Nhiều sai phạm tại 4 tổng công ty thuộc Tập đoàn Than-Khoáng sản
Thanh tra Chính phủ phát hiện rất nhiều sai phạm, các khoản đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ, nguy cơ mất vốn tại Tổng công ty Điện lực Vinacomin, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc (VVMI), Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin (Vimico) và Tổng công ty Hoá chất mỏ (Micco).
Trụ sở Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam.
Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam ( TKV) và một số đơn vị thành viên thời kỳ năm 2010 đến ngày 30/6/2015 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều vi phạm tại Tổng công ty Điện lực Vinacomin, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc (VVMI), Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin (Vimico), Tổng công ty Hoá chất mỏ (Micco).
Đầu tư nghìn tỷ hiệu quả thấp, thua lỗ nhiều năm
Kết luận cho biết, các tổng công ty không xem xét, tính toán kỹ tính khả thi và hiệu quả trước khi quyết định đầu tư, dẫn đến thiếu cơ sở thực tế, không đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và hiệu quả trong việc quyết định góp vốn đầu tư.
Hậu quả là hiệu quả thấp, lỗ, nguy cơ mất vốn. Trong đó, Tổng công ty Điện lực đầu tư trên 2.957 tỷ đồng tỷ suất lợi nhuận bình quân rất thấp; VVMI đầu tư trên 503 tỷ đồng chưa mang lại hiệu quả; Vimico đầu tư vào 6 đơn vị ngoài ngành nghề kinh doanh chính không có hiệu quả, thua lỗ nhiều năm, nguy cơ mất vốn; đặc biệt khoản đầu tư của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên-TMC góp vốn liên doanh để xây dựng Nhà máy sản xuất bột ôxit kẽm, lỗ, mất hết vốn chủ sở hữu, xác nhận bảo lãnh vượt thẩm quyền, phải chịu trách nhiệm với khoản nợ 13.785.678 USD; Micco đầu tư vào Công ty CP Xi măng Tân Quang lỗ luỹ kế đến hết năm 2014 là trên 104 tỷ đồng.
Micco đã cho một số doanh nghiệp vay trên 34 tỷ đồng nhưng không có khả năng thu hồi; năm 2014 tiếp tục thực hiện cho vay vốn trung, dài hạn không đúng quy định gần 78 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ phát hiện, nhiều đơn vị chưa chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án. Điển hình là việc chỉ định thầu dự án, gói thầu không đúng quy định, phê duyệt và điều chỉnh tổng mức đầu tư, thiết kế, dự toán, quyết toán các chi phí đầu tư thiếu cơ sở pháp lý, vi phạm quy định của nhà nước.
Cụ thể, Tổng công ty Điện lực Vinacomin có 5/7 dự án chậm tiến độ, dự án Nhà máy nhiệt điện Lý Sơn phải dừng triển khai lãng phí trên 14,7 tỷ đồng; phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án sai quy định 49 tỷ đồng tại các dự án Thuỷ điện Đồng Nai 5, nhiệt điện Nông Sơn, Cao Ngạn, Lý Sơn.
VVMI phê duyệt dự án nhà máy xi măng La Hiên không đảm bảo đủ, đúng nguồn nguyên liệu dẫn tới tăng chi phí mua nguyên liệu đầu vào và không chủ động trong sản xuất. Đồng thời phê duyệt dự án hầm lò Rìa moong lộ thiên mỏ than Khánh Hoà thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, xảy ra sự cố, kinh doanh không hiệu quả, tăng tổng mức đầu tư trên 109 tỷ đồng.
Bộ Công Thương và Vimico phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán tổ hợp Đồng Sin Quyền thiếu sản phẩm tinh quặng đất hiếm, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án Khu liên hợp gang thép Cao Bằng thiếu trạm phát điện sử dụng từ khí than dư, gây lãng phí; sử dụng vốn dự án sai mục đích để xây dựng trụ sở làm việc 44 tỷ đồng.
Trong việc quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên khoáng sản, Thanh tra Chính phủ phát hiện VVMI chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước diện tích gần 4.900m2, quản lý và sử dụng sai mục đích khu đất số 93 Láng Hạ và 30B Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).
