Nhiều trạm BOT quanh Hà Nội bắt đầu thu hoặc tăng phí
Từ 5/5, tuyến đường BOT Hà Nội – Bắc Giang bắt đầu thu phí từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi lượt xe. Các tuyến quốc lộ 18, Cầu Giẽ – Ninh Bình cũng rục rịch tăng phí sau 1/6.
Dự án cải tạo quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức BOT dài 46 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc với vận tốc tối đa 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án là 4.154 tỷ đồng, sau gần hai năm triển khai, đến nay đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để khai thác.
Theo ông Ngô Thành Long, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Hà Nội – Bắc Giang (nhà đầu tư), từ ngày 25/4, đơn vị bắt đầu phát vé thu phí thử nghiệm trên tuyến. Sau 10 ngày thử nghiệm, dự kiến 5/5 tuyến đường bắt đầu thu phí. Mức phí thấp nhất là 35.000 đồng với xe dưới 12 chỗ, cao nhất là 200.000 đồng với xe container trên 40 fit.
“Phương án thu phí trên tuyến đường này đã được Bộ Tài chính phê duyệt vào tháng 2/2016. Sau 3 năm, chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh mức phí dự án theo chỉ số CPI cả nước”, ông Ngô Thành Long cho biết.
Tuyến BOT Hà Nội – Bắc Giang gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp. Ảnh:Xuân Hoa
Dự án BOT quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long được Công ty Cổ phần Phát triển Đại Dương (nhà đầu tư) kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh mức thu phí từ ngày 1/6 tới đây để hoàn vốn cho dự án.
Video đang HOT
Cụ thể, mức phí đối với phương tiện đoạn Uông Bí – Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ tăng lên cao nhất là 200.000 đồng/lượt xe trên 40 fit, thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ. Hiện nay mức cao nhất là 160.000 đồng, thấp nhất là 30.000 đồng.
Theo đại diện Công ty Đại Dương, dự án này dự kiến tăng theo lộ trình từ 1/1/2016, song cuối năm 2015, Bộ Giao thông đã có văn bản đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến ngày 1/6. Do đó, trạm thu phí BOT quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long theo hợp đồng đã ký sẽ tăng phí từ thời điểm này.
Cùng thời điểm sau tháng 6, tuyến cao tốc huyết mạch cửa ngõ phía nam thủ đô Hà Nội là Cầu Giẽ – Ninh Bình dự kiến tăng phí từ 1.500 đến 2.000 đồng/km với xe tiêu chuẩn. Theo đại diện chủ đầu tư cao tốc, đơn vị đang tính toán mức phí phù hợp với từng loại xe để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp làm đường.
Đề cập các dự án BOT xin tăng phí, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, các dự án BOT được thu phí mới hay tăng phí đều theo phương án tài chính, lộ trình đã được phê duyệt. Phương án hoàn vốn nhà đầu tư theo nguyên tắc cứ 3 năm điều chỉnh một lần theo tốc độ tăng của CPI bình quân của 3 năm đó. Các năm qua, có nhiều dự án đã không tăng phí vì chỉ số CPI không tăng.
Ngoài ra, một số đơn vị xin tăng do đầu tư cải tạo lớn như tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, song Bộ Giao thông đã yêu cầu sau ngày 1/6 mới tính toán cho tăng phí.
Đoàn Loan
Theo VNE
Trạm BOT sẽ bị dừng hoạt động nếu không áp dụng thu phí không dừng
Sáng 2/3, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã yêu cầu các chủ đầu tư nhanh chóng ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ, nếu không sẽ bị tạm dừng thu phí.
Đề án thu phí không dừng được Bộ Giao thông khởi động từ năm 2015 áp dụng tại 20 trạm trên quốc lộ 1 và 5 trạm trên đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14). Tuy nhiên, đến nay các nhà đầu tư BOT vẫn chưa ký phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông và hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí tự động với đơn vị cung cấp dịch vụ.
