Nhiều phụ huynh nhẹ lòng khi con được nghỉ thêm vì lo dịch COVID-19 (nCoV)
Lo lắng cho sức khỏe của con trong thời gian tới, nhiều phụ huynh có con học mầm non, phổ thông mong muốn kéo dài thời gian nghỉ học để phòng chống COVID-19 (nCoV).
Nhiều phụ huynh mong muốn con tiếp tục được nghỉ học để phòng chống COVID-19 (nCoV). Ảnh: Q.Anh
Qua dịch, trẻ đến trường phụ huynh sẽ yên tâm
Tính tới thời điểm cuối giờ chiều ngày 14/2, Hà Nội một số địa phương đã có thông báo cho học sinh được nghỉ học lần 3 kéo dài đến hết ngày 23/2 để phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV). Trong khi đó, một số địa phương khác cũng đã lên phương án để học sinh quay lại trường học vào ngày 17/2 tới. Liên quan đến việc học hay nghỉ của các con, giữa các phụ huynh cũng chia thành hai luồng ý kiến trái chiều trên các diễn đàn. Trong đó hầu hết bậc cha mẹ đều tỏ rõ sự lo lắng khi để con quay trở lại trường. Dẫu biết rằng tùy từng địa phương sẽ có những phương án khác nhau, nhưng tâm lý “phòng bệnh” của phụ huynh lúc này cũng là dễ hiểu.
Chia sẻ mong muốn của bản thân, nhất là sau hai tuần qua dù nhiều vất vả trong bố trí người trông nom con ở nhà, song phụ huynh Nguyễn Văn Toán (ở Nam Định) có hai con đang học tiểu học, THCS cho biết: “Con nghỉ học ở nhà, bố mẹ phải cắt cử trông nom, thậm chí thường xuyên gọi điện về nhà nắm bắt, kiểm tra con ở nhà ra sao… Tuy nhiên, những vất vả của vợ chồng cũng khắc phục được bởi sự an toàn của con được đặt lên hàng đầu. Tôi được biết các nhà trường đều đẩy mạnh các phương án phòng chống dịch bệnh, nhưng thú thực con đi học vào thời điểm này chúng tôi vẫn cứ lo”.
Bày tỏ mong muốn con tiếp tục được nghỉ học, chị Lê Thanh Tuyền (ở Ninh Bình) tâm sự: “Tôi có hai con, một học mầm non, một học tiểu học nên cũng khá lo lắng trong chuyện con đi học trở lại. Đợt này may có bà ngoại trông nom các cháu nên cũng đỡ trong những ngày nghỉ. Con nghỉ học ở nhà cũng được cô giao phiếu bài tập làm thêm, con cũng chịu khó ôn bài nên nề nếp học tập vẫn giữ ổn định. Nếu qua đợt dịch bệnh, trẻ đến trường lại phụ huynh sẽ yên tâm”.
Còn tại TP HCM, nơi mà học sinh được nghỉ học nếu tính từ Tết đến nay đã tròn 1 tháng, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn con được nghỉ học kéo dài qua đợt dịch. “Con nghỉ học ở nhà nhiều cũng thấy chán và muốn được quay lại trường gặp cô giáo, bạn bè…
Tuy nhiên, đang trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, việc đi học trở lại của con cũng cần phải cân nhắc. Nếu con được nghỉ thêm, thời gian năm học có thể kéo dài sang dịp hè cũng không sao, vì quãng thời gian nghỉ hè của các con cũng khá dài. Nên ưu tiên nghỉ học vào thời điểm tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, khi nào thực sự an toàn, các con trở lại trường học tiếp cũng không sao”, phụ huynh Trần Thùy Linh (quận 10, TP HCM) cho hay.
Video đang HOT
Vệ sinh, khử trùng trường lớp
Theo ghi nhận tại một số địa phương, ngành GD&ĐT, các trường học cũng đã có kế hoạch dạy, phụ đạo cho học sinh theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, một số nơi cũng đã hướng dẫn các trường có kế hoạch dạy bù đối với khoảng thời gian học sinh nghỉ học. Trong đó, đối với trường học một buổi có thể tăng cường học bù vào buổi chiều, còn đối với những trường học hai buổi/ngày vẫn bố trí học bù chính khóa vào buổi chiều; tăng cường học bù vào ngày thứ Bảy… Thậm chí, có thể kéo dài thời gian nghỉ năm học theo chủ trương của Bộ GD&ĐT.
Trước mối lo lắng của phụ huynh hiện nay, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Đây có thể coi là đợt “tập dượt” đối với ngành Giáo dục, cũng như toàn thể phụ huynh, học sinh cả nước trước sự cố bất khả kháng. Điều này cũng rất cần thiết để chúng ta có thái độ ứng phó cần thiết với những trường hợp cấp bách có thể xảy ra trong thời gian tới.
Phụ huynh mong muốn con được nghỉ học kéo dài thêm cũng là dễ hiểu bởi ai cũng muốn con cái được an toàn, khỏe mạnh. Theo tôi, nên có quyết định cho học sinh nghỉ học trên diện rộng, ưu tiên những nơi có đông dân cư, nhiều học sinh như thành phố chẳng hạn, chứ không nên mỗi nơi nghỉ một kiểu khác nhau như hiện nay”.
Liên quan đến vấn đề học sinh đi học trở lại sau đợt nghỉ phòng chống dịch, sau khi xin ý kiến về mặt chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố; các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp sư phạm về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV) khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Trong đó, Bộ đề nghị các đơn vị, nhà trường tham mưu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường nhân lực y tế cho trường học; bố trí đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo đến từng nhà trường; thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo chuyên môn của Bộ Y tế…
Theo chỉ đạo của Bộ, các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học trở lại sau khi đã tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho học sinh (nước sạch và xà phòng), hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm.
Đối với các địa phương có báo cáo trường hợp bệnh, ngoài yêu cầu trên, tiếp tục theo dõi sát tình hình và chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã có các biện pháp phòng bệnh cho học sinh; trường hợp nhiễm bệnh đã được tiến hành cách ly và không phát sinh ca mới – thực hiện như khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 12/2, Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT góp ý về nội dung phòng, chống dịch COVID-19 (nCoV) trong trường học. Theo đó, trước khi đến trường, cha mẹ cần lưu ý giúp con tăng cường sức khỏe như súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng thường xuyên. Học sinh giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn, uống chín, đảm bảo chế độ đầy đủ dinh dưỡng. Học sinh hạn chế tiếp xúc vật nuôi, động vật hoang dã.
Đối với trẻ mầm non, học sinh, cha mẹ có trách nhiệm đo nhiệt độ cho con. Nếu con sốt hoặc ho, khó thở, phụ huynh chủ động cho nghỉ học, theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu cần thì đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị… Nhà trường bố trí người đón và giao học sinh tại cổng. Cha mẹ không vào trong trường. Bảo vệ hạn chế cho người không có nhiệm vụ vào trường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu chưa làm được cho phụ huynh, học sinh an tâm thì chưa cho đi học lại
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus corona (COVID-19) diễn ra sáng 14/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có ý kiến về việc cho học sinh đi học trở lại. Phó Thủ tướng nêu rõ: “Ngày 11/2, tôi đã yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương có hướng dẫn thật chi tiết, dễ hiểu để các cấp, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh sau khi quay trở lại trường học. Tinh thần là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại.
Trước hết, nhất thiết chính quyền, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để bảo đảm trường học, lớp học thật sự an toàn. Nhưng như vậy cũng chưa đủ mà phải hướng dẫn, tuyên truyền để phụ huynh, học sinh an tâm. Chưa làm được cho phụ huynh và học sinh an tâm thì chưa cho đi học trở lại ngay. Đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thực sự an toàn. An toàn cả dưới giác độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, của phụ huynh học sinh. An toàn và an tâm. Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn còn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học” .
“Việc cho học sinh nghỉ học tiếp chắc chắn có gây xáo trộn, trở ngại cho ngành Giáo dục và cả công việc, sinh hoạt của các bậc phụ huynh, của xã hội. Tuy nhiên những điều đó không thể đo được với sức khỏe, sự an tâm, tin tưởng của nhân dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Những việc liên quan đến người dân thì ngoài yếu tố chuyên môn phải đặc biệt lưu ý tới sự đồng thuận của người dân. Vì thế, theo Phó Thủ tướng, cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Dù thế nào thì cũng phải tiếp tục thực hiện thật tốt công tác chống dịch, công tác đảm bảo an toàn trong trường học và đặc biệt là phải tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng, đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện các biện pháp chống dich nói chung và việc trở lại trường của học sinh nói riêng.
PV
Quang Anh
Theo giadinh.net.vn
Phụ huynh xoay xở thế nào trước việc con em nghỉ học kéo dài?
Nhiều phụ huynh có con học Mầm non và Tiểu học đang chật vật tìm chỗ gửi và tìm người trông trẻ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định tiếp tục cho học sinh tạm nghỉ học để phòng chống dịch. Thời gian nghỉ tiếp bắt đầu từ ngày 10/2 đến khi có thông báo mới. Vì sức khỏe con em và cộng đồng, phụ huynh ở Yên Bái đều đồng tình ủng hộ với quyết định này. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con học Mầm non và Tiểu học đang chật vật tìm chỗ gửi và tìm người trông trẻ.
Trong lúc học sinh nghỉ học, các thầy cô giáo Yên Bái vẫn tới trường để vệ sinh trường, lớp học và làm nhiệm vụ việc chuyên môn khác.j
Ngày 10/2, là tuần tiếp theo UBND tỉnh Yên Bái cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Yên Bái tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh corona. Cũng như nhiều phụ huynh khác, chị Bùi Thị Hoa, ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái rất đồng tình ủng hộ với quyết định này.
Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình chị lại bị xáo trộn không nhỏ bởi không biết gửi con ở đâu để đi làm. Chồng công tác ở xa, một mình chị vừa phải đi làm, vừa lo trông hai con nhỏ, đứa bé mới 4 tuổi, đứa lớn cũng chỉ lớp 2. Cách mà chị Hoa lựa chọn là nhờ bà ngoại từ huyện Yên Bình xuống giúp: "Chồng tôi đi làm xa, do đó tôi phải nhờ bà ngoại từ quê ra để chăm sóc và trông nom các con khi tôi đi làm. Còn lúc bà ngoại không ở đây, nếu bí quá thì tôi đưa con lên cơ quan".
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ thành phố Yên Bái tiến hành vệ sinh phòng, lớp học khi học sinh nghỉ học.
Còn anh Nguyễn Văn Vinh, ở huyện Văn Yên cho biết: Hai vợ chồng mang theo con nhỏ xuống học tập và công tác tại thành phố Yên Bái mấy năm nay. Khi có quyết định cho học sinh tạm nghỉ học đầu tiên vào ngày 4/2 của UBND tỉnh Yên Bái, do cả hai vợ chồng đều không thể nghỉ làm hay đưa con đến cơ quan nên cũng loay hoay tìm phương án để gửi con: "Chúng tôi ủng hộ vì đây là bệnh rất nguy hiểm, nhất là các cháu còn nhỏ chưa ý thức được vệ sinh, cách phòng chống dịch, bệnh... nên theo tôi là biện pháp cho các cháu nghỉ là hợp lý nhất. Vợ chồng tôi cũng rất khó khăn nên đành phải gửi con về trên ông bà để chăm giúp cho lúc khó khăn này. Chứ lương bây giờ ba cọc ba đồng, nếu thuê người trông trẻ nữa sẽ rất khó khăn".
Nhiều phụ huynh ở Yên Bái không có ông bà hỗ trợ việc trông con nên đành mang việc về nhà vừa làm, vừa trông con hoặc thuê người chăm giúp. Hiện, nhiều phụ huynh bậc Mầm non và Tiểu học làm việc, lao động ở các cơ quan nhà nước, công ty, doanh nghiệp... không có người hỗ trợ đang tính đến sẽ thay nhau nghỉ phép, nghỉ không lương để trông con, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp kéo dài./.
Theo VOV
Lớp giữ trẻ 'dã chiến' thời đại dịch corona ở Đà Nẵng: Thêm một con vịt là không khác gì cái chợ! Cùng với nhiều tỉnh thành, Đà Nẵng công bố quyết định cho học sinh, sinh viên toàn thành phố nghỉ học từ 03-09/02 để phục vụ cho công tác phòng chống dịch viêm phổi do virus corona gây ra. 'DÃ CHIẾN' THỜI ĐẠI DỊCH CORONA Ở ĐÀ NẴNG: THÊM MỘT CON VỊT LÀ KHÔNG KHÁC GÌ CÁI CHỢ! Cùng với nhiều tỉnh thành,...