Nhiều ông bà giận dỗi khi không được chăm cháu
Muốn cho con đi gửi thì ông bà nội bảo để đấy tao trông được hết, cố tình đi gửi về là ông bà mặt nặng mày nhẹ, thậm chí không khiến ai khác trông.
Tôi đọc được bài viết: “Bắt ông bà ngày ngày chăm cháu là không hợp lý” và các bình luận của độc giả. Tôi cũng là con dâu, cũng có con nhỏ và con cũng được ông bà trông nom khi tôi đi làm nhưng không phải vì thế mà tôi viết bài này. Trong bài viết chị Hà chỉ nhìn thấy vấn đề là có một số bà mẹ trẻ không có trách nhiệm với con cái mình đẻ ra, vì bản thân họ sống vô trách nhiệm và đánh giá toàn bộ sự việc theo chiều xấu, nhưng vẫn còn rất nhiều nguyên nhân khác. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông bà già không đủ sức khỏe lao động để kiếm tiền, sống ở nông thôn, bố mẹ của đứa trẻ là trụ cột chính trong gia đình; nếu bố mẹ ở nhà chăm con thì kinh tế ai sẽ là người lo, cho nên dĩ nhiên ông bà trông cháu giúp rồi.
Có những bạn bảo không đủ điều kiện kinh tế thì triệt sản đi, tôi nói thật Việt Nam chỉ là nước đang phát triển thôi, vẫn nghèo lắm, vậy nghèo thì đi triệt sản hết à? Nghèo đâu phải cái tội, vấn đề nằm ở nhận thức. Nói đến nông thôn, kể cả gia đình nào khá giả đi nữa ông bà vẫn muốn trông cháu, vì không tin tưởng người khác chăm cháu sẽ tốt hơn mình. Mặt khác ở nông thôn đa số các ông bà khi về già không có thú vui gì khác ngoài chơi với các cháu nên tự nhiên ông bà lại nghĩ trông cháu là thú vui và cứ ôm vào người. Thành ra bố mẹ chúng muốn gửi người khác trông thì ông bà lại tự ái, bảo chúng nó có tí tiền oai, thuê người trông cơ, tao còn lù lù ở đây mà lại thuê người trông, tao là đồ thừa à.
Nhiều gia đình như nhà tôi chẳng hạn, muốn cho con đi gửi thì ông bà nội bảo để đấy tao trông được hết, cố tình đi gửi về là ông bà mặt nặng mày nhẹ, thậm chí còn không khiến ai khác trông cháu cho nữa. Đi ra đường người ta thấy ông bà bế cháu hỏi: Bố mẹ nó đâu mà để ông bà trông thế này? Đương nhiên câu trả lời là chúng nó đi làm hết, vứt con ở nhà cho chúng tôi. Đấy, tự nhiên người ngoài nghe câu đó sẽ đánh giá vợ chồng tôi đang bóc lột sức lao động của ông bà.
Có những gia đình lại như thế này: Ông bà luôn cho rằng con trai con dâu đều trẻ con, chưa biết lo lắng gì khi có con. Ông bà nghĩ thân chúng nó còn không lo xong thì biết lo gì cho con. Vậy là từ việc nhỏ nhất cho đến to, liên quan đến chăm cháu ông bà đều nhắc nhở, nhắc hết cái này đến cái khác, rồi bảo thôi để tao làm cho nhanh. Cứ như vậy dần dần bố mẹ của đứa trẻ sinh ra suy nghĩ mình chẳng làm thì khắc có ông bà làm hộ. Rồi thói ỷ lại nhen nhóm và cứ thế thôi. Trách nhiệm của bố mẹ với con cái được ông bà tự nguyện gánh bớt dần, sau đó chẳng còn ranh giới nào nữa. Vô tình chính ông bà đã tạo ra sợi dây buộc mình.
Lẽ ra ông bà chỉ nhắc nhở rồi để bố mẹ chúng tự làm, sai thì sửa, không biết bảo lần sau sẽ biết, rõ ràng việc chăm con phải là của bố mẹ, như thế đã khác. Còn các chị ở thành thị thì khác rồi, ông bà già có nhiều thú vui để giải trí, bố mẹ làm ra tiền, có nhiều sự lựa chọn gửi con, tự mình ở nhà trông con hay thuê ôsin, dĩ nhiên các chị sẽ không nghĩ tới việc gửi con cho ông bà. Cuộc sống cũng có lúc này lúc khác, lúc ốm đau bệnh tật, nên việc ông bà chia sẻ việc chăm cháu những lúc ấy còn gì tuyệt vời hơn nữa.
