Nhiều siêu thị cẩn trọng trước thông tin Arsen trong nước mắm
Trước thông tin Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) cho rằng 67,3% sản phẩm nước mắm có dư lượng Arsen vượt mức cho phép, nhiều siêu thị bán lẻ phía Nam bắt đầu thận trọng hơn trong việc phân phối, kinh doanh các mặt hàng này.
Siêu thị vẫn bán nước mắm truyền thống
Ngày 21.10, theo khảo sát của Dân Việt, quầy hàng kinh doanh các sản phẩm nước mắm tại các siêu thị như Co.opMart, BigC, Lotte Mart… vẫn không thay đổi nhiều. Bên cạnh các sản phẩm nước mắm công nghiệp, các nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc, nước mắm Nha Trang, Phan Thiết… vẫn được bày bán rộng rãi, trưng bày trang trọng, bắt mắt.
Ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, cho biết, trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi, đặc biệt là an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và tuân thủ pháp luật, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op chỉ kinh doanh những mặt hàng đảm bảo tuân thủ các quy định về công bố chất lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định của nhà nước.
Theo đó, tất cả các sản phẩm nước mắm đang bày bán tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đều đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành và được kiểm nghiệm định kỳ.
Ông Đức cũng cho biết, tới thời điểm hiện tại, các mặt hàng nước mắm vẫn kinh doanh bình thường tại siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, … và các mô hình bán lẻ khác của Saigon Co.op mà không có bất kỳ sự xáo trộn nào đáng kể nào.
Thời điểm này, Saigon Co.op tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến Arsen trên nguyên tắc minh bạch và trung thực thông tin nhằm vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như các đơn vị đối tác, nhà sản xuất uy tín cung cấp nước mắm cho siêu thị.
Trong khi đó, ông Vũ Thanh Tân, đại diện truyền thông phía Nam của hệ thống siêu thị BigC, cho biết, hiện tại, việc kinh doanh các sản phẩm nước mắm tại siêu thị này vẫn diễn ra bình thường. BigC chưa có chủ trương ngừng bán sản phẩm nước mắm truyền thống hay yêu cầu giải trình, giải thích gì đối với các nhà cung cấp nước mắm.
Theo đó, siêu thị này hiện vẫn có các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nước mắm. Do đó, sản phẩm khi vào siêu thị phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhất định và có giấy tờ chứng nhận chất lượng đầy đủ.
Vasep kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo làm rõ
Trong khi đó, ngày 21.10, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng lãnh đạo của các Hội nước mắm đã gởi kiến nghị Thủ Tướng Chính Phủ, đồng gởi Bộ NNPTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Công an cùng vào cuộc.
Video đang HOT
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Vasep cho biết, các Hội, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức đô gây thiệt hại của Thông cáo báo chí do Vinastas công bố ngày 16/10/ 2016 đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống. Đồng thời, có cảnh cáo để không tiếp tục xảy ra trường hợp tương tự.
“Công bố này của Vinastas đã gây nhầm lẫn giữa Arsen hữu cơ, luôn có mặt trong cá biển, không độc và Arsen vô cơ rất độc. Nội dung công bố trên chẳng những không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nông độ Arsen trong thực phẩm nói chung, trong nước chấm nói riêng”, văn bản của Vasep nhấn mạnh.
Vasep cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan kiểm tra và xử phạt nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng Arsen gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo không đúng.
Các Hội, Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan công bố công khai trên thông tin đại chúng việc Arsen hữu cơ có mặt trong nước mắm không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời làm rõ mức giới hạn ô nhiễm Arsen trong nước mắm.
Vasep cũng cho biết, Qui chuẩn kỹ thuật về nước mắm đang được Bộ Y tế soạn thảo từ 2012, đưa nhiều qui định về hóa chất phụ gia không phù hợp với nước mắm truyền thống nhưng đến nay không được ban hành. Do đó, các Hội, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng chuyển giao việc soạn thảo và ban hành Qui chuẩn Kỹ thuật cho nước mắm sang Bộ NNPTNT cho phù hợp với chuyên môn, đồng thời thúc đẩy việc ban hành nhanh chóng qui chuẩn kỹ thuật này.
Theo Doanh Nghiệp
'Vụ nước mắm nhiễm asen': Có dấu hiệu câu kết bất lương
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã có cuộc trao đổi về vụ "nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng" và trách nhiệm của báo chí.
Vừa qua Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) đã công bố thông tin về 67% mẫu nước mắm do Hội này khảo sát bị nhiễm Arsen vượt mức cho phép. Thông tin này được đồng loạt đăng, phát trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, như có người nói, đã tạo thành một "chiến dịch truyền thông gây sợ hãi". Bộ trưởng nhận xét gì về sự cố truyền thông này ?
