Nhiều thay đổi trong tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông có hiệu lực từ hôm nay
Ngày 19/6/2020 Bộ Công an ban hành Thông tư 65/2020/TT – BCA Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT).
Thông tư này chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay (5/8/2020) và thay thế Thông tư 01/2016/TT-BCA.
Nhiều thay đổi trong tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông có hiệu lực từ 5/8
CSGT cấp huyện được tuần tra, xử phạt trên quốc lộ
Theo khoản 2, Điều 6, Thông tư 65, công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính, gồm:
Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không phải tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp và các tuyến giao thông đường bộ có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương;
Các đoạn quốc lộ thuộc các tuyến quốc lộ trọng điểm, đoạn quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp và các tuyến giao thông đường bộ có vị trí quan trọng mà đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc công an cấp tỉnh, trưởng phòng CSGT;
Các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị không thuộc trường hợp các tuyến đường chính, tuyến đường có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp;
Phối hợp với phòng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính theo kế hoạch của Giám đốc công an cấp tỉnh, trưởng phòng CSGT.
Như vậy, nếu như trước đây, công an cấp huyện chỉ được phối hợp với phòng CSGT tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính… theo kế hoạch của Giám đốc công an cấp tỉnh thì nay các đơn vị này đã được phép tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên một số tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ…
Video đang HOT
Chỉ còn 4 trường hợp CSGT được dừng xe kiểm soát
Khoản 1, Điều 16 Thông tư 65 quy định chỉ có 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, gồm:
Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác.
Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm…
Như vậy, so với Thông tư 01/2016/TT-BCA, CSGT được dừng phương tiện trong 5 trường hợp thì theo quy định của Thông tư mới, CSGT chỉ dừng phương tiện trong 4 trường hơp nêu trên.
CSGT được sử dụng cả xe đạp để tuần tra
Thông tư 65 bổ sung thêm loại phương tiện xe đạp để phù hợp cho CSGT khi tuần tra, kiểm soát trong các tuyến phố, tuyến đường đi bộ thuộc các đô thị. Quy định này được nêu trong Khoản 2, Điều 11 của Thông tư.
Cũng trong Điều 11 có quy định thêm về vũ khí, phương tiện của CSGT: Vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng CSGT, gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8.
Chào hỏi người dân khi kiểm soát
Theo thông tư 65, trước khi kiểm soát, CSGT phải thực hiện động tác chào theo Điều lệnh công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị…” (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã).
Sau đó, CSGT sẽ nói: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị… cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”.
Khi tiếp nhận được các giấy tờ (nếu có), thông báo cho người điều khiển xe và những người trên xe biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
CSGT công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát
Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, lực lượng CSGT phải công khai các kế hoạch sau: Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.
Theo đó, có 4 hình thức thông báo công khai của CSGT gồm: Niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT hoặc Cổng thông tin điện tử của công an cấp tỉnh, phòng CSGT; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc sử dụng các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, có 4 nội dung mà lực lượng CSGT phải thông báo công khai theo quy định tại thông tư này là: Đơn vị; tuyến đường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện kế hoạch.
Xử lý vi phạm thông qua hình ảnh trên mạng xã hội
Điều 24 của Thông tư 65 có bổ sung một điểm mới trong việc tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội
Theo đó thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn sau: Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ); Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Cao điểm kiểm tra, phạt lái xe có nồng độ cồn, chất ma túy
Từ đầu tháng 8 này, Cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc ra quân, thực hiện kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý người điều khiển xe vi phạm về ma túy, nồng độ cồn .
CSGT sẽ tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, ma túy. Ảnh minh họa: Cục CSGT
Cao điểm này kéo dài đến ngày 31/12/2020.
Những lái xe mô tô, ô tô con, ô tô chở khách, ô tô tải, xe vận tải container, xe ô tô kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc sẽ được kiểm tra tập trung chủ yếu tại nơi xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi; khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn; khu vực phức tạp về an ninh trật tự, ma túy...
Cục CSGT yêu cầu CSGT Công an các đơn vị, địa phương sử dụng camera đã được trang bị để ghi nhận lại toàn bộ hoạt động trong ca công tác; các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác phải ghi nhận đầy đủ, rõ ràng đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn, đơn vị chức năng phải kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm để phát hiện các trường hợp vi phạm tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy phải thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã nơi người đó làm việc, cư trú có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy.
Thông tin từ Cục CSGT, để đảm bảo phòng, chống dịch Covid - 19, lực lượng chức năng sẽ dùng ống thổi một lần để kiểm tra nồng độ cồn.
Chân dung tân Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái Ông Đinh Đăng Luận - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV vừa được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc sở NN&PTNT kể từ ngày 1/8. Sáng 3/8, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định của UBND tỉnh về điều động, bổ nhiệm...