Video đang HOT
Tại Vimico, cơ quan thanh tra chỉ rõ đã và đang quản lý, sử dụng đất sai mục đích khu đất giao cho Trung tâm Điều trị bệnh nghề nghiệp và Phục hồi chức năng lao động (tại Thị trấn Quất Lâm, Giao Thuỷ, Nam Định), phải truy thu tiền sử dụng đất trên 4.700m2.
Tổng công ty này cũng sử dụng và được cấp phép đầu tư xây dựng sai quy định khu nhà nghỉ, điều dưỡng trên diện tích đất nông nghiệp 5.000m2 tại Sa Pa (Lào Cai). Công ty cổ phần Vàng, Lào Cai khai thác quặng vàng gốc trên diện tích 528.648m2 quá hạn giấy phép từ ngày 18/11/2015 chưa được gia hạn.
Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin (Vimico).
Những khoản mập mờ
Theo kết luận thanh tra, do việc quy định về cơ chế và thực hiện quản lý chi phí, ký kết hợp đồng mua bán của Tổng công ty Điện lực Vinacomin, TKV và Bộ Công thương liên quan đến giá thành điện chưa hợp lý, không đúng quy định tại các nhà máy điện, làm tăng giá thành điện, giảm lợi nhuận doanh nghiệp.
Cụ thể, hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá vào chi phí đến thời điểm tháng 6/2015 trên 3.311 tỷ đồng; không quy định và thực hiện điều chỉnh giá điện khi giá dầu giảm trong thời gian từ tháng 8/2014 đến tháng 9/2015, làm tăng giá thành trên 416 tỷ đồng. Xác định giá điện không đúng theo giá than thực tế mua vào, tăng chi phí năm 2014 trên 207 tỷ đồng…
Đến hết năm 2014, tổng công ty này đang nợ quá hạn thanh toán cho TKV số tiền 1.380 tỷ đồng là các khoản chi phí lãi vay, phí phải trả TKV, phải tính lãi phạt chậm trả, nhưng TKV chưa chưa thực hiện.
Tổng công ty Vimico được TKV xếp là doanh nghiệp loại A trong năm 2013-2014 không đúng quy định, trích quỹ khen thưởng, phúc lợi không đúng trên 64 tỷ đồng.
Tổng công ty Micco phân bổ một số chi phí chưa phù hợp quy định, dẫn đến chênh lệch về doanh thu giữa tính toán và thực tế trên 131 tỷ đồng.
Cơ quan thanh tra chỉ rõ VVMI đã thanh toán thiếu khối lượng gần 36.000 tấn than do không thực hiện việc quy về độ ẩm trung bình, cần phải truy thu thuế đối với các đơn vị mua, bán. Trong đó, Công ty Than Na Dương kê khai và nộp thuế tài nguyên không đúng quy định, phải nộp bổ sung gần 45 tỷ đồng. Các công ty than Na Dương, Núi Hồng và Khánh Hoà không làm thủ tục để được khấu trừ tiền đền bù giải phóng mặt bằng mà hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh than gần 769 tỷ đồng không đúng quy định, tăng giá thành, giảm lợi nhuận…
Kết luận thanh tra khẳng định, TKV xác định giá trị của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương thuộc Tổng công ty Điện lực Vinacomin tại thời điểm định giá ngày 1/4/2014 bằng nguyên giá tại thời điểm năm 2005 là không đúng quy định, làm giảm giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 604,6 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên chưa nộp về Quỹ sắp xếp và Đổi mới doanh nghiệp trên 25 tỷ đồng…
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Thế Kha
Theo Dantri
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm tại Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2010 - 2015
Thanh tra Chính phủ khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành quyết định đặt các tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Hệ thống tín dụng có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa có giải pháp tiến hành thanh tra đồng bộ và kịp thời.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chiều 1/9, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo Kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo kết luận thanh tra, trong những năm qua ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào sự ổn định, phát triển kinh tế- xã hội chung cả nước. Ngân hàng Nhà nước đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển của ngành ngân hàng, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính. Đồng thời đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao trật tự, kỷ cương và hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, công tác giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước chưa tổng hợp và phân tích sâu sắc các báo cáo của tổ chức tín dụng để đánh giá chính xác các nội dung: diễn biến về cơ cấu tài sản nợ và tài sản có; chất lượng tài sản có; vốn tự có; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh; việc thực hiện quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác.
