Nhiều nhà lãnh đạo thế giới tự cách ly sau khi tiếp xúc với Tổng thống Pháp Macron
Ngay sau khi thông tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dương tính với virus SARS-CoV-2 được đưa ra, một số nhà lãnh đạo ngay lập tức tự cách ly do trong khoảng thời gian gần đây có tiếp xúc gần với ông chủ Điện Elysee.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Điện Elysee trong khuôn khổ các sự kiện đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày ký kết công ước OECD tại Paris. Ảnh: Reuters
Cụ thể, theo báo Tây Ban Nha El Pais, Thủ tướng nước này ông Pedro Sanchez sẽ tự cách ly cho đến hết 24/12, do gặp Tổng thống Macron vào ngày 14/12. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cũng tuyên bố tự cách ly sau khi tin tức về việc lây nhiễm của Tổng thống Pháp được đưa ra.
Cuối tuần trước, Tổng thống Macron đã tham dự một cuộc hội nghị thương đỉnh Liên minh châu Âu. Ngày 16/12, nhà lãnh đạo này đã gặp Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa trong một bữa tiệc làm việc và gần đây ông cũng có gặp người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi.
Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo cũng sẽ tự cách ly sau khi tiếp xúc gần với Tổng thống Macron. Mặc dù hiện ông Castex không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào song ông đã không có mặt tại cuộc họp Thượng viện Pháp tổ chức vào ngày 17/12 để thảo luận về chiến lược tiêm chủng vaccine của chính phủ.
Ngày 17/12, Điện Elysee thông báo Tổng thống Emmanuel Macron đã có kết quả dương tính với COVID-19. Nhà lãnh đạo 42 tuổi này đã xét nghiệm ngay khi “xuất hiện những triệu chứng đầu tiên”. Tuyên bố không đề cập đến triệu chứng mà ông Macron gặp phải song thông báo nhà lãnh đạo sẽ tự cách ly 7 ngày. “Ngài ấy sẽ tiếp tục làm việc và chỉ đạo các hoạt động từ xa”.
Vợ của Tổng thống Macron, phu nhân Brigitte Macron hiện tự cách ly mặc dù không có bất kỳ triệu chứng nào.
Theo trang worldometers.info, tính đến 18h ngày 17/12 (theo giờ Việt Nam), tại Pháp ghi nhận 2,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 59.000 ca tử vong.
Pháp kêu gọi tăng cường kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen
Ngày 5/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tăng cường kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen của Liên minh châu Âu (EU) sau khi gần đây xảy ra các vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo tại Pháp và Áo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trong chuyến thăm khu vực biên giới giữa Pháp và Tây Ban Nha, Tổng thống Macron cho biết Pháp sẽ tăng cường kiểm soát biên giới bằng cách tăng gấp đôi lực lượng tuần tra biên giới lên 4.800 người. Nhà lãnh đạo Pháp cũng cho biết việc tăng cường kiểm soát biên giới cũng sẽ nhằm vào hoạt động nhập cư trái phép trong bối cảnh "mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng".
Trong những năm gần đây, Pháp - nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu, hứng chịu một loạt các cuộc tấn công bạo lực. Gần đây nhất, vào cuối tháng 10 vừa qua, một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại nhà thờ Notre Dame ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp, khiến 3 người thiệt mạng. Cảnh sát Pháp đã xác định hung thủ là Brahim Aouissaoui, 21 tuổi, người Tunisia, nhập cảnh Pháp ngày 9/10. Đây là vụ tấn công thứ ba chỉ trong hơn hai tháng tại Pháp liên quan đến các phần tử cực đoan Hồi giáo, bao gồm vụ sát hại dã man một thầy giáo lịch sử hôm 16/10 ở ngoại ô Paris vì đã cho học sinh xem các bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed.
Sau vụ việc, Pháp đã triển khai hàng nghìn binh sĩ tới bảo vệ các vị trí quan trọng như địa điểm tôn giáo, trường học và nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất trên toàn quốc.
Người Hồi giáo Indonesia gọi Macron là 'khủng bố' Hàng nghìn người Hồi giáo biểu tình ngoài đại sứ quán Pháp tại Jakarta, gọi Tổng thống Macron là "kẻ khủng bố thật sự" và đòi trục xuất đại sứ. Người biểu tình vây quanh đại sứ quán Pháp hôm nay, phản đối kịch liệt bình luận của Tổng thống Pháp Emanuel Macron về đạo Hồi, yêu cầu lãnh đạo Pháp xin lỗi...