Nhiều người tự nhận đến từ Hải Dương để được xét nghiệm Covid-19
Quá trình rà soát, cơ quan chức năng TP Hà Nội phát hiện nhiều trường hợp tự nhận đến từ Hải Dương để được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Sở Y tế Hà Nội cho biết từ ngày 15/1 đến 8h ngày 19/2, các quận, huyện của TP đã rà soát được 2.099 người về Hà Nội từ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Hầu hết số này đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 1.562 mẫu âm tính, còn lại chưa có kết quả.
Ngoài ra, các đơn vị của TP thống kê có 31.159 người người từ các vùng khác của tỉnh Hải Dương đã đến Hà Nội trong 14 ngày qua (tính từ ngày 2/2). Cơ quan y tế địa phương đã lấy mẫu cho 9.752 người, 118 mẫu đã có kết quả âm tính.
Nói với Zing , ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, cho biết qua rà soát, các đơn vị của TP phát hiện nhiều trường hợp không đi về từ Hải Dương nhưng vẫn khai là có để được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Hành vi khai báo gian dối này nếu bị phát hiện sẽ xử lý theo quy định hiện hành.
“Người cần xét nghiệm thì không khai báo, người không thuộc diện thì lại khai báo khiến kết quả của việc điều tra không chính xác, không hiệu quả trong sàng lọc cộng đồng”, Phó giám đốc CDC Hà Nội đề nghị người dân khai báo trung thực để TP xét nghiệm đúng người, đúng đối tượng, tránh gây thất thoát, lãng phí ngân sách chống dịch.
Hà Nội sẽ xét nghiệm cho hơn 30.000 người về từ Hải Dương. Ảnh minh họa: Chí Hùng.
Hôm 17/2, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng giao chủ tịch UBND cấp xã, huyện phụ trách rà soát, thông báo toàn bộ các trường hợp về từ Hải Dương (từ 0h ngày 2/2) và các ổ dịch tại các tỉnh, thành phố khác (trong thời gian 14 ngày vừa qua).
Những người này được yêu cầu tự cách ly y tế tại nhà, thời gian tính từ khi rời ổ dịch đến khi đủ 14 ngày. Nếu qua 14 ngày, họ phải tiếp tục tự cách ly đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
TP cũng đề nghị người về từ Hải Dương chủ động liên hệ với cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm. Riêng đối với những người về từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), UBND xã, phường, thị trấn, ra quyết định cách ly tại nhà (thời gian cách ly đủ 14 ngày kể từ khi rời ổ dịch và tự cách ly tiếp 14 ngày đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính).
Tính đến 8h ngày 19/2, Hà Nội ghi nhận 35 ca mắc Covid-19. Số ca mắc theo quận, huyện: Nam Từ Liêm (13), Đông Anh (5), Cầu Giấy (6), Mê Linh (5), Hai Bà Trưng (2), Tây Hồ (2), Đống Đa (1), Ba Đình (1).
Bí thư Hải Dương: 'Tết năm nay chắc chắn rất đặc biệt'
Để ứng phó dịch Covid-19, các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hải Dương trực 24/24h và xác định "không có Tết". Còn người dân được vận động vui Tết an toàn, không liên hoan, chúc Tết.
Ngày 27/1 - khi chỉ còn cách Tết Nguyên đán Tân Sửu 2 tuần - dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại tại Hải Dương với nhiều ca nhiễm liên tiếp được phát hiện tại Công ty POYUN.
Chia sẻ với Zing , Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định quyết tâm của địa phương trong cuộc chiến chống Covid-19 và nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế.
Giải pháp đồng bộ, quyết liệt cùng chiến lược mới
- Sau 2 tuần quyết liệt chống dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tình hình hiện nay ở Hải Dương diễn biến như thế nào, thưa ông?
- Đây là đợt dịch bùng phát thứ ba trên địa bàn tỉnh Hải Dương, lây lan nhanh nhất từ trước đến nay, diễn ra hết sức bất ngờ. Dịch xuất hiện đầu tiên ở Công ty POYUN trên địa bàn TP Chí Linh, tập trung ở 3 đơn vị hành chính của Hải Dương là TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và huyện Cẩm Giàng.
Đến nay Hải Dương đã phát hiện hơn 320 bệnh nhân dương tính với Covid-19, số người phải cách ly tập trung là hơn 11.700 người.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết lãnh đạo chủ chốt của tỉnh xác định trực 24/24h dịp Tết để sẵn sàng chỉ đạo, ứng phó với dịch bệnh. Ảnh: Quang Vinh.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan trên diện rộng, tỉnh Hải Dương cùng sự giúp đỡ của Bộ Y tế đã tiến hành các biện pháp hết sức khẩn trương, quyết liệt và cũng rất bình tĩnh, tự tin.
