Nhiều tranh chấp về biển đã được xử tại Tòa án quốc tế
Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hoà bình là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại. Nguyên tắc này đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ).
Liên quan đến các tranh chấp về biển, Công ước Luật Biển 1982 đã dành toàn bộ phần thứ 15 với 21 điều và 4 phụ lục để nói về giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và thực hiện các điều khoản của công ước. Trước hết, công ước quy định nghĩa vụ của các bên là giải quyết các tranh chấp nảy sinh bằng các biện pháp hoà bình theo quy định của Hiến chương LHQ. Sau đó, khi đi vào các nghĩa vụ cụ thể, công ước nêu rõ nếu xảy ra tranh chấp liên quan đến việc giải thích và thực hiện công ước thì các bên phải ngay lập tức trao đổi ý kiến để giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác.
Trong giai đoạn này, các bên cũng có thể đưa các tranh chấp ra hòa giải. Nhưng nếu các thủ tục thương lượng và hoà giải không đem lại kết quả thì tranh chấp phải được đưa ra để giải quyết bằng tòa án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế. Về thủ tục này, công ước quy định 4 cơ chế quốc tế để các bên tranh chấp lựa chọn. Đó là Tòa án quốc tế La Hay, Tòa án quốc tế về Luật Biển, Trọng tài quốc tế và Trọng tài quốc tế đặc biệt.
Tòa án quốc tế La Hay (International Court of Justice) ra đời cùng với sự xuất hiện của LHQ. Tòa án quốc tế là một trong các cơ quan chính của LHQ. Trụ sở của tòa đặt tại La Hay (Hà Lan), nên tòa thường được gọi là Tòa án quốc tế La Hay. Quy chế của tòa án là một bộ phận của Hiến chương LHQ. Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia. Các thẩm phán của tòa án được Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng LHQ bầu. Để trúng cử, ứng cử viên phải đạt đa số phiếu tuyệt đối ở cả hai cơ quan.
Đoàn công tác hải quân vùng 4 xuống xuồng tăng bo từ tầu vào với điểm đảo ở Trường Sa. Ảnh: Phương Hoa.
Theo quy định, trong nhiệm kỳ đầu, 1/3 số thẩm phán có nhiệm kỳ 3 năm, 1/3 số thẩm phán khác có nhiệm kỳ 6 năm và số còn lại có nhiệm kỳ 9 năm. Các thẩm phán bầu ra chánh án và phó chánh án với nhiệm kỳ 3 năm. Số ghế thẩm phán được các khu vực địa lý thống nhất phân bổ. Các thẩm phán và trụ sở của tòa án được hưởng các ưu đãi, miễn trừ ngoại giao. Hiện nay, chánh án của tòa là ông P.Tomca (Slovakia) và các thẩm phán là công dân Mexico, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Marocco, Nga, Brazil, Somalia, Anh, Trung Quốc, Mỹ, Italia, Uganda và Ấn Độ.
Không phải trong các vụ việc nào cũng phải đủ 21 thẩm phán. Đối với một số loại vụ việc nhất định, ví dụ như các vụ liên quan lao động, quá cảnh và thông tin, Tòa án quốc tế La Hay có thể lập các phòng xét xử gồm 3 thẩm phán trở lên. Tòa án cũng có thể lập các phòng xét xử các vụ việc cụ thể với thành phần gọn nhẹ được các bên chấp nhận. Cho đến nay, đã có 6 trường hợp như vậy với 5 thẩm phán. Để đẩy nhanh công việc xét xử hằng năm, tòa án sẽ lập phòng xét xử với 5 thẩm phán để tiến hành vụ kiện theo thủ tục rút gọn. Loại này cũng chưa vận dụng đến. Tòa có 3 uỷ ban là Uỷ ban Ngân sách và Tài chính (chánh án, phó chánh án và 3 đến 4 thẩm phán), Uỷ ban Thủ tục với 6 thẩm phán và Uỷ ban Thư viện với 3 thẩm phán.
Tòa án có thẩm quyền xét xử mọi tranh chấp do các bên đưa ra và mọi vấn đề được quy định trong Hiến chương LHQ hoặc trong các điều ước quốc tế hiện hành, trong đó có Công ước Luật Biển 1982. Điều kiện cần thiết ở đây là sự đồng ý của các bên. Việc đồng ý chấp nhận ràng buộc của tòa được thể hiện qua tuyên bố đơn phương, qua thỏa thuận với nhau hoặc qua quy định trong văn bản điều ước quốc tế liên quan. Khi xét xử các vụ kiện, tòa áp dụng các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, các nguyên tắc chung của pháp luật. Đồng thời, tòa cũng sẽ vận dụng các phán quyết, học thuật của các học giả nổi tiếng như là các công cụ hỗ trợ.
