Nhiều ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Ô Chợ Dừa
Trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã nhận định, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn hiện hữu bởi các ổ bọ gậy trong các chậu hoa, cây cảnh tại các hộ gia đình; bể chứa nước tại các công trình xây dựng của người dân, đặc biệt là các dự án xây dựng lớn trên địa bàn phường vẫn có bọ gậy.
Ổ bọ gậy được phát hiện tại hộ gia đình người dân ở tổ 61, phường Ô Chợ Dừa.
Ông Hoàng Đức Hạnh đề nghị phường Ô Chợ Dừa và quận Đống Đa tập trung tích cực cho công tác phòng bệnh sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát. Đặc biệt là tuyên truyền để người dân đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; không tự chữa bệnh tại nhà để tránh tử vong do bệnh dịch.
Video đang HOT
Theo báo cáo của phường Ô Chợ Dừa, tính đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn là 69 trường hợp với 9 ổ dịch, cao nhất quận Đống Đa. Số ca mắc bắt đầu có chiều hướng tăng nhanh vào giữa tháng 8. Hiện tại còn 3 bệnh nhân đang điều trị và 3 ổ dịch đang hoạt động tại khu vực phố Hoàng Cầu, Hào Nam và Võ Văn Dũng.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, phường Ô Chợ Dừa đã triển khai đồng bộ các biện pháp từ điều tra, giám sát, xử lý ổ dịch bằng hóa chất; tuyên truyền để người dân tổng vệ sinh tại hộ gia đình, thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Toàn phường đã có 9.167/9.350 hộ gia đình được lực lượng xung kích, cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết… tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ tìm và xử lý các ổ bọ gậy. Kết quả, 596 ổ bọ gậy được phát hiện, trong đó có 141 ổ bọ gậy được thả cá. Từ đầu tháng 6/2019 đến ngày 16/9, UBND quận đã tổ chức 3 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại 49 tổ dân phố. Tuy nhiên, kết quả phun chưa cao, chỉ có 3.240/4.667 hộ gia đình được phun hóa chất diệt muỗi, đạt trên 63%.
Đại diện phường Ô Chợ Dừa cho biết, trên địa bàn có 27 công trình xây dựng của các hộ gia đình và 4 dự án xây dựng lớn ở 83 Hào Nam, 61 Hoàng Cầu, số 2 Ngõ Giếng, 36 Hoàng Cầu. Thanh tra xây dựng phường và trạm y tế đã tổ chức cho các chủ công trình ký cam kết ngay từ khi công trình bắt đầu khởi công và thực hiện kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các công trình xây dựng. Mỗi công trình được kiểm tra ít nhất 3 lần, riêng 4 dự án xây dựng lớn được kiểm tra, nhắc nhở và giám sát thực hiện diệt bọ gậy 4 lần. Kết quả kiểm tra, có 17/27 công trình xây dựng của người dân có bọ gậy trong các bể chứa nước, rãnh thoát nước, nước đọng trên nền nhà. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở chủ công trình phải hút nước đọng trên nền hàng tuần, vệ sinh nơi ăn ở của công nhân, yêu cầu công nhân phải nằm màn khi ngủ…
Theo kinhtedothi
Bình Thuận: Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, từ tháng 7 đến nay, số ca mắc bệnh bắt đầu tăng nhanh, trung bình mỗi tuần có hơn 200 ca mắc.
Bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát trong cả nước. Ảnh: Bùi Văn Lanh
Bệnh sốt xuất huyết tại tỉnh Bình Thuận xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận ghi nhận hơn 3.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue. Số ca mắc tăng gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 8/2019, Bình Thuận có một trường hợp ở thị xã La Gi tử vong do bệnh sốt xuất huyết, nâng số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 2 người. Trước đó, đã có một ca tử vong tại huyện Tánh Linh vào tháng 3/2019.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục bùng phát, vì vậy, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện ngay 3 chiến dịch lớn diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh từ nay đến cuối năm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo dõi sát tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, triển khai phun hóa chất chủ động và diệt lăng quăng diện rộng, khống chế bệnh tại các phường, xã có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue, công tác giám sát bệnh nhân, côn trùng, xử lý ổ bệnh, kỹ năng truyền thông... cho tuyến cơ sở.
Để phòng bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân cần phong chông muôi bằng cách ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay cho trẻ, có thể dùng hương (nhang) xua muỗi, kem chống muỗi hoặc bình xịt muỗi cá nhân tại hộ gia đình.
Cùng với đó, mỗi gia đình nên chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường sống xung quanh như thu gom, lật úp, các dụng cụ chứa nước không cần thiết, những dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy và cọ rửa thường xuyên... Khi có dấu hiệu mắc bệnh sốt xuất huyết, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi, chăm sóc, điều trị theo phác đồ, tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà./.
Khánh Vy
Theo cpv.org.vn
Xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Xuân Phú (Thọ Xuân) Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tại thôn Đồng Cốc, xã Xuân Phú (Thọ Xuân) đã ghi nhận một ổ dịch sốt xuất huyết. Đây là ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiên trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Ca bệnh mắc sốt xuất huyết đầu tiên tại thôn Đồng Cốc, xã Xuân Phú được phát hiện...