Nhiều nhà khoa học cùng bàn cách cứu dòng sông Sài Gòn – Đồng Nai
Hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai có tác động trực tiếp đến khoảng 20 triệu người dân thuộc 11 tỉnh, thành trong lưu vực. Thế nhưng hệ thống sông này đang chết dần chết mòn bởi chất thải công nghiệp và thủy điện.
2 “lưỡi dao” đâm vào tim sông
Ngày 26/11, Hội thảo “Giải pháp nào nhằm cứu lấy chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai” đã được tổ chức tại TPHCM. Các nhà khoa học đến từ các cơ quan uy tín như Viện Môi trường và Tài nguyên, Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường… đều đưa ra những số liệu khá bi quan về “tình hình sức khỏe” của hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai.
Theo TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, nồng độ oxy hòa tan (DO) trong nước sông Sài Gòn (phần hạ lưu của hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai) không đạt quy chuẩn, đặc biệt là ở đoạn từ cửa Rạch Tra đến cầu Phú Mỹ do đi ngang qua khu vực trung tâm thành phố và tiếp nhận phần lớn nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp từ TPHCM và Bình Dương đổ ra. Nhu cầu oxy sinh hóa (BOD5) và oxy hóa học (COD) đều không đạt quy chuẩn, nồng độ amonia lại vượt quy chuẩn…
TS Nguyễn Văn Phước cảnh báo chất lượng nước sông Sài Gòn đang bị suy giảm và ô nhiễm đáng báo động. Nguyên nhân chính là do các nguồn thải như nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện, nước thải từ các bãi rác, nước thải chăn nuôi… Số liệu khảo sát của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cũng cho thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông đang có chiều hướng gia tăng.
Nước sông ngày càng ô nhiễm
Điều các nhà khoa học lo ngại là hàng ngày vẫn có một lượng không nhỏ hóa chất cực kỳ độc hại từ các nhà máy sản xuất đóng ven sông vẫn lén lút thải xuống hệ thống sông này. Những vụ việc được khám phá như Hào Dương, Vedan… chỉ là 1 góc của tàng băng chìm. Chúng đang góp phần đầu độc nguồn nước, hủy hoại sự sống bên dưới mặt nước và thảm thực vật hai bên bờ sông.
Ngoài ra, hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai còn đang kiệt quệ từng ngày vì hệ thống thủy điện dày đặc tại khu vực thượng nguồn. Việc xây dựng quá nhiều thủy điện trên đoạn thượng nguồn đã góp phần làm thay đổi hệ sinh thái, gây cạn kiệt nguồn nước ở vùng hạ lưu.
Các nhà khoa học ví von các cơ sở xả thải ô nhiễm ven sông và thủy điện ở thượng nguồn như 2 lưỡi dao đâm thẳng vào trái tim dòng sông này. Hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai giàu đẹp đang chết dần vì 2 nhát dao trên.
Cứu lấy dòng sông khi còn chưa muộn
Video đang HOT
Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, dự kiến đến năm 2020, lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai có hơn 200 khu công nghiệp (KCN), tăng gấp đôi so với con số 103 KCN hiện nay. Điều đáng nói là trong số 103 KCN hiện nay vẫn còn rất nhiều KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thậm chí, dù có hệ thống xử lý nước thải thì vẫn có nhiều đơn vị không chị đấu nối vào mà lén lút xả thẳng ra sông.
Còn TS Nguyễn Văn Phước thì lo ngại chất thải độc hại phát ra từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nhưng số lượng rất lớn đóng ven sông; đặc biệt là các cơ sở sản xuất bột giấy, xử lý chất thải độc hại, thuộc da… Ngoài ra, nước thải ở các cơ sở sản xuất thủ công và cả các quán nhậu ven sông cũng là nguồn thải độc hại mà lâu nay không được quản lý.
Các nhà khoa học còn cảnh báo 1 tình trạng xấu đang diễn ra là các cơ sở sản xuất ô nhiễm cao như dệt nhuộm, chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, xi mạ, giấy… đang có xu hướng “dịch chuyển” sâu về phía thượng nguồn, tìm về các khu vực vắng dân cư, trốn vào các kênh nhánh… để dễ dàng xả thải.