Đúng là một sự cố truyền thông không bình thường, tôi theo dõi rất kỹ.
Trước hết cần chú ý nội dung mập mờ mà Vinastas công bố trong "Thông cáo báo chí" của họ. Sau khi nêu: "Đặc biệt, có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện arsen vô cơ".
Mặc dù vậy, họ không hề giải thích giữa hai loại arsen hữu cơ và vô cơ loại nào là độc hại loại nào là không độc hại, để liền theo đó kết luận: "Theo quy định QCVN 8-2: 2011/BYT, hàm lượng arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/L. Tuy nhiên kết quả thử nghiệm arsen tổng cho thấy 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN này".
Họ còn nhấn mạnh, "các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng", nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống.
Thông tin này đã nhanh chóng được lan truyền trên các phương tiện truyền thông với tần số dày đặc. Ai cũng biết thạch tín là một chất cực độc, thường được sử dụng làm thuốc diệt chuột, nên sự sợ hãi, hoang mang đối với nước mắm bao trùm lên người tiêu dùng. Nếu không xóa tan nỗi sợ hãi này thì ngành sản xuất nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ bị phá sản hàng loạt.
Cần biết, QCVN 8-2:2011/BYT là "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm" được ban hành theo Thông tư số 02/2011/TT/BYT ngày 13-01-2011 của Bộ Y tế. Bản Quy chuẩn này "giới hạn lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận tạm thời" tính theo mg/kg thể trọng đối với 6 thứ kim loại nặng, trong đó có Arsen (As), nhưng bản Quy chuẩn có ghi rõ là tính theo Arsen vô cơ, từ đó quy định giới hạn ô nhiễm 6 thứ kim loại nặng trong thực phẩm, trong đó giới hạn arsen trong nước chấm là 1mg/l.
Như vậy là bản Quy chuẩn chỉ có quy định giới hạn về Arsen vô cơ, không có quy định về Arsen hữu cơ hay "Arsen tổng" như Vinastas tự đặt ra.
Arsen vô cơ mới chính là thạch tín độc hại, còn Arsen hữu cơ là chất tồn tại tự nhiên trong hải sản hay các nguyên liệu làm nước chấm, không độc hại gì đối với cơ thể con người, vì vậy mà không quy định giới hạn. Ngay cả những nước rất chặt chẽ về an toàn thực phẩm như châu Âu hay Mỹ cũng không quy định giới hạn arsen hữu cơ.
Kết quả khảo sát của Vinastas về thạch tín trong nước mắm, nếu công bố một cách trung thực thì phải công bố các mẫu nước mắm được khảo sát không nhiễm thạch tín theo QCVN 8-2:2011/BYT mới chính xác, nhưng họ đã không làm như vậy.
Về động cơ, sự tùy tiện và sai phạm của những người tổ chức khảo sát và công bố thông tin, liệu có ai đứng đằng sau điều khiển việc đó, đề nghị các cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ. Ở đây tôi chỉ nói về trách nhiệm của các cơ quan báo chí và các nhà báo.
Điều tôi nói trên đây về bản Quy chuẩn, bất cứ phóng viên nào viết về an toàn thực phẩm đều nhất định phải biết, chẳng cần đến sự chỉ dẫn của các nhà chuyên môn, bởi vì phóng viên viết về lĩnh vực nào đều phải có kiến thức nền về lĩnh vực đó.
Trong trường hợp này, phóng viên phải nhận ra ngay sự mập mờ trong bản "Thông cáo báo chí" của Vinastas và lẽ ra họ phải lập tức đối chiếu bản QCVN 8-2:2011/BYT, xem trong đó quy định những gì, việc này chỉ cần chưa tới 5 phút tra cứu. Nếu phóng viên cẩu thả thì biên tập viên nhất định phải làm điều đó.
Một thông tin liên quan đến tâm trạng của hàng chục triệu người (tiêu dùng nước mắm) và công ăn việc làm của hàng chục vạn người (sản xuất nước mắm) mà được đưa một cách cẩu thả không kiểm soát, xin nói thẳng là cơ quan báo chí đó liệu có đáng được công chúng tin cậy?
Đó là giả định những cơ quan báo chí và các nhà báo đưa tin trên là lương thiện, chỉ cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp mà thôi. Còn việc nếu có sự câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm "con tin" nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này gây hại cho doanh nghiệp kia thì trở thành một vấn đề khác. Đó không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật.
* Có nghĩa là Bộ trưởng đã nhận ra sự câu kết bất lương này ?
Có dấu hiệu. Vì ở đây có sự bất thường. Bất thường ở chỗ, cùng một sự kiện mà một loạt các cơ quan báo chí đều cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp hệt như nhau, thậm chí việc rút tít bản tin cũng na ná như nhau.
