Nhiều quốc gia yêu cầu EU bổ sung ngân sách hỗ trợ người tị nạn từ Ukraine
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Hãng thông tấn Séc (CTK) ngày 3/5 đưa tin đại diện hàng chục quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) cung cấp thêm tài chính để giúp giải quyết vấn đề người tị nạn từ Ukraine.
Người dân Ukraine sơ tán tránh chiến sự tại thành phố Irpin, phía Tây Bắc Kyiv, Ukraine ngày 5/3/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong bức thư chung gửi Uỷ ban châu Âu, các quốc gia trên, trong đó có Cộng hòa Séc, đã đề xuất EU sử dụng các khoản dự trữ bất thường từ ngân sách hoặc EC cần linh hoạt hơn trong việc quản lý ngân sách trợ cấp quốc gia trong các quỹ liên kết.
Nội dung thư nhấn mạnh các quốc gia EU ‟cần làm mọi cách trong khả năng vì Ukraine và người dân Ukraine trong thời điểm hiện nayˮ. Bức thư có chữ ký của đại diện các chính phủ Séc, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Croatia.
Theo nội dung thư, các chính phủ nêu trên đề xuất EU phê duyệt viện trợ khẩn cấp bằng ngân sách lấy từ Quỹ dự trữ đoàn kết và viện trợ khẩn cấp (SEAR) hoặc từ các khoản dự trữ khác trị giá hàng tỷ euro của EU. Ngoài ra, số tiền chưa sử dụng đến thuộc ngân sách EU trong năm 2022 cũng có thể được huy động để viện trợ.
Đại diện các chính phủ EU cũng kêu gọi EC gia hạn thời hạn hoàn thành các dự án từ giai đoạn kết thúc Chương trình hỗ trợ của EU giai đoạn 2014-2020, qua đó cho phép các khoản trợ cấp được hoàn trả một năm sau đó. Bộ trưởng Phát triển Khu vực của Séc Ivan Bastos nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan đến người tị nạn Ukraine cũng đang ảnh hưởng đến những người thụ hưởng các dự án thuộc Chương trình 2014-2020, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu nguyên vật liệu và nguồn nhân lực khiến nhiều dự án khó hoàn thành đúng thời hạn.
Kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine, đã có khoảng 5,5 triệu người tị nạn từ Ukraine di chuyển tới các quốc gia EU, chủ yếu là Ba Lan và các nước Đông Âu. EC đã cho phép các quốc gia thành viên EU sử dụng khoản tiền tồn trong giai đoạn thực hiện Chương trình hỗ trợ 2014-2020 để đối phó với làn sóng tị nạn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bastos, riêng đối với Séc, nguồn ngân sách do EU hỗ trợ là chưa đủ do Séc đã sử dụng gần hết số tiền được cấp, trong khi số còn lại không thể huy động do các điều khoản ràng buộc mang tính phức tạp và ngặt nghèo.
Quan chức EU gợi ý về kế hoạch Marshall cho Ukraine
Ủy viên Ngân sách châu Âu Johannes Hahn cho rằng Ukraine sẽ cần một kế hoạch tái thiết sau xung đột, tương tự kế hoạch mà Mỹ đã đề nghị với châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Ủy viên châu Âu phụ trách quản lý và ngân sách Johannes Hahn. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu với báo giới ngày 6/4, ông Hahn nhấn mạnh trong thời gian tới, cần có một mô hình cập nhật của Kế hoạch Marshall dành cho Ukraine. Theo ông, kế hoạch này sẽ giúp Ukraine phục hồi nhanh chóng, thay vì phải mất nhiều thập kỷ, và sẽ giúp Kiev hội nhập nhanh hơn vào Liên minh châu Âu (EU).
Ủy viên Hahn không đưa ra ước tính về số tiền cần thiết, nhưng lưu ý rằng nỗ lực tái thiết Ukraine không thể do châu Âu gánh vác mà có lẽ cần có sự tham gia của của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bao gồm cả Nga. Ông cũng nêu rõ để trang trải chi phí liên quan đến tiếp nhận hàng triệu người từ Ukraine sang các nước EU lánh nạn, các quốc gia thành viên có thể sử dụng một số khoản tiền được phân bổ theo ngân sách chung cho giai đoạn 2021-2027.
Kế hoạch Marshall nằm trong chương trình của Mỹ thời hậu chiến. Theo chương trình này, Washington đã viện trợ cho châu Âu khoảng 200 tỷ USD trong 4 năm, bao gồm các khoản đầu tư kinh tế và hỗ trợ công nghệ.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật đơn giản hóa hỗ trợ quân sự cho Ukraine Ngày 7/4, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự thảo luật cho vay - cho thuê, được soạn thảo để đơn giản hóa việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN Theo kết quả bỏ phiếu được công bố trên trang web của Thượng viện, các thượng nghị sĩ Mỹ...