Nhiều cơ sở nhỏ lẻ trốn vào các khu vực kênh nhánh vắng vẻ để xả thải (ảnh minh họa)
Ông Phùng Chí Sỹ, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường lưu ý đến tình trạng thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong việc cấp phép cho các dự án có khả năng gây ô nhiễm cao đang khiến tình trạng này khó kiểm soát. Theo ông thì có rất nhiều cơ sở đang được di dời làm ta ít thấy sự hiện diện của các cơ sở này nhưng lượng chất thải ra sông vẫn không giảm, có khi còn tăng cao hơn.
Trong khi đó, lưu vực hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai có chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho gần 20 triệu người dân sinh sống ở 11 tỉnh, thành lớn như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh… Đặc biệt là tại TPHCM, hệ thống sông này là nguồn nước cấp cho các nhà máy nước sạch chính của thành phố; gần 1,5 triệu m3 nước sạch hàng ngày mà người dân dùng là lấy từ đây.
Do đó, theo các nhà khoa học thì chính quyền các tỉnh thành phải tăng cường hợp tác, quản lý để cứu lấy hệ thống sông này trước khi quá muộn; đừng vì xung đột lợi ích giữa địa phương ở thượng nguồn với địa phương ở hạ nguồn mà để dòng sông này “chết dần chết mòn”.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Kết luận chính thức vụ mặt đường phát nổ "kỳ lạ": Do chập điện
Sau khi cùng phối hợp khai quật vị trí mặt đường phát nổ, cháy trước số 236 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, Sở Khoa học - Công nghệ và Sở CS PCCC đã đưa ra kết luận chính thức về hiện tượng trên là do chập đường cáp điện ngầm.
Hiện tượng mặt đường Bình Lợi phát nổ, cháy là do chập điện
Vụ việc gây xôn xao dư luận bắt đầu xảy ra vào chiều 28/10, sau tiếng nổ, lớp nhựa đường bị hất tung tạo thành một hố rộng khoảng 20cm, sâu gần 40cm. Liên tiếp sau đó nhiều tiếng nổ khác vang lên, rồi một cột lửa bốc cháy dữ dội được hình thành.
Theo anh Nguyễn Mạnh Quang (38 tuổi, ngụ tại số 236 Bình Lợi), trước đó một ngày, anh Quang phát hiện một tiếng nổ nhỏ, mặt đường sau đó bị lún xuống. Đến chiều 28/10, một tiếng nổ khác vang lên ngay vị trí phát nổ hôm trước. Lớp nhựa đường bị hất tung tạo thành hố, liên tiếp sau đó xảy ra thêm nhiều tiếng nổ khác. Sau khi phát nổ, miệng hố bốc khói màu hồng, rồi bất ngờ bốc cháy tạo thành cột lửa cao gần 1m. Hiện tượng này diễn ra trong khoảng một phút.
Ngày 29/10, Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM đã lấy các mẫu đất, nước, khí...đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy hàm lượng khí metan ở đây cao hơn bình thường
Sáng 29/10, Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM (Sở KHCN) cùng các đơn vị liên quan quận Bình Thạnh đã có mặt tại hiện trường tiến hành lấy mẫu đất từ độ sâu 30-50-80cm; lấy mẫu không khí tại vị trí phát nổ và các mẫu khí khu vực dân cư lân cận làm mẫu đối chứng; lấy mẫu nước tại vị trí hố... Tổ cán bộ thuộc bộ môn Vật lý địa cầu (Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM) cùng có mặt tại hiện trường, sử dụng máy radar xuyên đất Georada dò tìm kim loại và xác định cấu trúc lòng đất xung quanh miệng hố.
Kết luận ban đầu được Sở KHCN đưa ra, lý giải về hiện tượng kỳ lạ trên là do khí mê tan (CH4) được phát sinh và tích tụ cục bộ trong lòng đất tại khu vực này. Cụ thể; trong 18 mẫu gồm 7 mẫu đất, 3 mẫu nước và 8 mẫu khí, qua phân tích, trong mẫu nước và đất không có loại khí gây cháy nằm lẫn; thành phần của mẫu đất chủ yếu là các chất vô cơ thông thường như silic, nhôm, sắt...không phát hiện thấy có thành phần nào cao bất thường. Trong mẫu nước không phát hiện các thành phần khí gây cháy nằm lẫn. Riêng trong mẫu khí, phát hiện thấy có khí mê tan với hàm lượng 0,2 - 2%.