Trong suốt cuộc chiến chống dịch Covid-19, chúng tôi đều đưa ra một phương châm thống nhất để thực hiện trong toàn hệ thống, đó là "bình tĩnh, tự tin, chủ động, thần tốc, quyết liệt và 4 tại chỗ".
Trong suốt cuộc chiến chống dịch Covid-19, Hải Dương đưa ra phương châm thống nhất là "bình tĩnh, tự tin, chủ động, thần tốc, quyết liệt và 4 tại chỗ"Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng
Hải Dương kích hoạt các cấp của hệ thống chính trị lên mức cao nhất, tập trung tất cả nguồn lực, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch, đồng thời, luôn coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm chống dịch trong suốt thời gian qua.
Đến nay, các ổ dịch tại TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng đã cơ bản được kiểm soát. Hải Dương đã làm chủ tình hình, chủ động ứng phó với dịch thay vì bị động như thời điểm dịch vừa bùng phát trở lại.
Có thêm một số ca nhiễm mới được phát hiện nhưng đều đã được cách ly tập trung nên không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.
'Hy sinh hạnh phúc cá nhân để mọi người đón Tết an toàn' "Tôi rất nhớ gia đình, nhớ 2 con nhỏ ở nhà. Tôi hy sinh hạnh phúc cá nhân để mọi người cùng đón Tết an toàn", lái xe 115 tại Bệnh viện dã chiến 1, TP Chí Linh, chia sẻ.
- Trải qua 2 đợt dịch và đã có những kinh nghiệm nhất định, cùng với học hỏi kinh nghiệm chống dịch của một số địa phương khác, Hải Dương đúc rút được những bài học mới nào để chống dịch hiệu quả?
- Khi có dịch, Hải Dương tập trung truy vết thật nhanh bằng việc áp dụng công nghệ. Chúng tôi cũng sử dụng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ giúp việc truy vết F1 rất nhanh. Sau đó tiến hành khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng và xét nghiệm rất nhanh. Công suất xét nghiệm của tỉnh hiện nay có thể đạt tối đa 20.000 mẫu.
Khi xét nghiệm nhanh trên diện rộng sẽ xác định được những điểm có nguy cơ nhất và khoanh thật chặt chỗ đó. Khu vực có nguy cơ có thể chỉ là những vùng rất hẹp như khu dân cư, tổ dân phố hay vài chục hộ gia đình.
Khi dịch xảy ra, Hải Dương tiến hành truy vết nhanh, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để sàng lọc các đối tượng có nguy cơ. Ảnh: Thạch Thảo.
Sau khi xét nghiệm diện rộng, chúng tôi tiến hành phong tỏa, cách ly y tế diện hẹp. Đây là chiến lược mới trong phòng, chống dịch, nhằm tác động ít nhất đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa, nhất là vào dịp Tết.
Hải Dương đưa ra giải pháp rất linh hoạt, tùy theo diễn biến, mức độ của dịch. Chúng tôi không vội vàng, cũng không quá lo lắng để đưa ra những quyết định không chính xác.
Tỉnh đang tiến hành điều trị cho hơn 320 bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến, trong đó có khoảng 10 bệnh nhân nặng, chưa có ca tử vong.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 3 bệnh viện dã chiến thì 2 bệnh viện đã được trưng dụng, còn Bệnh viện dã chiến số 3 đang củng cố cơ sở vật chất, máy móc để tiếp tục đưa vào hoạt động trong thời gian tới khi có nhu cầu.
Trong quá trình chỉ đạo chống dịch, chúng tôi có sáng kiến là yêu cầu mỗi xã phường, thị trấn phải chuẩn bị ít nhất một cơ sở cách ly tập trung do lãnh đạo xã chịu trách nhiệm để khi có tình huống cần cách ly với số lượng lớn, ngay trong đêm có thể cách ly hàng nghìn người.
Trước đây, điểm cách ly chỉ tập trung ở cấp huyện, khi dịch diễn ra trên diện rộng sẽ không thể xoay sở kịp. Đây là kinh nghiệm mới được Hải Dương áp dụng.
Lãnh đạo chủ chốt cùng trực 24/24h, không chia ca
- Lịch trình hoạt động của các lãnh đạo tỉnh trong dịp Tết năm nay thay đổi thế nào khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường?
- Lãnh đạo tỉnh thực hiện chặt chẽ quy trình về phòng, chống dịch. Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các địa bàn, xuống tận thôn, khu dân cư hay các bệnh viện dã chiến, nơi ở của công nhân để chỉ đạo, nắm tình hình, kể cả dịp Tết.
Tết năm nay, tôi và tất cả lãnh đạo từ tỉnh tới xã xác định trực 24/24h. Chắc chắn là Bí thư, Chủ tịch tỉnh năm nay không có Tết.
Lãnh đạo chủ chốt của Hải Dương như bí thư, các phó bí thư, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đến chống dịch đều xác định cùng trực 24/24h, không chia ca
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng
Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh như bí thư, các phó bí thư, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đến chống dịch đều xác định cùng trực 24/24h, không chia ca. Tất cả sẵn sàng chỉ đạo khi có tình huống phát sinh. Bản thân tôi cũng ngủ ở cơ quan hơn một tuần nay không về nhà, vì chống dịch có rất nhiều việc phát sinh ban đêm và cần có chỉ đạo kịp thời.
Năm nay chắc chắn sẽ là một cái Tết rất đặc biệt.
- Khó khăn, áp lực trong chỉ đạo, điều hành khi dịch bùng phát trong một giai đoạn khá đặc biệt như hiện nay là gì, thưa ông?
- Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bùng phát.
Một trong những khó khăn khiến chúng tôi chịu nhiều áp lực, đó là khi Hải Dương có dịch, phải tiến hành phong tỏa một số nơi như TP Chí Linh hay huyện Cẩm Giàng, việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa và nông sản cho nông dân gặp nhiều khó khăn.
Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng và các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh thường xuyên họp bàn giải pháp chống dịch, trực tiếp xuống tận địa bàn, cơ sở để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Thạch Thảo - Báo Hải Dương.
Một khó khăn khác là chúng tôi quá tải về việc xét nghiệm Covid-19. Sau đó, dưới sự giới thiệu của Bộ Y tế, chúng tôi đã phối hợp Công ty Việt Á để nâng khả năng xét nghiệm.
Ngoài ra, còn có khó khăn về nguồn lực tài chính, con người khi phải huy động lực lượng rất lớn cho công tác phòng chống dịch.
Hải Dương đang khắc phục tất cả khó khăn ấy với phương châm 4 tại chỗ, chưa cần viện trợ của những tỉnh khác. Đây chính là thử thách đối với anh em và cũng là thử thách với riêng tôi trên cương vị mới là một ủy viên Trung ương vừa được Đại hội XIII tín nhiệm bầu ra.
- Tết là dịp đoàn tụ, sum vầy nhưng trong bối cảnh hiện nay, tỉnh tuyên truyền đến người dân thế nào để hạn chế tình trạng liên hoan, tập trung đông người?
- Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, không khí Tết không được như mọi năm. Các chợ hoa, chợ truyền thống đều phải thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách, cách ly xã hội.
Tỉnh yêu cầu các cơ sở kinh doanh không thiết yếu như karaoke, cắt tóc, gội đầu, massage... phải đóng cửa để tránh nguy cơ lây nhiễm. Còn các cơ sở thiết yếu khác vẫn mở cửa bình thường, chỉ chú ý không tập trung đông người, phải giãn cách xã hội, và những người không đeo khẩu trang sẽ bị xử phạt.
Chúng tôi tuyên truyền người dân ăn Tết đầm ấm trong phạm vi gia đình, không đi chúc Tết, không giao lưu, không tập trung đông người
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng
Năm nay, nhân dân vẫn ra đường mua sắm nhưng thưa thớt hơn, không tập trung đông người nên không khí cũng trầm lắng hơn. Nhưng người dân rất có ý thức chia sẻ với chính quyền, sẵn sàng đón Tết trong điều kiện chống dịch.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, chúng tôi chủ trương tuyên truyền người dân tiến hành ăn Tết đầm ấm trong phạm vi gia đình, không đi chúc Tết, không giao lưu, không tập trung đông người, thực hiện tốt 5K.
Kinh tế lưu thông và dịch được kiểm soát mới thành công
- Có quan điểm nhận định phong tỏa, cách ly là quyết định dễ cho cơ quan quản lý, nhưng người dân rất khổ. Hải Dương đã ban hành lệnh phong tỏa TP Chí Linh chỉ sau một ngày phát hiện ca nhiễm, cơ sở nào để tỉnh đưa ra quyết định này?
