Nhiều tỉnh, thành qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19
Tám tỉnh, thành đã nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới và đang áp dụng nghiêm ngặt, linh hoạt các biện pháp chống dịch trên địa bàn.
Theo Bộ Y tế, đến hết ngày 27/8, có 8 địa phương qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng là: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum. 4 địa phương không có ca lây nhiễm thứ phát (từ F1 chuyển thành F0) trên địa bàn trong 14 ngày qua là Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
Đặc biệt, Cao Bằng là tỉnh duy nhất trong cả nước đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 cộng đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, lãnh đạo một số địa phương cho rằng, trước hết phải có chiến lược rõ ràng , triển khai nhanh chóng, kịp thời và phù hợp với thực tế từng nơi.
Hòa Bình là một trong số ít tỉnh, thành trên cả nước hiện không còn ca nhiễm Covid-19 nào đang điều trị. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ thời gian khó khăn nhất là đầu tháng 5/2021, khi phát hiện chùm ca bệnh 4 người trong một gia đình bán quán ăn tại thành phố Hòa Bình. Ngay sau đó, tỉnh phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 với toàn thành phố. Gần một tháng sau, một chùm ca bệnh khác lại phát sinh, liên quan đến gia đình có người từ Malaysia về. “Hai tháng đó, tất cả các đơn vị trong tỉnh được kích hoạt ở mức cao nhất”, ông Toàn nói.
Với chiến lược nhanh chóng phong tỏa rộng, cấp tốc xét nghiệm sàng lọc để thu hẹp phạm vi, rà soát kỹ những người liên quan, tỉnh đã nhanh chóng dập được hai ổ dịch này. Đây cũng là chiến lược chống dịch của Hòa Bình thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình (giữa) kiểm tra khu cách ly tập trung trên địa bàn TP Hòa Bình, tháng 5/2021. Ảnh: Bùi Minh
Chung quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng nói trong chống dịch, thành phố chủ trương ngay khi phát hiện ca nghi nhiễm hoặc nhiễm, sẽ lập tức triển khai đồng bộ việc phong tỏa, cách ly, xét nghiệm, đảm bảo an sinh cho người dân. “Các biện pháp này chỉ phát huy hiệu quả tối đa khi thực hiện đồng bộ”, ông Thọ nói.
Là thành phố cảng, cửa ngõ xuất nhập khẩu, thông thương của miền Bắc, nhưng đến nay Hải Phòng đã gần một tháng không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 cộng đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố ghi nhận tổng số 60 ca nhiễm; trong đó 34 người đã khỏi bệnh, xuất viện; những ca bệnh còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp của thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Toàn thành phố hiện còn hơn 500 người cách ly tập trung; 361 người cách ly tại khách sạn; 1.500 người cách ly tại nhà. Số ca Covid-19 tại địa phương chủ yếu là thuyền viên trên các tàu viễn dương, được kiểm soát ngay khi tàu vào neo đậu tại khu vực phao số 0.
Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành cũng cho rằng các chốt kiểm soát đóng vai trò quan trọng để giám sát người ra vào địa bàn, hạn chế nguy cơ nguồn bệnh từ bên ngoài xâm nhập.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, ở Hòa Bình ngoài hai chốt kiểm soát liên ngành cấp tỉnh, còn hàng loạt chốt cấp huyện, cấp xã. Người dân từ nơi khác muốn vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính (PRC hoặc test nhanh). Người có việc khẩn cấp, sẽ được test nhanh ngay tại chốt. Mỗi khi có người vào tỉnh, chốt kiểm soát sẽ thông báo đến các xã nơi người đó đến, để kịp thời nắm bắt. “Nghĩa là việc giám sát những trường hợp nguy cơ, nhất là người từ vùng dịch về phải làm chi tiết đến quá trình di chuyển, điểm đến, chứ không phải chỉ lập chốt là xong. Đây cũng là cách để nếu có phát sinh F0, F1 chúng tôi sẽ nhanh chóng kiểm soát”, ông Toàn cho hay.