Video đang HOT
Theo quy định, các thẩm phán của quốc gia tham gia vụ kiện trước toà vẫn có quyền tham gia xét xử. Trong trường hợp đó, nếu quốc gia khác tham gia vụ kiện nhưng không có thẩm phán làm việc ở toà thì có thể chọn một người nào đó để tham gia với tư cách thẩm phán. Nếu cả hai bên tranh chấp không có thẩm phán nào ở tòa thì cả hai bên có quyền chọn thẩm phán cho mình.
Các phán quyết của tòa án được thông qua bằng đa số phiếu. Tương tự như Toà án quốc tế về Luật Biển, trong trường hợp số phiếu ngang nhau thì phiếu của chánh án là quyết định. Mọi phán quyết của tòa là cuối cùng và không được kháng án. Trong lịch sử 66 năm của mình, Tòa án quốc tế La Hay đã giải quyết hơn 60 tranh chấp giữa các quốc gia; trong đó có nhiều tranh chấp liên quan đến các vấn đề biên giới, lãnh thổ đất liền và phân định các vùng biển giữa các quốc gia.
Về phân định ranh giới biển có các vụ như vụ kiện về thềm lục địa giữa Đức và Đan Mạch năm 1967, vụ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ kỳ năm 1976, vụ giữa Mỹ và Canada năm 1981, vụ giữa Ukraina và Romania năm 2010. Liên quan tranh chấp chủ quyền đối với các đảo có các vụ như vụ kiện giữa Indonesia và Malaysia năm 1998, vụ kiện giữa Malaysia và Singapore năm 2003. Liên quan tranh chấp biên giới trên đất liền có các vụ như vụ kiện về đền Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan năm 1957, vụ kiện giữa Libya và CH Chad năm 1990, vụ kiện giữa Benin và Nigeria năm 2002. Hiện nay, Tòa án quốc tế La Hay đang tiếp tục xem xét 13 vụ kiện giữa các quốc gia. Tòa án quốc tế La Hay cũng có thẩm quyền cung cấp ý kiến tư vấn về các vấn đề pháp lý theo đề nghị của Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an và các cơ quan khác của LHQ cũng như các tổ chức chuyên môn.
Cho đến nay, tòa án đã cung cấp ý kiến tư vấn trong nhiều vụ việc. Đặc biệt đáng chú ý là năm 1996, toà đã ra ý kiến về vấn đề mà Đại Hội đồng LHQ khoá 49 nêu ra là theo luật pháp quốc tế việc đe doạ hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân có được phép không. Toà án quốc tế La Hay đã kết luận việc đe doạ hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân là trái với các quy phạm của luật pháp quốc tế. Năm 2012, tòa án cũng đã xử lý vụ Tòa án Hành chính của Tổ chức Luơng thực và Nông nghiệp thế giới xin ý kiến tư vấn.
Tòa án quốc tế về Luật Biển (International Tribunal for the Law of the Sea) là một cơ chế tư pháp quốc tế rất mới. Quy chế của tòa án này quy định ở ngay trong Công ước Luật Biển năm 1982. Sự ra đời của nó gắn liền với bản công ước và được bắt đầu từ khi công ước Luật Biển năm 1982 có hiệu lực. Thẩm quyền của tòa án hẹp hơn so với tòa án quốc tế La Hay. Tòa án quốc tế La Hay không chỉ giải quyết các vụ kiện liên quan luật biển quốc tế mà còn giải quyết các vụ kiện liên quan luật ngoại giao, lãnh sự, hàng không, biên giới, lãnh thổ.
Trong khi đó, Tòa án quốc tế về Luật Biển chỉ giải quyết những vấn đề thuộc công ước Luật Biển năm 1982. Theo quy định, nếu khi giữa các quốc gia xảy ra tranh chấp liên quan việc giải thích và áp dụng công ước thì Tòa án quốc tế về Luật Biển sẽ giải quyết khi cả các bên tranh chấp đều chọn thủ tục đưa ra tòa này. Nếu các bên lựa chọn các thủ tục khác nhau thì vụ việc chỉ có thể đưa ra giải quyết tại cơ chế trọng tài.
Các thẩm phán của tòa án này do hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 bầu với nhiệm kỳ 9 năm. Các khu vực địa lý được phân bổ số ghế thẩm phán nhất định. Cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra vào tháng 8/1996. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, 1/3 số thẩm phán có nhiệm kỳ 3 năm, 1/3 khác có nhiệm kỳ 6 năm và 1/3 còn lại có nhiệm kỳ 9 năm. Sau đó, các thẩm phán bầu chánh án với nhiệm kỳ 3 năm. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định các thẩm phán của toà án được hưởng các ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.
Căn cứ vào quy định đó, các quốc gia thành viên công ước đã thông qua Hiệp định về ưu đãi miễn trừ của toà án cũng như của các thẩm phán. Thông thường, để tiến hành xét xử thì cần có 11 thẩm phán. Trong cơ chế tổ chức của toà án có phòng xét xử các tranh chấp ở đáy đại dương gồm 11 thẩm phán với nhiệm kỳ 3 năm. Hằng năm, tòa án lập phòng đặc biệt với 5 thẩm phán. Ngoài ra, tòa án cũng có thể lập các phòng gọn nhẹ để xét xử các loại tranh chấp cụ thể.
Tòa án quốc tế về Luật Biển ngoài việc chỉ giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia, còn có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia với các thực thể khác liên quan các hoạt động ở đáy đại dương. Cho đến nay, Tòa án quốc tế về Luật Biển đã thụ lý 19 vụ việc, trong đó có 18 vụ kiện và 1 vụ cung cấp ý kiến tư vấn. Vụ kiện đầu tiên mà tòa giải quyết là vụ giữa Saint Vincent và Grenadines và Guinea vào năm 1997. Còn ý kiến tư vấn thì tòa án đã thụ lý một vụ việc do Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương đưa lên. Các phán quyết của tòa án được thông qua bằng đa số phiếu.
Trong trường hợp phiếu thuận và phiếu chống ngang nhau thì phiếu của chánh án sẽ quyết định. Thực tiễn xét xử của Toà án quốc tế về Luật Biển thời gian qua cho thấy, trong nhiều trường hợp tòa án phải bỏ phiếu nhiều lần đối với các khía cạnh khác nhau. Ví dụ, trong vụ kiện giữa Bangladesh và Myanmar về phân định biển gần đây, tòa đã bỏ phiếu 7 lần về các nội dung khác nhau của phán quyết. Phán quyết của Tòa án quốc tế về Luật Biển là cuối cùng và không được xem xét lại. Về chi phí, các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 khi đưa vụ việc ra tòa để giải quyết thì không phải trả các chi phí cho phiên tòa. Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài thì các vụ việc sẽ được các bên tranh chấp đưa ra Tòa án quốc tế về Luật Biển nhiều hơn.
Theo VNExpress
Mỹ cân nhắc UNCLOS trước sóng gió biển Đông
Tình hình đáng quan ngại trên biển, nhất là ở biển Đông , khiến Mỹ xem xét lại việc gia nhập Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
UNCLOS được xem là công ước quan trọng bậc nhất về luật Biển quốc tế và đã được 159 quốc gia phê chuẩn. Tuy nhiên, Mỹ đến nay vẫn đứng ngoài công ước này vì không chấp nhận việc UNCLOS điều chỉnh về khai thác đáy biển nằm ngoài thềm lục địa của các quốc gia. Trên thực tế, Washington vẫn chấp nhận áp dụng UNCLOS như một tập quán, trừ phần XI của công ước liên quan đến khu vực đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài quyền tài phán của các bên.
Sóng gió trên biển
Tàu Trung Quốc dừng ngay trước mũi tàu Impeccable của Mỹ trên biển Đông hồi năm 2009 - Ảnh: US Navy
Trong quá khứ, từng xảy ra các vụ kèn cựa giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông. Ngày 1.4.2001, máy bay EP-3 của hải quân Mỹ và chiến đấu cơ J-8II của Trung Quốc va chạm trên không và máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Máy bay Trung Quốc bị rơi và phi công mất tích. Đến tháng 3.2009, tàu Impeccable của Mỹ suýt va chạm với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Vụ việc cho thấy khác biệt về cách hiểu và lý giải giữa hai nước về vùng đặc quyền kinh tế có thể dẫn đến xung đột nguy hiểm cho khu vực.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố nước này sẽ khôi phục sức mạnh hải quân xuyên suốt tại châu Á - Thái Bình Dương và sẽ luôn "cảnh giác" sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc. Phát biểu trong lễ tốt nghiệp tại trường hải quân Mỹ tại bang Maryland, ông Panetta kêu gọi các tân binh sẵn sàng để được điều động đến châu Á - Thái Bình Dương, khu vực trọng yếu trong chính sách tương lai của Washington. Cuối tuần này, Bộ trưởng Panetta sẽ đến Singapore dự Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương đối thoại Shangri-La rồi thăm Việt Nam và Ấn Độ. Trong một diễn biến liên quan, hải quân Mỹ và Indonesia ngày 30.5 bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 8 ngày tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Đông Java, theo AFP. H.G
Những diễn biến gần đây, đặc biệt là trên biển Đông, càng khiến giới lãnh đạo Mỹ xem xét nghiêm túc việc gia nhập UNCLOS. Thời gian qua, Trung Quốc tăng cường các động thái đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông, đẩy mạnh về bản đồ "đường lưỡi bò" phi lý và có hành động gây quan ngại cho nhiều bên.
Trong giai đoạn tháng 5-6.2011, tàu Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu khảo sát Việt Nam trong khi trên các diễn đàn và cả cơ quan truyền thông chính thức của nước này, như Thời báo Hoàn Cầu, xuất hiện nhiều lời đe dọa dùng vũ lực, thậm chí cảnh báo chiến tranh. Căng thẳng kéo dài hơn 1 tháng qua giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Scarborough cũng khiến giới quan sát e ngại tình hình có thể vượt quá tầm kiểm soát. Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc gia tăng sức ép lên Nhật Bản trong tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và tàu hai bên thường xuyên chạm mặt tại đây.
Những hành động trên của Trung Quốc bị cho là đã đe dọa tự do hàng hải và sự tuân thủ luật pháp quốc tế, những điều được Mỹ xem là lợi ích quốc gia. Do vậy, nước này liên tục có động thái tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương như giữ lại căn cứ Futenma ở Nhật, củng cố lực lượng đóng tại Hàn Quốc, đưa lính thủy đánh bộ đến Úc... Hàng loạt các cuộc diễn tập chung với các nước ASEAN cũng phần nào nói lên quan tâm của Mỹ tại khu vực.
Tuy nhiên, những động thái trên bị cho là vẫn chưa đủ ngăn Trung Quốc hành xử như thể 80% diện tích trên biển Đông là "ao nhà" của mình. Muốn bảo đảm sự tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển, Mỹ không thể đứng ngoài UNCLOS - văn bản đã pháp điển hóa một cách toàn diện các quy tắc về luật biển quốc tế.
Bánh lái cần thiết
Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey ủng hộ phê chuẩn công ước vì tin rằng nó sẽ củng cố lợi ích an ninh quốc gia. "Nếu không phê chuẩn công ước trong thời gian tới thì sẽ xảy ra nguy cơ đối đầu với các nước khác, vốn diễn giải tiền lệ pháp quốc tế theo hướng có lợi cho họ", truyền thông Mỹ dẫn lời tướng Dempsey nói.
Việc không tham gia UNCLOS khiến Mỹ ở thế yếu khi phải vận dụng tiền lệ pháp và tập quán quốc tế để giải quyết các vấn đề trên biển. Tuy nhiên, những nguồn tiền lệ pháp lại chưa rõ ràng, không thống nhất, đầy đủ. Ngoài ra, UNCLOS tạo ra nhiều cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp. Do không gia nhập công ước nên Mỹ không thể tham gia các cơ quan đó, chẳng hạn như Tòa án quốc tế về luật Biển trong khi Trung Quốc lại có thẩm phán ở tòa này. Bên cạnh đó, nếu không gia nhập UNCLOS thì Mỹ cũng khó tìm được cơ sở pháp lý cũng như sự chính danh để viện dẫn công ước bác bỏ các tuyên bố phi lý của Trung Quốc.
Nếu ký kết UNCLOS, Mỹ sẽ có thêm nhiều lý lẽ để bảo vệ quyền lưu thông của các tàu thuyền, kể cả quân sự trên các vùng biển Hoa Đông, Hoàng Hải, biển Đông... một cách chính danh hơn. Từ đó, tiếng nói của những đồng minh của Mỹ xung quanh biển Đông như Philippines và cả các quốc gia nạn nhân của đường lưỡi bò như Malaysia và Việt Nam sẽ có thể được lắng nghe trong "câu lạc bộ" UNCLOS nhiều hơn.
Theo Thanh Niên
Philippines tái khẳng định chủ quyền bãi cạn Scarborough Ngày 28.5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez một lần nữa tái khẳng định lập trường của Philippines về chủ quyền bãi cạn Scarborough theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bãi cạn Scarborough. Ảnh: BK Online. "Theo UNCLOS, Philippines thực hiện đúng quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa" -...