VKSND Tối cao. Vậy số phận của tử tù này sẽ như thế nào?
Dự kiến ngày 6/5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ xét phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải Giết người, Cướp tài sản xảy ra tại bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An). Phiên xét giám đốc thẩm sẽ diễn ra từ ngày 6-8/5, do Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Tham dự phiên giám đốc thẩm còn có đại diện VKSND Tối cao, TAND tối cao, đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An và luật sư Trần Hồng Phong (luật sư bảo vệ cho Hồ Duy Hải).
Hồ Duy Hải tại tòa (ảnh TL)
Theo cáo buộc, khoảng 19h ngày 13/1/2008, Hồ Duy Hải đi xe máy đến Bưu điện Cầu Voi rồi vào trong ngồi nói chuyện với chị Nguyễn Thị Ánh H. Khoảng 20h30, Hải đưa tiền và nhờ chị Nguyễn Thị Thu V (21 tuổi, cũng là nhân viên bưu điện) đi mua trái cây. Khi chị V vừa đi khỏi, Hải kéo chị H vào buồng với ý định quan hệ tình dục nhưng bị nạn nhân này phản ứng. Thấy H bỏ đi, Hải đuổi theo rồi dùng tay bóp cổ, đẩy nạn nhân ngã xuống sàn rồi lấy tấm thớt gỗ đập vào đầu cô gái này. Khi nạn nhân bất tỉnh, Hải vào bếp lấy con dao inox ra cắt cổ nạn nhân rồi lôi xác vào giấu ở góc cầu thang...
Khi chị V mua trái cây về, Hải dùng ghế đập vào đầu làm nạn nhân ngã xuống sàn gạch tử vong. Gây án xong, Hải lục tủ lấy 1,4 triệu đồng, khoảng 40 simcard, thẻ cào điện thoại di động, điện thoại Nokia, lột hết dây chuyền, nhẫn, bông tai của 2 nạn nhân rồi ra phía sau đóng cửa lại, leo cửa rào ra sân trước lấy xe gắn máy chạy về nhà.
Tại hai phiên tòa sơ và phúc thẩm, Hải đều kêu oan nhưng vẫn bị tuyên tử hình về hai tội danh "Giết người" và "Cướp tài sản". Sau khi Hải bị tuyên tử hình, gia đình tử tù này đi khắp nơi kêu oan cho con ròng rã chục năm trời. Khi tử tù Hồ Duy Hải chuẩn bị phải thi hành bản án tử hình thì ngày 4/12, Chủ tịch nước yêu cầu tạm dừng thi hành án. Theo đó, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải nên yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét kỹ.
Cuối năm 2019, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có kháng nghị đề nghị TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan vụ án hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An) bị sát hại, cướp tài sản xảy ra vào năm 2008.
VKSND Tối cao cho rằng, bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải là chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án, việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ. Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như: Bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm nghiêm trọng...
Từ những căn cứ trên, VKSND Tối cao đề nghị TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại.
Hồ Duy Hải trước thời điểm bị bắt giữ (ảnh TL)
Bình luận về phiên giám đốc thẩm tới, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, kháng nghị giám đốc thẩm trong những vụ án mạng là một tín hiệu tốt cho con đường sống của tử tù. Tuy nhiên, đôi khi niềm hy vọng ấy cũng có thể rơi vào một ngõ cụt khi Hội đồng thẩm phán không chấp nhận kháng nghị. Theo đó, giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị do phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Nếu TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao thì Hải sẽ được huỷ bản án tử của mình mà các cấp tòa đã tuyên trước đó. Điều này có nghĩa, vụ án có thể được đình chỉ hoặc được điều tra và xét xử lại.
Nếu điều tra lại, Hồ Duy Hải sẽ trở thành một nghi phạm "giết người, hiếp dâm" như lúc bị bắt. Mọi thứ sẽ quay lại xuất phát điểm. Vụ án sẽ được điều tra lại, VKSND Long An khi đó sẽ quyết định có tiếp tục truy tố Hồ Duy Hải ra tòa hay không. Nếu cơ quan này cho rằng không đủ bằng chứng để truy tố thì Hải sẽ được tự do.
Ngược lại, nếu tiếp tục truy tố thì Hải sẽ bị đưa ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu bị tòa tuyên có tội, số phận của Hải có thể sẽ diễn biến gần giống như tử tù Hàn Đức Long. Đó là, Hải vẫn có thể bị tuyên y án tử hình trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.
"Căn cứ Điều 388 (BLTTHS 2015), Hội đồng phiên giám đốc thẩm có quyền: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bi khang nghi; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm. Như vậy, Kháng nghị của VKSND Tối cao chỉ là bước khởi đầu; quan trọng là kháng nghị có được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận hay không. Nếu kháng nghị bị tòa bác bỏ, dù không đồng tình nhưng VKSND Tối cao vẫn phải chấp nhận vì đó là quy định", luật sư Long phân tích.
Hiện trường vụ án Hồ Duy Hải gây chấn động sau 12 năm giờ ra sao? Sau 12 năm xảy ra vụ án gây chấn động, Bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bây giờ là một ngôi nhà hoang, cỏ mọc um tùm. Ngày 14/1/2008, dư luận chấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An)...