Một bài báo, một bản tin viết sai sự thật không phải là cá biệt trong làng báo nước ta, nhưng người đọc bình thường rất dễ nhận ra cái sai nào do trình độ, do sự cẩu thả và cái sai nào do cố ý, thậm chí họ còn dễ dàng nhận ra sự dối trá trong những cái "không sai" nhưng sự thật bị cắt xén, bị che giấu.
Người đọc bình thường cũng dễ nhận ra đâu là cái sai do "tai nạn nghề nghiệp" của một nhà báo riêng lẻ, đâu là sự dối trá hùa theo đám đông có chủ đích. Cơ quan quản lý truyền thông lẽ nào lại không nhận ra những điều mà người đọc bình thường cũng dễ nhận ra. Nhưng cơ quan quản lý của Nhà nước không kết luận dựa vào trực giác, dựa vào sự suy diễn cảm tính. Phải điều tra mới ra chứng cứ để kết luận.
. Thưa bộ trưởng, một số nhà chuyên môn về an toàn thực phẩm đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng khẳng định sự vô hại của Arsen hữu cơ. Nhiều báo cũng bắt đầu phản bác lại thông tin của Vinastas. Có vẻ như thông tin đang bị đảo ngược ?
Vấn đề là sự đồng loạt của thông tin ban đầu. Như tôi đã nói, nếu như các cơ quan báo chí đưa thông tin ban đầu đó không cẩu thả hoặc cố tình bẻ cong sự thật thì đã không có sự lan truyền tai hại như vậy. Sự phản bác của các nhà chuyên môn và những bài phân tích ngược lại sau đó của một số báo, đối với công chúng chỉ là sự tranh cãi, "phản biện", đúng sai chưa ngã ngũ, bởi vậy không đủ tác dụng đảo ngược thông tin.
Tôi còn nghe nói có thể những người tổ chức chiến dịch truyền thông này bảo với nhau rằng chỉ cần thông tin ban đầu đó tồn tại trên báo điện tử vài ngày, sau đó dù có bị gỡ bỏ thì cũng đã đạt được mục đích gây sợ. Bởi vậy, dù sai phạm đã thấy như tôi nói ở trên, nhưng các cơ quan Nhà nước có liên quan cần điều tra làm rõ động cơ, truy ra sự câu kết, xác định mức độ sai phạm và hậu của của sai phạm để xử lý nghiêm minh và thông báo đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chỉ đến khi ấy mới thực sự xóa tan được nỗi hoang mang, sợ hãi của người dân, mới cứu được ngành sản xuất nước mắm truyền thống thoát khỏi cơn điêu đứng.
. Nhiều người cho rằng đang có một "cuộc chiến" giữa các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống và một bộ phận truyền thông cũng đang chia thành hai phe, phe nào cũng "ăn tiền" doanh nghiệp. Bộ trưởng có ý kiến gì về chuyện này?
Tôi cũng nghe như vậy, nhưng không nên kết luận tùy tiện. Nước mắm công nghiệp hay nước mắm truyền thống, nếu bảo đảm những điều kiện về an toàn thực phẩm, đều là những sản phẩm hàng hóa hợp pháp đáp ứng những khẩu vị khác nhau của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp có quyền cạnh tranh lành mạnh để phát triển trong khuôn khổ của Luật Cạnh tranh. Cũng như đối với các sản phẩm khác, việc thông tin trung thực, khách quan về chất lượng nước mắm công nghiệp hay nước mắm truyền thống là điều bình thường của báo chí, không nên suy diễn báo chí hễ khen hay chê đều "ăn tiền" doanh nghiệp.
Các nhà báo chính trực khen ai thì khen đúng, chê ai thì chê đúng. Các bạn có thể yên tâm, công chúng không bao giờ nhầm lẫn, cơ quan quản lý báo chí cũng không nhầm lẫn. "Mùi vị" tiêu cực trong làng báo là dễ phát hiện nhất, và như dân gian thường nói, cây kim trong bọc trước sau gì cũng lòi ra.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các cơ quan chủ quản báo chí quyết làm trong sạch đội ngũ những người làm báo để bảo vệ sự trong sáng và niềm tự hào của đội ngũ những người làm báo chân chính, trong đó có việc loại bỏ những phần tử lạm dụng quyền tự do báo chí, bẻ cong ngòi bút để tiếp tay cho các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của một bộ phận doanh nghiệp hoặc phục vụ các "nhóm lợi ích" một cách phi pháp.
. Xin cám ơn Bộ trưởng.
Theo Lưu Nguyễn (Pháp Luật TPHCM)
Vinastas trần tình vụ công bố nước mắm chứa thạch tín "Ý kiến cho rằng chúng tôi tiếp tay cho doanh nghiệp sản xuất nước mắm tuyên bố không chứa asen là sai", ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) nói. Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia...