Nhiều nội dung quan trọng tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 11 khóa XII
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XII sẽ gồm nhiều nội dung quan trọng hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Dù còn khoảng một năm rưỡi nữa mới diễn ra Đại hội nhưng các công tác chuẩn bị đang được tiến hành rất tích cực.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XII dự kiến khai mạc trong tháng 10 này có thể sẽ đưa ra nhiều nội dung quan trọng để trình Đại hội lần thứ XIII.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XII dự kiến khai mạc trong tháng 10 này.
Từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay, Thường trực Tiểu ban Văn kiện và Tổ Biên tập đã tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 để trình Tiểu ban.
Việc xây dựng các dự thảo báo cáo, căn cứ vào Đề cương chi tiết đã được Hội nghị Trung ương 10 cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện; căn cứ kết quả nghiên cứu của 34 đoàn khảo sát các vấn đề lý luận và thực tiễn tại các ban, bộ, ngành, địa phương, 5 cuộc tọa đàm khoa học và 36 báo cáo nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan nghiên cứu lý luận, khoa học.
Tại hội nghị lần thứ 10 diễn ra vào tháng 5/2019, Trung ương đã thống nhất cao về tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoàn thiện đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện.
Về đánh giá thành tựu, kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Không chỉ đánh giá 5 năm mà phải nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, bám sát các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII đã nêu và đối chiếu với Cương lĩnh 2011. Việc đánh giá phải mang tính tổng kết, xem nhiệm kỳ này dấu ấn nổi bật là gì? tồn tại, hạn chế là gì? cô đọng, sát thực tế, tập trung vào những nét lớn, không theo lối mòn”.
Về mục tiêu phát triển đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Mở nhưng phải bám sát Cương lĩnh”; tập trung vào ba đột phá chiến lược: Hạ tầng cơ sở, hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời tiếp tục nghiên cứu thêm.
Về phương pháp lãnh đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: “Cần xử lý, giải quyết tốt các mối quan hệ biện chứng giữa các mặt đối lập, ở tầm quốc gia, cũng như của một địa phương, một lĩnh vực…”.
Cương lĩnh 2011 đã nêu 8 mối quan hệ cơ bản. Đó là các mỗi quan hệ giữa kiên định mục tiêu và sáng tạo trong sách lược; vấn đề dân tộc và giai cấp; độc lập dân tộc và CNXH; kinh tế thị trường và định hướng XHCN; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; mối quan hệ giữa quy mô và chất lượng phát triển; vấn đề lợi ích quốc gia và hội nhập quốc tế… Vừa qua, chúng ta thành công là vì đã xử lý tốt các mối quan hệ, không cực đoan, không phiến diện…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Kiên định mục tiêu lý tưởng có nguyên tắc, đồng thời phải hết sức sáng tạo, bám sát thực tiễn để đổi mới kịp thời.”
Video đang HOT
Được biết, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XII lần này cũng sẽ xem xét, góp ý 2 dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội – bổ sung, phát triển năm 2011).
Hai dự thảo này đã được Bộ Chính trị, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tổ chức Hội nghị, lấy ý kiến các vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước để góp ý. Các vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã góp ý kiến về chủ đề và phương châm chỉ đạo của Đại hội XIII; về kết cấu của Báo cáo chính trị; những nội dung các vấn đề lớn của Dự thảo Báo cáo chính trị.
Trong đó, tập trung góp ý về đánh giá thành tựu đạt được trong 5 năm qua; về những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; về những kinh nghiệm rút ra; góp ý về dự báo bối cảnh quốc tế và trong nước; về quan điểm, mục tiêu tổng quát đến giữa thế kỷ XXI và mục tiêu đến năm 2025, 2030 và 2045; về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; về các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Hai dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 cũng đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng góp ý hồi đầu tháng 9.
Theo Diendan
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Di chúc của Người toả sáng giá trị dân tộc và thời đại, thấm đậm nhân văn, văn hoá Hồ Chí Minh, mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc.
Ngày 30/8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019).
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự buổi lễ. Ảnh: VGP
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng... dự sự kiện này.
Dự báo thiên tài của Bác trong Di chúc sớm trở thành hiện thực
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, các đại biểu thành kính tưởng nhớ và biết ơn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân.
Chỉ với hơn một nghìn từ, vô cùng ngắn gọn, nhưng Di chúc của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Trong Di chúc, Người khẳng định: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà". Dự báo thiên tài đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm trở thành hiện thực, thể hiện tầm cao trí tuệ uyên bác và tri thức thực tiễn hết sức phong phú, sâu sắc, nắm vững và làm chủ quy luật vận động khách quan của Người.
Di chúc luôn đồng hành với dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân
Đọc diễn văn tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người là biểu tượng, là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng "Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư". Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hun đúc nên sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất, vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 50 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành với dân tộc ta, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh; mang lá cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhờ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, với sự chung sức, đồng lòng phấn đấu không ngừng của lớp lớp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
"Chúng ta có thể tự hào và tin tưởng báo cáo với Bác rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã xây dựng đất nước ta mười lần to đẹp hơn và ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Người. Điều đó càng củng cố thêm niềm tin của chúng ta vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu.
Tư tưởng đại đoàn kết của Bác
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thực hiện Di chúc của Người, Đảng ta luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.
Những tiết mục biểu diễn tại buổi lễ. Ảnh: VGP
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, từ thực tiễn 50 năm thực hiện Di chúc, chúng ta có cơ sở vững chắc để khẳng định muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng có hiệu quả, ngăn ngừa được những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", đồng thời phải thực sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thấm nhuần sâu sắc và phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, thuỷ chung của Người, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong công cuộc đấu tranh vì mục tiêu chung của thời đại; tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới.
Với đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, 50 năm thực hiện Di chúc là một chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng, kiên định con đường cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Những bài học quý báu trong 50 năm thực hiện Di chúc
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu để lại cho chúng ta những bài học lịch sử hết sức quý báu. Đó là bài học nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đó là bài học không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Đó là bài học sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nhấn mạnh những giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử của Di chúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Tuy nhiên, chúng ta cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe doạ tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta càng cần phải thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, xứng đáng là đội quân tiên phong, là Đảng cầm quyền, ngang tầm nhiệm vụ.
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện lý tưởng cao cả của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
"Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi với non sông đất nước, với nhân dân ta. Di chúc của Người toả sáng giá trị dân tộc và thời đại, thấm đậm nhân văn, văn hoá Hồ Chí Minh, mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc, đã, đang và sẽ tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng to lớn cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, các đại biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ Trung ương và Hà Nội biểu diễn ca ngợi Đảng quang vinh, đất nước đổi mới và Bác Hồ vĩ đại.
An Nhi
Theo Thoidai
Mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc, đã, đang và sẽ tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng to lớn cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát...