Nhiều sở, ngành ở TP.HCM tránh né cung cấp thông tin cho báo chí
Trong khi hầu hết báo chí trong buổi gặp đều cho rằng, việc cung cấp thông tin cho báo chí của các sở, ngành “trên nóng dưới lạnh”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: “TP xem báo chí như là người đồng hành trong sự phát triển”.
Chiều 2.4, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi gặp mặt các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương. Buổi gặp nhằm thông tin về tình hình kinh tế – xã hội quý I.2019 và gợi ý, đặt hàng các đề tài thông tin trên báo chí.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong luôn trả lời khi báo chí phỏng vấn tại các cuộc họp. Ảnh: P.T
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch TP.HCM Nugyễn Thành Phong cho biết, qua quá trình điều hành, quản lý…, TP nhìn nhận công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Truyền thông đạt hiệu quả cao sẽ giúp công tác điều hành của TP đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
“Có nhiều bài báo giúp chúng tôi chủ động điều chỉnh quá trình điều hành của TP. Nhiều bài báo giúp giải quyết kịp thời bức xúc của người dân. Với chúng tôi, truyền thông không phải quyền lực thứ tư mà là công cụ giáo dục và tuyên truyền của Đảng. Chính vì thế, chúng tôi xem báo chí như là người đồng hành của chính quyền”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, trong nỗ lực tạo điều kiện để người dân chia sẻ thông tin, lãnh đạo TP thường xuyên nhận được tin nhắn của người dân đề xuất nhiều giải pháp hay. Cơ quan truyền thông cũng vậy. Từ thực tiễn, những bài báo chia sẻ với TP, các phản biện trên tinh thần xây dựng giúp TP nhìn ra nhiều vấn đề.
“Thông qua các cuộc gặp này, TP cũng đặt hàng với báo chí nhiều vấn đề mà TP muốn tuyên truyền cho người dân hiểu. TP đã xây dựng trung tâm báo chí và sắp tới khánh thành cũng từ đề xuất của cơ quan truyền thông”, ông Phong bày tỏ.
Đại diện các cơ quan báo chí cũng cho rằng, việc cấp bách, bức xúc cần giải quyết hiện nay là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. “Phóng viên tiếp cận lãnh đạo TP, thấy các đồng chí rất nóng, xuống lãnh đạo quận – huyện thì ấm, xuống tới phòng ban thì hơi ấm ấm và lạnh dần”, ông Trần Quang Thông – Tổng biên tập báo Thanh Niên cho biết.
“TP có nhiều cơ quan như Thanh tra, Công an… rất e ngại cung cấp thông tin vì cho rằng nhạy cảm. Tuy nhiên, báo chí lại rất cần thông tin ở những cơ quan này, nên chăng TP.HCM xem xét có người phát ngôn, các cơ quan báo chí cũng cử những phóng viên có trách nhiệm khi tiếp nhận những thông tin này?”, đại diện VTV đề nghị.
Một số đại diện các cơ quan báo chí cũng cho rằng, để báo chí thông tin minh bạch, công khai, người phát ngôn tại các cơ quan của TP phải cung cấp đầy đủ thông tin khi báo chí cần. Báo chí còn đưa ra ví dụ như ở Sở Giáo dục và Đào tạo vừa qua có sự việc đi nước ngoài không đúng quy định, báo chí cần thông tin nhưng không hề nhận được sự phản hồi từ Sở này. Việc tương tự cũng xảy ra ở nhiều sở, ngành khác…
Video đang HOT
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ: ” Báo chí gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thông tin ở những vụ việc nhạy cảm. Ảnh: TL
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ cho rằng, báo chí tiếp cận thông tin cực kỳ khó khăn, đôi khi không tiếp cận được. Ông Chữ nêu ví dụ như vụ việc vườn rau Hưng Lộc, các vụ kỷ luật cán bộ, hầu như phóng viên tắc thông tin.
Tiếp thu ý kiến của báo chí, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đồng ý và cho rằng nếu không cung cấp thông tin cho báo chí, hay không minh bạch thông tin, báo chí đưa không đúng chủ trương, làm người dân hiểu nhầm.