Video đang HOT
Kiểm soát chặt tại các cửa ngõ ra vào cũng là nguyên tắc được thành phố Hải Phòng đề ra từ sớm. Ngoài kiểm soát chặt đường hàng không, đường sắt, các tuyến xe khách liên tỉnh, taxi, xe buýt, xe vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, thành phố đã thành lập 11 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào, đường ngang, lối mở giáp tỉnh lân cận gồm Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Đức Thọ phân tích, Hải Phòng là thành phố hội tụ nhiều loại hình giao thông, đây còn là thành phố cảng biển, nơi hàng ngày có nhiều chuyến hàng trong nước, quốc tế đến và đi. Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn rất cao, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Các giải pháp kiểm soát nêu trên là cần thiết.
Trước tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Hải Phòng, ông Thọ khẳng định thành phố không “ngăn sông cấm chợ” bởi các quy định của địa phương liên tục được ban hành và sửa đổi phù hợp điều kiện thực tiễn từng thời điểm.
“Chúng tôi đề ra biện pháp chống dịch vừa đảm bảo đúng quy định của trung ương, vừa phù hợp với hoàn cảnh địa phương”, ông Thọ nói. Gần đây, thay vì kiểm soát tất cả phương tiện tại các cửa ngõ, Hải Phòng đã cấp thẻ xanh, đỏ, vàng và lập 14 tổ kiểm soát tại ngay tại cảng; bố trí nơi ăn ở tập trung và hỗ trợ tiền xét nghiệm Covid-19 cho các tài xế.
Cảnh sát dùng điện thoại kiểm tra mã nhận diện của xe vào TP Hải Phòng, tháng 7/2021. Ảnh: Giang Chinh
Tại Quảng Ninh, từ ngày 11/8 đến nay, các đơn vị đã xét nghiệm hơn 100.000 người, trong đó trên 92.000 bằng phương pháp RT-PCR và chưa phát hiện ca mắc cộng đồng. Cũng như các địa phương nêu trên, ngoài lập chốt ở các cửa ngõ, Quảng Ninh còn tăng cường tuần tra, kiểm soát, “khóa chặt” biên giới trên bộ, trên biển; tuyệt đối không để xảy ra nhập cảnh trái phép vào địa bàn.
Còn tại Hà Giang, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nêu ba nguyên tắc quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, đầu tiên là các chốt kiểm soát phải làm chặt chẽ; người từ nơi khác vào tỉnh bắt buộc khai báo y tế, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong ba ngày; người từ vùng dịch về phải cách ly.
Một biện pháp khác được nhiều tỉnh, thành áp dụng là lập các Tổ Covid-19 cộng đồng , giám sát người ra vào ở từng thôn, xóm, khu dân cư.
Tại Hòa Bình, lãnh đạo tỉnh giao từng xã lập kế hoạch để quản lý chặt chẽ địa bàn. Lãnh đạo thôn, xã nắm rõ số lượng người ra vào hằng ngày. “Hằng ngày, chúng tôi đều nhận được báo cáo tình hình người ra vào ở từng nơi. Nghĩa là tất cả những ai ra vào tỉnh, đều được kiểm soát”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.
Tương tự ở Hà Giang, ông Trần Đức Quý nói thông qua các Tổ Covid-19 cộng đồng, “nơi nào có người lạ đến mà không khai báo y tế kịp thời là chúng tôi nắm được ngay”.
Thành phố Hòa Bình trong thời gian giãn cách xã hội, tháng 5/2021. Ảnh: Đức Anh
Về cách ly F1, nhiều địa phương phân loại theo từng nhóm nguy cơ để bố trí từng khu riêng biệt. Tỉnh Hòa Bình thực hiện chủ trương này từ sớm, phân loại F1 thành hai nhóm nguy cơ cao và thấp. F1 cùng gia đình, tiếp xúc rất gần với F0 trong thời gian dài… thuộc nhóm nguy cơ cao, được cách ly tập trung cùng khu vực, tách biệt với nhóm F1 nguy cơ thấp. Việc này nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo.
Ông Nguyễn Văn Toàn dẫn chứng, trường hợp người phụ nữ từ Malaysia về, đã hoàn thành cách ly nhưng sau đó phát hiện dương tính. Các thành viên trong gia đình ca bệnh này đều là F1, nhưng được đánh giá nguy cơ cao, nên được cách ly theo nhóm riêng. Sau đó tất cả F1 này chuyển thành F0 song đã được cách ly riêng kịp thời.