"Chất lượng công tác giám sát từ xa chưa cao trong việc phát hiện các tiểm ẩn rủi ro, chưa đánh giá nguy cơ tiềm ẩn đối với các tổ chức tín dụng; chưa phát huy được hiệu quả của vai trò cảnh báo hệ thống"- kết luận nêu rõ.
Việc lựa chọn đối tượng thanh tra tại kế hoạch thanh tra chi tiết của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng chưa phù hợp với định hướng. Hệ thống tín dụng có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa có giải pháp tiến hành thanh tra đồng bộ và kịp thời; không rà soát và phối hợp với kết quả giám sát từ xa đề xây dựng kế hoạch. Điều này dẫn đến việc các năm luôn phải điều chỉnh kế hoạch một cách bị động.
"Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm so với quy định tại Khoản 3, Điều 36 Luật Thanh tra"- kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Trong thời gian từ ngày 1/1/2010 đến 30/6/2015, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước TPHCM có nhiều khuyết điểm, vi phạm. Cụ thể, một số cuộc thanh tra vượt quyết định, không thực hiện hết nội dung được phê duyệt trong kế hoạch. Một số kết luận thanh tra việc kiến nghị, xử lý đối với các vi phạm chưa nghiêm theo các quy định của pháp luật; không xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có vi phạm.
"Chưa kịp thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh hữu hiệu đối với một số tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả. Các tổ chức tín dụng có nhiều vi phạm nhưng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa kịp thời phát hiện để xử lý, ngăn chặn"- Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành quyết định đặt các tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 3 Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Về công tác phòng chống tham nhũng, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng các văn bản hướng dẫn về kê khai và công khai tài sản, thu nhập của Ngân hàng Nhà nước không tuân thủ các quy định tại Nghị định 78/2013 của Chính phủ và thông tư của Thanh tra Chính phủ. Điều này dẫn tới việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của Ngân hàng Nhà nước hàng năm chưa đúng về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, chậm thời gian.
"Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không giao nhiệm vụ cho Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu về việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập mà giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các đơn vị tự lập, danh sách các đơn vị lập không được Thống đốc phê duyệt là chưa đúng quy định"- thông báo kết luận cho hay.
"Thấy dấu hiệu tội phạm cần chuyển cơ quan điều tra"
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát các quy định, hướng dẫn trong công tác thanh tra, giám sát và phòng chống tham nhũng để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Đồng thời kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng nhà nước tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, các cá nhân có vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra.
Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng phải rà soát các kết luận thanh tra phát hiện vi phạm hành chính nhưng chưa tiến hành xử phạt hoặc xử phạt không đúng quy định pháp luật để xử lý theo đúng quy định.
Ngoài việc xử lý các vi phạm của tổ chức tín dụng mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, Thanh tra Giám sát ngân hàng cần sớm chỉ đạo ngân hàng nhà nước các tỉnh, thành phố giám sát, đôn đốc chặt chẽ việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra; nếu thấy dấu hiệu tội phạm cần chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội và TPHCM theo thẩm quyền, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân về các khuyết điểm, vi phạm đã được cơ quan này phát hiện.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến đồng ý với kết luận thanh tra của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình.
Thế Kha
Theo Dantri
Nghi vấn cán bộ thanh tra làm giả giấy phép xây dựng Ngày 9/12, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, đơn vị đang xác minh làm rõ vụ cán bộ thanh tra làm giấy phép xây dựng nhà giả mạo cấp cho một hộ dân ngụ tại TP Đà Lạt. Trước đó vào tháng 8/2016, Đội thanh tra xây dựng TP Đà Lạt (Đội trật tự xây dựng) và UBND phường 8...