Đặc biệt, theo ông Phong, các cuộc kiểm tra, thanh tra và kỷ luật cán bộ cũng đều được công khai trong các kết luận
Bà Thân Thị Thư – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM cũng thừa nhận, báo chí rất chật vật trong việc tiếp cận thông tin của các sở, ngành TP.
Theo Danviet
Các hiệp hội FDI đề nghị TP.HCM nhanh chóng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất
Tại Hội nghị gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (DN FDI) kiến nghị TP.HCM nhanh chóng nâng cấp và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sớm đẩy nhanh tiến độ dự án Metro đô thị, giải quyết cơ bản vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm... để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Sáng 23.3, lãnh đạo TP.HCM đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp FDI với chủ đề "TP.HCM hội tụ nguồn lực, kiến tạo tương lai".
Các DN FDI trao đổi nhiều vấn đề tại hội nghị. Ảnh: H.V
Phát biểu kiến nghị với lãnh đạo TP, nhiều Hiệp hội các DN FDI cho rằng TP.HCM cần tập trung giải quyết các vấn đề vướng mắc về thủ tục hành chính, vấn nạn kẹt xe, hạ tầng... để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Hiệp hội thương mại châu Âu, nhiều nhà đầu tư châu Âu đầu tư ngày càng nhiều vào TP, cho thấy TP.HCM là điểm đến hấp dẫn. "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM khai thác quyền chủ động trong việc thu hút đầu tư DN FDI. Tuy nhiên, TP.HCM cũng cần phải cải thiện nhiều vấn đề vướng mắc để chúng tôi cùng song hành với sự phát triển của TP", vị đại diện Hiệp hội châu Âu kiến nghị.
Theo vị đại diện này, vấn đề lớn hiện nay của TP là hạ tầng. Theo đó, TP.HCM cần nhanh chóng nâng cấp và mở rộng sân bay Tây Sơn Nhất, sớm hoàn thiện dự án đường sắt đô thị (Metro), phải di chuyển các cảng biển ra khỏi nội ô TP... để giảm kẹt xe, ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chào mừng các đại biểu FDI. Ảnh: H.V
Mục tiêu của TP phải tập trung giải quyết vấn đề giao thông, cần phát triển kết nối hệ thống giao thông công cộng, phải quy hoạch hợp lý. Phát triển công nghiệp kéo theo ô nhiễm môi trường, vì vậy cần phát triển năng lượng sạch. Ví dụ như phát triển điện mặt trời trên mái nhà của TP; xử lý chất thải, rác thải cần tăng việc tái sử dụng. Công trình xanh cần được khuyến khích phát triển, Hiệp hội vật liệu Việt Nam cần lưu ý xử dụng gạch không nung trong xây dựng.
Còn theo Hiệp hội DN Hoa Kỳ, việc thường xuyên thay đổi hiệu lực về pháp luật, nhất là thuế quan làm ảnh hưởng đến các DN đầu tư vào Việt Nam cũng như thành phố. Thói quan liêu vẫn tồn tại nên phải tăng cường kiểm soát.
"Đặc biệt, TP.HCM cần giải quyết cung cầu về năng lượng, minh bạch trong giá cả cung cấp điện cho DN. Hiện nay Chính phủ Việt Nam thường xuyên thay đổi giá điện một cách chưa thỏa đáng. TP.HCM cần có một chính sách đặc thù trong giá điện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các DN Hoa Kỳ", vị đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ đề xuất.
Cũng theo đại diện của Hoa Kỳ, việc kiểm tra sau thông quan hải quan, kiểm tra thuế quan đang tạo ra sự lo lắng và gánh nặng cho các DN FDI, cả về vấn đề tốn thời gian.
Riêng Hiệp hội thương mại Úc thì nhìn ra vấn đề tắc nghẽn giao thông, chậm trễ xây dựng dự án metro,... sẽ kéo theo xu hướng đầu tư của các DN FDI vào TP bị giảm. Đại diện Hiệp hội Úc cho rằng TP cần ưu tiên giao thông công cộng, cung cấp chỗ giữ xe, hạn chế vận chuyển tư nhân vào khu vực trọng yếu,... để TP không tụt hậu. Nâng cấp hệ thống sân bay và vấn đề kẹt xe quanh khu vực này thì du lịch TP mới phát triển đúng tiềm năng.
