Nhiều tín đồ thời trang đang đi thuê đồ hiệu thay vì mua và đây là dịch vụ siêu hot mà rất có thể bạn chưa biết tới
Thử tưởng tượng bạn đang cần một món đồ hiệu thật oách để dự buổi tiệc tùng nào đó, sao phải bỏ cả đống tiền để sắm khi bạn có thể đi thuê với giá rẻ hơn rất nhiều? Đó là lý do thị trường cho thuê đồ hiệu vô cùng nở rộ thời gian qua.
Nếu khái niệm thuê nhà, thuê xe, thậm chí là thuê người yêu đã quen thuộc hết sức thì mời bạn tìm hiểu về một khái niệm khác nữa: thuê thời trang. Chính xác là bạn có thể thuê được cả tá váy áo xịn sò hoặc những chiếc túi hiệu trong mơ hoặc bất cứ món phụ kiện thời trang nào phục vụ cho công cuộc mặc đẹp và nâng tầm phong cách. Đã bao giờ bạn bạn nhìn thấy một chiếc túi đắt đỏ của Chanel, Dior khiến bạn khao khát hoặc một bộ cánh, một đôi giày giá “trên trời” mà bạn ước rằng được một lần diện chúng chưa? Nhưng nếu chưa có đủ kinh phí để “múc” hàng hiệu thì làm thế nào để trải nghiệm đây? Câu trả lời là hãy đi thuê chúng với mức giá thấp hơn giá gốc nhiều lần chứ còn đâu nữa.
Ở Việt Nam, dịch vụ cho thuê thời trang chưa phổ biến, nên nếu bạn không biết đến cũng không có gì ngạc nhiên, nhưng ở nước ngoài thì nó lại vô cùng thịnh hành. Thuê thời trang hay thuê lại những món đồ đã qua sử dụng hoạt động dựa trên hai mục đích chính: một là thoả mãn nhu cầu sở hữu trang phục của các tín đồ trong thời gian ngắn với mức giá tiết kiệm và hai là bảo vệ môi trường, thiên nhiên.
Cho thuê đồ hiệu: Tưởng mới mà không mới
Cần phải nói thêm, cho thuê thời trang không phải là một hiện tượng mới, đơn cử như việc Rent the Runway – một trong những công ty cho thuê đồ hiệu đình đám nhất đã hoạt động hơn 10 năm, nhưng sự gia tăng về mối quan tâm đến môi trường, hệ sinh thái khiến việc thuê quần áo càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Bởi ngành công nghiệp thời trang, suy cho cùng là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất trên thế giới và việc cho thuê/chia sẻ tủ quần áo hoá ra lại là một công đôi việc, vừa thoả mãn khao khát sở hữu của nhiều người, vừa đỡ được “gánh nặng” cho thiên nhiên.
Doanh nghiệp cho thuê thời trang Rent the Runway được định giá là 1 tỷ đô la vào tháng 5/2019, chứng minh độ “hot” của dịch vụ cho thuê trong thị trường bán lẻ. Hay như HURR Collective, một dịch vụ hoạt động dựa trên hình thức chia sẻ tủ quần áo cũng công bố những con số “biết nói” như thu thập 62kg quần áo từ HURR đồng nghĩa với việc giảm khí thải carbon CO2 xuống 6000kg và tiết kiệm được 99.000 lít nước sạch. Victoria Prew, vị đồng sáng lập HURR tin rằng hình thức cho thuê chính là tương lai của thời trang và của cả tài chính và môi trường.
Đến cả H&M, Urban Outfitters và Banana Republic cũng cung cấp các dịch vụ như vậy. Các trang web bán lại đồ như Thredup, Depop, Poshmark và The RealReal đã bùng nổ trong những năm gần đây, mang đến cho quần áo cũ một cuộc sống mới.
Video đang HOT
Về phía người tiêu dùng, thì đây cũng là một dịch vụ đáng thử lắm chứ không đùa đâu. Bởi bạn sẽ có “tình vài ngày” hoặc “tình vài tháng” với những món đồ trong mơ. Thử nghĩ xem, thay vì mua mới một chiếc đầm sang chảnh diện đi tiệc tùng, hoặc tiết kiệm “thóc” để sở hữu chiếc túi hiệu mà ngay cả bạn cũng không chắc sẽ yêu thích chúng trong nửa năm hoặc một năm, thì cách tốt nhất là lượn lờ vào những trang web cho thuê để trải nghiệm chúng trong thời gian ngắn hạn.
Ứng dụng cho thuê đồ Girl Meets Dress ra đời khi nhận thấy việc những người nổi tiếng có thể mượn váy từ nhà thiết kế để diện một lần khi tham gia sự kiện thì với những người dân bình thường, việc thuê váy cũng đáng để triển khai. 10 năm trôi qua, tủ quần áo trên nền tảng đám mây của Girl Meets Dress có hơn 4.000 items để thuê. Chi phí thuê váy 2 đêm từ 19 đến 119 bảng Anh, tuỳ thuộc vào giá trị bán lẻ và mức độ phổ biến của chúng.
Hay như Cocoon, một dịch vụ cho thuê túi ra mắt tại Anh cũng đang phát triển rầm rộ khi cung cấp cho các thành viên bộ sưu tập túi xách mùa mới, những phiên bản giới hạn được tìm kiếm nhiều. Nó được định vị là nơi “cho thuê phong cách” bởi bạn có thể “giải khát” cơn thèm muốn sở hữu loạt items của hơn 30 thương hiệu thời trang xa xỉ như Chanel, Dior, Saint Laurent, Fendi, Jacquemus, Bottega Veneta…
Với khoản phí là 99 bảng Anh một tháng (~ 3 triệu đồng), các thành viên Cocoon có thể chọn bất kỳ túi nào để thuê. Dịch vụ này cũng hợp tác với bên thứ 3 là The Restory để đảm bảo rằng các món hàng sẽ được bảo trì, kéo dài tuổi thọ để các thành viên khác có thể “thưởng thức” tiếp sau. Ngoài ra, một món hàng càng được kéo dài vòng đời sử dụng bao nhiêu thì doanh thu của doanh nghiệp càng tăng bấy nhiêu.
Một số trang cho thuê thời trang nổi tiếng.
Những rủi ro khi thuê đồ
Cứ xem như thuê túi chỉ là chuyện nhỏ đi, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu bạn làm hỏng hoặc làm mất món đồ đi thuê hoặc những chiếc túi bị vấy bẩn? Tại HURR, có một khoản phí bảo vệ thiệt hại là 5 bảng Anh (~ 150.000 VNĐ) bao gồm những vết bẩn nhỏ, thiệt hại khoá kéo… Riêng với những khoản thiệt hại lớn hơn như bị mất thì người thuê sẽ phải trả giá bán lẻ niêm yết của sản phẩm đó.
Rent the Runway cũng có cách bảo trì các sản phẩm của họ bằng việc mở rộng nghệ thuật giặt khô, chính thức trở thành công ty giặt khô lớn nhất nước Mỹ. Khoảng một nửa số váy đầm trả về có vết bẩn cần được làm sạch bằng tay. Theo đó, những công nhân lành nghề có thể xử lý dễ dàng mà không ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của chiếc váy, đảm bảo món đồ sẽ trở lại như mới khi đến tay người dùng sau.
Tóm lại, nếu có ai đó hỏi bạn xu thế hot nhất trong làng thời trang là gì thì bạn có thể tự tin đáp lại là cho thuê quần áo, phụ kiện. Bằng chứng là các công ty cho thuê thời trang đang xuất hiện ngày một nhiều hơn, dễ thấy nhất là trên Instagram. Hình dung đơn giản thì nó giống như một tủ quần áo lớn mà bất cứ khi nào bạn cần đều có thể lôi ra để mặc, và tất nhiên, phải trả phí!
Theo Trí thức trẻ
Lê Hoàng: Thời trang Việt khó ra thế giới vì bắt chước không xong, độc đáo không đủ
Trong cuộc trò chuyện với NTK Quỳnh Paris, đạo diễn Lê Hoàng có những phát ngôn khá thẳng thắn về lý do vì sao thời trang Việt không được thế giới ưa chuộng.
Trong talkshow Chuyện cuối tuần, chủ đề "Nâng tầm thời trang Việt" phát sóng tối 30/11 trên kênh VTV9, khách mời đặc biệt của đạo diễn Lê Hoàng là NTK Quỳnh Paris.
Bàn về thời trang Việt, đạo diễn Lê Hoàng nêu quan điểm, ở Việt Nam trên các con phố, không khó để thấy các cửa hàng thời trang bán đồ mang thương hiệu thế giới, dù là đồ hiệu thật hay giả, tuy nhiên, khi sang Paris hay nơi khác không thấy nơi nào bán thời trang của Việt Nam: "Không có bất kì một thương hiệu thời trang Việt Nam nào được thế giới biết đến. Thậm chí, khi hỏi một cô gái Việt, một người nổi tiếng để chọn một thương hiệu thời trang Việt thì họ cũng không chọn được. Nhà thiết kế như Đỗ Mạnh Cường, Công Trí... thì họ biết nhưng không có một thương hiệu nào được ngay cả người Việt lựa chọn".
Chương trình talkshow Lê Hoàng và Quỳnh Paris phát sóng thay cho chương trình Lê Hoàng cùng bác sĩ Nguyễn Hữu Trung nói về nạn phá thai.
NTK Quỳnh Paris cho biết, để thời trang Việt được quốc tế chấp nhận thì phải có nét sáng tạo riêng, nghĩa là một nhà thiết kế phải mang được đặc trưng của văn hóa Việt hòa với dòng chảy mỹ thuật của thế giới thì mới thu hút được sự chú ý của công chúng. Ví dụ như nhà thiết kế người Nhật Kenzo Takada được kinh đô thời trang Paris công nhận bởi Kenzo đã mang tinh thần Nhật, sự phá cách, những nét đặc trưng nhất của người Nhật kết hợp với sự am hiểu mỹ thuật, văn hóa thế giới.
Đạo diễn Lê Hoàng cũng đưa ra ví dụ thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp S.T.Dupont có chiếc bật lửa và bút máy cực kì nổi tiếng. Cả hai sản phẩm đều pha trộn nhiều nét văn hóa phương Đông như in hình rồng, chạm trổ tinh tế, sử dụng chất liệu sơn mài Trung Quốc. Tuy nhiên, không có nét văn hóa nào của Việt Nam được đưa vào. Các thương hiệu nổi tiếng khác như Louis Vuitton cũng sử dụng nhiều họa tiết Trung Quốc rất nhiều. Từ đó, đạo diễn Lê Hoàng cắt nghĩa việc thời trang Việt Nam khó ra thế giới vì không biết cách học tập những tinh hoa văn hóa của thế giới: "Chúng ta bắt chước cũng không xong, cái độc đáo thì không đủ khả năng chinh phục. Kết hợp cả hai yếu tố trên đều thiếu nên không được quốc tế chấp nhận".
Các thiết kế của Quỳnh Paris thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện: Oscars, Cannes... và được vinh danh trên tạp chí Vogue của Mỹ.
Đạo diễn Lê Hoàng nói thêm, chiếc áo dài của Việt Nam thường được bạn bè thế giới khen đẹp khiến người trong nước lầm tưởng đó là thương hiệu Việt Nam đã ra thế giới, tuy nhiên thực chất không phải: "Họ khen áo dài đẹp nhưng họ không mặc, người ta thấy mình mặc họ khen, họ vỗ tay chân tình nhưng họ không mua. Với họ, cái đẹp ngây ngất với cái đẹp dùng được, ứng dụng được là khác nhau".
NTK Quỳnh Paris cũng nhấn mạnh: "Bộ sưu tập của tôi được các đài truyền hình thế giới rất quan tâm và phỏng vấn, họ đều hỏi vì sao có thể đưa nét văn hóa Việt hòa quyện với Oscar vậy? Tôi hiểu rằng vì mình đã mang được nét dân tộc Việt kết hợp với xu hướng của thế giới".
NTK Quỳnh Paris cũng nói thêm, từng có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như: Diễn viên Blanco Blanca, John Mack, Andrea Anderson, người mẫu CoCo, ca sĩ Shontelle, ca sĩ Lady Gaga... mặc trang phục của cô, tuy nhiên, điều may mắn là cô không phải mất tiền để họ lựa chọn mình: "Họ nói rằng đồ của tôi mang được hơi ấm phương Đông, có nét da vàng rất đặc biệt, có cái gì đó của người hiểu văn hóa xứ lạnh phương Tây. Đây là dấu ấn, là điều khiến tôi tự hào".
Bên cạnh đó, đạo diễn Lê Hoàng cũng chỉ ra một nguyên nhân quan trọng khiến thời trang Việt chưa thể ra thế giới, đó là công nghệ chất liệu chưa phát triển. Theo Lê Hoàng, công nghệ thời trang phải đi liền với công nghệ chất liệu: "Không thể có việc vẽ xong cái áo dài rồi sang Ý, Pháp đặt mua chất liệu. Các thương hiệu thời trang nước ngoài đắt vì nhãn hiệu đó chỉ dùng loại vải đó, không thể thay thế bằng loại vải khác ở ngoài chợ hay bất cứ nơi nào. Như áo của D&J hay Versace chỉ đặt duy nhất một loại vải đó. Còn chúng ta không có công nghệ chất liệu thì chúng ta sẽ thua".
Đạo diễn Lê Hoàng cũng đưa ra ví dụ, các thiết kế của Công Trí rất đẹp, khi so sánh một chiếc váy của Công Trí với các NTK thế giới thì không thua, nhưng nếu anh may nhiều thì sẽ không ổn bởi "Công Trí thiết kế đầm thì đẹp nhưng chỉ từng chiếc thôi. Ví dụ có một nghệ sĩ nổi tiếng cần váy đầm thì Công Trí làm không thua bất kì thương hiệu nào. Nhưng nếu cứ làm một chiếc thì giá thế nào, sản xuất vào đâu? Trong khi đó, một cái áo Chanel làm một cái sản xuất khắp thế giới".
NTK Quỳnh Paris thì cho rằng, để đưa thời trang Việt ra thế giới cần một sự sáng tạo không ngừng nghỉ, đặc biệt là sự am hiểu văn hóa Việt lẫn dòng chảy mỹ thuật thế giới.
Theo danviet.vn
Điểm danh các thương hiệu "khủng" giảm giá mạnh dịp ACFC Black Friday Các thương hiệu quốc tế GAP, Mango, Old Navy, Levi's, OVS, Parfois, Calvin Klein, Mothercare, Banana Republic, Tommy Hilfiger, FCUK, Fitflop, Owndays, Dune London đồng loạt giảm giá cực mạnh ngày Black Friday. Không khí ngày hội Black Friday từ các nước phương Tây đang nóng dần lên, lan tỏa đến Việt Nam và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu...