Nhiều nhà máy vẫn duy trì ‘3 tại chỗ’
Nhiều nhà máy vận động công nhân tiếp tục ăn ở, làm việc tại chỗ để đảm bảo an toàn sản xuất, hạn chế tiếp xúc bên ngoài khi số ca nhiễm cộng đồng còn cao.
Sau gần 3 tháng giữ vững “pháo đài” chống dịch bằng phương thức “3 tại chỗ” lãnh đạo Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7), chuyên lĩnh vực cơ khí khuôn mẫu chính xác, đang vận động công nhân ở lại. Bởi lãnh đạo công ty nhận định thành phố “mở cửa” từ 1/10 nhưng số ca nhiễm ngoài cộng đồng còn cao, người lao động trở về nhà dễ mang mầm bệnh vào nơi sản xuất và ngược lại.
Công ty Lập Phúc thực hiện “3 tại chỗ” ngày 9/7, khi thành phố chưa có yêu cầu. Theo ông Nguyễn Văn Trí, Tổng giám đốc công ty, nhờ quyết định sớm khi dịch chưa phức tạp nên lực lượng lao động nòng cốt nhà máy được bảo toàn, giúp hoạt động sản xuất không bị gián đoạn. 130 kỹ sư, công nhân kỹ thuật, có tay nghề cao được bố trí ăn ở, làm việc trong khuôn viên nhà xưởng rộng hơn 10.000 m2.
Công nhân Công ty Lập Phúc sản xuất khi nhà máy thực hiện “3 tại chỗ”. Ảnh: An Phương
Tổng giám đốc Công ty Lập Phúc đánh giá duy trì “3 tại chỗ” tốn nhiều chi phí nhưng trong bối cảnh này đây là phương án sản xuất an toàn nhất. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thay cho mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất để đảm bảo trả đủ tiền lương cho người lao động, giữ được khách hàng. Tuy vậy, sau 3 tháng xuất hàng ổn định nhiều đối tác ở Mỹ, châu Âu tin tưởng ký thêm các hợp đồng mới.
“Nếu người lao động đồng ý, nhà máy sẽ tổ chức sản xuất 3 tại chỗ đến Tết nguyên đán”, ông Trí nói.
Theo quy định của chính quyền TP HCM, sau ngày 30/9 doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch của thành phố và chịu trách nhiệm về kết quả tự đánh giá, thông báo với cơ quan quản lý để hậu kiểm.
Video đang HOT
Điều này đồng nghĩa việc các nhà máy được “cởi trói” khỏi phương án “vừa sản xuất, vừa cách ly”. Thay vào đó người lao động chỉ cần đáp ứng có thẻ xanh Covid hoặc xét nghiệm âm tính với nCov sẽ được đi từ nơi ở đến công xưởng bằng xe cá nhân. Dù không còn bắt buộc nhưng nhiều nhà máy vẫn chưa mạnh dạn dừng hẳn phương án “3 tại chỗ” bởi e ngại dịch chưa được kiểm soát, công nhân đi về làm tăng nguy cơ dịch lan vào nơi sản xuất.
Cũng với lý do “giữ an toàn cho nhà máy”, trong nửa tháng tới, hơn 1.200 lao động Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tiếp tục thực hiện mô hình “3 tại chỗ”. Hình thức này được áp dụng cho cả khối văn phòng ở trụ sở chính ở quận Tân Bình và hai xưởng sản xuất đóng tại huyện Bình Chánh.
Công nhân Công ty Đại Dũng sản xuất khi nhà máy thực hiện “3 tại chỗ”. Ảnh: An Phương
Ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc công ty cho hay phương án sản xuất khi thành phố “mở cửa” được công ty đưa ra từ giữa tháng 9 sau nhiều lần cân nhắc, họp bàn. Trước khi ra quyết định, lãnh đạo nhà máy, công đoàn đã tổ chức gặp gỡ người lao động để động viên họ tiếp tục ở lại.
Từ phía công nhân, bên cạnh những người muốn được trở về nhà, không ít trường hợp lại e ngại do bản thân và người nhà chưa tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19. Gia đình có con nhỏ, người già, đang sống ở “vùng đỏ”, nếu quay trở về chẳng may nhiễm bệnh sẽ làm mọi thứ xáo trộn.
“Mọi người đều có phần mệt mỏi sau gần 3 tháng ăn ở tại nơi làm việc nhưng nhìn chung tất cả đã thắng lợi”, ông Hùng nói. Nhà máy đảm bảo tiến độ đơn hàng, giữ uy tín với đối tác. Không có người lao động nhiễm bệnh, thu nhập tăng so với trước dịch. Để tạo sự thoải mái, nhà máy ở Khu công nghiệp An Hạ tổ chức công nhân trồng rau, thi đấu thể thao, phủ sóng wifi tốc độ cao để mọi người giải trí, liên lạc, gọi video về gia đình.
Tuy vậy, theo tính toán của ông Hùng, thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, chi phí công ty tăng thêm 10 tỷ đồng, lợi nhuận giảm. “Đây là lý do chúng tôi muốn dừng phương án này nhưng không thể vội vàng”, ông Hùng nói và cho hay khi các nhà máy xung quanh hoạt động ổn định, số ca nhiễm cộng đồng giảm, công ty sẽ thu hẹp hình thức này. Những công nhân tiêm 2 liều vaccine, ở “vùng xanh” sẽ được về nhà trước.
Không chỉ Công ty Lập Phúc, Đại Dũng còn duy trì “3 tại chỗ” sau ngày 30/9, nhiều nhà máy ở TP HCM vẫn chưa dám dừng phương thức sản xuất này. Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) có khoảng 70 doanh nghiệp vẫn thực hiện “vừa sản xuất, vừa cách ly” từ ngày 15/7 đến nay.
Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao (SHTP) Nguyễn Anh Thi cho hay sau khi thành phố quyết định nới lỏng giãn cách, các nhà máy vẫn rất thận trọng, ít nhất trong tháng 10, sẽ phối hợp cùng lúc nhiều phương án để đảm bảo an toàn, hoạt động không bị gián đoạn.
Công nhân Công ty Datalogic ở Khu công nghệ cao ở lại nhà máy khi doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Ảnh: Chung Đặng
Tương tự, chỉ một số ít trong 720 doanh nghiệp thuộc 17 khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố cho lao động ra về, đa phần chưa vội dừng các phương án “vừa sản xuất, vừa cách ly” khi thành phố nới lỏng biện pháp giãn cách.
Ông Đào Quốc Cường, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Juki Việt Nam cho hay trong lúc chuẩn bị phương án mới nhà máy vẫn duy trì “3 tại chỗ” để đảm bảo nhà máy hoạt động liên tục. Hiện, bộ phận nhân sự liên lạc công nhân, thống kê số lượng lao động đạt yêu cầu theo hướng dẫn Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM (Hepza), chuẩn bị tốt nhất cho ngày trở lại.
“Sau khi hoàn tất chúng tôi mới báo lên Hepza dừng 3 tại chỗ và thực hiện phương án sản xuất mới”, ông Cường nói và cho rằng khi thành phố “mở cửa”, công tác phòng chống dịch tại nơi sản xuất do chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính nên “sự cẩn trọng là rất cần thiết”.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, sau 30/9 vai trò đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch của người đứng đầu các doanh nghiệp được đề cao. Nếu trước đây chưa đặt nặng trách nhiệm của người sử dụng lao động thì lần này phải chịu trách nhiệm. Do đó, chủ doanh nghiệp phải có biện pháp bảo vệ nhà máy, không để dịch xâm nhập nơi sản xuất. Thành phố chỉ giữ vai trò hỗ trợ.
Phương án “vừa sản xuất, vừa cách ly” với hai hình thức chính là “3 tại chỗ” và “một cung đường, 2 điểm đến” được TP HCM áp dụng ngày 15/7, những doanh nghiệp không đạt yêu cầu phòng chống dịch phải dừng hoạt động. 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao của thành phố có hơn 720 doanh nghiệp duy trì phương thức sản xuất này với hơn 60.000 lao động tham gia.
Trà Vinh: Tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 14
Trong 4 ngày 25-28/9, Sở Y tế tỉnh Trà Vinh tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 14 mũi 1 cho hơn 20.000 người dân trong tỉnh.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 13, từ 21-23/9, tại điểm tiêm trường Đại học Trà Vinh (ảnh minh họa).
Đối tượng tiêm vaccine đợt này là nhân viên ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng; thú y viên; công nhân các doanh nghiệp nhỏ; lực lượng shipper; tiểu thương kinh doanh trong khu vực chợ, thành viên ban quản lý chợ, người tham gia trực chốt vào chợ trên địa bàn huyện, thị xã; lực lượng thương nhân phân phối xăng dầu, ga; toàn bộ người dân trên 18 tuổi thuộc các ấp nguy cơ cao, gồm: Ô Tưng (xã Châu Điền, huyện Cầu Kè); ấp Đại Thôn (xã Phước Hảo), Chăng Mật (xã Hòa Lợi), Qui Nông B (xã Hòa Lợi), Bích Trì (xã Hòa Thuận) thuộc huyện Châu Thành.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh Kiên Sóc Kha cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, tỉnh được Bộ Y tế phân bổ 174.460 liều vacccine phòng COVID-19. Trong tổng số người dân trên 18 tuổi của Trà Vinh, đã có gần 107.000 người được tiêm mũi 1 (đạt hơn 14%) và gần 49.000 người được tiêm đủ 2 mũi vaccine (hơn 6%).
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đang dần được kiểm soát.Theo bản đổ thông tin dịch tễ COVID-19 của tỉnh Trà Vinh được cập nhật sáng 25/9, 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã đạt trạng thái bình thường mới. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 2 xã còn ở mức nguy cơ cao và 1 xã ở mức nguy cơ. Để chuẩn bị khôi phục lại sản xuất, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn vaccine để tiêm phòng cho khoảng 31.000 công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp trong tỉnh.
Tính đến sáng 25/9, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 1.498 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, 42 ca nhập cảnh. Tỉnh đã điều trị khỏi bệnh 1.284 ca và có 21 ca tử vong. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 193 ca mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện dã chiến trong tỉnh.
Công nhân công trình xây dựng phải có 'thẻ xanh Covid' Các công trình trong khu vực "bình thường mới", "vùng xanh" tại TP HCM được xây dựng khi toàn bộ lao động có thẻ xanh Covid, tuân thủ 5K, xét nghiệm định kỳ. Nội dung đề cập trong tiêu chí phân loại công trình được phép xây dựng do Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM vừa ban hành, nhằm phù hợp...