Nhiều “sếp” sẽ buộc phải nhận khoán xe công!
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hướng tới quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bắt buộc đối với một số địa bàn, đối tượng.
Như tin đã đưa, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 yêu cầu Chính phủ thực hiện việc khoán xe công. Tuy nhiên, đây chỉ là một nội dung khá nhỏ trong bản Nghị quyết này, theo đó chỉ “từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh”.
Nói về lộ trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, người phát ngôn Chính phủ – Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính theo dõi, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015.
Ảnh minh họa: Việt Hưng
Quyết định này quy định rõ tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Bộ trưởng Nên cho hay, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Video đang HOT
Theo dự luật này, cơ chế quản lý xe ô tô công sẽ tiếp tục được đổi mới, hướng tới quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bắt buộc đối với một số địa bàn, đối tượng có đủ điều kiện nhận khoán mà không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án, lộ trình thực hiện khoán xe công để đưa vào Dự án Luật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, việc khoán xe công có thể áp dụng với các chức danh được tiêu chuẩn xe đưa đón có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên.
Áp dụng quy định này, mỗi tỉnh sẽ chỉ có 3 chức danh là Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch tỉnh có tiêu chuẩn đưa đón, còn ở Trung ương thì thực hiện khoán với các chức danh tương đương Thứ trưởng trở xuống.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số lượng xe công của Việt Nam hiện lên tới 40.000 xe, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước. Một xe công trung bình mỗi năm tiêu tốn khoảng 320 triệu đồng, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu… Như vậy, ước tính mỗi năm, 40.000 xe công sẽ tiêu tốn tới 12.800 tỷ đồng tiền ngân sách.
Trong khi đó, nếu thực hiện cơ chế khoán thì mỗi tháng, người nhận khoán được nhận khoảng 10 triệu đồng, mỗi năm khoảng 120 triệu đồng cho chi phí đi lại. Mức chênh lệch là khá lớn so với chi phí “nuôi” một xe công là 320 triệu đồng kể trên. Do đó, nếu cơ chế khoán xe công được thực hiện phổ biến sẽ tiết kiệm một khoản tiền lớn cho ngân sách nhà nước.
Được biết, trong cơ cấu các loại xe công, năm 2014 có 872 xe phục vụ chức danh, 24.460 xe phục vụ công việc chung và 11.565 xe chuyên dùng.
Số lượng xe phục vụ chức danh đã giảm từ 996 xe năm 2012 và 937 xe năm 2013. Tuy nhiên, giá xe trung bình lại tăng từ 850 triệu đồng năm 2012 lên 889 triệu đồng năm 2013 và 923 triệu đồng năm 2014.
Bích Diệp
Theo Dantri
Đề xuất Quốc hội ra Nghị quyết buộc thực hiện khoán xe công
Bên hành lang Quốc hội, sáng 3/11, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết đã đề xuất Quốc hội đưa vào dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp này quy định về việc khoán chi phí xe công phục vụ vào lương đối với các chức danh tương đương Thứ trưởng trở xuống.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển ủng hộ việc áp dụng bắt buộc chung việc khoán xe công với một số chức danh (ảnh: Việt Hưng).
Trao đổi về những con số biết nói, 40.000 xe công (chưa kể xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp nhà nước) tiêu tốn gần 13.000 tỷ đồng/năm mà Bộ Tài chính công bố mới đây, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, qua ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, UB đã đề xuất ra Nghị quyết về việc khoán xe công.
Cụ thể, UB Tài chính Ngân sách đã đề nghị đưa việc khoán xe vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ngay tại kỳ họp này với nội dung, giao Chính phủ thực hiện việc khoán xe công cho một số chức danh. Việc này thể hiện tinh thần đổi mới và tiết kiệm chi tiêu.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng nói rõ là việc khoán không phải thực hiện với tất cả các loại xe. Với các loại xe của công an, quân đội, cứu thương, xe vệ sinh môi trường, như phân tích của ông Hiển, cũng là xe công nhưng không thể thực hiện khoán được mà chỉ làm sao quản lý xăng xe tiết kiệm nhất , để chi phí ở mức thấp nhất.
Việc khoán xe công, theo ông Hiển, là một bước khởi đầu để đến khi cải cách tiền lương, trong cơ cấu tiền lương sẽ có khoản chi cho những người, những chức danh có tiêu chuẩn xe công phục vụ theo quy định của nhà nước.
Chủ nhiệm UB Tài Chính Ngân sách thông tin thêm, hiện tại Chính phủ cũng đã có phương án khoán chi phí vào lương đối với một số chức danh có tiêu chuẩn đưa đón bằng xe công. Cách này tạo nên chủ động cho người có chế độ và giúp giảm chi phi phí, giảm biên chế hợp đồng lái xe. So sánh chi phí việc khoán xe với việc trang bị xe công phục vụ các chức danh, khoán xe sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chưa nhiều người "mặn mà" với việc này và việc khoán cũng chưa áp dụng bắt buộc.
Giải thích rõ là nếu việc khoán xe được đưa vào nghị quyết của Quốc hội thì quy định có giá trị bắt buộc phải thực hiện nhưng Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng gợi ý thêm, thực hiện khoán cho chức danh cụ thể nào sẽ do Chính phủ quy định.
Ông Hiển nêu quan điểm, có thể áp dụng với các chức danh được tiêu chuẩn xe đưa đón có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên. Áp dụng quy định này, mỗi tỉnh sẽ chỉ có 3 chức danh là Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch tỉnh có tiêu chuẩn đưa đón, còn ở Trung ương thì thực hiện khoán với các chức danh tương đương Thứ trưởng trở xuống.
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng: Để toà nhà lớn mọc bên Lăng Bác chứng tỏ quản lý yếu kém Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 chiều tối hôm nay, 29/10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết Thủ tướng đã có kết luận sau cùng về toà cao ốc 8B Lê Trực. Thủ tướng nhận định sai phạm xảy ra do chủ đầu tư và hoạt động quản lý yếu...