Trước tình hình đề án thu phí không dừng chậm tiến độ, tại cuộc họp sáng 2/3, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã thúc giục nhà đầu tư BOT khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý với đơn vị cung cấp dịch vụ là Công ty cổ phần Tasco trong tháng 3 để đơn vị này lắp đặt thiết bị theo công nghệ RFID tại trạm thu phí, hoàn thành trước 30/6.
Trạm thu phí không dừng được thí điểm tại Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Táo
Theo Thứ trưởng, thu phí không dừng là chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ Giao thông, cũng là nhu cầu xã hội. Tất cả trạm thu phí trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 sẽ phải chuyển một nửa số làn thu phí không dừng, một nửa thu phí một dừng để phục vụ đa dạng khách hàng từ 1/7 tới đây.
"Doanh nghiệp nào không ký hợp đồng triển khai, Bộ Giao thông sẽ áp dụng biện pháp xử lý cao nhất là bắt buộc tạm dừng thu phí trong tuần tới", Thứ trưởng Trường khẳng định. Ông cũng giao Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP) của Bộ Giao thông cùng Tasco soạn thảo hợp đồng cung cấp dịch vụ với nhà đầu tư để đảm bảo minh bạch, công bằng giữa các bên.
Tại cuộc họp, phần lớn nhà đầu tư bày tỏ đồng tình với chủ trương của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải triển khai đề án thu phí không dừng trên tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 14, một số tuyến cao tốc. Tuy nhiên, một sốbăn khoăn về tính chính xác của hệ thống, thời gian hoàn tiền cho nhà đầu tư.
Theo đơn vị cung cấp dịch vụ, việc chiết xuất dữ liệu và báo cáo với Bộ Giao thông sẽ được thực hiện định kỳ hàng tháng. Hàng ngày, nguồn tiền thu được sẽ tự động chuyển về tài khoản của nhà đầu tư qua ngân hàng. Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác, nhà đầu tư dịch vụ sẽ cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước một cổng kết nối trực tuyến để giám sát toàn bộ trạm thu phí, dữ liệu thu phí mọi lúc, mọi nơi. Cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể kiểm toán trong và sau quá trình thu phí.
Đại diện Cục Đăng kiểm đề xuất quy định bắt buộc chủ phương tiện phải gắn thẻ E- Tag trên xe và lập tài khoản để nộp phí. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông bác đề xuất này và yêu cầu Cục Đăng kiểm tăng cường tuyên truyền cho chủ xe tự nguyện dán thẻ E-Tag khi đăng kiểm xe.
Theo một số chuyên gia, công nghệ thu phí không dừng RFID (Radio Frequency Identification) sẽ giảm ùn tắc giao thông hiệu quả bởi phương tiện không cần dừng đỗ để lấy thẻ, vé như hiện nay.
Theo công nghệ RFID, mỗi chip nhớ sẽ chứa một mã số mang thông tin về xe và chủ xe đang lưu thông. Khi xe đi qua trạm thu phí thì đầu đọc được bố trí xung quanh trạm sẽ đọc mã số này và máy tính sẽ so sánh với mã số đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu. Chương trình sẽ tự động đối chiếu thông tin về xe và kiểm tra tài khoản của chủ xe. Nếu thông tin hợp lệ và số tiền trong tài khoản đủ cho chuyến đi thì chương trình sẽ tự động trừ số tiền qua trạm của xe tương ứng. Như vậy xe qua trạm sẽ bỏ qua giai đoạn mua và soát vé.
Tất cả số liệu, thông tin dữ liệu thu phí được lưu trữ vĩnh viễn, các hình ảnh của phương tiện đi qua trạm cũng được lưu trữ tối thiểu trong 5 năm và video toàn cảnh trạm thu phí tự động được lưu trữ tối thiểu là 1 năm.
Đoàn Loan
Theo VNE
Chính thức bỏ thu phí đường bộ với xe mô tô Chính phủ vừa quyết định bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự (xe mô tô) từ ngày 5/6/2016. Đây là nội dung tại Nghị định 28/2016/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 và Nghị định số...