- Đúng là phong tỏa dễ cho cơ quan quản lý nhưng khó cho người dân, doanh nghiệp, vì phong tỏa sẽ ảnh hưởng ngay đến sản xuất kinh doanh, đến phát triển kinh tế. Khi đưa ra quyết định phong tỏa, chúng tôi bàn rất kỹ và có căn cứ đầy đủ mới tiến hành, vì nó liên quan đến cuộc sống của hàng trăm nghìn hộ dân.
Các quyết định phong tỏa được lãnh đạo tỉnh Hải Dương cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng. Ảnh: Thạch Thảo.
Trước hết, chúng tôi căn cứ vào yếu tố dịch tễ, diễn biến tình hình dịch bệnh ở mức nào. Dịch ở mức nguy hiểm, có khả năng lây lan diện rộng thì phải phong tỏa.
Khi đưa ra quyết định phong tỏa, chúng tôi bàn rất kỹ và có căn cứ đầy đủ mới tiến hành
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng
Đặc biệt, chúng tôi dựa vào khuyến cáo của Tổ công tác Bộ Y tế đang hỗ trợ ở địa phương về việc có nên phong tỏa hay không. Sau đó, họp lãnh đạo và liên ngành để đưa ra đánh giá khách quan, xem đối với địa bàn ấy đã cần thiết phong tỏa chưa.
Ngày 27/1 dịch bùng phát ở Công ty POYUN tại TP Chí Linh. Đây là ổ dịch lớn nhất từ trước đến nay vì khi tiến hành xét nghiệm phát hiện tới 170 ca dương tính với Covid-19. Nếu không khoanh vùng, quây chặt ổ dịch này sẽ lan rộng ra rất nhiều nơi, không những của tỉnh Hải Dương mà trong cả nước.
Vì thế, chỉ một ngày sau, chúng tôi ngay lập tức phong tỏa TP Chí Linh. Việc này được cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Ở huyện Cẩm Giàng, trước tình hình phức tạp và có nhiều nguy cơ vì nơi đây tập trung 5 khu công nghiệp với khoảng 60.000 công nhân. Trưa 5/2, chúng tôi cũng phải đi đến một quyết định khó khăn - phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ huyện Cẩm Giàng.
Đến nay, cả 2 điểm phong tỏa của Hải Dương được Bộ Y tế cùng Thủ tướng đánh giá cao, cho rằng Hải Dương đã dũng cảm phong tỏa được 2 khu vực này, nhờ đó kiểm soát dịch tốt hơn.
Mục tiêu Chính phủ đưa ra là phải thực hiện mục tiêu kép - vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Đây là một bài toán khó, một áp lực mà từng lãnh đạo phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định, sao cho 2 mục tiêu được thực hiện song song với nhau, không được quá coi trọng mục tiêu nào.
Thực tế, có một số địa phương quá coi trọng chống dịch dẫn đến lưu thông hàng hóa khó khăn, kinh tế ngưng trệ, như thế cũng không nên.
Bởi kinh tế hiện nay là kinh tế vùng, tạo ra dòng chảy liên thông. Nếu chuỗi cung ứng đứt đoạn, mọi thứ ngưng trệ ngay. Vì thế, tất cả địa phương chống dịch phải cùng hợp tác, chia sẻ với nhau, để dòng chảy kinh tế lưu thông mà vẫn kiểm soát được dịch bệnh, như thế mới là thành công.
Với Hải Dương, kế hoạch đầu năm mới mà tỉnh quan tâm nhất là tổ chức cho các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh như thế nào sau Tết. Chúng tôi đã lên kế hoạch và có hướng dẫn cụ thể theo hướng tất cả doanh nghiệp sẽ xét nghiệm cho công nhân trước khi bắt đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để sàng lọc đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, tổ chức sản xuất an toàn.
Bữa cơm ngày cận Tết nơi tâm dịch
Do bị phong tỏa, nhiều gia đình tại TP Chí Linh, Hải Dương, không thể đoàn tụ dịp Tết năm nay. Nhiều phong tục được thay đổi để phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Chuỗi lây nhiễm chực chờ qua 7 quán karaoke ở Cẩm Giàng Từ một người khách nam nhiễm nCoV hát karaoke ở Cẩm Giàng, truy vết dịch tễ các F1 dẫn dắt qua 7 quán karaoke, phát hiện hai nhân viên nữ dương tính. Sáng 4/2, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện Cẩm Giàng công bố lịch trình hai nữ nhân viên karaoke dương tính, liên quan đến "bệnh nhân 1851". "Bệnh nhân 1851...