Một chiến lược khác được nhiều địa phương áp dụng là dự báo trước những khu vực dịch bệnh có thể bùng phát , để chuẩn bị kịch bản ứng phó. Dù đã trải qua nửa tháng không ghi nhận ca nhiễm mới, nhưng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình vẫn bày tỏ lo lắng, bởi đây là địa phương giáp Hà Nội – thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và vẫn phát sinh các ổ dịch mới. “Nghĩa là vẫn còn nguy cơ”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.
Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ Hà Nội, tỉnh Hòa Bình đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội huyện Lương Sơn từ cuối tháng 7. Huyện này hiện không còn ca F0, nhưng là địa phương giáp với ba huyện khác ở Hà Nội. Các nhà máy, xí nghiệp tại huyện vẫn hoạt động song tất cả công nhân được kiểm soát chặt chẽ.
Tỉnh cũng đã lập hai bệnh viện đã chiến với tổng công suất từ 300-400 giường, trang bị hiện đại. Nếu dịch bệnh bùng phát, các bệnh viện này sẽ được kích hoạt trong một ngày. Ngoài ra, một bệnh viện dã chiến khác công suất 500 giường có thể kích hoạt trong thời gian ngắn.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát đường sông, bởi huyện Phù Yên (Sơn La), giáp Hòa Bình đã ghi nhận ca dương tính. Tất cả bến cảng, thuyền bè sẽ được kiểm tra. Kiểm soát chặt những người nguy cơ cao là cách phòng dịch từ sớm, từ xa”, ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh.
Về chiến lược vaccine , lãnh đạo các địa phương cho biết triển khai tiêm củng nhanh nhất có thể khi nguồn vaccine từ Trung ương chuyển về. Đơn cử, Quảng Ninh phấn đấu hết hết năm 2021 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng. Tính đến nay, tỉnh đã tiêm vaccine được hơn 285.000 mũi, trong đó mũi một trên 174.000.
Tròn bốn tháng từ khi đợt dịch bệnh lần thứ tư bùng phát (27/4 đến nay), Việt Nam ghi nhận tổng số ca nhiễm vượt mốc 400.000, ở 62 tỉnh thành. Số ca tử vong vượt 10.000.
Người lao động đường sắt mất việc vì không có tàu chạy
Ngành Đường sắt bãi bỏ tàu SE8 xuất phát tại ga Sài Gòn từ ngày 23/8, bãi bỏ tàu SE7 xuất phát tại Ga Hà Nội từ ngày 25/8 cho đến khi có lệnh mới; hiện chỉ còn lại các tuyến tàu hàng liên vận quốc tế và qua biên giới, tàu hàng Bắc Nam thì do doanh nghiệp thuộc các tỉnh phía Nam đã tạm dừng sản xuất dẫn đến bị đứt gãy chuỗi cung ứng...
Thực tế này đã và đang khiến hàng loạt người lao động mất việc.
Dừng hết tàu chạy tuyến Bắc Nam
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) quyết định dừng chạy hàng ngày đôi tàu SE7/SE8 cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc Nam. Trước đó, từ ngày 10/7, VNR chỉ duy trì đôi tàu SE7/SE8 trên tuyến và đến ngày 23/7 không đón, trả khách tại ga Sài Gòn.
Việc dừng chạy tàu nhằm để đảm bảo an toàn hành khách trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. VNR chỉ duy trì các tuyến tàu được tổ chức chạy đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, thiết bị y tế, lực lượng phòng chống dịch tới TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian tạm dừng chạy tàu Bắc Nam, VNR hỗ trợ đối hành khách đã mua vé đi trên các đoàn tàu SE7, SE8 sẽ được làm thủ tục trả và bảo lưu tiền vé. Hành khách có thể thực hiện việc trả vé online hoặc tại ga (đối với các địa phương không thực hiện giãn cách).
Đường sắt Việt Nam dừng hết tàu khách từ ngày 23/8.
Trong trường hợp hành khách không thể đến ga làm thủ tục trả vé do địa phương đang thực hiện các biện pháp hạn chế người dân đi lại để phòng chống dịch, hành khách có thể trả vé sau thời gian tàu chạy theo quy định.
Trong thời gian vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về việc đảm bảo an toàn phòng dịch, trên toàn mạng lưới, ngành Đường sắt chỉ tổ chức chạy tàu khách chuyên biệt theo yêu cầu của các địa phương và khi được các cơ quan chức năng cho phép. Đối với tàu vận tải hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch, VNR yêu cầu các công ty vận tải chỉ đạo các chi nhánh vận tải, đoàn tiếp viên phối hợp chặt với các ga và các đơn vị phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh, việc dừng chạy đôi tàu Bắc Nam cuối cùng này đã ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động, khiến hàng nghìn người không có việc làm, thu nhập, cộng với nhiều cán bộ, công nhân viên khác trong ngành phải tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc đi làm theo phương án giãn cách.
Hỗ trợ như thế nào?
Ông Vũ Anh Minh chia sẻ, hiện nay, toàn bộ tàu chở khách đã tạm dừng hoạt động, chỉ còn những chuyến tàu chuyên biệt chở thiết bị y tế, y, bác sỹ vào các tỉnh phía Nam và đôi tàu vận chuyển hàng hoá duy trì. Thực tế, trong 2 năm qua, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, vận tải hành khách của ngành Đường sắt đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kinh doanh sụt giảm. Đến thời điểm này, ngành Đường sắt không muốn dừng tàu khách, nhưng do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/TTg của Chính phủ, nên không có khách đi tàu, buộc phải dừng.
Về việc người lao động bị ảnh hưởng, người đứng đầu VNR khẳng định: Chắc chắn việc dừng chạy tàu khách Bắc Nam ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động. Người lao động bị ảnh hưởng được chia thành 2 nhóm: Khối làm việc trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, khối trực tiếp sẽ tạm hoãn hợp đồng lao động khoảng 30% và luân phiên làm việc giãn cách để duy trì đóng bảo hiểm, trách nhiệm với công việc.
VNR chỉ duy trì chạy tàu hàng.
Ngoài ra, còn có nhóm chấm dứt hợp đồng lao động, nhất là với nhóm nhân viên phục vụ tàu khách thì phải tạm nghỉ vì không bố trí được việc. Những người được hưởng chế độ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 sẽ làm các thủ tục tại địa phương để hỗ trợ.
Qua tìm hiểu, trong 6 tháng đầu năm 2021, VNR có khoảng 1.700 lao động phải nghỉ luân phiên, tạm hoãn hợp động lao độngĐ khoảng 1.300 người, chưa có số thống kê số người lao động bị chấm dứt hợp đồng.
"Hiện nay, 100% tàu khách đã dừng hoạt động, coi như "đóng băng" đường sắt vận tải hành khách, dẫn sản lượng kinh doanh bị sụt giảm 50% trên tổng doanh thu của VNR. Tàu hàng cũng chỉ chạy 1 chiều, ngược lại tàu chạy rỗng không có hàng. Ngoài ra, dịch bệnh còn đang gây ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu ngành Đường sắt. Đề án tái cơ cấu đã được gửi tới Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn đang chờ các quyết định thực hiện", ông Vũ Anh Minh cho hay.
Cũng theo ông Vũ Anh Minh, trong thời gian tạm dừng chạy tàu Bắc Nam, VNR sẽ thông báo, niêm yết các chính sách hỗ trợ đối với hành khách đã mua vé làm thủ tục hoàn trả, bảo lưu tiền vé tại các nhà ga và trên các kênh bán vé của VNR. Đối với tàu hàng, VNR đề nghị các ga, xí nghiệp đầu máy kiểm soát chặt chẽ công tác tổ chức chạy, không để người dân lợi dụng tàu hàng để di chuyển giữa các địa phương, gây mất an toàn chạy tàu và vi phạm các quy định về công tác phòng chống dịch.
Kinh doanh thiệt hại nặng, hàng không vẫn 'chung tay' chống dịch Đợt dịch thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp đã khiến ngành hàng không "lao đao" và vẫn đang "loay hoay" trong cơn bĩ cực. Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng các hãng hàng không đều đang chung sức thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với đất nước trong công tác phòng chống dịch....