Nhiều người Việt suy gan, hôn mê nguy kịch vì nghiện ‘món’ này
Mỗi ngày đầy đủ 3 cữ rượu, trung bình khoảng 600 ml, người đàn ông ở Yên Bái nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội liên tục, bụng chướng căng đau khắp người, mạch nhanh, nôn nhiều, có tiền sử xơ gan.
Ảnh minh hoạ: Internet
Thập tử nhất sinh vì ham nhậu
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, bệnh nhân Đ năm nay mới 35 tuổi, nhưng đã có tiền sử uống rượu khoảng 6 năm nay. Trung bình mỗi bữa bệnh nhân uống một cốc rượu khoảng 200ml, tương đương một ngày ba bữa liên tục khoảng 600ml.
Lần này, trước khi nhập viện cấp cứu bệnh nhân có một bữa rượu “no say”, sau khi về nhà bệnh nhân thấy đau bụng, cơn đau càng ngày càng nặng nên gia đình đã đưa đến BVĐK huyện Văn Yên, sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp, khả năng phải lọc máu cao và ngay lập tức cho bệnh nhân chuyển lên BVĐK tỉnh Yên Bái.
Khi nhập viện đa khoa tỉnh bệnh nhân ở trong tình trạng đau bụng dữ dội liên tục, bụng chướng căng đau khắp người, mạch nhanh, nôn nhiều, có tiền sử xơ gan. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, men tụy Lipase 1892u/l, trong khi người bình thường chỉ số này là 0-60u/l tức là tăng gấp hơn 30 lần, men tụy Amylase 704u/l bình thường chỉ số này là 28/100u/l. Chỉ số về men gan cũng ast(độ phá hủy tế bào gan) cũng rất cao 1561u/l bình thường chỉ số này là chỉ 0-50u/l…Tất cả các chỉ số cho thấy bệnh nhân này viêm tụy cấp hoại tử.
Trước đó, tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Nguyễn Văn T. 52 tuổi, ở Sơn Động, Bắc Giang, bị viêm tụy cấp nặng biến chứng suy đa tạng do rượu. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, anh T rất hay uống rượu, 10 năm nay, mỗi ngày uống hết khoảng 500ml- 1 lít rượu. Ngày 14/11, sau khi ăn đám cưới anh T xuất hiện đau bụng vùng thượng vị sau đó lan ra khắp bụng; đau bụng dữ dội không kèm theo nôn… Người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám tại bệnh viện huyện và được các bác sĩ chẩn đoán viêm tụy cấp. Đến ngày 16/11 tình trạng bệnh không đỡ nên được chuyển đến bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bắc Giang nhưng tình trạng của bệnh nhân nặng thêm và được chuyển đến Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai.
Video đang HOT
Tại Bệnh viện Bạch Mai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, khó thở, suy đa tạng đến tối ngày 21/11 bệnh nhân có diễn biến xấu, suy hô hấp tăng lên, các bác sĩ phải tiến hành đặt ống nội khí quản và lọc máu liên tục. Sau 2 ngày hỗ trợ tích cực bằng thở máy và lọc máu liên tục tình trạng của bệnh nhân được cải thiện; hiện tại không cần lọc máu liên tục nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn còn suy hô hấp, cần hỗ trợ thở máy.
70% bệnh nhân bị viêm tuỵ cấp do uống nhiều bia rượu
TS.BS. Đào Xuân Cơ, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh Viện Bạch Mai cho biết, viêm tụy cấp thường xảy ra do uống nhiều rượu bia chiếm đến 60-70% số bệnh nhân mắc viêm tụy cấp ở Việt Nam… Trong thể viêm tụy cấp nặng bệnh nhân biểu hiện bằng bệnh cảnh suy nhiều cơ quan: sốc, suy hô hấp, suy thận… Nếu không được điều trị sớm, ở mức độ nặng, bệnh diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao 20-50%, trong bệnh cảnh suy đa tạng, nhiễm trùng thứ phát.
TS.BS Đào Xuân Cơ chia sẻ, với trường hợp của bệnh nhân T là thể rất nặng trong viêm tụy cấp, rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh viêm tụy cấp rất dễ tái phát vì người bệnh dù ra viện vẫn phải hết sức giữ gìn, tái khám định kỳ và theo dõi chặt chẽ. Nhiều trường hợp sau khi về, bệnh nhân ăn uống kém, đi ngoài phân sống (do tụy bị hoại tử nên ảnh hưởng đến tiêu hóa); một số lại mắc đái tháo đường do viêm tụy.
Bệnh nhân cũng có thể gặp những biến chứng liên quan đến viêm tụy mạn tính như đái tháo đường, hình thành các nang giả trong tụy… Vì vậy, cứu được bệnh nhân là một thành công, nhưng nếu ngay từ đầu, người dân không uống rượu thì sẽ hạn chế được khả năng viêm tụy cấp, hạn chế việc tổn thương không hồi phục nhiều cơ quan trong cơ thể.
Theo Ths.BS Phạm Đăng Hải, BV Trung ương Quân đội 108, các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp xuất hiện sau khi uống bia rượu như đột ngột đau bụng dữ dội kèm theo nôn ói, bụng chướng nhiều, bí trung đại tiện. Người bệnh viêm tụy cấp nặng có thể dẫn đến suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan, nguy hiểm đến tính mạng và tử vong.
Cũng theo bác sĩ Hải, có hai nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm tụy cấp là do rượu bia và sỏi mật. Trong đó, những người uống rượu bia thường xuyên có khả năng bị viêm tụy cấp rất cao. Đặc biệt, các trường hợp đã bị viêm tụy cấp do rượu bia nếu sau điều trị còn tiếp tục uống rượu bia thì khả năng tái phát cao và lần sau mức độ bệnh sẽ nặng hơn những lần trước.
Ngoài những tác hại dễ nhận thấy sau khi uống rượu bia như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, chất cồn trong rượu bia còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như viêm tụy, viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan; tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản; ung thư đại tràng. Vì vậy, hạn chế uống rượu bia là cách phòng bệnh tốt nhất.
THÁI HÀ (TỔNG HỢP)
Theo Tiền phong
Bệnh máu nhiễm mỡ nguy hiểm thế nào?
Không ít bệnh nhân khi nhập viện điều trị, lượng mỡ trong máu quá lớn, thậm chí đóng thành lớp dày trong ống máu xét nghiệm, hoặc bít kín cầu lọc máu... khiến bác sĩ cũng phát hoảng.
Mỡ đông trong ống lấy máu đi xét nghiệm
Ngỡ ngàng mỡ bít kín cầu lọc máu
Chỉ vào một bệnh nhân đang nằm điều trị viêm tụy cấp trong Khoa Hồi sức cấp cứu, GS.TS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: "Đây là một trường hợp máu nhiễm mỡ (triglycerides) nặng, nguyên nhân chính khiến bệnh nhân viêm tụy cấp hoại tử". Được biết, nam bệnh nhân này được chuyển lên từ tuyến dưới vì đã có dấu hiệu suy đa phủ tạng. Tuy nhiên, dù đã trải quá gần một tuần lễ cấp cứu với nhiều thiết bị hỗ trợ, nhưng mạng sống vẫn chấp chới với tiên lượng sống khá dè dặt. Theo lời GS. TS. Nguyễn Gia Bình, bệnh nhân bị máu nhiễm mỡ nặng đến mức độ khi chạy lọc máu, mỡ bám kín cầu lọc gây tắc nghẽn khiến y, bác sĩ phải tức tốc thay quả lọc mới để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho biết thêm, vào đây chủ yếu là bệnh nhân rất nặng với nhiều bệnh lý khác nhau như: Viêm tụy cấp hoại tử, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim... Đáng lưu ý, nguyên nhân từ máu nhiễm mỡ rất cao. Không ít ca máu nhiễm mỡ tăng nặng đến mức các bác sĩ phát hoảng. Minh chứng cho điều này, GS. TS. Nguyễn Gia Bình lật giở thông tin lưu trữ trên máy điện thoại, hình ảnh ống máu xét nghiệm của một bệnh nhân đã từng điều trị tại đây. Chỉ sau ít giờ được rút ra để mang đi xét nghiệm, lượng mỡ đọng lại đến 3/4, chỉ còn lại 1 phần là máu. Hay hình ảnh túi mỡ được các bác sĩ tách ra trong quá trình lọc máu.
Theo Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt Nam đột quỵ có liên quan tới mỡ máu tăng cao thường xuyên, trong đó 50% tử vong hoặc chấp nhận cuộc sống tàn phế suốt đời, nửa còn lại không bao giờ có được sức khỏe như khi chưa bao giờ bị bệnh. Một thống kê khác của Viện Dinh dưỡng, có 29% người trưởng thành Việt Nam bị mỡ máu tăng cao, trong đó 44,3% người ở khu vực thành thị, tức là cứ gần 3 người có 1 người mỡ máu cao.
Theo lý giải của GS. TS. Nguyễn Gia Bình, trong cơ thể người bình thường, hàm lượng cholesterol và triglyceride là tập hợp của các chất béo được sản xuất tại gan và luôn được duy trì ở một mức nhất định. Chúng có vai trò ổn định màng tế bào, giúp cho hoạt động thẩm thấu các chất dinh dưỡng bên trong cơ thể diễn ra hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, khi xét nghiệm, nếu các chỉ số này tăng lên quá mức so với bình thường, khi đó, người ta gọi là bệnh máu nhiễm mỡ. Hay nói cách khác, máu nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong máu vượt cao quá mức so với bình thường, gây ra những biến chứng và hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh máu nhiễm mỡ khi nồng độ các chất mỡ trong máu bao gồm cholesterol toàn phần, cholesterol (LDL), triglyceride tăng cao vượt quá mức cho phép. Theo đó, dựa vào kết quả xét nghiệm với các chỉ số mỡ máu cụ thể mà các bác sĩ sẽ kết luận một bệnh nhân có bị máu nhiễm mỡ hay không. Chỉ số mỡ máu bình thường là 5,2mmol/l.
"Bệnh máu nhiễm mỡ độ 1 rất khó phát hiện và ít biểu hiện thành các triệu chứng bên ngoài để người bệnh phát hiện khi ở giai đoạn đầu, khi lượng mỡ trong máu chưa tăng lên quá cao. Chính vì vậy, đa phần người bệnh không hề hay biết cơ thể mình bị máu nhiễm mỡ, thường chỉ phát hiện khi tình cờ xét nghiệm chỉ số này", GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho hay.
Stress, suy nhược cũng gây mỡ máu tăng cao
Theo các chuyên gia y tế, bệnh máu nhiễm mỡ xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là xuất phát từ lối sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học của người bệnh. Ví dụ như, việc dung nạp quá nhiều chất béo, ăn quá mức thực phẩm chứa đường, dùng nhiều thức ăn nhanh hay thường xuyên sử dụng rượu, bia... bên cạnh thói quen lười vận động, phải ngồi nhiều giờ trong ngày, ít luyện tập thể thao, tinh thần hay bị stress, căng thẳng, suy nhược... cũng gây nên tình trạng mỡ máu tăng cao. Hiện, tỷ lệ người mắc bệnh máu nhiễm mỡ đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Trên thực tế, máu nhiễm mỡ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như viêm tụy, tiểu đường, bệnh gan, bệnh lý tim mạch... "Đáng lưu ý, máu nhiễm mỡ là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ ở người già. Lượng mỡ trong máu quá cao khiến máu khó lưu thông, dễ gây tắc nghẽn mạch máu và gây nên các cơn đột quỵ bất ngờ", GS. TS. Nguyễn Gia Bình cảnh báo.
Theo GS. TS. Nguyễn Gia Bình, giải pháp đề phòng mắc bệnh máu nhiễm mỡ chính là việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, điều độ. Tránh dùng quá nhiều chất béo, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn có chứa quá nhiều chất béo toàn phần, giảm ăn thịt đỏ; Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, thường xuyên vận động; Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ; Không dùng các chất kích thích, hạn chế uống rượu, bia, đồ uống có cồn, không hút thuốc lá... Không nên ăn tối quá muộn, không nên ăn nhiều chất đạm hay các chất khó tiêu, hạn chế ăn mặn. "Với người bệnh đã bị máu nhiễm mỡ cần thường xuyên kiểm soát cân nặng của bản thân, tránh bị béo phì, thừa cân bên cạnh việc duy trì chế độ dinh dưỡng, luyện tập phù hợp", GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho biết.
Theo baogiaothong
"Choáng" với ống máu xét nghiệm toàn mỡ là chính Bức ảnh đại diện chính là một ống máu xét nghiệm được lấy ra từ một bệnh nhân ở khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai. Bức ảnh cho thấy, có đến hơn nửa hình màu trắng trong ống máu và chỉ còn lại một phần ở dưới là máu của bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân nhập viện...