Video đang HOT
Tôi viết bài này không phải để biện minh cho những người có thói dựa dẫm, ỷ lại vào ông bà của một số người trẻ mà quên đi trách nhiệm của bản thân mình. Nhưng việc ông bà chăm cháu không phải hoàn toàn là không hợp lý, hợp lý hay không còn phải tùy vào hoàn cảnh như thế nào nữa. Dĩ nhiên trách nhiệm của bố mẹ nuôi con vẫn phải là chính, ông bà chỉ một phần phụ thôi. Mọi người nhìn nhận cái gì thì nên có cái nhìn đa chiều để mọi thứ được khách quan hơn, đừng như “thầy bói xem voi” mà phán bừa.
Theo VNE
Mâu thuẫn chăm cháu, con dâu đánh mẹ chồng ngất xỉu giữa nhà
Mẹ chồng thích cho cháu ăn bim bim còn con dâu thì phản đối; Con dâu cấm con xem tivi mẹ chồng bật thoải mái cả ngày; Mẹ chồng chuộng sữa công thức con dâu tôn sùng sữa mẹ; mẹ chồng quyết cho cháu ăn dặm sớm con dâu kịch liệt phủ quyết...cuộc chiến giữa họ đã làm căn nhà không lúc nào bình yên.
Các bạn ạ, nếu có thời gian quay trở lại tôi không bao giờ để mẹ tôi phải trông con cho tôi. Bởi bà vất vả vì con cháu nhưng công sức chắc gì đã được đền đáp xứng đáng, đấy là tôi chưa kể việc mẹ tôi còn bị con dâu đối xử không ra gì.
Chuyện là thế này, từ ngày tôi có con cũng là cháu đích tôn của dòng họ nhà tôi không lúc nào không cãi nhau. Vợ tôi trẻ, tư tưởng tiến bộ còn mẹ tôi ngày xưa cũng từng làm lãnh đạo nên "từng lời nói của bà phải nhất nhất làm theo" vì thế nên 2 người họ không hợp với nhau.
Ngày vợ mang bầu, mẹ tôi tất tả bắt xe lên Hà Nội để ở cùng chăm con dâu bầu bí. Đầu tiên, bà cấm con không được ăn các hoa quả nóng như nhãn, mít, đào...Bạn của vợ tôi đến chơi biếu cân nhãn lồng Hưng Yên mẹ tôi tỏ ra không hài lòng. Lúc khách về bà nói: "Bạn tốt nhỉ, biết người ta bầu bí không được ăn đồ nóng còn mang nhãn đến". Tối đó, vợ tôi không nói gì ôm cái ipad đến tận khuya.
Khi sinh con ra, vợ tôi muốn rèn cháu ngủ tự lập nên con khóc cô ấy cũng chưa bế vội nhưng thì chỉ cần nghe cháu o oe ngay giữa đêm khuya bà nội thương cháu lại vội xô cửa phòng các con để vào bế cháu.
Sau khi đầy tháng, cháu chỉ ngủ khi được bế trên tay, cứ đặt xuống giường là khóc ngằn ngặt. Có hôm 1 giờ sáng vẫn phải bế con trên tay, vợ tôi vừa ôm con vừa bóng gió trên facebook: "Sống với những người bảo thủ, lạc hậu thì không khác gì địa ngục".
Sợ cháu gầy bà kêu sữa mẹ không đủ chất yêu cầu phải cho cháu ăn thêm sữa bột. Khi con dâu không chịu làm theo ý bà thì hai mẹ con cãi nhau một trận lớn. Bữa tối đó mẹ tôi kiên quyết bỏ bữa. Tôi nói thế nào bà cũng không chịu cầm đũa.
Khi con được 4 tháng một lần 2 vợ chồng tôi sang nhà bạn thì về thấy bà đang cho cháu cho ăn bột. Vợ tôi hốt hoảng kêu: "Bà làm gì thế? Cháu đã 6 tháng đâu mà ăn dặm". Bà bảo: "Chúng mày không cho nó ăn thêm sữa ngoài thì tao cho nó ăn thêm bột cho có chất. Sữa mẹ nhạt thếch có gì". Sóng gió lại nổi lên. Bữa đó cả mẹ chồng nàng dâu không thèm xuống ăn cơm.
Vợ tôi lên mạng học hỏi rồi cho con ăn dặm kiểu Nhật, Úc...với các món riêng cho vào khay ngăn đá, đến bữa ăn thì lấy ra rã đông, chế biến còn mẹ tôi lại quyết theo phương pháp ngày xưa. Bà xay tất cả gạo, nếp, hạt sen, ý dĩ, rau, thịt...nấu thành bột cho cháu ăn. Hôm nào vợ ở nhà vợ cho theo kiểu vợ, vợ tôi đi vắng bà cho theo kiểu của bà. Hai bên không muốn nói với nhau câu nào.
