Nhiều nơi ở Huế ngập trong nước lũ, dân đi lại bằng thuyền
Do mưa lớn, nước lên nhanh khiến nhiều vùng trũng thấp ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) ngập trong nước lũ, người dân phải đi lại bằng thuyền giữa đường làng.
Người dân thôn Xuân Tùy (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) đi lại bằng ghe nhỏ giữa đường làng do nước dâng cao gây ngập lụt cục bộ
Sáng 24-10, nước lũ vẫn bủa vây thôn Xuân Tùy (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) dù mưa đã ngớt. Đây là một trong những vùng thấp trũng của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm ở hạ lưu sông Bồ.
Các con đường trong ngôi làng có hàng trăm hộ dân này đều bị ngâm trong nước lụt. Mực nước từ 0,5-1m. Nước vào đến sân hay mấp mé ở cửa ngõ nhà dân.
Nước dâng cao khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Do vậy mọi người đều di chuyển bằng ghe thuyền.
Trước đợt lũ, người dân đã di chuyển xe cộ đến ngôi nhà cao nhất trong làng để gửi. Con em trong làng đi làm, sinh hoạt đều được chở bằng ghe đến đầu làng. Đến buổi tan tầm, người nhà chèo ghe ra đón hoặc xin quá giang người dân khác.
Bà Phạm Thị Hòa (51 tuổi) chia sẻ: “Người dân ở đây đã quá quen thuộc với cảnh ngập lụt này. Để thích nghi, sống chung với lụt, chúng tôi sắm ghe thuyền đi lại, tích trữ lương thực thực phẩm, xây nhà có móng cao so với mặt đường, chủ động kê cao đồ đạc…”.
Đi quanh ngôi làng này, hầu như nhà nào cũng trang bị ít nhất một chiếc ghe để di chuyển trong mùa mưa lũ.
Nhiều vùng trũng thấp ở Thừa Thiên Huế vẫn ngập trong nước dù mưa vào sáng 24-10 đã ngớt
Theo người dân, trong đợt lũ đầu tiên của năm nay vào ngày 17-10, các con đường ở ngôi làng này bị ngập trên dưới 1m, có nơi hơn 1,2m. Những ngày sau đó, nước lũ có hạ nhưng rất chậm. Con nước bạc vẫn còn “lì lợm” bám lấy các mặt đường.
Nước lụt chưa kịp rút hết, đến ngày 22-10, nước lũ dâng lên trở lại. Đến nay, nước đang có xu hướng giảm chậm. Nước hạ đến đâu, người dân tiến hành dọn dẹp sân vườn, nhà cửa đến đó.
Một tuần lễ trôi qua, người dân Xuân Tùy đã sống chung với lũ lụt, chưa ngày nào thấy các con đường ráo nước.
Ông Phạm Văn Hà, trưởng thôn Xuân Tùy, cho biết thôn có tất cả 189 hộ dân. Đây là vùng quê thấp trũng, nằm ở ven đê Nghĩa Lộ – Nam Phù. Hằng năm, lũ từ thượng nguồn đổ về khiến thôn bị ảnh hưởng rất lớn.
“Mưa lũ khiến bà con nơi đây gặp khó khăn trong việc đi lại cũng như sinh hoạt, làm ăn. Đầu đợt lũ này, chính quyền địa phương đã quan tâm dự trữ lương thực để cung cấp cho bà con trong trường hợp bị lũ chia cắt nhiều ngày với bên ngoài”, ông Hà nói.
Ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, cho biết dự báo trong ngày 24-10, trên địa bàn sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 150mm.
“Hiện nay các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn đang làm tốt nhiệm vụ cắt lũ, chậm lũ trên các sông. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để có lệnh vận hành các hồ chứa nước, đảm bảo đủ dung tích chứa cho đợt mưa lớn sắp tới”, ông Hùng nói.
Người dân thôn Xuân Tùy đem xe cộ đến gửi nhờ những ngôi nhà cao ráo nhất trong thôn
Theo chính quyền thôn Xuân Tùy, do là vùng trũng thấp nên đầu mùa lũ chính quyền đã trữ sẵn lương thực để hỗ trợ bà con trong trường hợp thôn bị cô lập lâu ngày do nước lũ
Một hộ dân ở thôn Xuân Tùy tranh thủ nước rút đến đâu là dọn dẹp bùn non, nhà cửa đến đó
Hơn 50 xã ở Quảng Nam, Quảng Ngãi ngập lụt, miền Trung mưa lớn kéo dài đến ngày mai
Mưa lớn trong những ngày qua làm 57 xã ở Quảng Nam và Quảng Ngãi bị ngập lụt. Dự báo ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên còn mưa lớn đến ngày 25-10.
Nhiều khu vực ở TP Tam Kỳ nước ngập rất sâu - Ảnh: LÊ TRUNG
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 22-10 đến sáng nay 24-10, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 250-500mm, có nơi trên 500mm.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoạt động của đới gió đông trên cao nên từ nay đến ngày mai 25-10, ở khu vực Quảng Trị đến Đà Nẵng và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên mưa từ 100-200mm, có nơi trên 250mm. Ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai từ 50-100mm, có nơi trên 120mm.
Ngoài ra ngày và đêm nay ở khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 80mm.
Ông Chu Ngọc Thắng - phó trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ - cho biết hiện nay lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang xuống và ở mức báo động 1-2.
Dự báo trong 24 giờ tới, lũ trên các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi tiếp tục xuống dưới mức báo động 1.
"Từ nay đến 25-10, trên các sông ở Bình Định, Kon Tum khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ các sông ở Bình Định, sông Đăkbla (Kon Tum) lên mức báo động 1 - báo động 2" - ông Thắng cảnh báo.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo từ ngày 26-10, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xảy ra một đợt mưa to đến rất to.
Ông Trần Quang Năng, trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, nhận định thiên tai trong những ngày tới ở miền Trung - Video: H.LINH
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung làm 1 người mất tích ở Quảng Ngãi do lũ cuốn. 44,7ha hoa màu ở Quảng Nam bị thiệt hại.
Về ngập lụt, tại Quảng Ngãi có 32 xã thuộc 5 huyện, thị trấn và thành phố Quảng Ngãi bị ngập lụt, mức ngập bình quân từ 0,2-1m. Thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) ngập cục bộ 1,5m.
Tại Quảng Nam có 25 xã, phường, thuộc 5 huyện, thị trấn bị ngập lụt, mức ngập bình quân từ 0,1-0,8m. Ở xã Tam Thành (huyện Phú Ninh) ngập cục bộ 1,2-2m.
Về giao thông tại Quảng Nam, quốc lộ 1 bị ngập cục bộ đoạn qua xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh ngập sâu khoảng 0,6m.
Đường lên đỉnh Bạch Mã sạt lở nghiêm trọng, lo ảnh hưởng đến du lịch Huế Đường lên đỉnh Bạch Mã - thắng cảnh du lịch nổi tiếng ở tỉnh Thừa Thiên Huế - bị sạt lở nghiêm trọng sau đợt mưa lớn vừa qua. Đường dẫn lên đỉnh núi Bạch Mã - thắng cảnh du lịch nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế - sạt lở nghiêm trọng - Video: N.LINH Chiều 20-10, ông Nguyễn Vũ Linh - giám...