Nhiều triển lãm kỷ niệm 50 năm Tết Mậu Thân 1968
Hàng loạt tranh ảnh, tác phẩm mỹ thuật về hoạt động chiến đấu, nổi dậy của quân và dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân – 1968 được trưng bày ở nhiều nơi có đông khách tham quan tại trung tâm TP.HCM.
Theo ghi nhận của Dân Việt, tại Nhà Văn hóa thanh niên, hai bên tường các hành lang đều trưng bày hình ảnh từ công cuộc chuẩn bị, đến những ngày tiến công oanh liệt của quân, dân miền Nam và sự thất bại, tháo chạy tại nhiều thành phố lớn của quân Mỹ – Sài Gòn. Tất cả hình ảnh đều được chú thích rõ ràng về địa điểm, nội dung và thời gian bằng tiếng Việt và tiếng Anh phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Tại công viên 30/4, phía trước Hội trường Thống Nhất (trước đây là Dinh Độc Lập), là triển lãm hình ảnh, tư liệu mang tên “ Hào khí Xuân Mậu Thân – 1968 – Mãi mãi sáng ngời”. Hình ảnh đa số là cuộc tiến công của quân giải phóng vào Sài Gòn – đầu não của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Bên cạnh đó là hình ảnh đền ơn đáp nghĩa xuyên suốt nhiều năm về cuộc tiến công Tết Mậu Thân.
Những hình ảnh về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968 được trưng bày tại công viên 30/4. Ảnh: Lý Tín
Triển lãm có 3 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt: “Khúc ca mùa xuân Mậu Thân 1968″ của nhóm điêu khắc trẻ – Hội mỹ thuật TP.HCM nhằm ca ngợi, biết ơn những liệt sĩ Biệt động hy sinh trong cuộc tiến công vào Sài Gòn; “Kết nối quá khứ” của nhóm sắp đặt Đại học Văn Lang; “Nữ dân công hỏa tuyến Xuân Mậu Thân – 1968″.
Ảnh tư liệu được trưng bày trong triển lãm. Ảnh: Lý Tín
Ngoài ra, tại công viên 30/4, mô hình bức phù điêu “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968″ được trưng bày nhằm phục vụ du khách. Bức phù điêu thật sẽ xây dựng bên trong Hội trường Thống Nhất có kích thước dài 81m, cao 9m. Chất liệu dự kiến là đồng đỏ ốp trên tường bê tông. Ngôn ngữ thể hiện kết hợp thể loại chạm lọng với nửa tượng tròn.
Nội dung tư tưởng chủ đạo: “Việt Nam là một đất nước thân thiện và mến khách với tình cảm hữu nghị chân thành” được soi sáng bằng “truyền thống tự trọng, nhân ái, vượt qua thù hận, vị tha, và hướng tới tương lai của cha ông trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng”, nên trong toàn bộ bức phù điêu hoàn toàn không đào xới về hận thù hoặc nỗi đau quá khứ, mà chỉ khắc ghi những chiến công và sự hy sinh của chiến sĩ, đồng bào trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968.
Mô hình phù điêu “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968″ được trưng bày ở công viên 30/4 phục vụ du khách. Ảnh: Lý Tín
Bố cục bức phù điêu: Ở trung tâm là 4 hình tượng tiêu biểu đang xung phong về phía trước gồm hình ảnh Dân công hỏa tuyến, hình tượng chiến sĩ Biệt động thành, hình tượng quần chúng nhân dân Sài Gòn – Gia Định, hình tượng chiến sĩ Giải phóng quân và 3 chương khác với nội dung chủ yếu là cuộc tiến công vào trung tâm Sài Gòn. Tác giả bức phù điêu là Nguyễn Hoàng Ánh.
Theo đó, để tổ chức Lễ kỷ niệm “50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968″, Hội trường Thống Nhất đã tạm ngừng đón khách tham quan từ ngày 30-31.1 nhằm đảm bảo tốt hoạt động dựng sân khấu, hậu cần và đảm bảo an ninh.
Video đang HOT
Một số du khách nước ngoài hào hứng chụp hình với những hình ảnh của cuộc triển lãm tại công viên 30/4.
Một du khách nước ngoài hào hứng chụp hình tại triển lãm. Ảnh: Lý Tín
Bên trong Hội trường Thống Nhất đã hoàn tất các khâu từ khán đài sân khấu, hậu cần để thực hiện Lễ kỷ niệm “50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968″ diễn ra vào ngày 31.1.2018.
Theo Danviet
Tết Mậu Thân 1968: Ôm bộc phá mở đường máu tiến sâu vào Tân Sơn Nhất
Tiểu đoàn 16 xông vào thì gặp ngay lô cốt đầu cầu án ngữ. Địch hỏa lực quá mạnh, bắn rát nên nhiều chiến sĩ đã ngã xuống khi chưa vào được sân bay. Giữa tình thế đó, anh Đồ lén ôm bộc phá tiếp cận lô cốt rồi lao thẳng vào làn đạn địch, nổ tung cùng lô cốt.