Để làm rõ thêm về vụ nổ cháy bất thường trước số 236 Bình Lợi, Sở CS PCCC TPHCM cũng vào cuộc. Tiến hành khám nghiệm hiện trường, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM ghi nhận hố nổ có dạng hình ống, đường kính miệng 33 cm, đường kính đáy 25 cm, chiều cao từ đáy lên đến miệng (mặt đường) khoảng 50 cm, cách lề đường (trước địa chỉ 236 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh) 70 cm.
Sở CS PCCC đưa ra kết luận về hiện tượng mặt đường Bình Lợi phát nổ, cháy là do chập điện, phóng hồ quang điện
Trong lòng hố (cách mặt đường 40 cm), có hệ thống đường dây dẫn điện gồm nhiều dây dẫn được luồn trong ống nhựa đường kính 60 mm đã bị đứt, vỏ ống nhựa và vỏ bọc dây dẫn ở chỗ đứt bị cháy hóa than không đều. Ở đầu lõi đồng dây dẫn điện có dấu vết sần sùi, thậm chí có một số vị trí các dây dẫn nóng chảy dính vào nhau. Đáng chú ý, dưới đáy hố có nhiều hạt đồng tròn, sáng bóng với nhiều kích cỡ khác nhau (đặc trưng của sự cố điện)...
Sở Cảnh sát PCCC đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân xảy ra vụ việc là do lớp cách điện bị hở dẫn đến phóng hồ quang điện giữa dây nóng và dây nguội.
Sau khi nhận được báo cáo của Sở CS PCCC và Sở Khoa học - Công Nghệ TPHCM, UBND TP đã yêu cầu hai đơn vị này "bắt tay" cùng xuống hiện trường để "khai quật" vị trí xảy ra hiện tượng lạ nhằm tìm được nguyên nhân chính xác nhất.
Đường cáp điện phát hiện bị đứt và toé lửa khi có dòng điện chạy qua
Lúc 15h chiều 4/11, Phòng Pháp chế điều tra và xử lý cháy nổ (Sở CS PCCC), Phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học - Công nghệ) và Phòng Quản lý Đô thị quận Bình Thạnh, đại diện ngành điện lực đã có mặt tại hiện trường để trực tiếp giám sát việc "khai quật" vị trí xảy ra nổ cháy. Khi các công nhân đào bới ở độ sâu gần 1m thì phát hiện một đường dây điện bị đứt rời nằm cách nhau khoảng 30cm. Phòng Pháp chế điều tra và xử lý cháy nổ đã lấy các mẫu đất, hạt đồng để tiếp tục xét nghiệm.
Sợi cáp điện đứt rời nằm cách nhau khoảng 30cm. Đây cũng chính là "thủ phạm" gây ra hiện tượng mặt đường cháy, nổ xôn xao dư luận thời gian qua
Nguyên nhân chính thức được hai Sở cùng đưa ra về hiện tượng nổ bất thường trên mặt đường Bình Lợi đoạn trước số nhà 236 là do chập điện. Cụ thể một đoạn cáp điện bị bể do trong quá trình thi công đường ống cấp nước gặp phải nước triều cường dâng cao đã gây ra sự cố chập điện tạo hiện tượng hồ quang điện, phát sinh ra nguồn nhiệt lớn gây ra tiếng nổ và cháy cục bộ.
Theo Dantri
"Khai quật" vị trí xảy ra hiện tượng cháy nổ "kỳ lạ" Để làm rõ hiện tượng cháy nổ "kỳ lạ" tại mặt đường trước số 236 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM, các lực lượng chức năng đã quyết định "khai quật" vị trí này. Bước đầu phát hiện một đường dây điện bị đứt rời. Lực lượng chức năng tiến hành "khai quật" vị trí xảy ra hiện tượng nổ cháy...