"Điểm hạn chế lớn nhất hiện nay của TP là hồ sơ của các DN FDI thường bị trì hoãn, cung cấp không đúng hạn. Đây là thủ tục đầu tiên để thu hút nhà đầu tư mà lại là điều hạn chế thì làm mất điểm trước nhà đầu tư", đại diện Hiệp hội DN Úc cho biết.
Cũng theo các Hiệp hội FDI, việc kiểm tra thuế quan đang làm các DN lo lắng vì nó có chiều hướng sau kiểm tra thì mức nộp thuế có xu hướng tăng. Điều này mất tính minh bạch, cạnh tranh, vừa làm mất thời gian của các DN. Thủ tục hành chính cũng rất nhiêu khê, quá nhiều chi tiết lặt vặt, không đáng để hành DN. "TP.HCM cần sớm cải thiện vấn đề thủ tục hành chính để thu hút các DN FDI hơn nữa, không làm tụt hậu mà ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư", nhiều DN FDI kiến nghị.
Đối thoại với các DN, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2019, TP.HCM lấy trọng tâm là năm cải cách thủ tục hành chính. "Chúng tôi đang làm và làm quyết liệt để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp các DN dễ dàng, nhanh chóng hơn khi đầu tư vào TP.HCM", Bí thư Nhân nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chào mừng các DN FDI tại hội nghị. Ảnh: H.V
Cũng theo Bí thư Nhân, tính từ năm 2016 - 2018, thu hút FDI vào TP.HCM đạt 17,8 tỷ USD, dẫn đầu trong cả nước; giúp TP đóng góp 27% vào ngân sách quốc gia. Năm 2019 là năm TP tăng tốc để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế niên hạn 2016 - 2020, theo đó TP đang tập trung lớn vào 9 nhóm giải pháp, nhằm để TP phát triển nhanh hơn.
Cụ thể, thứ nhất TP tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án bị vướng mắc, ví dụ như dự án Metro số 1. Vừa qua lãnh đạo TP đã làm việc với các nhà thầu Nhật, Việt Nam xung quanh dự án này tuy bị chậm nhưng nhất định cuối năm 2020 cơ bản hoàn thiện để đầu 2021 đưa vào vận hành.
Thứ hai, đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, thu hút vốn xã hội;
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện đề án đô thị thông minh gắn với khu đô thị sáng tạo phía Đông, hoàn thành nghiên cứu, công bố quy hoạch phát triển logistic của TP, hoàn thành đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực, ban hành chiến lược phát triển du lịch, xây dựng một khu công nghiệp mới quy mô hơn 300ha cho các nhà đầu tư nghiên cứu sáng tạo và DN khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc hội thảo để tìm ra các giải pháp phát triển cho TP trong tương lai gần.
"Hiện nay chúng tôi đã đưa ra danh sách 245 dự án kêu gọi đầu tư vào TP. Chúng tôi mong các hiệp hội FDI nghiên cứu xem xét tư vào các dự án này. Và trong hội thảo này mong các bạn góp ý để TP phát triển nhanh hơn cũng như cho ý kiến các bạn đang gặp khó khăn gì để cùng tìm cách khắc phục", Bí thư Nhân nói.
Cùng đó, Bí thư Nhân chỉ đạo UBND TP.HCM cũng như các sở, ngành cần lắng nghe cầu thị để khắc phục những gì mà các DN FDI kiến nghị, góp ý.
Theo Danviet
Đề xuất họp chi bộ trực tuyến Đảng ủy khối doanh nghiệp công nghiệp Trung ương tại TP.HCM kiến nghị nên áp dụng hình thức họp chi bộ trực tuyến để tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị ẢNH: TRUNG HIẾU Chiều 5.3, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết đợt thi đua cao điểm các giải...