Nhiều nơi bị cô lập sau bão, di dân khẩn cấp khỏi vùng nguy hiểm
Sau khi bão số 2 đổ bộ vào đất liền, tại Thanh Hóa đã xuất hiện những thiệt hại do ảnh hưởng nặng nề. Nhiều địa phương miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã bị cô lập do nước sông suối dâng cao, hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Theo thông tin tin từ huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), do ảnh hưởng của cơn bão số 2, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có mưa rất to. Lượng mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều sông suối dâng cao.
Sông Âm đoạn chảy qua địa bàn huyện Lang Chánh đang dâng cao
Sáng ngày 17/7, huyện Lang Chánh đã tổ chức sơ tán khẩn cấp 44 hộ dân nằm trên địa bàn Bản Trải 2, thị trấn Lang Chánh do bị ngập nước. Ngoài ra, nhiều hộ dân tại xã Tam Văn, Đồng Lương, Quang Hiến cũng phải di dời khẩn cấp.
Toàn bộ các tuyến đường giao thông từ thị trấn đến trung tâm các xã đều bị cô lập do nước các sông, suối dâng cao; nước chảy xiết qua các ngầm, tràn phương tiện giao thông không qua lại được. Hiện tại, nước ở các sông suối đang lên rất nhanh, đặc biệt là sông Âm, sông Cảy.
Các công trình thuỷ lợi cơ bản an toàn, một số công trình thuỷ lợi đang thi công, nhà thầu đã có phương án bảo vệ an toàn công trình và hồ đập.
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Lang Chánh, tính đến 10h ngày 17/7, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2 từ đêm 16/7 đến sáng ngày 17/7, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa vừa, mưa to và kéo dài nhiều đợt (Tổng lượng mưa tính từ 19h ngày 16/7 đến 7h sáng ngày 17/7/2017 là 132 mm.
Nhiều tuyến đường bị cô lập, 50 hộ dân phải di dời khẩn cấp
Các sông, suối xuất hiện lũ ống, lũ quét gây ngập lụt và cuốn trôi hoa màu dọc các bờ sông, suối. UBND huyện và các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã tổ chức lực lượng, phương tiện túc trực 24/24h, cảnh báo thiên tai trên hệ thống loa truyền thanh của huyện và loa truyền thanh của các xã, thị trấn.
Đồng thời, các xã, thị trấn cắt cử lực lượng, phương tiện trực chỉ huy phòng chống thiên tai 24/24h để cập nhật thông tin và cảnh báo thiên tai đến người dân.
Video đang HOT
Tính đến 10h30, ngày 17/7, trên địa bàn huyện Lang Chánh không có thiệt hại về người. Chỉ có thiệt hại về hoa màu, thủy sản và hệ thống giao thông nội đồng và trường học.
Tại xã Trí Nang có 2 nhà dân bị đất, đá sạt lở gây sập nhà và thiệt hại vật nuôi; xã Tân Phúc 1 hộ bị tốc mái nhà. Trường Tiểu học Giao An bị lốc mái 4 phòng học với diện tích 280 m2. Mưa lũ cũng khiến hàng trăm ha hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và lũ cuốn trôi.
Xuất hiện tình trạng sạt lở đất
Sát lở đất làm sập nhà dân tại xã Trí Nang
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lang Chánh cho biết: Trước diễn biến phức tạp của mưa bão và tình hình nước dâng nhanh ở các sông, suối. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã, thị trấn đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện túc trực và trực tiếp ra quân hỗ trợ nhân dân di rời nhà cửa, chằng chống mái nhà, cắt cử lực lượng canh gác ở các tuyến đường, tràn để hướng dẫn giao thông qua lại, đảm bảo an toàn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng ngày 17/7, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện miền núi Quan Sơn, cho biết, hiện tại, huyện đã chỉ đạo cán bộ trực tiếp xuống các địa bàn nắm tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với những diễn biến sau bão.
Đến thời điểm này, lượng mưa trên địa bàn chưa lớn. Tuy nhiên, nước sông Lò và sông Luồng chạy qua địa bàn đang dâng cao do từ thượng nguồn đổ về.
Ông Đạt cho biết thêm, thường đối với địa bàn miền núi, sau bão vài ngày thì lượng mưa mới lớn và nước từ thượng nguồn về nhiều dễ dẫn đến lũ ống, lũ quét và ngập lụt.
Nhiều địa phương đã bị cô lập sau bão
Tại các huyện Thường Xuân và Bá Thước cũng có nhiều địa phương bị cô lập, hiện các địa phương đang huy động mọi nguồn lức nhằm ứng phó với diễn biến của hoàn lưu bão số 1.
Phát hiện 2 xà lan lạ trôi dạt vào bờ
Rạng sáng ngày 17/7, nhiều người dân phát hiện 2 xà lan khá lớn trôi dạt vào bãi biển thôn 1, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).
Một số người dân chứng kiến cho biết, vào khoảng 2h sáng, nhiều người đang đi kiểm tra bè mảng bất ngờ phát hiện một xà lan lớn trôi tự do vào bờ. Tiếp đó đến khoảng 5h sáng, người dân phát hiện chiếc xà lan thứ 2 hình dạng giống như chiếc ban đầu bị sóng biển đánh trôi dạt vào bờ.
Phát hiện 2 xà lan trôi tự do trên biển
Theo quan sát của phóng viên, 2 xà lan trôi dạt vào bờ có chở cần cẩu cùng nhiều vật dụng sinh hoạt khác. Xà làn không có số hiệu và không phát hiện có người bên trên.
Nhiều người đã nỗ lực khống chế không cho xà lan tiếp tục bị trôi dạt nhưng do xà lan khá lớn cùng với sóng gió mạnh nên đành bất lực. Người dân địa phương không biết 2 xà lan này trôi dạt từ đâu tới.
Lực lượng chức năng đang tìm cách khống chế không cho xà lan bị trôi dạt cũng như xác định chủ nhân của xà lan.
Duy Tuyên – Thanh Tùng
Theo Dantri
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, hướng Thanh Hóa - Hà Tĩnh
Dự kiến ngày 17/7, cơn bão thứ hai trong năm nay sẽ đi vào vùng biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, chiều nay áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 trong năm ở biển Đông, tên quốc tế là Talas.
Lúc 13h, bão trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8). Với vận tốc 15 km/h, theo hướng tây bắc, đến chiều 16/7 bão cách bờ biển Nam Định - Nghệ An khoảng 320 km, sức gió không đổi.
Dự báo đường đi của bão số 2. Ảnh: NCHMF.
Ngày 17/7, bão trên bờ biển các tỉnh Nam Định - Hà Tĩnh, cường độ gió giữ nguyên 75 km/h, giật cấp 9-10. Tiếp đó, nó đi sâu vào đất liền các tỉnh Thanh Hoá - Hà Tĩnh và suy yếu thành vùng áp thấp. Vùng nguy hiểm cho tàu thuyền là vĩ tuyến 15,5 đến 20 độ; kinh tuyến 13 độ.
Hoàn lưu bão gây mưa cho Bắc và Bắc Trung Bộ từ ngày 16 đến 18/7 với lượng mưa 100-300 mm. Hà Nội dù không nằm trên đường đi của bão nhưng vẫn có mưa lớn, khả năng ngập úng cao.
Dự báo đường đi bão của Đài khí tượng Hong Kong. Ảnh: hko.gov.hk.
Trên biển, trong đêm nay và ngày mai, khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2-3 m. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan mưa rào và giông mạnh.
Đây là cơn bão thứ hai xuất hiện ở biển Đông trong năm nay. Cơn bão đầu tiên hình thành vào ngày 11/6, sau đó đi vào Trung Quốc.
Theo cơ quan khí tượng, mùa mưa bão 2017 có khoảng 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biên Đông. Trong đó 3-4 cơn đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, tập trung ở Trung Bộ.
Phạm Hương
Theo VNE
Gió giật mạnh, mưa như trút trước giờ bão đổ bộ Bão chưa đổ bộ vào đất liền, tuy nhiên, hiện gió bão mạnh kèm mưa như trút nước đang đổ xuống bầu trời Hà Tĩnh. Tại Nghệ An mưa gió mạnh đã khiến nhiều nơi mất điện, cây xanh và cột điện gãy đổ. Tại Thanh Hóa cũng có mưa nhưng cường độ nhẹ hơn. Gió giật mạnh, mưa như trút tại Hà...