Nhiều nước phản ứng Mỹ về ông Trump
Theo Reuters ngày 7.3, phái bộ ngoại giao từ nhiều nước châu Âu, Trung Đông, Mỹ Latin và châu Á đã bày tỏ lo ngại trước những tuyên bố bị cho là “kích động, mang tính lăng mạ và bài ngoại” của Donald Trump.
Bất chấp sự phản đối từ nhiều phía, tỉ phú Donald Trump hiện là người dẫn đầu trong số các ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng – Ảnh: Reuters
Một số quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ trong những cuộc trao đổi gần đây, họ đã nhận được nhiều lời than phiền từ các đại diện ngoại giao nước ngoài về những phát ngôn của ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo nhiều nguồn tin, trong các nước phản ứng có Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mexico trong khi một số nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức, Canada từng công khai chỉ trích quan điểm của ông Trump.
Giới chức Washington nhận định đây là điều bất thường vì trước nay, các đồng minh, đối tác của Mỹ luôn tỏ ý sẵn sàng hợp tác với bất cứ ai sẽ nắm quyền lãnh đạo Nhà Trắng.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Donald Trump xô đẩy bản sắc đảng Cộng hòa Mỹ
Những quan điểm "nổi loạn" nhưng được lòng cử tri phổ thông Mỹ của tỷ phú Donald Trump khiến đảng Cộng hòa lo sợ mất đi hình ảnh chuẩn mực truyền thống.
Tỷ phú Donald Trump (phải) và Thượng nghị sĩ Marco Rubio trong phiên tranh luận của đảng Cộng hòa hôm 3/3 ở Michigan. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Chỉ một năm trước, những người thuộc phe Cộng hòa còn chúc tụng nhau về việc có đội ngũ ứng viên tranh cử tổng thống mạnh mẽ nhất nhiều năm qua, với những gương mặt đa dạng, đầy uy tín, được tin có thể giúp đảng này hồi sinh sau khi đã thua trong các cuộc bỏ phiếu phổ thông tại 5 trong 6 cuộc bầu cử gần nhất.
Tuy nhiên câu hỏi giờ đây lại là đảng Cộng hòa còn tự triệt tiêu mình đến đâu và họ đại diện cho điều gì, Washington Post bình luận.
Donald Trump, người bị các thành viên kỳ cựu của đảng này chối bỏ, xem như một gã mua vui tự hủy hoại mình, đã có cuộc "lật đổ" mạnh mẽ và định hình lại đảng Cộng hòa với hình ảnh của riêng mình. Nhưng hiện giờ, không ai rõ tầm nhìn của đảng Cộng hòa về tương lai của nước Mỹ như thế nào, hay đảng này có bộ quy tắc chung gì để đưa đảng tiến về phía trước.
Washington Post cho rằng cuộc tranh luận trực tiếp gần như cãi vã hôm 3/3 đã đánh dấu một bước lùi nữa trong chiến dịch tranh cử đã có quá nhiều cảnh tương tự.
Trump cùng ba đối thủ còn lại dành gần như toàn bộ hai tiếng để "ném" về phía nhau những lời sỉ vả. Có thời điểm ông Trump còn đề cập đến chuyện tế nhị.
"Đảng của tôi đang tự sát trên sóng truyền hình quốc gia", Jamie Johnson, một nhà hoạt động chính trị tại bang Iowa, từng là cố vấn cho cựu thống đốc Texas Rick Perry, viết trên Twitter.
Ngày 4/3, nhà phẫu thuật thần kinh Ben Carson trở thành người tiếp theo bỏ cuộc đua, khi không thể cạnh tranh nổi với hiện tượng Donald Trump. Cũng trong ngày này, ông Trump đã làm rõ hơn tuyên bố gây tranh cãi về việc nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ lệnh cho quân đội Mỹ tra tấn các phiến quân bằng biện pháp trấn nước (bịt mắt và dội nước liên tục, tạo cảm giác như đang chết đuối).
Trong một thông cáo, tỷ phú này nói ông hiểu "nước Mỹ bị ràng buộc bởi luật pháp và các công ước. Tôi sẽ không lệnh cho quân đội hay các quan chức khác vi phạm những luật đó, và sẽ tìm lời khuyên của họ về những vấn đề này".
Tuyên bố ban đầu của ông Trump về việc tra tấn nằm trong số rất nhiều bình luận đã và đang khiến lãnh đạo cấp cao đảng Cộng hòa lo ngại và xem là hấp tấp.
"Đảng Cộng hòa nhìn chung coi họ là nghiêm túc, đúng mực, có kỷ luật và suy nghĩ thấu đáo", Roger Porter, từng là quan chức chính sách cấp cao dưới thời cựu tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush, nói.
Nhưng ông cho rằng, cuộc tranh luận hôm 3/3 là đỉnh điểm của việc các ứng viên bị cuốn vào một vòng xoáy, mà trong đó, họ mất hết sự nghiêm túc, bình tĩnh, thấu đáo và trách nhiệm. "Đó là điều gây lo lắng cho hầu hết những người Cộng hòa. Do đâu mà chúng tôi lại rơi vào tình cảnh này?", ông Porter nói.
Tiến thoái lưỡng nan
Tuy nhiên, câu hỏi cấp thiết hơn, theo những người Cộng hòa, là làm thế nào để họ thoát ra khỏi tình cảnh đó. Một phần câu trả lời nằm ở chỗ họ ứng phó với hiện tượng Donald Trump ra sao.
Các lãnh đạo đảng Cộng hòa hiện bị chia rẽ. Một số thì cho rằng phải ngăn chặn tỷ phú bất động sản này để giữ gìn hình ảnh đảng. Số khác thì cho rằng cần tập hợp lực lượng hậu thuẫn ông Trump, để có cơ hội đánh bại đối thủ Hillary Clinton phía đảng Dân chủ, vì cựu ngoại trưởng không phải không có điểm yếu.
Trong khi đó, các cử tri phổ thông của đảng Cộng hòa đang bày tỏ sự bực bội khi các lãnh đạo cấp cao như Mitt Romney và John McCain đua nhau thúc giục họ quay lưng lại với ông Trump và dành phiếu bầu cho ứng viên khác.
Trong cuộc phỏng vấn của NYTimes, thậm chí những cử tri lâu năm của đảng Cộng hòa, người từng bỏ phiếu cho ông Romney 4 năm trước đã lên tiếng phản đối kế hoạch "trù dập" ông Trump mà ông Rommey đưa ra. "Cá nhân tôi cảm thấy ghê tởm. Tôi cho rằng đó là điều nhục nhã", Lola Butler, 71 tuổi, đã nghỉ hưu từ Mandeville, Los Angeles, nói. "Ông ấy muốn giật dây chúng tôi, bắt chúng tôi bầu và không bầu cho ai ư? Làm ơn thôi đi".
"Họ muốn kiểm soát cuộc bầu cử vì họ không thích ông Trump", Joann Hirschmann từ Michigan, một người ủng hộ Thống đốc bang Ohio John Kasich, nói. "Tôi có thể hiểu điều đó. Nhưng họ phải để cho mọi người lên tiếng".
Xa hơn thế, một số người lo ngại rằng cho dù ông Trump có đang đem về lượng cử tri kỷ lục trong các vòng bầu cử sơ bộ, tỷ phú này đang thay đổi bản sắc của đảng Cộng hòa. Đây là một dạng người Cộng hòa mới, chủ trương bác bỏ các quy tắc bảo thủ, sử dụng ngôn ngữ thẳng thừng, có khi thô tục và gây chia rẽ, một người không tôn trọng hệ thống, theoWashington Post.
"Con lắc trên chính trường Mỹ giờ không còn đu đưa từ trái sang phải. Nó đang đu đưa giữa những người bên trong và bên ngoài", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa David Perdue nói. "Nó đại diện cho thế giằng co giữa những người trong tầng lớp chính trị với những người bên ngoài. Đó chính là sự chia rẽ trong đất nước này, trong đảng này".
Theo ông Arthur Brooks, một cử tri độc lập tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, hiện tượng này là hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt khi Mỹ đang trong thời gian hồi phục từ khủng hoảng tài chính.
"Lịch sử cho thấy các cuộc khủng hoảng tài chính thường mất 15 - 20 năm để tan biến, và thường sau khoảng hai năm những người giàu đã phục hồi, còn người lao động vẫn chưa", ông Brooks nói. "Kết quả là họ sẽ quay sang những giải pháp dân túy, và đó chính xác là những gì chúng ta đang thấy".
Nội bộ đảng Cộng hòa luôn tồn tại mâu thuẫn, nhưng nhìn chung đó là mâu thuẫn về tư tưởng, giữa những người theo chủ nghĩa quốc tế và bên kia là những người ủng hộ chính sách đối ngoại không can thiệp, hoặc những người ủng hộ tăng chi tiêu và bên kia là những người đặt nặng vấn đề thâm hụt khi bàn về vấn đề tài khóa.
Trong khi tranh luận, ứng viên Marco Rubio đã ám chỉ ông Trump khi quả quyết sẽ không để đảng Cộng hòa rơi vào tay người không có lập trường phù hợp với đảng, một người chẳng hiểu gì về đối ngoại, hay nghĩ rằng "bộ ba hạt nhân" (máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo liên lục địa, và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) là tên một ban nhạc rock thập niên 1980.
Dù vậy, ông Rubio lại tuyên bố sẽ hậu thuẫn ông Trump nếu tỷ phú này trở thành đại diện tranh cử đảng Cộng hòa. Tương tự, hai ứng viên khác là thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, và thống đốc bang Ohio John Kasich đều đưa ra tuyên bố tương tự.
Điều này một phần là do chính đảng Cộng hòa đã tự ràng buộc mình với vấn đề này từ hồi tháng 9 năm ngoái, khi các lãnh đạo đảng lo sợ khả năng ông Trump sẽ ra đi để tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Ông Trump sau đó đã ký vào tuyên thệ ủng hộ bất kỳ ai trở thành đại diện ứng cử của đảng Cộng hòa.
Giờ thì lại có vẻ người Cộng hòa sẽ được lợi hơn nếu ông Trump tự lập đảng riêng và tranh cử. Bởi có vẻ khi đó ông sẽ dồn toàn lực để đấu với bà Clinton, thay vì những người Cộng hòa khác, mà ông vẫn chế nhạo là "Marco bé nhỏ" và "Ted dối trá".
Dù vậy, những người Cộng hòa vẫn bị chia rẽ sâu sắc trước ảnh hưởng của ông Trump đối với hình ảnh của đảng này. Trong một khảo sát của kênh MSNBC hồi tháng 12, 43% người được hỏi nói rằng tỷ phú này đang giúp cải thiện hình ảnh của đảng, 40% cho ý kiến ngược lại.
Tuy nhiên, những con số này cho thấy xu hướng tiêu cực, khi ba tháng trước, 48% người được hỏi tin ông Trump đóng góp cho hình ảnh của đảng, trong khi 35% ý kiến cho rằng tỷ phú này đang hủy hoại nó.
Trong khi một số người xem hiện tượng Donald Trump như một chỉ dấu cho sự thay đổi hoàn toàn của đảng Cộng hòa, ông Porter dự báo rằng điều này chỉ mang tính chuyển tiếp. Lịch sử đảng này từng chứng kiến một cuộc khủng hoảng về bản sắc tương tự năm 1940, khi đề cử doanh nhân Wendell Willkie, người chỉ một năm trước đó còn theo theo đảng Dân chủ. 4 năm sau đó, đảng này quay lại đề cử một người Cộng hòa thông thường, thống đốc New York Thomas Dewey.
"Tôi không cho rằng điều này sẽ có ảnh hưởng về lâu dài, bởi tôi nghĩ nó chỉ xảy ra với Donald Trump", Porter nói. "Trong ngắn hạn, đó là vấn đề rất lớn, nhưng trong dài hạn, tôi không nghĩ nó có ảnh hưởng nhiều bởi người ta thường chóng quên".
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Donald Trump ủng hộ việc tiêu diệt vợ con thành viên IS Ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ việc giết vợ con của các thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vì Mỹ đang trở nên yếu kém do không có biện pháp mạnh. Tỉ phú Donald Trump đang dẫn đầu cuộc đua cho vị trí ứng cử viên đảng Cộng hoà tranh cử tổng thống Mỹ...