"Đồ đây!"
Những lần gặp mặt, anh em Đại đội 2 - Tiểu đoàn 16 - Phân khu 2 còn sống vẫn nhớ như in tiếng thét cuối cùng của anh Phan Văn Đồ khi ôm bộc phá lao thẳng vào lô cốt địch. Mọi người đang căng mình chiến đấu, né tránh làn đạn dày đặc của địch từ trong lô cốt bắn ra thì nghe tiếng thét "Đồ đây!" xen lẫn tiếng súng vang vọng trong đêm rồi thấy lô cốt địch nổ ầm, cột khói bốc lên cao, đất đá bị thổi tung lên trời.
Vậy là lô cốt đầu cầu bị xóa xổ! Thi hài anh cũng không còn gì...
Mỗi lần người Đại đội trưởng Đại đội 2 Trần Văn Trắc kể lại đoạn này, vài chục anh em Tiểu đoàn 16 còn sống sót đều ngậm ngùi rơi nước mắt mà lòng hừng hực cháy ngọn lửa tự hào vì mình từng kề vai sát cánh chiến đấu cùng những người anh hùng như Phan Văn Đồ.
Thiếu hỏa lực mạnh yểm trợ, lực lượng bộ binh của Tiểu đoàn 16 phải rất gian nan để diệt các cứ điểm phòng ngự của địch
Cựu chiến binh Vũ Chí Thành - nguyên Trung đội phó trung đội đại liên - Tiểu đoàn 16 kể: "Sau khi có lệnh nổ súng, anh em đặc công Tiểu đoàn 12 tháo dỡ 21 hàng rào kẽm gai bao quanh sân bay để dẫn đường cho 2 đại đội của Tiểu đoàn 16 đánh sâu vào sân bay rất thuận lợi. Nhưng khi vừa qua khỏi hàng rào thì ta gặp phải sự chống trả quyết liệt của lính Mỹ bắn ra từ lô cốt đầu cầu. Hỏa lực địch rất mạnh, bắn rát nên nhiều chiến sĩ hy sinh mà không thể vượt qua".
Lô cốt đầu cầu 51, cứ điểm trấn giữ cửa phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất đã chặn đứng bước tiến của Tiểu đoàn 16 (ảnh tư liệu)
Sau khi anh Đồ ôm bộc phá lao vào, cứ điểm này mới thất thủ (ảnh tư liệu)
Trung tá Bùi Hồng Hà - nguyên chiến sĩ Đại đội cối A82 - kể: "Lúc đến đây, đại đội cối chúng tôi chỉ còn 20 quả đạn mang theo tấn công vào sân bay. Đến giờ nổ súng thì chúng tôi phải điều sang cho đơn vị bạn (tiểu đoàn 267) mượn mất 10 quả. Vì sân bay quá rộng và chưa xác định được mục tiêu nên phải dùng 2 quả bắn lấy điểm. Sau đó thì bắn cấp tập 8 quả còn lại để phá mục tiêu. Vì hết đạn nên phải chôn pháo".
Chính vì thiếu hỏa lực mạnh nên khi Tiểu đoàn 16 đánh vào sân bay gặp phải sự kháng cự quyết liệt ở lô cốt đầu cầu mà hầu như bất lực, tưởng chừng như không thể vượt qua. Chính lúc ấy, tiếng thét "Đồ đây!" của anh Đồ vang lên trong đêm đen, rồi tiếng bộc phá nổ vang trời, ánh lửa pháo sáng lòa lên, bụi đất lô cốt bị thổi tung lên trời rơi lả tả...
Lô cốt đầu cầu bị tiêu diệt, 1 tiểu đội lính Mỹ kháng cự trong lô cốt nhanh chóng bị diệt sạch. 2 đại đội của Tiểu đoàn 16 vượt qua được cổng sân bay, chia thành 2 cánh quân đánh sâu vào sân bay chiến lược của địch và phá hủy nhiều công sự, khí tài.
Sau tiếng thét "Đồ đây!" của anh Đồ vang lên trong đêm đen, tiếng bộc phá nổ vang trời, ánh lửa pháo sáng lòa lên, bụi đất lô cốt bị thổi tung lên trời rơi lả tả...
Sự hy sinh của anh Đồ đã đánh đổi được 1 cơ hội tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất cho Tiểu đoàn 16, gây nên tổn thất lớn cho quân địch và góp phần vào thành công của chiến dịch Tổng tiến công tết Mậu Thân 1968.
Người chiến sĩ ôm bộc phá nổ cùng lô cốt địch
Anh hùng có tên mà không rõ tung tích
Năm 1971, Tiểu đoàn 16 - Phân khu 2 giải tán, sáp nhập với đơn vị khác để thành lập phiên hiệu mới. Những chiến sĩ quả cảm năm ấy, sau ngày thống nhất đất nước cũng tứ tán muôn phương, nhiều người giải ngũ, mỗi người kiếm lấy 1 nghề để mưu sinh.
Mãi đến những năm gần đây, khi đã đến tuổi hưu, không còn lo lắng chuyện cơm ăn áo mặc mới có điều kiện liên lạc, tụ tập với nhau. Vậy là, những người còn sống mới hùn hạp nhau vào để đi tìm tung tích của đồng đội cũ đã mất, thu thập tư liệu, chứng cứ để xin truy tặng cho đồng đội đã ngã xuống.
Cựu chiến binh Vũ Chí Thành, đã nhiều năm cất công đi gặp nhiều đồng đội còn sống, thân nhân đồng đội đã mất để ghi lại lịch sử của Tiểu đoàn 16 Anh hùng, xin truy tặng cho các đồng đội đã mất
Nhờ nỗ lực của các cựu chiến binh này, năm 2013, tiểu đoàn 16 đã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Cũng năm đó, chính trị viên của Tiểu đoàn 16 đã hy sinh trong trận đánh Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân là liệt sĩ Nguyễn Văn Sáu cũng được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Hiện cựu chiến binh Vũ Chí Thành và các đồng đội của ông đã thu thập xong tài liệu, chứng cứ chứng minh thành tích của đồng đội Nguyễn Công Mẹo, nguyên mẫu của hình tượng người chiến sĩ chết trong tư thế đứng thẳng người, ôm súng chĩa về hướng địch, trong bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" của nhà thơ Lê Anh Xuân.
Ông Thành hy vọng trong 1, 2 năm nữa sẽ xin truy tặng được danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Nguyễn Công Mẹo.
Những trang sách cũ, những tấm hình xưa về Tiểu đoàn 16 được bác Thành lưu giữ như báu vật
Những chiến sĩ Tiểu đoàn 16 may mắn còn sống sót sau trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất về thăm bia kỷ niệm chiến công của đồng đội tại Nghĩa trang TPHCM, họ tiếc vì còn rất nhiều cái tên của đồng đội mình chưa được ghi khắc trên bia
Còn trường hợp của anh Đồ, rất may là trong 2 đại đội đánh sâu vào sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn 6, 7 người thuộc Đại đội 2 được Đại đội trưởng Trần Văn Trắc dẫn đường rút lui, còn sống sót về tới đơn vị, nên câu chuyện của anh Đồ mới được kể lại cho mọi người cùng nghe. 1 số chiến sĩ bị thương, bị địch bắt và giam tại nhà tù Phú Quốc sau này được giao trả về cũng kể lại câu chuyện như vậy.
Tuy nhiên, điều khó khăn là năm 1967, Tiểu đoàn 5, Trung đoan 24, Sư đoàn 304B thuộc Quân khu 3 mới từ Bắc vượt Trường Sơn vào Nam. Khi đó, tiểu đoàn được biên chế lại thành Tiểu đoàn 16 đóng tại Tây Ninh, anh Đồ là cư dân địa phương tham gia tiểu đoàn thời gian này và chỉ là chiến sĩ bình thường nên không quen biết nhiều anh em. Do đó, nhiều chiến sĩ nghe tên anh lúc bộc phá nổ vang nhưng cũng không rõ tung tích, địa chỉ gia đình anh.
Mãi đến vài năm gần đây, trong những lần gặp mặt hiếm hoi của anh em cựu chiến binh Tiểu đoàn 16, cựu chiến binh Vũ Chí Thành lân la dò hỏi, ráp nối tư liệu mới biết anh Đồ gia nhập Tiểu đoàn 16 từ cuối năm 1967, nguyên quán ở Châu Thành, Tây Ninh.
Ông Thành chia sẻ: "Anh Đồ thì anh em mới biết tung tích đây thôi, việc tìm kiếm tư liệu về anh còn gian nan lắm. Tôi tính đến cuối năm rỗi rãi công việc lại tụ hợp vài anh em về địa phương tìm kiếm thân nhân gia đình anh Đồ. Phải đi xác nhận thành tích, tìm về thân bằng quyến thuộc để xác minh lý lịch gia đình có vấn đề gì không. Rồi anh em phải làm hồ sơ đi xin các nơi đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng cho anh ấy. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng hỗ trợ anh em chúng tôi làm việc này, vì Tiểu đoàn 16 hiện không còn phiên hiệu nữa. Nếu không, chắc còn lâu lắm...".
Trăn trở của người ở lại vì chưa xin truy tặng được danh hiệu anh hùng cho đồng đội đã hy sinh
Bài: Tùng Nguyên - Quốc Anh
Ảnh & Clip: Phạm Nguyễn
Theo Dantri
Không dưới 1.000 người ngã xuống trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất? Trực tiếp tham gia vào trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhấttết Mậu Thân 1968, ông Vũ Chí Thành - nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên, tiểu đoàn 6 - cho biết có khoảng trên dưới 1.000 liệt sĩ nằm lại sân bay. Trong khuôn khổ hội thảo về khảo sát tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ bộ đội...