Nhiều trẻ nguy kịch vì bệnh tay chân miệng
Tại Hà Nội, thời gian qua, số bệnh nhân mắc tay chân miệng tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các trường hợp mắc tay chân miệng, bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng của diễn biến nặng nhưng không được nhận diện sớm. Điều này rất dễ khiến tình trạng bệnh trở nên phức tạp hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cơ sở y tế này vừa tiếp nhận bệnh nhi là bé N.Đ.A. (nam, 9 tháng tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) trong tình trạng khó thở, nhịp tim nhanh.
Ban đầu, bé A. được chẩn đoán mắc suy hô hấp, viêm phổi và được chuyển vào khoa Hồi sức Tích cực Nhi. Sau khi thăm khám, các bác sĩ tại đây phát hiện một số nốt phỏng nước trong lòng bàn tay trẻ.
Từ đây, bệnh nhi được chẩn đoán mắc tay chân miệng và làm thêm xét nghiệm test nhanh EV71. Kết quả cho thấy bé A. mắc tay chân miệng mức độ 4, tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng.
Do có biểu hiện suy hô hấp, trẻ đã được can thiệp thở máy, đồng thời sử dụng thuốc vận mạch, thuốc kháng thể đặc hiệu (IVIG).
Biểu hiện phổ biến của trẻ khi mắc tay chân miệng là các vết rát đỏ, mụn nước ở da. (Ảnh: BPO).
Sau nhiều ngày, tình trạng sức khỏe của bé A. mới ổn định hơn. Trẻ hiện được cai máy thở để chuyển sang thở oxy gọng kính và đưa về khoa Nhi Tổng hợp.
Bác sĩ Đặng Quang Nhật, khoa Nhi tổng hợp, nhận định: “Đây là trường hợp rất nặng. Đến nay, tuy tình trạng bệnh tay chân miệng đã ổn định, bé vẫn phải điều trị bệnh viêm phổi”.
Theo ông, với trẻ mắc viêm phổi không có bệnh lý nền và bệnh lý kèm theo, thông thường, đến giai đoạn này sức khỏe đã ổn định. Vì vậy, các bác sĩ đang làm thêm một số xét nghiệm để xác định bé A. có các bệnh lý nền hay đồng nhiễm virus khác hay không.
Cũng rơi vào tình trạng nguy hiểm do tay chân miệng, bé N.T.L. (1 tuổi, ngụ Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nổi nhiều vết phỏng nước khắp người, nhất là các bộ phận như thân mình, đùi…
Bác sĩ Nhật cho hay: “Khác với những trường hợp thông thường của bệnh có triệu chứng nổi phỏng nước tại một số vị trí đặc hiệu như lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông… trẻ xuất hiện phỏng nước tại nhiều khu vực khác trên cơ thể vốn không phải biểu hiện điển hình của bệnh. Dẫu vậy, bệnh nhi có biểu hiện loét miệng là triệu chứng của tay chân miệng. Ngoài ra, bé cũng có yếu tố dịch tễ của bệnh khi người em sinh đôi cũng đang mắc tay chân miệng”.
Trước đó, bé L. có kết quả test nhanh EV71 âm tính. Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định tay chân miệng là bệnh được chẩn đoán dựa trên thăm khám lâm sàng.
Video đang HOT
Do đó, kết quả test nhanh EV71 âm tính vẫn không thể loại trừ được việc trẻ mắc tay chân miệng như một số phụ huynh hiểu nhầm. Thực tế, việc làm xét nghiệm chỉ hỗ trợ các bác sĩ tiên lượng bệnh tốt hơn.
May mắn là sau khoảng 2 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định. Bé L. sẽ sớm được xuất viện trong thời gian tới.
Số ca mắc tay chân miệng ở Hà Nội tăng
Khoa Nhi tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hiện tiếp nhận khoảng 3 – 4 bệnh nhi tay chân miệng phải nhập viện điều trị mỗi ngày. Đáng chú ý, có những ngày cao điểm, khoa phải tiếp nhận đến 7 – 8 trường hợp mắc tay chân miệng.
Bác sĩ Đặng Quang Nhật cho biết: “Các bệnh nhi phải nhập viện đều là trường hợp khám sàng lọc có yếu tố chỉ định nhập viện như sốt cao liên tục khó hạ, có biểu hiện giật mình… Các trường hợp này phải nhập viện để theo dõi biến chứng của bệnh”.