Lúc bé được 8 tháng, vợ tôi muốn rèn con biết giờ giấc, ăn đúng giờ ngủ đúng giờ và ngày quy định ngủ bao nhiêu tiếng còn bà thì không như vậy. Ban ngày bà cho cháu thoải mái ngủ với phương châm: "Ăn được ngủ được là tiên". Ngủ ngày cày đêm, ban đêm cháu thức quấy mẹ. Chỉ có thế vợ tôi dỗi chồng cả đêm.
Bà thích xem ti vi, cháu cũng theo bà xem ti vi rất chăm chú. Bà khoe với hàng xóm là thằng bé mê hoạt hình lắm "Bé tí đã biết mê xem ti vi nhé". Vợ tôi nghe thế chỉ nuốt cục tức vào người, nói: "Mẹ cho cháu xem ít thôi hại mắt cháu". Bà nói: "Cùng lắm là nó cận như mẹ nó (vợ tôi) chứ gì". Tối đó nhà tôi lại có chiến sự.
Lúc nấu ăn cho con vợ tôi theo quan điểm không nêm nước mắm, hạt nêm, mì chính thì bà chê: "Ăn nhạt như mèo". Vợ quay đi là bà lén thêm nước mắm cho vừa miệng.
Vợ tôi không thích cho con ăn bim bịm, bánh kẹo...nhưng bà cho hết với lý giải: "Tao cho thằng Trung ăn đủ các loại nên giờ nó cao to khỏe mạnh chứ mẹ mày nuôi mày (vợ tôi) khoa học cho lắm vào thì giờ người như dải khoai". Vợ tôi đùng đùng xách xe đi ra ngoài không thèm chào mẹ chồng.
Đỉnh điểm là sau đó mấy ngày, vợ tôi hùng hục nấu các món cho con xong bê xuống tầng thấy con nhai rau ráu bim bim. Mặt cô ấy tối sầm lại cáu: "Ai cho con ăn linh tinh thế, ăn thế làm sao ăn được cơm nữa". Mẹ tôi ngồi đấy giận dữ: "Tao cho nó ăn linh tinh đấy".
Vợ tôi giằng gói bim bim cất đi, mẹ tôi giật lại đưa cho cháu. Thằng bé lúc thì bị giằng mất món ăn lúc thì được bà dúi cho. Nó khóc toáng lên. Lôi kéo giằng co một lát vợ tôi bị ngã ra giữa nhà. Vợ tôi bật dậy và lao vào bà. Hai người giằng co, cấu xé lẫn nhau. Nhưng sức người cao tuổi như bà không địch nổi với con dâu. Bà bị con dâu xô ngã, người đập vào tủ gỗ phía sau lưng và ngất xỉu. Lúc đó, tôi vừa lúc đi làm về, thấy thế lao ra vả cho vợ mấy cái tát vào mặt rồi gọi xe đưa mẹ đi cấp cứu.
Mẹ tôi sau khi ở viện cũng tỉnh lại. Bà khóc lóc, không chịu ra viện, bà yêu cầu tôi phải gọi công an đến để làm giám định thương tích và kiện con dâu ra tòa vì tội hành hung.
Ở nhà vợ tôi cũng ôm con bỏ về nhà mẹ đẻ. Chuyện xảy ra 1 tháng rồi vợ tôi vẫn chưa thèm quay về. Cô ấy tuyên bố đòi ly hôn.
Tôi "sống giữa 2 làn đạn" không biết giải quyết thế nào mới hợp lý. Nếu có con lần nữa chắc tôi "giải tán" hết, để bà ở quê an hưởng tuổi già cho khỏe người, lúc nào nhớ con nhớ cháu thì tôi đón lên chơi vài ngày. Việc trông con vợ tôi tự sắp xếp hoặc thuê ô sin chứ thế này tôi mệt mỏi lắm rồi.
Theo Vietnamnet
Gọi điện cho sếp, chết lặng nghe chồng thì thầm bên cạnh Tôi gọi điện cho sếp anh, giọng nữ vang lên đầy bực bội: 'Ai đấy, sao gọi vào giờ này?'. Tôi chưa kịp lên tiếng, đã nghe loáng thoáng tiếng chồng mình bên cạnh hỏi ai đấy? Tôi có một gia đình khá hạnh phúc. Chúng tôi có với nhau một cháu trai 2 tuổi, rất đáng yêu. Chồng tôi tuy nóng tính...