Nhiều người sẽ bị quy trách nhiệm trong vụ Nguyễn Thanh Chấn
Trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, nếu điều tra viên cố tình ép cung, mớm cung, nhục hình thì phải xử lý về mặt hình sự.
- Từng là Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng, ông có suy nghĩ gì về vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn?
- Các cơ quan nội chính đã hết sức dũng cảm, dám nhìn thẳng, giải quyết cái sai. Minh oan xong phải bồi thường cho thỏa đáng, sau đó kiểm điểm xử lý trách nhiệm của những người liên quan đến việc này. Các đơn vị liên quan phải đứng ra xin lỗi đoàng hoàng. Anh đã sửa sai thì phải nhận lỗi với người dân và bồi thường thiệt hại về vất chất, tinh thần trong thời gian ngồi tù oan.
- Làm cách nào để khắc phục những sai lầm trong vụ án oan 10 năm của ông Chấn?
- Theo tôi, phải quy trách nhiệm những người trước đây từng tham gia từ việc điều tra, truy tố đến xét xử chứ không phải một ngành. Bây giờ sai thì ngành tòa án phải đứng ra bồi thường, xin lỗi.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: “Các cơ quan nội chính đã hết sức dũng cảm, thấy sai dám nhìn thẳng vào cái sai, giải quyết cái sai”. Ảnh: N.Hưng.
- Là người trong ngành, ông nghĩ gì về thông tin ông Chấn nói bị ép cung, thậm chí nhục hình trong quá trình điều tra?
- Vụ việc này là bất thường và cần phải xác minh làm rõ. Nếu điều tra viên cố tình ép cung, mớm cung, nhục hình để người ta nhận tội thì phải xử lý về mặt hình sự. Với cơ quan khác như công tố, tòa án, do cũng căn cứ vào hồ sơ nên có thể họ nhận thức sai thì tùy theo mức độ xử lý.
Lời khai của ông Chấn thì cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tối cao sẽ làm rõ. Nếu có đủ căn cứ hình sự thì phải xử lý hình sự bởi cái sai đã rõ.
- Để việc ép cung không xảy ra, nhiều nước gắn camera ở phòng giam, ông nghĩ sao?
Video đang HOT
- Để chống bức cung, nhục hình theo tôi có nhiều cách nhưng cơ bản trong luật đã xác định cấm, ai làm sai phải bị xử lý. Đúng ra, những vụ trọng án phải có luật sư tham gia từ đầu để bào chữa cho bị can. Có thể một cá nhân chưa đủ điều kiện để minh oan cho mình nhưng có người khác trợ giúp thì tốt hơn.
- Một số ý kiến phân tích vụ việc này cần theo thủ tục giám đốc thẩm chứ không phải là tái thẩm?
- Tái thẩm là đúng vì có tình tiết mới. Trình tự tái thẩm là phải điều tra, xác minh còn giám đốc chỉ có hủy án để xét xử lại. Tái thẩm là để minh oan.
- Quá trình công tác, ông ghi nhận gì về những trường hợp như ông Chấn?
- Những trường hợp như này từng xảy ra trước đây, nhiều vụ đã xử chung thân.
- Kịch bản tại cơ quan điều tra thì bị can, bị cáo khai nhận tội nhưng ra trước tòa họ lại phản cung, cho rằng bị ép cung diễn ra phổ biến trong các phiên tòa. Nhưng cuối cùng tòa vẫn xử theo hồ sơ vụ án có ở đó, ông nghĩ sao?
- Chứng cứ là một phần hết sức quan trọng nên phải căn cứ vào những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra.
- Trường hợp ông Chấn, nếu không phải gia đình liệt sĩ thì đã bị xử tử hình. Rõ ràng người dân gặp phải những rủi ro rất lớn, ông bình luận gì về điều này?
- Tôi cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến oan sai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử kể cả quá trình sơ thẩm, phúc thẩm đều hết sức chủ quan, phiến diện; chỉ tin vào chứng cứ thu thập chứ không tin vào lời khai của bị can, bị cáo chứng minh người ta ngoại phạm, vì vậy đã làm sai. Nếu đã dũng cảm nhận sai thì phải bồi thường, Viện kiểm sát đã hết sức dũng cảm.
Theo VNE
Chỉ vì gánh nước qua nhà nạn nhân, ông Chấn dính án?
Ông Nguyễn Đức Biền, luật sư từng bào chữa quyền lợi hợp pháp tại 2 phiên toà xét xử vụ án "giết người" đối với ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết, chứng cứ kết tội vụ này rất lỏng lẻo. Theo đó, ông Chấn bị lấy lời khai theo kiểu ép buộc, có sắp đặt.
Luật sư Nguyễn Đức Biền cho biết: "Lần bào chữa cho ông Chấn khiến tôi băn khoăn và trăn trở nhiều nhất trong thời gian tôi đảm nhận tư cách luật sư. Khi ra toà, bị cáo vẫn một mực kêu oan. Và việc bị cáo khi ra trước toà, dù những chứng cứ là xác thực và chứng minh được hành vi phạm tội của đối tượng nhưng bị cáo Chấn vẫn kêu oan, kêu là bị đánh. Nhưng lời kêu oan thống thiết của ông Chấn đã không được cơ quan tố tụng để ý."
Như Dân trí đã thông tin, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên - Bắc Giang chấn động bởi một vụ án giết người. Chị Nguyễn Thị Hoan bị sát hại với nhiều thương tích ở đầu, mặt, bụng. Động mạch bị đứt và mất máu cấp đã dẫn đến tử vong. Sau khi thu thập chứng cứ tại hiện trường và qua quá trình điều tra, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định bắt giữ Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi) trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung để truy tố, xét xử.
Luật sư Nguyễn Đức Biền, người từng 2 lần bào chữa cho ông Chấn khẳng định những lời kêu oan của người này không được cơ quan tố tụng để ý.
Trong hai phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, cơ quan tố tụng đều kết luận Nguyễn Thanh Chấn phạm tội với tội danh "giết người", áp dụng khung hình phạt chung thân đối với "bị cáo". Nhưng 10 năm sau, sự thật mới được làm sáng tỏ, hung thủ thực sự đã bị bắt. Cuối cùng ông Chấn được rửa tiếng oan nhục nhã đeo bám bấy lâu.
Trong hành trình kêu oan, luật sư Nguyễn Đức Biền là người bào chữa cho ông Chấn trong quá trình xét xử vụ án. Sau khi vụ án khép lại, ông đã thôi nghề luật sư, hiện đang giữ chức vụ Hiệu phó của một trường Trung cấp nghề ở Bắc Giang.
Nguyễn Thanh Chấn có bố là liệt sỹ, thuộc diện đối tượng chính sách được trợ giúp pháp lý, nhưng gia đình không mời luật sư mà ông Biền được phía Tòa án chỉ định để bào chữa cho bị cáo.
Theo Luật sư Biền thì ngay khi vừa tiếp cận nghiên cứu hồ sơ vụ án, ông đã thấy rằng tất cả các chứng cứ cơ quan tố tụng đưa ra buộc tội anh Chấn đều rất lỏng lẻo, chưa đủ thuyết phục.
Tình tiết mà cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra là ngày 15/8/2003, tại thôn Me có một giao lưu bóng đá, vợ chồng Chấn bán quán nước tại sân vận động. Vợ ông bảo về nhà múc nước. Trên đường ngang qua nhà chị Hoan, Chấn nảy sinh ý định cưỡng hiếp nên đã lao vào để sàm sỡ. Thực hiện hành vi không thành, Chấn đã thực hiện hành vi giết chị Hoàn?
Còn theo Viện kiểm sát, Chấn về đi lấy nước lúc 19h, khoảng 30 phút sau thì trở lại. Nhưng theo thực nghiệm điều tra thì thời gian đi múc nước chỉ mất 15 phút, nhiều nhân chứng khai rằng "có thể" mất 30 phút, thời gian đó chỉ mang tính ước lượng. Vậy 15 phút đó đi đâu? Chỉ trong 15 phút để giết một mạng người, đó là chuyện rất vô lý.
Ngoài ra, luật sư từng bào chữa cho ông Chấn cho rằng, việc Chấn mô tả đồ vật trong nhà chị Hoan trong hồ sơ một cách thuần thục từng chiếc giường, tủ ở đâu là điều dễ hiểu. Bởi giữa nhà Chấn và nhà chị Hoan rất gần nhau, chị Hoan bán hàng, nên Chấn cũng thường xuyên qua lại đó. Lập luận tình tiết này, luật sư cho rằng đây lại là lời khai theo sự "chỉ dạy" của điều tra viên.
"Riêng dấu chân của Chấn ở hiện trường mà cơ quan điều tra thu được khi ướm dấu bàn chân của Chấn lên đó thì gần vừa. Nếu là vân chân, vân tay thì kết luận này còn có cơ sở, nhưng vết bàn chân tương tự nhau khi úp vào sẽ có kích thước khá giống nhau" - theo luật sư Biền thì đây là một tình tiết đặt ra dấu hỏi quan trọng nhất trong vụ án này
Vỡ oà giây phút hội ngộ giữa ông Chấn ( ảnh bìa trái) và luật sư từng 2 lần bào chữa cho ông này trước toà.
Thêm một tình tiết nữa là, hung thủ gây án đã để lại hiện trường 1 lưỡi dao. Sau khi gây án xong, Chấn đã cầm theo chuôi con dao về vứt tại bãi sắt vụn của nhà Thúy Phượng gần đó. Nhưng khi ông Biền trực tiếp đến nơi thì gia đình này xác nhận rằng không phát hiện ra chuôi dao ở đây?
Ông Biền lập luận, Cơ quan điều tra thu được chuôi con dao mà lắp khít vào lưỡi dao thu tại hiện trường thì không cần thêm một chứng cứ nào nữa, hoàn toàn khẳng định được Chấn gây án. Cũng trong thời điểm xảy ra vụ án mạng, có nhân chứng xác nhận thấy Chấn cho người gọi nhờ một cuộc điện thoại. Bảng thu cước điện thoại của Bưu điện cũng ghi rõ cuộc gọi được thực hiện lúc hơn 19h. Đó cũng là một bằng chứng ngoại phạm khẳng định Chấn không hề phạm tội.
"Theo tôi, việc dẫn dắt sự việc của cơ quan điều tra diễn ra theo quá trình triệu tập nghi can lên để lấy lời khai, rồi thu thập chứng cứ, rồi khép lại. Sau đó đưa ra xét xử, buộc tội là chưa hợp lý. Nếu thực hiện theo đúng quy trình tố tụng, thu thập lời khai của Chấn rồi so sánh với hiện trường thì có lẽ kết quả đã khác.
Cũng theo ông Biền, tại phiên tòa, luật sư này đã thắc mắc với Chấn rằng: "Sao em lại khai báo các tình tiết trong hồ sơ một cách thuần thục như vậy nhưng khi ra tòa lại không nhận?". Chấn bảo rằng: "Anh ơi, điều tra viên dạy em khai như vậy".
"Tôi cảm thấy rất thương Chấn, tại vì qua nghiên cứu hồ sơ, qua tiếp xúc với Chấn tại phiên toà thì thấy nếu như kết tội Chấn phạm tội giết người là chưa thoả đáng. Nhưng HĐXX là cơ quan có quyền ra phán quyết. Về lương tâm làm nghề thì thực sự thấy chứng cứ buộc tội lỏng lẻo, không thuyết phục" - luật sư từng bảo vệ người bị tù oan 10 năm chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Chấn khai trước công luận về đêm định mệnh cuộc đời: Vào khoảng 19h ngày 15/8, vợ tôi bảo về nhà lấy nước để mang ra ngâm cà pháo. "Lúc đi qua nhà cô Hoan, tôi vẫn thấy hai mẹ con cô ấy đang ngồi ở giường, cô Hoan còn đang đút cơm cho con ăn. Sau đó tôi lấy nước và mang ra quán. Ít phút sau, tôi lại về nhà ăn cơm và ra trông quán để đổi cho vợ về nhà ăn. Đến khoảng 21h hai vợ chồng tôi dọn quán và trở về nhà đi ngủ". Đến khoảng 23h, tôi nghe bà con trong xóm râm ran bàn chuyện chị Hoan bị ai đó giết, máu me vương vãi khắp nhà. Tôi đã gọi ông Đệ và ông Sáu ở gần đấy sang nhà chị Hoan xem sự thể. Đến nơi, người họ hàng chị Hoan còn nhờ tôi gọi điện thoại báo việc chi Hoan bị hãm hại. "Tôi về nhà để gọi 2 cuộc điện thoại. Đến cuộc thứ 2, nghe thấy chồng chị ấy bắt máy, tôi thông tin rằng: "Hoan chết rồi, anh về ngay đi".
Theo Dantri
Vụ án oan 10 năm tù: "Nếu ép cung, phải xử lý hình sự" "Oan sai khiến anh Chấn phải ở tù 10 năm, nguyên nhân chính là do trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử kể cả sơ thẩm, phúc tẩm đều hết sức chủ quan, chỉ tin vào chứng cứ thu thập, không tin lời khai của bị can, bị cáo...". Sáng ngày 6/11, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bá...