Vị chuyên gia thông tin hầu hết trường hợp mắc tay chân miệng độ một không cần phải nhập viện. Bệnh nhi ở mức độ này có thể chỉ bị nổi phỏng nước, thường kèm theo loét họng, sốt nhẹ, vài ngày đầu bỏ ăn nhưng sau đó sẽ ổn định. Bệnh thường khỏi sau 7 – 10 ngày.
Nhiều trẻ được bố mẹ đưa tới khám do có triệu chứng tay chân miệng.
(Ảnh minh họa: MT).
Trong khi đó, những trường hợp phải nhập viện sẽ có chẩn đoán từ phân độ 2a trở lên. Do đó, số bệnh nhi đến thăm khám thực tế vì tay chân miệng lớn hơn số nhập viện gấp nhiều lần.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong tuần thứ 26, toàn miền Bắc ghi nhận 174 trường hợp mắc tay chân miệng. Tích lũy trong năm 2022, con số này là 4.888 ca. Điểm tích cực là trong số này, chưa có trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2021, số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng ở miền Bắc tăng tới 252% (1.387 ca năm 2021).
Tại Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng lên tới hơn 1.000 trường hợp tính từ đầu năm đến nay. Số lượng này tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến hết ngày 8/7, 30/30 quận, huyện, thị xã thuộc địa bàn Hà Nội đều đã ghi nhận ca bệnh tay chân miệng. Trong đó, 3 địa phương có số lượng bệnh nhân nhiều nhất là Chương Mỹ (137 ca), Đông Anh (106 ca), Mê Linh (96 ca).
Ngành y tế Hà Nội dự báo số ca mắc tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do vẫn đang ở cao điểm mùa dịch.
Bác sĩ Nhật cho hay bệnh tay chân miệng lây qua con đường phân – miệng trong các tập thể như lớp học, nhà trẻ. Do đó, việc mở cửa trường học trở lại cũng như sự tăng cường tiếp xúc sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát phần nào tạo điều kiện cho tay chân miệng lây lan mạnh.
Ông lưu ý thời gian điều trị tại bệnh viện của một trẻ mắc tay chân miệng thường kéo dài 3 – 4 ngày. Với những trường hợp có biểu hiện nặng, diễn biến bất thường, thời gian này có thể lâu hơn.
“Điều quan trọng nhất là các phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời khi phát hiện triệu chứng cảnh báo của bệnh”, bác sĩ Nhật nhấn mạnh.
Cụ thể, trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện sau:
- Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao).
- Tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).
- Một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý sẽ rất khó phát hiện.
Bác sĩ Nhật nhận định: “Đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong”.
Vị chuyên gia nêu 3 dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh diễn biến nặng bao gồm:
- Sốt cao liên tục không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt thông thường (paracetamol).
- Giật mình: Đây là dấu hiệu của biến chứng thần kinh. Phụ huynh nên chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
- Quấy khóc kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí cả đêm không ngủ. Trẻ ngủ khoảng 15 – 20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 – 20 phút rồi ngủ tiếp.
“Nhiều cha mẹ thường giải thích tình huống này là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do biểu hiện biến chứng thần kinh ở giai đoạn rất sớm (ngủ gà, bứt rứt)“, bác sĩ Nhật nói thêm.
Bộ Y tế: 'Không có chuyện dư thừa vaccine COVID-19'
Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, số lượng vaccine COVID-19 chỉ đáp ứng đủ mũi tiêm nhắc lại cho người dân.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều người dân không muốn tiêm mũi nhắc lại do cho rằng đã có miễn dịch từ các mũi tiêm cơ bản và từng mắc COVID-19. Bộ Y tế cũng nhiều lần thúc giục tiêm chủng, yêu cầu các tỉnh miền Nam hoàn thành tiêm vaccine đã phân bổ trước 30/6 hay tại TP.HCM người dân phải ký cam kết chịu trách nhiệm nếu không tiêm vaccine, để xảy ra dịch bệnh.
Theo bà Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Việt Nam là một trong những nước đi đầu và đạt kết quả rất cao về tiêm chủng vaccine COVID-19 ở các mũi cơ bản.
Trong thời gian qua, ngành y tế cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo tính sẵn có của vaccine COVID-19. Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vaccine ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản...) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19.
Có những điểm tiêm chủng mở 24/7 thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi làm, đi học. Đồng thời ngành y tế và chính quyền các cấp cũng đã nỗ lực truyền thông vận động người dân đi tiêm chủng mũi nhắc lại để đạt độ bao phủ tiêm chủng đối với miễn dịch cộng đồng, đảm bảo người dân có miễn dịch cao phòng chống COVID-19, đặc biệt là các biến thể.
