Nhiều tai nạn chết người trên quốc lộ mới mở
Chỉ riêng bốn tháng đầu năm, quốc lộ Nam Sông Hậu đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra tám vụ tai nạn giao thông làm chín người chết và mười người bị thương (theo Ban ATGT tỉnh Sóc Trăng).
Còn tuyến quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp (nối Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tai nạn giao thông đã khiến bảy người chết, năm người bị thương từ khi đưa đường này vào khai thác đến nay.
Hành lang an toàn giao thông quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp bị lấn chiếm là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông trên đường này (ảnh chụp đoạn qua huyện Phước Long, Bạc Liêu) – Ảnh: Thành Đạt
Quản Lộ – Phụng Hiệp là tuyến quốc lộ mới được thông xe giữa năm 2011, chủ yếu băng qua những cánh đồng. Chỉ sau thời gian ngắn, đường đã bị người dân lấn chiếm hành lang để cất lều quán, xây cây xăng, trong đó nhiều nhất là địa bàn huyện Phước Long (Bạc Liêu). Ông Phan Bạch Đằng, phó chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bạc Liêu, cho biết phần lớn tai nạn chết người là do người điều khiển xe máy chạy tốc độ nhanh, có khi tự té. “Tuyến đường nằm ngoài khu dân cư nên nhiều thanh niên lái xe có khi lên đến trên 100km/giờ. Trong khi đó mặt đường bị xuống cấp, giữa mặt đường và mặt cống có độ chênh, đường dân sinh tự phát nhiều, hành lang an toàn bị lấn chiếm, thiếu biển báo giao thông… nên dẫn đến tai nạn chết người” – ông Đằng nói.
Tương tự, quốc lộ Nam Sông Hậu (thông xe từ tháng 3-2011) cũng trong tình trạng mất an toàn giao thông. Ông Nguyễn Văn Nam, phó trưởng Công an xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu) – nơi quốc lộ này đi qua – cho biết: “Tai nạn giao thông thường xảy ra do thanh niên chạy xe máy quá nhanh. Mới đây có một thanh niên tử vong vì chạy xe máy đụng vào thùng đựng rác nằm sát lộ”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, suốt một đoạn dài quốc lộ Nam Sông Hậu qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu hầu như không có biển báo hạn chế tốc độ, thiếu biển báo sắp đến khu vực đông dân cư, chợ, trường học… Hố ga hai bên lề đường không có vỉ sắt hay nắp đậy khiến nhiều xe máy lọt bánh xuống hố gây tai nạn. Người dân phải lấy đá, thân cây dừa lấp miệng hố ga, hoặc cắm cây báo hiệu.
Còn chị Thạch Thị Loan (ấp Lai Hòa, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) nói đoạn quốc lộ qua khu vực này không có đèn đường, trong khi đó ban đêm thanh niên chạy xe bạt mạng nên chị phải đóng cửa nhà để con cái không chạy ra lộ…
Theo ông Phan Quang Dự – giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và khai thác cầu Cần Thơ (đơn vị được giao quản lý quốc lộ Nam Sông Hậu), các vụ tai nạn chết người trên quốc lộ này xảy ra chủ yếu do chủ quan, không phải do hạ tầng kém. Tuy nhiên, ông Dự cho biết công ty đã nhận được kiến nghị của tỉnh Sóc Trăng về việc đặt thêm tiểu đảo, lắp đèn tín hiệu và đèn chiếu sáng ở một số khu vực ngã ba, khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh. Tới đây, công ty sẽ đến địa phương khảo sát để có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Tuấn – chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Sóc Trăng – cho biết tai nạn là do ý thức người dân khi tham gia giao thông còn hạn chế. Ban sẽ tuyên truyền cho dân ở các xã có tuyến quốc lộ này đi qua về luật giao thông cũng như nghị định xử phạt của Chính phủ.
Khu Quản lý đường bộ 7 và Ban Quản lý dự án 7 (thuộc Tổng cục Đường bộ VN) vừa cùng tỉnh Bạc Liêu kiểm tra tuyến đường Quản Lộ – Phụng Hiệp đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Qua kiểm tra, các bên thống nhất sẽ sớm sửa mặt đường bị sụt lún, hư; xử lý các hộ lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, lắp đặt biển báo tạm trong khi làm thủ tục, chờ Bộ Giao thông vận tải cấp phép đấu nối đường dân sinh vào quốc lộ.
Theo Tuổi Trẻ