Đến nay có 230 triệu mũi tiêm đã được thực hiện và công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng vẫn được đảm bảo duy trì.
Về kết quả tiêm mũi 3, mũi 4 trong 10 ngày gần đây (17 đến 26/6/2022) tiến độ tiêm chủng tăng lên 2,5 lần so với 10 ngày đầu của tháng 6 (triển khai từ mùng 1 đến 10/6 - mỗi ngày chỉ có vài chục nghìn đến trăm nghìn liều được tiêm).
Đến 26/6, trên toàn quốc về mũi 3, chúng ta tiêm được 44,4 triệu liều đạt tỷ lệ 66%. 10 ngày gần đây tiến độ tiêm mũi 3 cho người lớn tăng 2,1 lần so với 10 ngày đầu tháng 6.
Bộ Y tế cũng chú trọng triển khai tiêm mũi 4 cho nhóm nằm trong đối tượng nguy cơ như người 50 tuổi trở lên, người 18 tuổi trở lên suy giảm miễn dịch, người 18 tuổi trở lên thuộc nguy cơ cao phơi nhiễm COVID-19 như nhân viên y tế tuyến đầu, công an, quân đội, giáo viên...
Đến ngày 26/6, có 3,4 triệu người đã được tiêm mũi nhắc lần thứ 4. 10 ngày gần đây tiến độ tiêm mũi 4 cho người lớn cũng tăng 2,9 lần so với ngày đầu tháng 6. Về tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, tuần qua có gần 345 ngàn trẻ em trong độ tuổi này đã tiêm an toàn.
"Phản ứng sau tiêm mũi 3 ghi nhận được chủ yếu là các phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi... tương tự như sau tiêm 2 mũi cơ bản. Phản ứng nặng sau tiêm chủng mũi 3 rất thấp, được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 3 trường hợp trong 10 triệu mũi tiêm", bà Hồng thông tin.
Tuy nhiên đại diện Bộ Y tế cũng nêu ra khó khăn về tiêm chủng. Theo đó, mặc dù đại dịch chưa kết thúc và vẫn còn nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể của SARS-CoV-2 nhưng người dân không mặn mà với các mũi nhắc lại.
"Người dân đã mắc COVID-19 chưa xác định được tầm quan trọng của mũi nhắc lại. Họ coi sau mũi cơ bản và mắc rồi sẽ có miễn dịch. Người dân chưa hình dung được đầy đủ thông tin về miễn dịch do COVID-19 là không bền vững và việc tiêm mũi nhắc lại là vô cùng quan trọng", bà Hồng nói.
Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng thông tin thêm: "Nhiều người nghe được thông tin không đúng, không đầy đủ là tiêm mũi nhắc lại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên từ chối không tiêm. Đây là khó khăn lớn nhất để đạt được bao phủ các mũi vaccine, đặc biệt là các mũi nhắc lại ở Việt Nam hiện nay".
Cũng theo bà Hồng, số lượng cung ứng vaccine chỉ đáp ứng đủ tiêm nhắc lại cho người dân đủ và không có hiện tượng dư thừa vaccine. Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch phân bổ cho các tỉnh theo đúng số đối tượng tiêm nhắc lại.
"Tuy nhiên trong tình trạng người dân chưa hiểu biết đầy đủ, chưa tích cực tham gia nên nhiều điểm tiêm chủng mở lọ vaccine ra nhưng người dân không đến tiêm chủng theo kế hoạch. Nhiều đơn vị mang giấy mời đến tận nhà nhưng người dân từ chối tiêm chủng", bà Hồng nói.
Hiện kho lưu trữ còn 15 triệu liều vaccine COVID-19. Bà Hồng khẳng định, việc tuyên truyền người dân tiêm vaccine hiện nay không phải do thừa vaccine. Nếu chúng ta không sử dụng hiệu quả vaccine sẵn có sẽ gây lãng phí, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp
Vì vậy, đại diện Bộ Y tế cho biết, để bảo vệ sức khoẻ của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Bộ khuyến cáo người dân tích cực ủng hộ và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế: Đủ vaccine COVID-19 tiêm mũi 3 và 4 nhưng một số địa phương không nhận Bộ Y tế đã tiếp nhận đủ vaccine để tiêm mũi 3 và 4 cho người dân nhưng một số địa phương đề nghị không nhận. Trong công điện gửi Bí thư và Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Y tế cho biết đã tiếp nhận đủ vaccine COVID-19 để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ...